Đàm Chu Văn & Tiếng mùa bên dòng sông Đồng Nai

VHSG- Với phong cách đĩnh đạc và chuẩn mực ở ngoài đời cũng như trong sáng tác, đến nay nhà thơ Đàm Chu Văn đã cho ra đời 9 tập thơ: Và em chợt hiện, Quả bóng xinh, Dòng sông ngại chảy , Cào cào giả gạo, Câu đố thơ-thơ câu đố, Hai phía thời gian, Giấc rừng, Tiếng mùa và mới nhất là Xao thu. Đó là chưa kể những tập thơ in chung, bút ký, truyện ký, phê bình…

Riêng trong tập thơ Tiếng mùa, nhận thấy anh viết đa dạng về  thể loại và đề tài, cùng với những bài thơ viết theo thể thơ truyền thống, anh cũng có những sáng tác theo hướng tìm tòi đổi mới. Dù ở thể loại nào phần lớn thơ của Đàm Chu Văn trong Tiếng mùa cũng nói về con người và quê hương Đồng Nai: Gươm mẻ bao trận mạc/ Thành cái rựa chặt cây/ Thành mái dầm quạt nước/ Theo ta khai mở đất này (Khúc hát người mở cõi)

Nhà thơ Đàm Chu Văn

Sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, học đại học và chuyển  về làm việc tại Đồng Nai. Nhận Đồng Nai là quê hương thứ hai của mình, Đàm Chu Văn luôn trăn trở khi nghĩ và viết về mảnh đất đã dung dưỡng anh, từ những tình cảm đó anh  bộc bạch:

Ta yêu đất nước này như yêu mẹ

Người khổ đau cho ta được nên người

Người goá bụa cho ta hạnh phúc

Người còng lưng cho ta ngẩng mặt trời

Cho ta về bên giấc mẹ ru nôi

(Viếng mộ Trịnh Hoài Đức)

Những hình ảnh thân quen, từ khi các bậc tiền nhân đi mở cõi cho đến thời kỳ đổi mới. Những địa danh, những di tích lịch sử, những cộng đồng người dân tộc… mà mỗi bước chân đi qua trên miền đất Đồng Nai anh đều ghi nhận lại như: Khúc hát người mở cõi, Đồng Nai tráng khúc, Uống rượu cần ở nhà văn hoá Châu mạĐá chồng Định Quán, Tiếng thì thầm ngoài cửa An Lộc, Cành mai Biên Hoà, Thơ đề Thiên Hương quán… Và để bắt nhịp với đời sống, từng giờ, từng ngày đang đổi thay, những  nhà máy, công ty mọc lên với những mảnh đời từ khắp nơi  quy tụ về nơi đây lập nghiệp. Trong không khí đổi mới đó đã mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều người,  không thể không có những mặt trái của nó, cùng chia sẻ và cảm thông, người thơ ấy không thể đứng ngoài cuộc:

Chợ hôm mở nhọ mặt người

Mớ rau con cá còn tươi với chiều?

Đẫm ngày tất bật đăm chiêu

Giọt mồ hôi nặng bao nhiêu hỡi người!

(Chợ hôm Pouchen)

Hình ảnh những công nhân từ nhà máy bước ra và những phiên chợ  đêm, chợ tạm được mô tả sống động, những tất bật nhọc nhằn để có được miếng cơm manh áo, thì mọi người phải làm việc như máy móc, khi trở về hoàng hôn đã tắt, cái ăn cái ngủ nhiều khi cũng tạm bợ như công việc và  cuộc sống của họ:Chợ hôm mở đón người quenMua mua bán bán lấn chen vội vàng/Ăn ăn uống uống quáng quàngĐêm trời vun vút mang mang phận người (Chợ hôm Pouchen)

Vì băn khoăn suy nghĩ về những thân phận con người, anh đã nhận ra rằng: để quên đi những âu lo cuộc sống vốn bấp bênh đang diễn ra hàng ngày, người ta thường vin vào những hoài bão, ước mơ. Và nhà thơ cũng không ngoại lệ:

Giá như ghép sách làm buồm được

Chữ có bay lên đến được trời

Mỗi trang sách thấm bùn thấm máu

Làm sao rủ được bạn rong chơi

(Độc ẩm)

Giá như hoặc có thể mà thực hiện được thì có lẽ nhà thơ đã trở thành chàng hoàng tử, để trở về cổ tích cùng nàng Bạch Tuyết xinh đẹp sống hạnh phúc trong rừng sâu thăm thẳm với bảy chú lùn, để cách ly với cuộc sống ồn ào náo nhiệt. Nhưng đó cũng chỉ là giấc mơ mà thôi, để rồi chàng hoàng tử ấy phải quay về cuộc sống thực tại, gặp lại những nàng công chúa của thời @: Những cô gái không biết ru con/ Không thuộc nửa câu lục bátNhững câu ca dao vàng ngọcCác em hắt như sỏi đá xuống mồ (Những cô gái không biết ru con)

Khi nhạc Rap, Hip-Hop đang xâm nhập mạnh vào đời sống, vào giới trẻ, nhà thơ không khỏi lo lắng cho sự xói mòn những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc:

Những cô gái không biết ru con

Những lời ru ngủ vùi quên lãng

Lời ru cũng nổi chìm vất vưởng

Hoang mang chẳng lối về…

(Những cô gái không biết ru con)

Đâu là lối về cho những quên lãng, cho những giá trị tinh thần đang có nguy cơ đứng bên bờ vực thẳm? Cũng như những người có trách nhiệm khác nhà thơ vô cùng hoang mang, liệu những câu thơ viết ra có thức tỉnh được điều gì, hay để rồi theo năm tháng cùng lời ru đi vào trong cổ tích.Và thơ của Đàm Chu Văn cũng chứa đầy triết lý, triết lý ấy không phải để làm màu cho những bài thơ, mà đó là sự nhận thức sâu xa về những điều mắt thấy tai nghe, những hiện tượng trong đời sống  luôn để lại trong anh những dấu hỏi:

Nhàu nhĩ – xác xơ- tơ mướp

Không tuổi

Không tên

Không khái niệm thời gian

Sao mái tóc người điên cũng bạc?

(Tóc bạc người điên)

Người ta thường nói tóc bạc với thời gian, nhưng người điên hoàn toàn không có khái niệm đó. Không tính toan, không lừa lọc, không tranh giành, không hạ bệ  lẫn nhau …chẳng gánh chịu những lo toan của cuộc sống, cũng chẳng suy nghĩ gì vậy mà tóc cũng bạc. Thôi thì đó là quy luật phải chấp nhận để tồn tại, để mọi người còn biết nghĩ lại mà sống với nhau tốt hơn, lương thiện hơn. Và hoá giải câu hỏi đó Đàm Chu Văn chỉ còn hy vọng vào những câu thơ mong mang lại một chút  niềm vui cho mình, cho đời: Thơ tôi viết giữa muôn ngàn ánh điện/Vọng hương vườn ngai ngái ánh trăng in (Tản mạn ở làng năm đầu thế kỷ 21)

Những câu thơ viết giữa muôn ngàn ánh điện ấy, có thể làm lu mờ ánh trăng  trong vườn thơ đượm hương hoa của Tiếng mùa và cũng là tiếng lòng của Đàm Chu Văn, nó như những đợt sóng ngầm thỉnh thoảng trào dâng trên dòng sông Đồng Nai đầy yêu thương và quyến rũ này.

NGUYỄN ĐỨC PHƯỚC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *