
Phần thứ hai
DẤY BINH KHỞI NGHIỆP
Chương một
Hào trưởng sách Đào Áo
1.
VHSG- Một hôm, Hoàn cho gia nhân lên Thung Lau, mời lão Bộc và bọn tâm phúc về Bồ Đề, bàn chuyện.
– Chẳng hay, chuyện gì hệ trọng, mà chú cho gọi bầy tôi về, vừa chân ướt chân ráo đến nhà, Điền đã hỏi độp luôn.
– Thì cứ từ từ hẵng nào, mời lão Bộc cùng anh em uống chén rượu nhạt tẩy trần, rồi tôi thưa câu chuyện, – Hoàn vẫy tay, gọi gia nhân hầu rượu.
– Bữa nay, chủ tướng khách sáo quá đấy, – Bặc đùa.
– Chẳng là thế này, thưa lão Bộc và anh em… Hôm rồi, các cụ bô lão sách Đào Áo(1), có ý tôn vinh tôi làm Hào trưởng.
– Thế thì hay quá! – Điền vỗ đùi kêu to.
– Nhưng nghĩ đi, cũng phải nghĩ lại, nhìn trước cũng phải ngó sau. Năm nay, tôi hai mươi, cả tuổi mụ mới được hăm mốt, làm bố trẻ con mới được ba, bốn năm. Nên nghĩ mình còn non nớt. Chả nhẽ, lại dám ngang hàng với chú Thúc Dự.
– Cậu nghĩ thế cũng sâu, nhưng mà chưa thấu. – Lão Bộc nhấp chén rượu, vuốt chòm râu thưa đốm bạc khề khà nói, – các cụ dạy, con hơn cha là nhà có phúc; thiển nghĩ, Hào trưởng Thúc Dự càng mừng, khi thấy con cháu phương trưởng cũng hởi lòng, nhớ câu chuyện ủy thác của huynh trưởng năm nào.
– Tôi thấy, bằng hữu đã làm thủ lĩnh bấy nhiêu năm, cai quản, huấn luyện trẻ mục đồng thành lính trận, đâu phải dễ; vả lại, còn được tập ấm thời Ngô Vương, kém cạnh gì nữa nào, – Bặc thong thả dãi bày tâm sự.
– Ôi dà, từ khi chú Dự thấy rồng vàng cõng hiền đệ qua sông, đã sợ vãi cả ra rồi, đâu còn dám ho he, kèn cựa, – Điền bô bô, nói trắng phớ ra vậy.
– Ấy chớ, – Hoàn vội giơ tay can. – Tôi coi chú như cha. Việc này, bàn với anh em, rồi còn phải hỏi ý chú.
– Chú đây, gọi chú thì có chú đây! Dự đây! – Thúc Dự hồ hởi bước vào, – biết cả rồi. Mày, à quên, – Dự cười đánh trống khỏa lấp, – Sứ quân nhận chân hào trưởng ấy là phải, chí phải!
Được lời như cởi tấm lòng, cả bọn ồn ào cười nói.
– Hồi nãy, cậu Bặc nói đến Ngô Tiên Vương, chợt nhớ cái sự phi thường của bậc hào kiệt, – lão Bộc lại nói. – Tiên Vương sinh năm Mậu Ngọ (898), đến nay là Giáp Thìn (944), vị chi bốn mươi bảy tuổi trời, – lão rân rấn nước mắt, bấm đốt ngón tay. – Nghe nói, lúc ngài sinh ra, có ba nốt ruồi ở lưng. Thày tướng số đoán, về sau sẽ làm chúa một phương. Quả là lời thần.
– Tôi nghe nói, ngài khỏe lắm, cầm cái vạc mà giơ lên cao được. Thật là, sức khỏe vô biên, – Điền cũng góp chuyện. – Mà mắt ngài sáng như sao, dáng đi khoan thai như hổ, chỉ tiếc đoản thọ.
– Thế là, mới được dăm, sáu năm trị vì thiên hạ, – Tú nói, vẻ luyến tiếc.
– Cũng con dòng cháu dõi, – lão Bộc lại nói. – Con nhà hào trưởng Đường Lâm, phụ thân là Ngô Mân. Ngô Tiên Vương sinh vào năm Càn ninh thứ năm, Quang hòa đời đầu Đường Chiêu Tông. Đấy, cái chân hào trưởng không phải là thường, cậu chủ ạ.
Nghe vậy, cả bọn à lên, mãi mới hiểu thâm ý, trong câu chuyện con cà con kê của lão Bộc. Thế rồi lão còn kể về những năm tháng theo hầu Đinh Thứ sử bôn tẩu Cổ Loa, Châu Hoan, Châu Ái, không đâu là không có lốt chân của người có đầu óc kinh bàng tế thế. Cả bọn hiểu thêm về chuyện con dòng cháu giống, chứ không phải cái chuyện “Dần táng Mão phát” được đâu.
2.
Từ năm Giáp Thìn (944), Hoàn làm Hào trưởng sách Đào Áo, lòng người càng quy tụ. Các vị bô lão bảo nhau:
– Hào trưởng, bây giờ, tiếng vang ra khỏi sách Đào Áo, khi xưa có được Ngọc khuê, giời lại cho Rồng vàng cõng qua sông, Ngô Vương vời cho tập chức Nhiếp thứ sử, Ngự phiên đô đốc. Vậy ắt hẳn là số quân vương. Cứ xem cách dụ người, luyện quân thì rõ…
– Phải, ta phải bảo con cháu đầu quân, kẻo về sau hối không kịp.
– Bữa nọ, tôi qua núi Kỳ Lân, thấy có lão đánh cá trên khúc sông Hoàng Long, vừa gõ mạn thuyền, vừa ca rằng: “Đại Hữu sinh vương, Điềm Dương sinh thánh”. Tôi toan ới vào mà hỏi sự tình xem sao, thì bỗng nhiên sông nước mịt mù, làm tối tăm cả mặt mũi. Đến khi giời quang mây tạnh, thì trên sông tịnh không thấy gì nữa. Nhưng lời sấm truyền tiếng giời thì vẫn âm âm u u vọng vào vách núi.
– Đại Hữu là làng ta đây rồi, ắt hẳn lời sấm ấy ứng vào Đinh Hào trưởng. Xem ra, không thể là ai khác được.
– Phải đấy, khi Hào trưởng ra đời, lá sen trong núi hiện chữ “Vương” cơ mà. Nhưng còn Điềm Dương thì sao?
– Có là Điềm Dương là làng Điềm, Điềm Giang, ngay dưới hạ lưu kia thôi. Nhưng ông Thánh nào nhỉ? Có dễ, chưa hiển cũng nên!
Câu chuyện của các bô lão, lập tức lọt tai trẻ mục đồng. Và từ bấy trở đi, ở đâu cũng đồn thổi câu sấm đấy.
*
– Chết thật, quân lên đông thế này, lấy lương cả Uy Viễn, Đào Áo cũng không xuể, – Điền lo lắng, nói với Bặc.
– Thì ta nhờ lương sách Bông của ông Dự, – Bặc tính kế. – Xem ra, từ khi thấy ông Rồng cõng Chủ tướng qua sông, thì đã mười phần nể phục rồi.
– Tính độ nhật thì được, chứ cứ ròng rã như tằm ăn rỗi thế này, thì núi cũng lở, phải không lão? – Điền quay sang lão Bộc tham vấn.
– Bây giờ, – lão Bộc quài tay sửa cái búi tó trên đầu đã nhỏ dần lại. – Cánh ta bàn với cậu Hoàn, chỉ lấy bọn nhớn, đang vỡ tiếng, mặt mọc trứng cá giở lên, cho luyện tập tinh thông, rồi lại thay lớp khác, giữ lại Thung Lau làm căn cứ. Còn lại, cứ cho đăng, luyện xong là bảo về làng, khi động dụng mới gọi ra. Bọn để chỏm, thì cũng cho xem luyện tập, khi thấy ham, ta phủ dụ cho về bú tí mẹ, đợi lúc có bắp tay, bắp chân mới huấn luyện. Chứ cứ tràn lan như xúc đống hến thế này, khó lắm thay.
– Phải, tôi thấy kế này hay, quả là lão đã theo hầu quan thứ sử, có khác, – Bặc ôm chầm lấy lão Bộc mà tỏ nỗi vui mừng.
– Nhưng mà, tôi bảo là phải bàn với cậu Hoàn cho nát nước ra hẵng, – lão Bộc rưng rưng, nhẹ nhàng gỡ tay Bặc ra.
– Nói phải củ cải cũng nghe, nhề, – Điền nháy mắt với Bặc, vẻ tinh quái. Chợt nhớ chuyện hôm nào, Hoàn hỏi thấy đồ về chữ “Bặc”, Điền nghĩ bụng, thằng này cũng bợm, có khi nó còn vượt mặt ta, không chừng. Thằng Hoàn bện nó hơn ta.
– Nghe nói, đợt này, chủ tướng quyết tâm vận động bọn mục đồng khai ruộng, phát nương đấy! – Bặc bảo, – đâu như, để bác Điền chỉ huy.
Nghe vậy, Điền ngửa cổ, cười chảy nước mắt, nói:
– Tao chỉ huy xới cơm thì nhọn, chứ cấy hái không phải việc của kẻ trượng phu, chớ coi thường nhau.
Bặc thở dài, bảo:
– Tướng không thông, thì quân không động.
– A, tao có kế này, bảo thằng Tú, – Điền cười đắc chí, – Nó thạo việc, mà lại khảnh ăn, chứ tao vào chỗ kho đụn, khác nào chuột sa chĩnh gạo.
Lão Bộc cười hơ hớ, bảo;
– Hôm nay mới thấy cậu Điền biến báo, cũng hăng ra phết!
Chương hai
Dương Bình Vương gây nên mầm loạn
1.
Ngô Quyền lâm bệnh trọng, kinh đô Cổ Loa buồn hẳn đi, từ lão ngư phủ đánh cá trên sông Hoàng Giang, đến bà bán bún Mạch Tràng chợ Sa cũng rầu gương mặt.
Trong triều, từ Tổng quản đến các ban văn, võ, tăng quan, ai nấy đều lo lắng. Nếu chẳng may, Ngô Tiên Vương về chầu trời, thì lấy ai làm người kế nghiệp. Bởi, các hoàng tử còn thơ ấu, chỉ sợ xảy ra chuyện tranh bá đồ vương thì ắt loạn lạc, nồi da xáo thịt. Lúc ấy, bọn phương Bắc lại thừa cơ thôn tính, muôn dân lầm than. Phương Bắc, cái họa ngàn đời, sểnh ra là nước mất nhà tan với chúng.

Quan thái y bốc các loại thuốc tốt nhất, để trị bệnh và tĩnh dưỡng long thể, nhưng Ngô Vương, bệnh tình ngày càng trầm trọng. Biết mình khó qua khỏi, Ngô Vương bèn vời Dương hậu đến bên, tâm sự và tính chuyện chọn người kế vị:
– Từ khi ta với nàng gặp nhau trên cầu Ba Giăng, trong lòng vẫn đậu nguyên hình bóng nàng Dương Phương Lan, ngày ấy. Thấm thoắt, mình đã có với nhau bốn mặt con, – nhác thấy bọn thái y, thái giám lởn vởn, bèn phẩy tay đuổi ra, – nàng thấy chúng thế nào?
– Thiếp được hưởng ơn mưa móc, như thế cũng là thỏa rồi. Nay long thể bất an, Tiên vương phải tĩnh dưỡng mới được, – Dương hậu lệ đáp.
– Chính ta mới là kẻ phải chịu ơn sâu của Tiết độ sứ. Hẳn nơi chín suối, ông ngoại cũng phù hộ cho bốn cháu giai. – Ngô Vương nén tiếng thở dài, – hiềm một nỗi, chúng còn thơ dại. Nếu ta mệnh hệ gì, thì nàng nương tựa và đâu?
Nghe vậy, Dương hậu khóc sụt sùi, nói trong nước mắt:
– Tiên Vương chớ cả nghĩ mà thêm bệnh, – Dương hậu lấy khăn lau nước mắt, nói. – Xương Ngập là cả, hơi chậm, nhưng chậm chắc. Xương Văn là thứ, nhưng tinh nhanh từ bé. Còn hai đứa Nam Hưng, Cảnh Hưng thì miệng còn hơi sữa, chưa biết thế nào.
– Chính ý ta cũng muốn hỏi nàng như thế. – Ngô Quyền cựa mình ngồi dậy, Dương hậu vội dan tay đỡ, – xưa nay, truyền ngôi cho con thứ, bỏ con trưởng, bao giờ cũng sinh loạn, mà thằng Ngập thì e khó cáng đáng nổi đại sự quốc gia. Nàng cho gọi cậu Kha, mau!
Dương hậu vội bước ra ngoài điện, sai người gọi Dương Tam Kha. Biết là việc kíp, Kha lật đật chạy vào. Ngô Quyền trỏ Kha, nói trong hơi thở dốc:
– Ta ủy thác con côi cho ngươi…
Ngô Quyền chưa kịp nói hết câu, thì sức tàn lục kiệt, gục xuống. Dương hậu thét lên một tiếng, rồi cũng ngất lịm đi. Dương Tam Kha hoảng sợ, gọi quần thần đến và thuật lại như thế, như thế… Nghe vậy, ai nấy đều thương cảm.
2.
Khi chỉ có hai chị em ngoài vườn cung hoàng hậu, Dương hậu khẽ nói:
– Theo ý các quan Thái sư, Tổng quản, Thái úy, Phú quốc, Tướng quân… thì đều có ý đưa thằng cháu Ngập lên ngôi.
– Không riêng gì thằng Ngập, mà cả bốn đứa, tuy đều là hoàng tử con vua, nhưng vắt mũi chưa sạch, chơi còn chửa xong, nói đâu chuyện trị vì thiên hạ, – Kha nói huỵch toẹt. – Ngôi vua của anh rể, chẳng qua nhờ chị, mà bố truyền cho, vì lúc tôi còn bé, khác nào chúng bây giờ. Tôi mà được như bây giờ, ngôi báu đâu đến họ Ngô?
– Nhưng mà, lúc lâm chung, anh cậu đã trăng trối đó thôi? – Dương hậu nghe khẩu khí em trai, trong bụng đã thập phần lo lắng.
– Thì tôi cứ làm hộ chúng nó, đến lúc khô đầu khô sọ, tôi giả, – Kha lý sự cùn.
– Ngôi vua mà cậu làm cứ như cái áo, thích ai thì trao được sao? – Dương hậu đã có ý bực, sao không nói câu nhiếp chính cho thuận lòng quan, hợp ý tôi.
Có bọn thị nữ ra vườn, hai chị em không cãi nhau nữa, nhưng xem chừng dã tâm cướp ngôi của Kha đã lộ rõ như ban ngày, nên Dương hậu chỉ còn biết kêu trời. Chị em có chém nhau, cũng chỉ chém đằng sống, chứ ai chém đằng lưỡi. Mà nghĩ cho cùng, thì cái chức Tiết độ sứ Tĩnh Hải Quân, cũng là vua một nước, thì từ bố mình cơ mà. Nhẽ ra, để thằng cả lên ngôi, mình ngồi buông rèm nhiếp chính mới hợp nhẽ. Chả gì, triều đình đã là của nhà Ngô, mà mình xuất giá tòng phu, trao xương gửi thịt cho Ngô Tiên Vương rồi, chứ còn của nhà Dương nữa đâu? Thằng Kha tiếm quyền thế này, không khéo mà cậu cháu tranh giành nhau, làm loạn thiên hạ không biết chừng. Mình đã gợi ý đến nơi cái chuyện nhiếp chính, thế mà nó bỏ ngoài tai…
Ý nghĩ mông lung, đưa bước chân Dương hậu hoàng hậu dạo quanh Giếng Ngọc tự khi nào. Mỗi khi qua am Mỵ Châu, nàng lại rợn tóc gáy, khi thấy pho tượng thờ là hòn đá hình người cụt đầu. Dân Cổ Loa lưu truyền câu chuyện, hòn đá tượng Mỵ Châu trôi về đây thì dừng, thiêng đến thế là cùng. Nghe nói, Hai Bà Trưng khi xưa đã giấu quân ngoài Đầm Cả. Đêm, mơ thấy Mỵ Châu về kể chuyện oan tình và hứa sẽ âm phù diệt giặc. Hai Bà Trưng đã mổ trâu cầu lễ, rồi đánh tan thành Luy Lâu là sào huyệt của Tô Định. Nhưng An Dương Vương chém đầu nàng ở tận Diễn Châu, chỗ đèo Mộ Dạ kia mà, thì hòn đá làm sao “trôi” được xa thế nhỉ? Dù sao, Mỵ Châu vẫn trở lại Loa Thành, còn ta, binh biến xảy ra, thì biết dạt về đâu? Đột nhiên, bóng dáng cầu Ba Trăng trên sông Đáy mờ mờ ảo ảo đâu đây, vụt hiện vóc dáng Ngô Vương thời trai trẻ và tiếng từ trời cao vọng xuống: “Thằng Kha, gây mầm phản loạn, trong nhà tương tàn, ngoài xứ binh đao”. Nghe vậy, nàng rụng rời chân tay, hồi lâu định thần, thì tịnh không thấy gì nữa. Lòng dạ nàng rối bời, nghĩ đến Ngô Vương, thấm thoắt thế mà mấy chục năm giời, qua nửa đời người, con tạo thật khéo xoay vần, vương quyền như áng phù vân, thế mà ai cũng rắp tâm tranh cướp. Sao cứ phải cưỡi lên đầu nhau mới là người ư? Các con mình rồi sẽ ra sao? Cậu mà nỡ hại cháu ư? Tay phải chém tay trái à? Cái tiếng cướp ngôi của cháu, xấu xa truyền đời.
3.
Bọn Đinh Hoàn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú kéo nhau lên Cổ Loa chịu tang Ngô Quyền, rồi muốn đi thăm lại Thành Ốc, nhưng lệnh của Dương Tam Kha không cho.
Cả bọn buồn bực trở về. Lão Bộc biết chuyện, bảo:
– Thời trước, lão theo hầu quan Thứ sử, đã ở Cổ Loa rồi mà. Nghe dân chúng nói, thì thời Thục An Dương Vương đã chuyển kinh đô từ Phong Châu về Cổ Loa. Khi xưa, vùng đất này có tên Tư Long. Các cụ giải nghĩa là thế con rồng nằm suy tư điều gì đó. Vua đi thuyền thám sát, theo sông Nhị, qua sông Thiếp, đến làng Tó thì dừng lại, lập một cái chợ cho dân buôn bán. Thấy thế đất đẹp, bèn cho dựng thành. Thành có ba lớp gọi là Ngoại, Trung, Nội chạy xoắn trôn ốc.
– Khi làm ấm sinh, tôi thấy ở thế trũng thấp, lắm hồ ao mà đắp được thành, quả là kỳ tài, – Hoàn trầm ngâm.
– Nghe đâu, phải chở đất từ núi Thất Diệu Sơn về làm, cách xa những mấy chục dặm đường. Chứ ban đầu, cứ ngày đắp đêm lở, bảo là do yêu quái Kim Tinh phá, phải nhờ thần Kim Quy giúp sức mới thành, – lão Bộc lại nói. – Nhưng quan Thứ sử nhà ta bảo, có khi do chân thành đứng trên bùn, nên sụp lở mà thôi. Thành lũy, vững chắc phải từ cái anh móng. Làm đầy tớ người khôn, học được nhiều điều hay lẽ phải, có khi nó trái ngược với sử sách, – lão Bộc lại vuốt chòm râu thưa, vẻ tâm đắc. – Anh hùng là kẻ làm chuyện ngược đời, phi phàm. Cứ như nước chảy bèo trôi, thì làm chi xuất anh hùng?
– Hồi ở Châu Hoan, thầy đồ bảo, chính thành Cổ Loa đã ba lần đánh tan quân Triệu Đà. Đà tức quá, nghĩ cách, cho con giai là Trọng Thủy sang làm rể. Các quan can ngăn An Dương Vương, sợ gian kế, nhưng vua không nghe, nên mới dẫn đến chuyện mất nước, rồi phải chém con gái, – Hoàn vẫn đăm chiêu. – Nhưng tôi đồ rằng, tay Trọng Thủy lấy cớ hôn nhân để thăm dò binh lực, bố phòng mà thôi.
– Chắc cũng sợ chuyện ấy, nên thằng Kha không cho cánh ta xem thành, – Điền nói toạc móng heo.
Hoàn trố mắt nhìn Điền, bảo:
– Triệu Đà lấy được nước ta, rồi xưng đế đầu tiên. Về sau, có ông Lý Bí cũng xưng Lý Nam Đế. Còn lại, chỉ xưng vương mà thôi.
– Vương với đế cũng là vua một nước thôi mà, – Điền phán.
– Anh thì cứ học trước quên sau, thầy dạy, đế là con giời, quyền thế trùm thiên hạ. Còn vương cũng như tiết độ sứ, vua nước nhỏ như chư hầu, – Hoàn giảng giải cho Điền nhớ lại.
– Tôi mà được Ngọc khuê, lại có ông Rồng cõng qua sông, thì quyết xưng đế, chơi thiên hạ, – Điền thủng thẳng nói, đầy ngụ ý.
Nghe vậy, cả bọn à lên vui vẻ, cùng đổ mắt nhìn Hoàn, quên hẳn chuyện Dương Tam Kha. Hoàn mủm mỉm cười, nghĩ bụng, còn chưa ai biết cốt táng ngựa đá và đôi song kiếm treo cổ ngựa nữa đấy…
Cả bọn đang chuyện tào lao, bỗng có tiếng quát to ngoài cửa:
– Chúng bay vẫn còn ngồi đấy mà ba hoa xích đế à? Thằng Kha làm phản, cướp ngôi nhà Ngô rồi!
Chúng kinh hãi, nhìn xem ai mà to gan lớn mật, dám quát cả Chủ tướng như vậy, thì té ra là Thúc Dự. Cả bọn bật dậy như ngồi phải lửa.
– Chú bảo sao? – Hoàn thất thanh hỏi.
– Sao với giăng cái nỗi gì? – Dự ôm điếu cày, hút mấy điếu liền, lơ đãng đón bát nước hãm nụ vối mà Hoàn cung kính mời, nhưng không uống, mà thong thả nói, – nó xưng là Dương Bình Vương, lại còn nhận thằng Văn làm con nuôi, bảo là, khi nào lớn thì giả ngôi.
– Ối giời! – lão Bộc buột mồm, kêu lên.
– Thế cũng tử tế! – Điền ngây thơ nói.
– Tử tế cái chết tiệt, – Dự mắng át đi. – Chúng bay biết không, bây giờ, chia năm xẻ bảy rồi: Ngô Nhật Khánh giữ Đường Lâm, Phạm Bạch Hổ trấn Đằng Châu, Nguyễn Khoan lên Tam Đái, Trần Lãm về Bố Hải Khẩu. Còn thằng Ngô Xương Ngập chạy xuống Trà Hương, nhờ cậy họ Phạm…
– Loạn thật rồi, – Bặc lo lắng nhìn Hoàn.
– Sao mà Giáp Thìn (944) lại độc thế không biết? – lão Bộc ca cẩm trách trời. – Loạn Giáp Thìn. Năm Thìn, năm Tỵ chị chẳng nhìn em…
*
Thúc Dự mỗi ngày hút hai bữa thuốc phiện, buổi sáng hút trong nhà, buổi chiều ra bờ tre. Lâu ngày, chuột trong nhà, rắn bờ tre đều nhiễm khói thuốc mà nghiện theo. Cứ đến bữa, chuột sắp hàng chầu trực trên xà nhà, rắn quăng mình trên ngọn tre. Đến khi Dự hai năm mươi, về chầu tiên tổ, trong nhà ngoài ngõ không ai nhả khói thuốc phiện nữa. Thế là, chuột đói thuốc, ngã lăn xuống sàn như sung rụng; rắn nhớ chủ khoanh tròn trên mộ mà chết theo. Thấy vậy, cả sách Bông, ai cũng bảo hào trưởng chết thiêng…
4.
Ngô Quyền sinh ra Ngô Xương Ngập là trưởng nam. Ngập sinh ra Ngô Xương Tỷ, con trưởng. Quyền làm vua, gọi là Ngô Tiên Vương. Ngập chạy loạn, rồi trở thành Hậu Ngô, vắn số. Cũng năm loạn Giáp Thìn (944), Ngô Xương Tỷ vào chùa Khai Quốc, ở thành Đại La.
Một hôm, hòa thượng Vân Phong đang đi dạo quanh đầm Xác Cáo, bỗng thấy một chú bé, vẻ mặt khôi ngô, vai khoác tay nải, chân đi dép da, sớm nhuốm vẻ phong trần, bèn cất tiếng hỏi:
– Tiểu đồng, chẳng hay cơn gió nào đưa, mà lạc bước chốn đây? Quan lớn đâu?
– Bẩm, tôi gặp lúc vận hạn, thì đi lang thang đây đó, chứ không theo hầu quan lớn nào sất cả, – Tỷ điềm nhiên đáp.
Thấy chú trẻ ăn nói khúc chiết, càng khiến Hòa thượng tò mò:
– Dám hỏi tên gì, người ở đâu ta?
– Bẩm, tôi tên Tỷ, thường được gọi là Ngô Xương Tỷ, từ Cổ Loa về, thấy chùa đẹp, hồ lớn thì nấn ná ghé chơi.
– A, bần tăng có nghe về dòng dõi Ngô Tiên Vương, – Hòa thượng reo lên. – Không ngờ lại được gặp cháu đích tôn của Ngô Vương ở đây, thật là hạnh ngộ.
– Phải, chỉ vì người nhớn tranh ngôi, mà sinh ra loạn, khổ lây cả bọn chúng tôi, – Tỷ nói như thể cụ non.
– Năm nay, Hoàng tử mấy tuổi rồi? – Hòa thượng vẫn từ tốn hỏi.
– Bẩm, tuổi Tỵ, – Tỷ nhướng mắt nhìn vị Hòa thượng, cảm thấy có sự tò mò thái quá.
– Thế là mười một, sang mười hai tuổi rồi. Quý Tỵ (933), – Hòa thượng bấm đốt ngón tay, nheo mắt nhìn ra mặt hồ đang xôn xao nắng gió.
Bất chợt, Tỷ hỏi:
– Ông sư ơi, hồ này tên gì, rộng như bể vậy?
– Ngày xửa ngày xưa, gọi là đầm Xác Cáo, nay gọi Lãng Bạc, – Hòa thượng khoát tay, chỉ một vùng sóng nước mênh mông.
– Lãng Bạc, nghĩa là hồ đầy sóng vỗ, phải không, ông sư?
Nghe Tỷ điềm nhiên hỏi, lại tỏ ra có hiểu biết chữ nghĩa, nên Hòa thượng càng cảm thấy mến, ngĩ bụng, nếu không loạn lạc, dễ chừng chú bé này đã là Đông cung thái tử rồi ấy chứ, nên từ tốn nói:
– Phải, cái tên Lãng Bạc do Mã Viện đặt, sau khi dẹp tan cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, nhưng dân ít dùng, mà vẫn gọi là Xác Cáo như xưa.
Hòa thượng chợt thấy nét mặt Tỷ đanh lại, khi nghe câu chuyện đau lòng, rồi lại lân la hỏi:
– Xác Cáo, nghĩa là xác con cáo à?
– Phải, chuyện dài lắm, – Hòa thượng kéo Tỷ ngồi xuống tảng đá ven hồ. – Đầm này, có từ thời Hùng Vương dựng nước. Nó thông với sông Hồng, ở bến Lâm Ấp, thuộc thôn Long Đỗ.
– Rốn rồng, – Tỷ buột miệng và ngượng nghịu bỏ tay nải xuống bên tảng đá.
– Phải, – Hòa thượng âu yếm xoa đầu Tỷ. – Thời xưa, có con Hồ Ly Tinh chín đuôi.
– Tức là cáo, – Tỷ lại chêm vào, giải nghĩa.
– Phải, – Hòa thượng vỗ vai Tỷ, vẻ khích lệ. – Nó biến hóa khôn lường, làm hại dân lành không biết bao nhiêu mà kể. Thế mà chúng dân phải tôn thờ nó như thần thánh. Đầm này, chính là hang của nó. Dân tình khổ quá, mới ngộ ra tình cảnh, bèn kêu thấu tai Long Quân. Long Quân đã dâng nước công phá, mãi mới yên. Dân chúng đặt tên các làng quanh hồ để nhớ tích xưa. – Hòa thượng giơ tay chỉ, – mãi tít mờ xa kia là Hồ Đẫng.
– Tức làng Hang Cáo.
– Phải, rồi kia là làng Hồ Thôn, Hồ Khẩu… – Ồ, hoàng hôn đã xuống rồi, – Hòa thượng hồ hởi reo lên.
Hòa thượng Vân Phong chỉ về phía tây, mặt trời đang xuống, trải ánh vàng ánh bạc lên muôn vàn lớp sóng. Tỷ háo hức, nhìn không chán mắt, thốt lên:
– Y như tiên cảnh!
– Phải, ngày xưa, chỗ mặt giời lặn kia là Già La Động, đối diện, – Hòa thượng xây lưng lại. – Nha Lâm Động, phía nam đằng này, có Bình Sa Động. Thời ấy, người thưa, thú lắm, rừng cây um tùm rậm rạp.
Có đám ngư phủ chèo thuyền đánh cá về qua, cất tiếng chào Hòa thượng và nhìn Tỷ cười cười, vẻ thân thiện. Tỷ cũng tươi nét cười, chào lại.
– Tối rồi, Hoàng tử không chê nhà chùa chật hẹp, thì xin mời nghỉ tạm, – Hòa thượng ngỏ lời.
– Đa tạ! – Tỷ chắp tay vái lậy.
Hòa thượng Vân Phong dẫn Ngô Xương Tỷ men theo con đường nhỏ, ra chùa. Chùa Khai Quốc(2) tọa lạc trên khoảng đất rộng ven hồ, nom như bông hoa khổng lồ, nở trên hòn đảo.
*
Thấm thoắt thế mà đã năm năm trôi qua, kể từ khi Tỷ qua chùa Khai Quốc buổi đầu tiên, rồi duyên may làm kẻ tu hành. Bây giờ, Tỷ đã có pháp danh Ngô Chân Lưu. Hòa thượng Vân Phong tu luyện theo phái Vô ngôn thông, ngồi thiền thì quay vào vách, gọi là Quan bích.
Đầm Xác Cáo quanh năm lộng gió. Sống ở chùa Khai Quốc, như thể thoát tục trần gian, bước vào một thế giới khác. Suốt ngày học kinh kệ, rồi thì làm vườn, ủ tương… khiến Ngô Chân Lưu không còn vương vấn bụi trần.
Bỗng một hôm, Hòa thượng Vân Phong gọi Ngô Chân Lưu vào trai phòng, trò chuyện:
– Nay, triều Ngô đã khôi phục, con tính thế nào? – Hòa thượng ướm hỏi.
– Thưa, con là kẻ tu hành… – Chân Lưu cúi đầu, đáp rành rẽ.
– Năm nay Canh Tuất (950), con bước vào tuổi thập lục. Ta không giữ, nếu con muốn trở về gánh vác giang san, thì cái chức Đông cung thái tử, kế vị ngôi giời, nằm trong tay con.
– Khi con khoác tay nải đến nương bóng chùa này, thì phụ thân con về Trà Hương, kế mẫu sinh Ngô Xương Xí, nay cũng chừng năm, sáu tuổi rồi, – Chân Lưu nói lảng, ý không màng danh lợi, ví dù không có mình, thì đã có em giai cùng cha khác mẹ, lọt sàng xuống nia.
Hòa thượng Vân Phong gật gù, nhìn Chân Lưu, lòng thầm thán phục.
Chương ba
Đinh Hoàn dấy binh
1.
Trên gò Bồ Đề, Hoàn hỏi lão Bộc và anh em tâm phúc:
– Bây giờ, cả cái đất nước Tĩnh Hải Quân này, có mấy sứ quân rồi?
– Đấy, cậu tính, – lão Bộc bấm đốt ngóm tay. – Năm Giáp Thìn (944), có bọn Ngô Nhật Khánh nổi lên ở Đường Lâm là một, Phạm Bạch Hổ chiếm cứ Đằng Châu là hai, Trần Lãm đứng chân ở Bố Hải Khẩu là ba, Nguyễn Khoan xưng hùng ở Tam Đái là bốn. – Lão Bộc nhăn trán nghĩ, – à không, Nguyễn Khoan vào năm Tỵ (945) chứ.
– Chứ còn gì nữa, – Bặc nói. – Năm sau, Ất Tỵ (945), ba anh em con nhà Nguyễn Nê, từ phương Bắc xuống, lập ba sứ quân.
– Phải! – Điền cũng xen vào, – thằng Khoan đóng Tam Đái, thằng Tiệp đóng Tiên Du, thằng út Nguyễn Siêu đóng Tây Phù Liệt.
– Vị chi là sáu thôi à? – Tú hỏi. – Tôi dám chắc là còn nữa, mà ta chưa biết mà thôi.
– Cả vùng như lòng bàn tay, quân đông, lại phải gây thanh thế, giấu sao nổi, – Điền bô bô.
– Chưa hẳn, – Hoàn nói. – Cũng như ta giấu quân luyện binh ở Thung Lau đấy thôi. Quả thực, quân do thám của ta còn yếu. Phải làm sao, nhất cử nhất động ở những đâu, những đâu, đều phải tỏ tường. Ta cũng riêng một cõi, xứng một sứ quân, mà lại là sứ quân đầu tiên ấy chứ. Vị chi là bảy sứ quân cả thảy.
Nghe vậy, cả bộn ồn ào hẳn lên, những gương mặt tỏ chí anh hùng rạng rỡ cười cười nói nói .
– Hôm nay, Chủ tướng tính chuyện này, là có ý sao? – Bặc tò mò hỏi.
– Tôi nghĩ, – Hoàn đưa mắt nhìn anh em tâm phúc. – Từ khi, Ngô Tiên Vương băng hà, dẫn đến chuyện Dương Tam Kha cướp ngôi cháu, khiến trăm họ oán thán, quan quân không phục, nơi nơi đóng binh cát cứ. Nếu ta chỉ nhăm nhắm mỗi chuyện luyện binh, hết năm này sang năm khác, tính từ Đinh Dậu (937) đến giờ, cũng đã mười bốn mười lăm năm rồi, phỏng có ích gì? Ứng với quẻ Càn, trong Bát quái thần toán tâm thuật, cứ kiên trì luyện quân chờ thời mãi. Giả như sinh con gái, thì cũng đến tuổi cập kê, búi tóc cài trâm mà gả chồng, kẻo ế.
– Vậy, khác gì ta chửa mãi mà không đẻ, uổng…
Nghe Điền bỗ bã nói, cả bọn không nhịn được cười.
– Ấy bởi vậy, tôi định bàn với anh em, ta quyết khởi binh, tỏ mặt với thiên hạ.
Hoàn vung tay đứng dậy, đằng đằng khí thế. Cả bọn cũng đứng dậy theo. Bặc bảo:
– Nhưng, Thung Lau nhỏ hẹp, chỉ làm chỗ luyện binh giấu quân thì được. Đại Hoàng thì trũng thấp, việc hành binh tiến công đều khó.
– Ta luyện quân cả thủy, bộ, mã, ngưu cơ mà, lo gì? – Điền cậy thế anh cả hờ, oang oang nói phứa, như thể chỗ không người.
– Vẫn biết thế, – Bặc từ tốn. – Nhưng như thế, khác nào múa võ trong buồng hẹp. Tôi thấy, bên kia sông có đất Yên Thành rộng rãi, lại có núi non bao quanh như thành lũy, sông Sào Khê bao bọc như hào.
– Phải, phải! – Tú vội lên tiếng. – Đúng thế, đấy là đất Trường Châu, tôi thuộc như lòng bàn tay, chỗ nào có quèn vượt núi, chỗ nào có sông chui qua hang, núi nào có hang động là tôi biết cả. – Tú lấy đóm vạch xuống nền nhà đất nện, – làng Yên Thành là trung tâm, có những bốn thôn đặt tên đúng hướng Đông, Đoài, Nam, Bắc. Đây là sông Sào Khê, – Tú vẽ một vòng, – nối với sông Hoàng Long. Bên này là bến Long Độ, núi Cắm Gươm của ông Dự đây. Qua sông Sào Khê, có cầu Dền, cầu Đông nối sang làng Yên Thượng. Mạn đoài tây có núi Đìa, núi Chợ.
– Lại có cả chợ nữa à? Có lòng lợn tiết canh không? – Điền hỏi Tú, nhưng mắt nhìn Hoàn.
– Phải! – Tú Tú cắm que đóm, – đây, chợ ở chỗ này. Cái gì cũng bán, ê hề…
Hoàn nghe Điền gợi về món khoái khẩu của mình, nhưng chỉ lặng lẽ nuốt nước miếng, tịnh không nói không rằng. Sau khi nghe Tú chỉ khắp lượt, lão Bộc mới nghiêm giọng nói:
– Năm nay, Tân Hợi (951), việc lớn nên làm. Vả, cậu chủ cũng hăm bảy, hăm tám rồi, sắp ba mươi, tam thập nhi lập. Sức cường, tính mạnh, thời đến, binh nhiều, lương đủ, đất hiểm, lòng người quy tụ, hỏi còn chờ gì nữa?
2.
Năm Tân Hợi (951), bọn Hoàn kéo đại quân sang Yên Thành, nhưng vẫn để lại mấy toán ở Thung Lau, Thung Lá, Đại Hữu làm thế ỷ dốc. Dạo một vòng quanh Yên Thành, sang Yên Thượng trở về, Hoàn bảo:
– Ta phải gấp dựng thành. Thành làm ba lớp như Cổ Loa.
– Phải, – Bặc thuận theo. – Đây ít đầm lầy hơn Cổ Loa, ta cứ xây nối các núi lại với nhau là được tòa thành, vững như bàn thạch.
– Gì mà rộn! – Điền can, – nào ai đã dám động đến cái lông chân của mình.
– Cậu nói thế là chưa phải, – lão Bộc nghiêm giọng. – Chẳng nói đâu xa, năm ngoái đây thôi, Dương Bình Vương sai con nuôi là Ngô Xương Văn đi đánh bọn Đường, Nguyễn. Nhưng đến Từ Liêm, quan quân bàn nhau quay lại đánh úp Cổ Loa, lấy được thành, tự xưng Nam Tấn Vương, lại mời cả anh về làm Thiên sách Vương, dựng nên triều Hậu Ngô. Anh em nhà ấy, nghe thế lực cậu nhà ta, thế nào chẳng kiếm cớ tiến binh đến đánh, không phòng bị, giở tay không kịp.
– Cũng chưa biết ngô khoai thế nào, – Tú nói. – Nhưng có quân phải lập doanh dựng thành cái đã. Giặc đến mới công thủ được chứ, phải không nào?
Tú vỗ vai Điền. Điền gật đầu cười, chừng đã nghe thủng câu chuyện.
– Ý tôi định thế vầy, – Hoàn trịnh trọng nói. – Giao cho bằng hữu Trịnh Tú việc xây thành đắp lũy. Bằng hữu Nguyễn Bặc thì chia quân ra đóng những nơi hiểm yếu, lập đội thủy binh trên sông Sào Khê. Huynh trưởng Đinh Điền thì lo tuần phòng xung quanh, từ Hoàng Long, ra sông Đáy, xuống cửa bể Non Nước, Thần Phù, vòng về động Thiên Tôn. Còn lão Bộc với tôi, lo đôn đốc trong, ngoài. Vậy hẵng nhề?
– Ăn đâu? Ngủ đâu? – Điền lo lắng thiết thực.
– Thì cứ tạm trú quân nhờ nhà dân, lên hang núi, cắm trại các cửa thành, – Hoàn nói.- Lương thì đang chở thuyền từ sách Bông, Đào Áo. Mai ngày, cho quân sĩ nhàn rỗi cày cấy thêm thắt vào nữa. Vả, hôm xưa ở Thung Lau, ăn búng báng còn được nữa là…
Nghe vậy, ai cũng cho là phải, người nào việc ấy, y lệnh thi hành.
*
Đại bản doanh đóng ở làng Yên Thành, xung quanh có núi Rù và núi Phi Vân che chắn.
Hoàn đứng giữa sân, nhìn lên ngọn núi có hình yên ngựa, nói:
– Ta lấy núi kia làm án.
– Phải, lão nghe nói là núi Mã Yên, hay còn gọi Mã Yên Sơn, – lão Bộc phụ họa. – Lão lên núi đấy rồi, ngắm bao quát cả vùng. Núi bên kia có cái hang to lắm, lưng chừng núi, dân bảo là động Am Tiên.
– Lão còn mạnh gân cốt lắm, – Hoàn khen, động viên.
– Khi xưa, ta theo hầu, quan Thứ sử bảo, làm tướng phải am tường thung thổ, đường đi lối lại, tính chỗ tiến thoái.
– Thì tôi cũng vào cái động ấy rồi, – Hoàn tự đắc. – Mã Yên, phải bảo Bặc đặt trạm gác. Nhất cử nhất động dưới này, trên ấy thấu cả.
Đột nhiên, lính do thám hớt hải chạy về báo tin dữ:
– Anh em nhà Hậu Ngô cất quân tiến đánh Yên Thành.
Hoàn vội gọi các tướng lại, bàn cách bố phòng.
– Đang làm dở dang cả, – Tú càm ràm. – Thế mà nó dã mò đến ngay được.
– Nó tiến quân là đúng binh pháp đấy, – Điền ra vẻ hiểu biết. – Địch quân mới đóng doanh trại, chưa kịp phòng bị.
– Thế mà bảo xây thành đắp lũy còn bàn dùn, – Tú cự nự.
– Thôi mà, – Bặc dàn hòa. – Có khi phải dùng quân Thung Lau, Đại Hữu đánh tập hậu, không cho chúng vượt Hoàng Long. Một mặt, tôi đốc chiến bọn thuyền bè trên sông Sào Khê và sông Chanh đổ ra, đánh vỗ mặt chúng ở ngay bến Gián Khẩu.
– Ta sẽ tiếp ứng tự trong thành, – Hoàn bảo. – Chặn ở cửa bể Non Nước và động Thiên Tôn, giao cho anh Điền nhá. Còn chỗ Thung Lau, Đại Hữu dẫn quân về thì giao hai chú lính. Tú thì vừa bảo vệ thành, vừa đốc thúc việc xây thành.
Tú bảo:
– Tôi sẽ ém một cánh quân chỗ núi Cắm Gươm, núi Ông Mõ, xóm Lạc Hối. Quân thung và quân làng thì bảo hai chú lính mang chặn ở núi Thiệu, chỗ làng Tri Hối, mé tả ngạn Hoàng Long. Tất cả, chung quy lại cũng là để giữ thành, chặn giặc. Có giữ nổi thì mới có cái mà xây.
Bọn Hoàn vừa cắt đặt xong, thì đã nghe tin quân Hậu Ngô, cả hai cánh thủy, bộ đã đến Khuất. Bặc vội điều quân bộ giữ hữu ngạn ngã ba sông Hoàng Long với sông Đáy. Còn quân thủy cho thuyền xuôi Hoàng Long, cập bến Gián nghênh chiến. Một cánh quân thủy xuôi sông Đáy, nấp sau con bơn nom như cái đảo giữa sông, làm mũi vu hồi. Điền cho quân trấn giữ cửa bể Non Nước và động Thiên Tôn, đề phòng quân Hậu Ngô theo sông Đáy đổ xuống, đánh mũi vu hồi từ phía đông vào thành Yên Trường. Hoàn thì chia quân đóng giữ các cửa, chặn nơi hiểm yếu trong thành.
*
Cánh quân Hậu Ngô men theo tả ngạn sông Hoàng Long, vừa đến đầu làng Tri Hối, đã bị quân Cờ Lau ém ở núi Thiệu, xông ra đánh chặn. Quân Hậu Ngô bị bất ngờ, khiến đám tiền quân tan tác, đầu rơi máu chảy khắp chân núi. Nhưng cậy thế đông, cả bọn Hậu Ngô hè nhau tấn công. Quân Cờ Lau núng thế, bỏ trận, chạy ngược lên phía thượng lưu. Quân Hậu Ngô rầm rập đuổi theo, ngựa hí vang trời, gươm khua sáng lóa. Bỗng có tiếng súng lệnh nổ, quân Tú lùa trâu từ núi Cắm Gươm xông ra, quân Cờ Lau nhất loạt quay lại cùng đánh. Cả đàn trâu, con nào con nấy buộc giáo quanh mình, tua tủa như lông nhím. Đuôi trâu buộc chùm gai bồ kết. Khi nghe súng nổ, bọn lính mục đồng nhất tề vỗ vào mông trâu. Đàn trâu cùng đập đuôi, bị gai nhọn đâm đau điếng, tức khí lồng thếch cả lên, lao vào quân Hậu Ngô. Quân Hậu Ngô hoảng hồn, tháo lui, bị trâu giẫm, giáo đâm chết vô kỳ kể, tiếng kêu la váng sông dậy đất. Thắng thế, quân Tú đuổi đánh rát, quân Hậu Ngô dồn cả về núi Thiệu, cố thủ.
Bọn ngưu binh đánh một trận thí mạng. Quân Cờ Lau khoái chí cười ngất. Nhưng cuối cùng, quân Hậu Ngô từ trên núi Thiệu bắn tên dài, ném những búi rơm bốc lửa xuống đàn trâu, khiến con bị chết, con hoảng sợ quay đầu lại, lao bừa vào quân mình. Bọn Cờ Lau thất kinh, chạy ngược trở lại núi Cắm Gươm. Kỵ binh Hậu Ngô hò reo đuổi sát, vung gươm chém quân Cờ Lau chết như ngả rạ. Tú mở đường máu, vội nhảy xuống thuyền, chèo ra xóm Lạc Hối ở giữa sông, cố thủ. Nơi đây, là tiền đồn của Trường Châu, nên Hoàn đã cho vượt thổ, đắp lũy, đào hào phòng thủ, ngay từ lúc dựng thành trong làng Yên Thành. Do vậy, cánh quân bộ của Hậu Ngô không thể vượt sông được.
Cánh quân thủy Hậu Ngô theo đường sông Đáy, tiến vào Hoàng Long, bị đoàn thuyền của Bặc chặn ở ngã ba Gián Khẩu, đánh cho rơi bời. Một cánh bỏ chạy, xuôi xuống cửa bể Non Nước, nhưng bị toán quân của Bặc phục ở con bơn giữa sông, bất ngờ lao ra, dùng cung nỏ bắn ào ào, khiến quân Hậu Ngô ngã lăn xuống sông chết không biết bao nhiêu mà kể. Nhưng quân Hậu Ngô cứ dồn xuống mãi, khiến quân của Bặc không chống đỡ nổi, phải chạy xuôi, hợp quân với Điền. Cả hai cánh quân của bọn Cờ Lau cùng quyết chí bảo vệ cửa bể, khiến quân Hậu Ngô bị đánh bật trở lại. Điền cho bắn tên lửa xuống các chiến thuyền. Quân Ngô vừa dùng giáo dập lửa, dùng khiên đỡ tên, liều chết chèo thuyền lao vào bờ, đông như kiến cỏ. Quân Điền thua to, phải chạy về động Thiên Tôn, nhưng cũng thất thế, tàn quân phải lui sát hang Luồn, Ghềnh Tháp tử thủ. Bên trong, Hoàn đốc quân giữ chặt cửa Đông.
Cánh quân thủy Hậu Ngô ở ngã ba Gián Khẩu, được tiếp ứng thêm, đánh bật đại quân Bặc, tiến vào sông Hoàng Long. Đoàn thuyền nan nhỏ bé như những chiếc lá tre của quân Cờ Lau không chống đỡ nổi đoàn thuyền chiến vỏ gỗ, lừng lững như đàn trâu lội nước của Hậu Ngô, nên vỡ trận, tháo chạy lên Ngã ba sông Chanh. Bọn Hậu Ngô từ nấp bên núi Thiệu bắn tên lửa sang, khiến thuyền của bọn Cờ Lau cứ phải nép vào hữu ngạn mà tránh, không tác chiến được. Cuối cùng, phải bỏ căn cứ Ngã ba sông Chanh, chạy lên ngã ba Sào Khê, phối hợp với quân Trịnh Tú ở Lạc Hối, làm lá chắn cuối cùng ở vòng ngoài.
Hôm sau, quân Hậu Ngô thủy, bộ cùng phối hợp tác chiến, đánh dữ dội từ sáng đến trưa. Quân Cờ Lau thất thủ Lạc Hối và Ngã ba sông Sào Khê. Bặc và Tú phải dẫn tàn quân chạy vào thành, cùng bọn Hoàn, Điền cố thủ Cầu Dền, Hang Tó, Thành Dèn, Cổ Giải, Quèn Vông, Quèn Dót…
Từ trong thành, Hoàn lệnh cho quân lính sử dụng mấy thứ vũ khí hạng nặng phóng giáo, ném đá, tung cầu lửa vào trận địa địch, khiến quân Hậu Ngô kinh hồn táng đởm. Nhưng bởi địa thế chật hẹp, vũ khí không phát huy được hết uy lực. Quân Hậu Ngô bao vây tứ phía, hè nhau bắn tên, ném đá vào thành, khiến quân Cờ Lau núng thế, cứ phải chúi đầu vào hốc đá, góc thành mà tránh. Chúng lại bắn tên lửa vào doanh trại của lính Cờ Lau, nhà cửa của dân làng Yên Thành. Quân hai bên đánh nhau loạn cả lên, khói lửa bốc cháy ngút trời. Tiếng kêu la vang động cả thung lũng núi.
Bặc múa cây huyết đương thương lăn xả vào đám quân Hậu Ngô, khác nào cầm dao phát vườn chuối. Điền vung chùy đá đập đầu quân địch, khác nào lấy vồ đập củ nâu. Hoàn hăng hái vung gươm đốc chiến, chạy hết cửa nọ đến thành kia, bộ giáp phục ám khói. Bỗng một mũi tên cắm phập vào bắp chân, khiến Hoàn khuỵu xuống. Vừa hay lúc nguy cấp, Đỗ Thích xuất hiện, liều mình xông tới cõng chủ tướng, chạy vào trong thành. Quân Hậu Ngô thấy vậy, hò nhau túa vào. Bọn Bặc, Điền, Tú cố sống cố chết chống đỡ, hồi lâu mới đẩy được chúng ra.
Quân Hậu Ngô vây áp. Ngô Xương Ngập trèo lên núi, quát tháo, chửi mắng Hoàn:
– Thằng mục đồng kia, tính mạng chúng bay như cá để trên thớt, sao không đầu hàng cho mau!
Hoàn nén đau, cự lại:
– Mày ngu, nên bị cướp ngôi. May mà có thằng em nhân đức cướp lại được, gọi về cùng hưởng lộc. Mày không biết nhục, lại còn dám ăn nói càn rỡ làm vậy?
– Thằng bố mày theo hầu tiên vương ta, ăn lộc nhà Ngô, sao dám giở mặt chóng lại triều đình?
– Sao mày hàm hồ quá thế? Nhà mày bị Dương Tam Kha cướp ngôi, trăm họ cát cứ không phục, chứ ta đâu có chống lại Ngô Tiên Vương, ân nhân của thân phụ ta.
– Mày không vào chầu, lại còn dấy quân Thung Lau, dựng thành đắp lũy ở đây, thế là mưu phản, chứ còn nói gì nữa?
Hai bên chửi nhau hồi lâu, ai cũng có lý lẽ cả. Ngô Xương Văn nghe thấu, trong bụng nghĩ, có khi thằng Hoàn không chống ta thực, chỉ do ghét Dương Tam Kha mà thôi, bèn cho mời anh về trại.
Trận địa im ắng, lão Bộc bàn với Hoàn:
– Lão xem Ngô Xương Văn là kẻ biết điều. Nghe nói, khi Dương Tam Kha bị đánh đổ, quan quân đòi giết di, trừ hậu họa. Nhưng Văn bảo, người này là cậu ta, lại là bố nuôi ta nữa, không thể làm chuyện thất đức được. Bèn giáng Kha làm Chương Dương Công, cấp cho thực ấp bên sông Hồng. Rồi nó lại mời anh giai về cùng làm vua. Vậy, ta nên viết thư cầu hòa, để chúng bãi binh.
– Chưa đánh đã hàng, nó khinh! – Điền bực mình, nói.
– Nhưng quân ta không nhiều, lại bị bao tổn không phải là ít, lương cũng cạn dần. Nó vây mãi, thì sức cùng lực kiệt, đánh rốc một trận, ta chạy đâu? Chi bằng như ý lão Bộc, viết thư cho thằng Văn, đánh vào chỗ lòng nhân của nó, bảo toàn binh lực ta cái đã, – Bặc cắn môi, đắn đo từng lời.
Hoàn cho là phải, bèn viết thư, buộc vào tên bắn ra. Bọn Văn, Ngập bắt được thư, bàn với nhau:
– Nó núng thế cầu hòa, ta cứ vây chặt, rồi đánh rốc một trận là xong, – Ngập hăng hái tính kế.
– Nhưng sợ nó cố thủ giữ chân mình, rồi ngầm xui bọn Khánh, Hổ, Lãm, Thạc với ba anh em con nhà Nê mà đánh úp Cổ Loa, thì anh em ta về đâu? – Văn nhíu mày suy tính.
– Ừ nhẩy! – Ngập giật mình. – Hoàng đệ mà không nhắc, thì ta quên khuấy đi mất chuyện đó, – Ngập thực thà nói. – Nhưng ta cứ ép chặt, bảo nó đưa thằng Liễn sang làm con tin, mới rút quân. Ta giữ thằng con trưởng ấy, ắt hẳn nó không dám động đến Cổ Loa.
Văn nghe theo kế ấy, liền viết thư bắn vào trong thành.
Bọn Đàm thị nghe chuyện anh em Hậu Ngô, đòi đưa Liễn sang làm con tin, thì khóc ầm cả lên. Lão bộc phải ra sức phân giải:
– Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn là người nhân từ. Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập là con trưởng của Ngô Tiên Vương. Tiên Vương lại là bằng hữu của quan Đinh Thứ sử. Khi xưa, vương lo tang lễ chu đáo đấy thôi.
– Nhưng mà, ông ấy chết rồi! – Đàm thị thực bụng nói, vẻ mặt đầy lo lắng, – nhỡ thằng Ngập làm xằng thì sao?
– Thiên Sách Vương có đứa con cả, tên Tỷ, cũng cùng trà tuổi với cậu cả Liễn nhà ta, đang tu chùa Khai Quốc, trên thành Đại La. Nhẽ ra, cậu ấy đóng Đông cung thái tử ấy chứ, – lão Bộc vẫn kể lể con cà con kê, để cho Đàm thị nguôi ngoai.
– Chuyện đấy, có liên can gì nào? – Đàm thị vẫn bồn chồn.
– Thế mới gọi là khơi chuyện con trẻ như thế, như thế, đánh vào lòng người, để nó không nỡ sát hại cậu nhà, mà còn ra lệnh bãi binh, thì thành mới yên. Bọn ấy mà xông vào, có mà lanh tanh bành hết.
Trong khi bà nội và mẹ lo thắt ruột, thì Liễn lại tỏ ra bình thản, thậm chí, có phần thích thú, khi được dự trò mạo hiểm của người lớn. Hoàn hỏi:
– Mày đi chuyến này là cứu bà nội, cứu cả nhà ta, cả lão Bộc, cả các bác đây nữa, – Hoàn chỉ sang Điền và Bặc, Tú.
– Cũng như đi chơi núi thôi mà, có gì mà rộn, – Điền động viên.
– Thế thì bác đi đi, – Liễn vô tư đáp.
– Nó không dám chứa bác, sợ bác bóp d., chứ không thì…, – Điền cười cười gãi tai, tiện thể cài lại búi tóc.
Liễn toét miệng cười, theo sứ giả lên ngựa, ra khỏi thành.
Khi tóm được Liễn trong tay, Ngập bảo:
– Treo thằng này lên cây, thách bố nó, nếu không mở cổng thành, thì ta bắn chết con nó, xem sao.
Bọn lính bèn treo Liễn lên cành cây và gọi vào thành:
– Bọn mục đồng kia, nhìn đây! – Chúng giật dây cho Liễn quay như thể quả thị trong rọ, – bọn bay không đầu hàng, thằng nhóc này sẽ khốn, thằng Hoàn mất đứa chống gậy.
Tiếng than khóc trong thành vọng ra từng hồi. Bọn Ngập đắc chí. Bỗng trên cành cao, Liễn kêu to:
– Chết cũng không sợ!
Hoàn nhìn con, tưởng như đứt từng khúc ruột, nhưng nghe Liễn nói vậy, bèn nháy mắt với Điền và ra oai phát lệnh, nói rõ to, cốt cho bọn Ngập nghe tiếng:
– Quân bay, nhằm thằng Liễn, bắn. Đằng nào nó cũng bị hành chết. Ta quyết giữ thành!
Bọn lính chần chừ, Bặc nháy Điền. Điền hiểu ý, liền dương cung, bắn liền mấy phát vào cành cây treo Liễn. Văn thấy vậy cả kinh, vội cho thả Liễn xuống. Ngập tức giận nói:
– Hoàng đệ sợ nó à?
– Làm thế thất đức quá! – Văn phân trần, – nó cũng như thằng Tỷ, thằng Xí nhà mình. Vả, con nó còn bắn bỏ, thì to gan lớn mật vô chừng, không thể dọa như với bọn này được đâu, hoàng huynh ạ.
Bởi lo bị đánh úp kinh đô Cổ Loa, nên anh em Hậu Ngô Vương vội vã rút quân, mang theo Liễn. Thành Cờ Lau nhờ vậy mà thoát vây.
Chương bốn
Nương tựa Trần Công
1.
Sau trận đánh của anh em Hậu Ngô, Hoàn tỏ ra lo lắng, bỏ công tốn của hàng chục năm giời để luyện quân tập trận, nhưng thành bằng cái đấu, lại nằm thế đất hiểm, thế mà suýt thất thủ, nếu không có thằng Liễn thế mạng làm con tin. Binh lực đâu mà mộng giấc bình thiên hạ? Thì ra, chỉ cơ giời chưa đủ, mà còn thực lực nữa. Biết tính sao đây?
Hoàn cùng Điền, Bặc, Tú lên núi Mã Yên. Cả bốn tháo gươm, ngồi xuống tảng đá trên đỉnh, nhìn xuống thung lũng, thấy cảnh thành quách, doanh trại, làng mạc tan hoang mà bùi ngùi.
– Trận đầu thế vầy, chẳng hiểu là thắng, hay bại? – Điền phân vân.
– Thắng, bởi giữ được thành, – Tú giơ tay chỉ các đoạn thành đang xây dở dang, có chỗ bị đánh sập. – Nhưng chỉ đau nỗi thằng cu phải đi làm con tin.
– Thế, mới hỏi thế… – Điền vẫn tỏ ra ưu tư.
– Chẳng qua, giời thử lòng kẻ anh hùng mà thôi. Còn thằng Liễn, sớm muộn cũng giở về. Tôi nghĩ, thằng Văn không phải là kẻ cạn tàu ráo máng, – Bặc nói.
– Giờ, tính sao? Anh em? – Hoàn buồn bã nói.
Cả bọn biết ý, hùn theo ý Bặc.
– Thành này, tuy thế hiểm yếu, – Bặc cắn môi, nhìn núi Chợ chon von, một lúc mới lại nói. – Nhưng quân Cờ Lau của ta chưa qua chinh chiến bao giờ, mà quân chúng lại đông gấp bội, được luyện rèn trận mạc, từ thời Ngô Vương. Bởi vậy, ta hòa là thắng.
– Bọn chúng lợi thế mang danh quân triều đình, – Tú nói. – Chính danh là điều rất quan trọng trong việc dùng binh, cũng như dựng nghiệp. Ta có lợi là dân thổ địa, dựa vào núi giữ thành, nương sức dân lấy lính. Nhưng nếu chúng huy động các sứ quân cùng vây đánh, thì thành này khác nào trứng để đầu đẳng.
– Giờ, tính sao, anh em? – Hoàn nhắc lại câu hỏi đang đau đáu trong lòng.
– À mà này, – Điền vỗ đùi reo lên như bắt được vàng. – Cái bận tôi canh cửa bể Non Nước, thấy mấy cái thuyền to dạt vào, hỏi ra mới biết là dân Bố Hải Khẩu. Bọn họ mách, Trần Công Minh sứ quân binh nhiều, lương lắm, lại có cả thực ấp bên Lạc Đạo(6) nữa đấy. Nhưng chưa kịp làm thân, thì bọn Hậu Ngô đã tướn xuống, tôi đành bảo họ chèo đi, kẻo trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết. Xem chừng, Bố Hải Khẩu sung túc hơn cánh ta thực. Hay là, ít nhiều hiền đệ cũng quen biết, ta sang nhờ một chuyến, khéo lại hay, đang bĩ cực chuyển thái lai không chừng?
– Ừ, hay đấy, – Bặc cũng hùa theo, như chết đuối vớ được cọc. – Hồi Chủ tướng được Ngọc khuê, đã từng lặn lội đến vùng đất Xám đấy thôi.
– Phải, – Hoàn hồ hởi ra mặt. – Vùng Xám ấy gắn bó với Trần Lãm. Cứ như ông giời sắp đặt ấy nhề? Nhưng ví dù có đi, thì vẫn phải giữ Thung Lau làm căn cứ, Đại Hữu và Yên Thành
làm thang mộc. Đến khi mạnh chân khỏe tay, ta giở lại chốn này. – Hoàn nhìn anh em tâm phúc, hỏi, – nhưng ai sẽ đi một chuyến sang đấy trước, vừa dò bụng người ta, vừa xem thung thổ ra sao?
– Tôi liều một chuyến nhá, – Điền sốt sắng, – biết đâu, lại gặp cánh thuyền bể bữa nọ, càng hay.
– Được thế thì còn gì bằng, – Hoàn nói. – Huynh trưởng mang theo lão Bộc. Lão là người biết việc, lại chín chắn, – Hoàn có ý lo tính bộc trực của Điền, nên muốn có người chế ước.
2.
Điền và lão Bộc đáp thuyền to, đem theo bọn lính, thạo nghề sông nước, lại mang mấy con dê, vài chum mật ong và rượu, để làm quà ra mắt Bố Hải Khẩu.
Cả một đoạn tràng giang, từ sông Sào Khê, qua cửa sông Chanh, đến bến Gián Khẩu, ra cửa bể Non Nước còn ngổn ngang thuyền chìm, giáo gãy, khiến ai nấy đều mủi lòng, thương lính Cờ Lau, nhớ dân phu Đại Hoàng, Trường Châu xấu số. Những cái xác chết trương, nổi lềnh phềnh cả bên vở, bên bồi, quẩn vào thuyền, bọn lính phải lấy sào đẩy ra. Xác dân phu, xác lính Hậu Ngô và Cờ Lau, tất thảy đều miệng loe ống nhổ, lộ hàm răng đen. Trên đồng, đen đặc những xác người, xác trâu, xác ngựa bốc mùi thối inh, làm mồi cho lũ quạ và chó hoang rỉa thịt. Quạ bay đen trời, cất tiếng kêu man rợ. Bọn chèo thuyền, không ai nói lời nào, không ai dám nhổ bọt, không ai dám bịt mũi. Con thuyền trôi đi trong niềm thành kính và sợ hãi.
Ra bể, gió phóng khoáng, mát lành. Cả bọn thở phào, khoan khoái và giương buồm. Buồm no gió, thuyền lướt băng băng. Ngồi trên mui, ngắm cảnh bể khơi, Điền hỏi lão Bộc:
– Lão có biết cái tay Lãm này không?
– Cái hồi theo hầu quan Thứ sử, lão có gặp đôi ba lần. Bởi cả hai quan đều dưới trướng Dương Đình Nghệ mà. Về sau, ông ta được Tiết độ sứ cho hưởng thực ấp ở Kỳ Bố Hải Khẩu. Nghe nói, chăn dân tốt, nên được lòng triều đình lắm, – lão Bộc nói rành rẽ.
– Tôi chỉ nghe, nó cũng có công giúp Ngô Quyền đánh trận Bạch Đằng, – Điền bỗ bã.
– Ấy chết! – Lão Bộc nghe Điền nói có điều khiếm nhã, thì chột dạ, nhắc nhở, – cánh ta đi chuyến này, ngang bằng đi sứ, cậu phải giữ mồm giữ miệng mới được.
Điền nghe vậy, bặm môi, ngồi im.
Thuyền cập cửa sông, vùng đất Bố Hải Khẩu hiện ra mênh mông. Chợ Bo tấp nập trên bến dưới thuyền. Điền đánh tiếng cho Trần Lãm. Lãm họp các tướng lại bàn. Viên phó tướng nói:
– Bọn mục đồng Cờ Lau lâm trận “Quả địch bất chúng”(7), vừa bị anh em Hậu Ngô đánh cho tan tác. Chắc hẳn, chúng sang cầu viện chi đây?
– Hậu Ngô đã bắt thằng Liễn làm con tin, rút về Cổ Loa rồi, – Lãm nghiêm giọng.
– Thế thì chúng còn sang đây làm gì?
– Thì ta cứ đón tiếp, xem ý tứ thế nào đã. Khi xưa, ta với Đinh Thứ sử cùng là nha tướng của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ. Nay, sứ giả của Đinh Hoàn đến, – Lãm kéo dài câu “sứ giả” có ý hài hước, – ta không tiếp sao tiện? Chả gì cũng thêm bạn bớt thù là thượng sách. Vả, ta cũng đã có chủ ý, thôi cứ lạt mềm buột chặt.
– Tay này được Ngọc khuê, có mệnh lớn, phải thận trọng mới được, kẻo rước hổ vào nhà.
– Thì ta cũng thêm vây cánh, – Lãm cười vang. – Giời cho rồng thêm vây, hổ thêm cánh, hà cớ gì mà không nhận?
Nghe chủ tướng nói vậy, cả bọn cùng cười, hùa theo. Nhưng chúng không biết, trời cho Trần Lãm, hay cho Đinh Hoàn?
*
Điền đang sốt ruột chờ hồi đáp của Lãm, thì gặp ngay bọn thuyền cá hôm nào. Hỏi ra mới biết, chúng là người nhà Lãm, bèn dẫn vào ngay. Dân chúng thấy quân Cờ Lau khiêng chum nhớn chum bé, dắt dê nhỏ dê to vào phủ, cứ ngỡ là đám dạm hỏi Trần nương, liền nhanh chân loan báo rầm cả lên. Bọn Lãm vừa nghị sự xong, chưa kịp cho quân ra đón, thì đã nghe ngoài tường, tiếng người nói lao xao, tiếng dê kêu hoan hỷ; ngó ra, thấy bọn khiêng chum trùm vải đỏ, dê trắng phủ khăn vàng nghễu nghện vào sân. Lãm thất kinh hỏi:
– Ai cưới hỏi ở đâu mà lại lạc vào phủ ta?
Bọn người đánh cá trở về, vội báo như thế, như thế, khiến Trần nương dở khóc dở cười chạy ra xem, rồi lại tụt vào buồng. Lãm vỗ tay cười to:
– Khéo khen quân Cờ Lau chúng bay, toàn làm việc lạ đời. Phàm chuyện gì cũng kinh thiên động địa.
Trăm sự khởi đầu nan, lão Bộc máy Điền, ghé tai nói nhỏ:
– Việc thành đến bảy, tám phần rồi.
Điền và cả bọn vui ra mặt. Đến khi Điền ngỏ ý với Lãm, xin cho đám quân Cờ Lau tá túc, học đòi binh pháp, để giúp triều đình, thì Lãm liền nhận lời, mời Hoàn đưa quan quân, gia quyến cùng sang Bố Hải Khẩu dưỡng quân rèn binh.
– Nghe nói, Đinh Hào trưởng, – Lãm gọi Hoàn một cách trang trọng, – khi được ngọc khuê, chẳng đã lui về vùng đất Xám của ta rồi đó sao? Chuyến này, hẳn ông giời sai khiến cho ta được gặp trưởng tử(4) của Đinh Thứ sử. Hào trưởng được rồng cõng qua sông, không khéo chuyến này, rồng ấp cũng nên?
Trần nương nghe vậy trong lòng háo hức lạ thường, muốn nhìn mặt Hoàn ngay cho tỏ tường. Ngọc khuê này, rồng vàng cõng này, cầm quân Cờ Lau này… thực là được giời giúp, nhưng sao thất thủ Trường Châu? Hay giời thử lòng chàng, anh hùng đa nạn mà lại.
3.
Trần Lãm chiếm cứ Bố Hải Khẩu, gồm cả vùng Kỳ Bá và tây nam Trà Lý(5). Kỳ Bố là kinh đô miền đông, có bốn cửa thành gọi tên theo hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Trong thành, có ngôi chùa lớn gọi là Trung Kinh Tự. Cửa Tây, nơi đóng quân, gọi là khu An Tập. Lãm còn cho dựng cầu Nhân, cầu Nghĩa, để chiêu mộ hiền tài.
Nghe bọn Lão Bộc, Điền bẩm báo về việc Lãm và Bố Hải Khẩu, đầy vẻ thiện chí, Hoàn bèn lệnh cho tướng sĩ kíp lên đường.
Bọn Cờ Lau chia làm hai đường thủy, bộ hành quân tới Bố Hải Khẩu. Lãm thân ra đón ngoài Kẻ Bo. Bọn Cờ Lau chở theo giàn phóng lao, súng bắn đá, máng ném cầu lửa, khiến quan, quân, dân chúng Bố Hải Khẩu đổ ra xem, vô cùng ngưỡng mộ.
– Tướng quân chia hai đường thế này, đủ thấy là người anh hùng nhìn xa trông rộng, – Lãm hồ hỏi đón chào, nhưng cũng nói câu phủ đầu.
Nghe vậy, Hoàn chột dạ, vội nhảy xuống ngựa thi lễ, và khiêm nhường nói:
– Kẻ hèn mọn này, phải đến tá túc Minh Công, là ngang với bày tỏ cả gan ruột của mình rồi, đâu dám so đo tính toán.
– Không ai bỏ hết trứng vào một giỏ, phải không nào? – Lãm như đi guốc trong bụng Hoàn và cười phớ lớ, dắt tay giới thiệu với các quan văn, võ cùng dân chúng. – Đây là Đinh Hoàn làm Hào trưởng sách Đào Áo, cầm quân Cờ Lau, từng được tập ấm Nhiếp thứ sử, Ngự phiên đô đốc, dòng dõi nhà quan. Nay chư quân sang đất ta tham quan, giao hảo, thực là đất lành chim đậu.
Nghe vậy, quan quân, dân chúng cùng reo vui.
– Anh em chúng tôi đến nương nhờ Minh Công. – Hoàn chắp tay kính cẩn, – được đón tiếp trọng thị thế vầy, trong lòng cảm kích vô cùng. Ơn này, không biết lấy gì đến đáp cho đặng?
Lãm nghe vậy, cười bảo:
– Sớm mai tốt ngày, ta muốn làm lễ tế cáo trời đất, kết nghĩa Trường Châu với Bố Hải Khẩu. Nghe nói, quân Cờ Lau đông như kiến, khỏe như trâu. Vậy Hào trưởng cho quân lính đắp cái đài cao chừng một trượng, cũng là để làm đài quan sát luôn thể, ở phía tây thành, được
chăng?
Bọn Cờ Lau lệnh, chỉ nội một đêm, đã quật đất đắp xong đài cao, phía tây thành, khiến
Lãm và quân Kỳ Bố vô cùng thán phục, gọi là đống Bo(8).
Sau lễ tế cáo trời đất, Lãm dẫn Hoàn vào bàn tiệc và mời quan quân cùng nâng chén; đoạn bảo:
– Từ nay, Đinh Hào trưởng cùng ăn, cùng ở với ta, coi như người nhà. Nay ta ban chức Bộ lĩnh, hưởng chút lộc gọi là…
Quan quân hai bên cùng tung hô, cuộc vui hạnh ngộ tưởng chừng bất tận. Từ đấy, họ cùng chức của Đinh Hoàn được gọi luôn thành họ và tên là Đinh Bộ Lĩnh.
*
Bữa trước, khi Điền và lão Bộc trở về, báo tin vui như thế, Hoàn bèn họp các tướng lại, bàn soạn:
– Tuy phải sang nương nhờ Trần Minh Công, nhưng vẫn để một đội quân và gia quyến ở lại thành này. Như vậy, lòng dân mới không hoang mang. Đi tất, người ta lại tưởng mình bỏ thành mà chạy, khó lúc giở về. Một đội vẫn giữ Thung Lau và Đại Hữu để tính kế lâu dài.
– Phải chia quân làm hai cánh thủy, bộ đồng hành, – Bặc khẽ nói.
– Chí phải, – Hoàn thoáng nghĩ, hiểu ý Bặc.
– Lách cách quá đi mất, – Điền cho là sự nhiêu khê, không cần thiết.
– Đây là phép dùng binh. Vả, không ai cho hết trứng vào một giỏ, – lão Bộc tỏ ra tinh ranh.
– Quân Thung Lau phải chuyên cần luyện binh. Quân Thung Lá lo giồng, chế thuốc, tích trữ lương thảo. Quân Trường Châu phải gắng sức xây thành cho vững. Tất cả hậu phương, ta nhờ Trịnh Tú lo cho mới được, – Hoàn nhìn Tú đầy tin tưởng, có ý gửi gắm, phó thác.
Tú chắp tay, y lệnh.
– Nguyễn Bặc dẫn quân đi đường thủy cùng huynh trưởng Đinh Điền.
Hai tướng chắp tay, y lệnh.
– Còn ta cùng lão Bộc và Đỗ Thích đi đường bộ. Hẹn gặp ở Bố Hải Khẩu, không được sơ suất.
Các tướng cùng hô: “Tuân chỉ”.
Từ khi dấy binh, Hoàn chuyển sang xưng “ta”, chứ không xưng “tôi” như trước nữa. Quan quân cùng hiểu ý, nên nay nghe lệnh mới hô câu “tuân chỉ”, khiến Hoàn bâng khuâng, thấy vị thế của mình xác lập đã được trọng vọng.
– Sang xứ lạ, anh em phải giữ gìn từ lời ăn tiếng nói, đến cách ứng xử. Tất cả phải nghiêm quân lệnh, ai không tuân phải chịu phạt, – Hoàn tỏ ra từng trải, dặn dò anh em tâm phúc và quan quân.
Bởi vậy, lúc nghênh đón quân Cờ Lau, Lãm mới nói câu ấy, khiến ai nấy đều giật mình. Đấy là cái tài cầm quân, dùng người của Lãm. Quả là, khôn đâu đến trẻ… Lãm nói vậy, vừa tỏ thiện chí, lại vừa có tính răn đe, cảnh báo. Viên phó tướng của Lãm cũng lấy làm tâm đắc, nể phục chủ tướng của mình.
*
Được lời của Trần Lãm, Đinh Bộ Lĩnh hạ lệnh quân lính Cờ Lau cùng luyện tập với quân Bố Hải Khẩu. Chúng lại cùng giúp dân làm ruộng, đánh cá, phơi muối, giồng cói, khai hoang bờ bể, mở rộng đất đai… Chẳng bao lâu, hai bên thân tình như anh em trong đại gia đình. Bộ Lĩnh cũng viết thư, giao cho Điền về Yên Thành đón mẹ, vợ và hai con gái sang đoàn tụ. Đinh Bộ Lĩnh đóng quân thủy ở Lạc Đạo, nơi đỗ thuyền chiến gọi là Đồng Bến(9); đoạn, lại liên kết với bọn thổ hào họ Đinh trong vùng là Dương Xá, Uy Linh, Đại Mộc, Bắc Phương,
4.
Khi trước, Lãm nghe danh tiếng Đinh Bộ Lĩnh đã cảm phục, nay thấy người thực việc thực, lại càng nể trọng bội phần. Xem ý con gái út Trần nương cũng phải lòng Bộ Lĩnh, thì Lãm lấy làm vui sướng lắm. Trai anh hùng, gái thuyền quyên sánh đôi là hợp ý giời, thuận lòng người. Đến khi Bộ Lĩnh nhờ lão Bộc ngỏ ý, thì Lãm đồng ý ngay và tác hợp cho.
Đinh Bộ Lĩnh bàn với mẹ và vợ, gả hai con gái của mình, cho Trần Thăng là con cả và Trần Nguyên Thái là con thứ của Lãm. Từ đó, thông gia hai nhà như một, quân Cờ Lau và quân kẻ Bo, nhờ vậy mà ngày càng gắn bó hơn. Lãm, vừa là ân nhân, vừa là nhạc phụ của Đinh Bộ Lĩnh. Bộ Lĩnh vừa là con rể, lại vừa là thông gia của Trần Lãm. Do vậy, cách cư xử, xưng hô nhiều lúc khiên cưỡng, bất tiện, nhưng không ai lấy đó làm điều phiền phức. Người đời nói, yêu nhau chín bỏ làm mời.
Một bận, thừa lệnh Trần Lãm, Đinh Bộ Lĩnh sai tướng Lê Hoàn đi đánh chiếm vùng Canh Nông, Đôn Nông, Phú Nông, để mở rộng bờ cõi cát cứ. Nhưng Lê Hoàn lại bị bọn Trịnh Lương, Trịnh Nguyên, Trịnh Ninh, Trịnh Khang đánh cho đại bại. Phạm Phòng Át cũng cất quân vượt sông Luộc, bao vây. Lê Hoàn thua chạy, bỏ mũ ở làng Kênh, vứt áo ở làng Nếnh cũng không lừa được quân địch. Đang lúc nguy kịch, ngàn cân treo sợi tóc, thì bỗng có Đặng Công, nhảy ra cứu giúp. Nhờ đó, Lê Hoàn thoát hiểm.
Đặng Công người làng Tạ Xá, sức khỏe vô địch, đã từng đấm chết hổ, cắp bò nhảy qua mương, dân chúng thường gọi là Bò Đen
5.
Ngô Xương Ngập bị bệnh thống phong, các đốt ngón chân, ngón tay nổi cục lên như củ gừng, củ nghệ, đau nhức vô cùng, thuốc thang mấy cũng không khỏi. Mọi việc triều đình, Ngập phó thác cả cho Văn. Mang tiếng là hai anh em cùng làm vua, thiên hạ gọi là Thiên Sách Vương và Nam Tấn Vương, nhưng quyền hành chỉ có hiệu lực quanh vùng Cổ Loa mà thôi. Giả như thằng Tỷ không đi tu, thì chức Đông cung thái tử làm gì chẳng về tay nó. Tu chùa Khai Quốc, tận Đại La, thấm thoắt thế mà đã chục năm rồi, vị chi đã hăm mốt tuổi, chẳng biết khi nào về. Thằng Xí là con thứ phi, mới chục tuổi đầu, tuy khôi ngô, nhưng còn vắt mũi chưa sạch, không biết mai ngày, có làm nên cơm cháo gì không? Nhớ khi Ngô Tiên Vương về chầu tiên tổ, cậu Dương Tam Kha cướp ngôi của mình, khiến mình phải chạy về Trà Hương nhờ vả Hào trưởng Phạm Chiêm. Thế mà ông cậu còn ba lần sai quân đi bắt mình, may thoát được. Văn là phận em, nhưng biết điều, phải mình, khi lật được Kha rồi, thì giết quách cho xong, lại còn ban chức với thực ấp mà làm gì? Nếu không có Văn, mình cũng khử thằng Liễn, phòng hậu họa. Sao nó cứ rước cái mệt nhọc vào thân. Mình là anh, cùng làm vua, nhưng lý ra, nó phải theo ý mình chứ, quyền huynh thế phụ mà. Nhưng nó lại có vẻ ngọng nhạnh, nếu không kiếm cớ trừ đi, thì khó giữ ngôi báu cho mình, chứ đừng nói chuyện truyền cho con cháu nữa. Mà làm không khéo, lại mang tiếng bất nhân, anh được vời về cùng làm vua, lại còn giết em sao? Ở đời, quả là khó thực, cứ chằng lằng dây mơ rễ má, chẳng rạch ròi cho mà quyết. Thằng Tỷ đi tu cũng có cái lý của nó, nhưng nào bằng làm vua, người chả đời bảo, sướng như vua đấy thôi. Ngập càng nghĩ quẩn càng buồn bực, bách bệnh cùng phát, đến năm Giáp Dần (954) thì băng.
Nhưng có những điều, tuy là anh em ruột thịt, sống với nhau một nhà, lại cùng trị vì thiên hạ, nhưng Ngập không hiểu hết về Văn. Cũng năm Giáp Dần (954) ấy, khi thủ lĩnh vùng Thao Giang có ý không thuần phục triều đình Cổ Loa, đã bị Văn chém chết. Dù sao, thiên hạ cũng phục Văn ở cái đức. Chỉ dưới thời Văn, thì Ngập mới được ở cùng ngôi mà thôi. Chuyện đó, từ xưa chưa có bao giờ. Nhờ Văn thì Liễn mới thoát chết. Và cũng chính nhờ Văn mà Hoàn mới còn. Nếu nghe theo Ngập, đánh phứa một trận, làm cỏ Yên Thành, thì trên đời làm gì có Đinh Bộ Lĩnh nữa. Âu cũng là mệnh trời cả.
Sau khi Ngập chết bệnh, Văn dâng biểu sang vua Nam Hán là Lưu Thịnh, xin sắc phong. Thịnh thuận cho, bèn sai sứ giả Lý Dư mang đến tận nơi. Nhưng rồi Văn nghĩ lại, chẳng lẽ, mình đường đường là Nam Tấn Vương, lại đi xin xỏ, khác chi hàng phục quân giặc đã bị ông cha đánh tan trên sông Bạch Đằng, năm Mậu Tuất (938) hay sao? Thế là, Văn bảo quan quân chặn sứ giả lại, không cho vào Cổ Loa, lấy cớ là đất nước loạn lạc, khó bảo toàn cho sứ giả…
Năm Ất Sửu (965), Văn thân cầm quân đi đánh bọn Ngô Nhật Khánh, ở thôn Đường. Khánh bỏ chạy. Văn thu quân về kinh đô.
Dạo ấy, bọn Nguyễn Khoan xưng là Nguyễn Thái Bình, làm loạn ở vùng Gia Loan – Tam Đái. Tin tức tới tấp báo về kinh đô. Tham tá Lã Xử Bình tâu lên. Văn lại cầm quân đánh dẹp. Từ Cổ Loa, Văn chia quân làm hai cánh. Cánh bộ, nhằm hướng núi Tam Đảo, rồi ngoặt xuống đánh vu hồi. Cánh thủy ngược sông Hồng đánh lên. Văn bảo:
– Hai cánh quân, khác nào ngón cái và ngón trỏ cùng quặp vào, thì cái quả na Tam Đái chẳng vỡ nát sao?
– Chuyến này, phải bắt thằng Khoan về hỏi tội, làm cho Nam Tấn Vương khó nhọc, – Lã Xử Bình tâng bốc. – Nhưng cũng phải đề phòng hai thằng em nó là Nguyễn Thủ Tiệp ở Tiên Du và Nguyễn Siêu ở Tây Phù Liệt, thừa cơ đánh úp kinh đô.
– Ta đã phòng bị cả rồi, – Văn tự đắc. – Vả, ta hành binh bí mật, lại thần tốc, nội trong ba ngày là bắt được thằng Khoan mà thôi.
Bọn Văn cho quân thủy bộ cùng tiến, vây áp tận vào sào huyệt. Nhưng Khoan cậy thế hiểm, cho quân lính lẩn hết vào làng, lúc ở bụi tre chiến lũy, lúc trong rừng rậm. Quân của Văn đang đi đánh người, lại bị người đánh, rồi trốn biệt, khác nào trò ú tim. Nhưng cái trò ú tim đó của Khoan, không những gây hoang mang mà còn làm thiệt hại cho quân triều đình, không phải là ít.
Văn tức, xua quân ào ạt tiến vào làng, đốt phá, giết chóc không nương tay. Quân Khoan vẫn kiên trì kiểu đánh trộm, rồi trốn. Tiếng ngựa hí, tiếng gươm khua, lửa cháy lẫn tiếng người la hét hỗn loạn khắp làng trong rừng ngoài.
Bỗng đánh nhoàng một cái, Văn trúng mũi tên từ bụi tre bắn ra, ngã nhào xuống ngựa. Bọn Lã Xử Bình liều chết xông vào, vực Văn ra khỏi trận. Khi chúng rút mũi tên từ cổ họng Văn ra, máu trào phun như cầu vồng, tưới ướt đẫm cả áo giáp, nhuốm đỏ chiến bào. Văn tử trận. Bình tò mò cầm mũi tên lên xem, thấy có hai chữ “Thái Bình”, mà rụng rời cả chân tay.
Căn cứ Gia Loan – Tam Đái của Khoan là một con nhím tàng hình, nhưng bọn Văn lại tưởng quả na cho kẻ móm răng xơi cũng được, nên tổn thất nặng nề. Thương thay cho Văn, một kẻ nhân từ và chí khí, mà chết bất đắc kỳ tử. Từ đấy, nhà Ngô tận số!
6.
Khi Đinh Hoàn dẫn đại quân sang Bố Hải Khẩu, nương tựa Trần Lãm, đã bảo Tú ở lại, lo việc tu bổ thành trì, xây dựng doanh trại, tạo lập cung điện, mai ngày trở về sẵn nong sẵn né.
Một hôm, Tú đang chỉ huy đám lính thợ bắc cầu Dền. Cả bọn loay hoay mãi mà không sao bẩy được phiến đá dày như cái sập, to như cái chiếu để làm mặt cầu, bắc qua sông Sào Khê, nối giữa hai làng Yên Thành và Yên Thượng. Bất chợt, thấy cái thuyền nan, từ sông Hoàng Long chèo tới. Trên khoang thuyền là một chàng thư sinh, mặt mũi khôi ngô, thân hình tuấn tú. Nhìn thấy cảnh bắc cầu đá, thư sinh bèn khoát tay cho tiểu đồng ghé vào bờ, khoan thai bước lên, bảo:
– Tướng quân cho đặt mấy cái con lăn, thì đẩy phiến đá, khác nào đẩy bào gỗ.
Theo cách ấy, một chốc, phiến đá đã nối hai mố. Quân lính nhảy lên mặt cầu, reo mừng hể hả. Tú trịnh trọng đến bên thư sinh, chắp tay thi lễ:
– Dám hỏi tiên sinh, người ở đâu ta?
Thư sinh cũng chắp tay, lễ phép nói:
– Tôi tên Cơ, họ Lưu, tuổi Canh Tý, theo học bên Tri Hối kia thôi, hẳn kém tuổi tướng quân?
– Ồ, thế thì bằng tuổi cậu Đinh Liễn.
– Phải, tôi cũng nghe nhiều về Hào trưởng họ Đinh, nay là Bộ Lĩnh ở Kỳ Bố. Tôi cũng biết tướng quân họ Trịnh. Nghe nói, mấy hôm nay tướng quân đang bắc cầu cho dân đi, thật là phúc đức, nên tôi mạo muội đến chào hỏi mà thôi.
– Thật là thần kỳ, thế mà đầu óc ngu tối này không nghĩ ra, khiến quân lính mệt nhọc, – Tú tỏ vẻ khiêm nhường, đề cao Lưu Cơ. – Tôi cũng nghe danh tiên sinh đã lâu, mà nay mới được gặp.
– Tôi vẫn qua thành, thường thấy Tướng quân mà.
– Thật là núi Thái Sơn(10) trước mặt lại không hay biết.
Bữa đó, Tú lưu Cơ ở lại doanh trại cùng đàm đạo. Thấy Cơ nói vanh vách về phép dựng thành đắp lũy, lại tinh thông luận bình thời cuộc, Tú mới rụt rè hỏi:
– Chủ tướng tôi có ý cầu hiền. Vậy xin tiến cử tiên sinh sang Bố Hải Khẩu. Chẳng hay, ý tiên sinh thế nào?
Cơ chắp tay, nói:
– Vận số nhà Hậu Ngô đã hết, thiên hạ loạn lạc tứ phương, dân chúng lầm than khắp chốn. Tôi cũng chỉ biết đôi ba chữ, nhưng chả nhẽ nằm co giữ thân, mà không dám đầu quân theo kẻ anh hùng, há chẳng hổ thẹn lắm sao? Vậy có kế này, xin dâng lên Bộ Lĩnh, làm quà ra mắt.
Đoạn, Cơ ghé tai Tú nói nhỏ:
– Chỉ làm hao quân tổn tướng, nhưng không được giết Xí.
Tú lấy làm lạ, hỏi lại:
– Sao vậy?
Cơ bảo:
– Giam lỏng Xí, không được giết, thì Chủ tướng lấy tiếng khuông phò nhà Ngô mà dẹp loạn, mới chính danh.
Về sau, quân Cờ Lau tập kích Gián Khẩu, Thiên Tôn, Tam Điệp theo kế như thế, như thế…
Bộ Lĩnh nghe Tú báo rằng, Lưu Cơ là người sách hoạch diệu kế như vậy, thì lấy làm mừng lắm, bèn cho quan quân về gấp về Tri Hối, đón sang Bố Hải Khẩu.
VŨ XUÂN TỬU
(Còn tiếp)
____________
(1) sách Đào Áo xưa (còn gọi Đào Ao), thuộc tổng Uy Viễn, động Hoa Lư;
nay thuộc các xã Liên Sơn, Gia Hưng, Gia Phú, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
(2) nay là chùa Trấn Quốc, ở Hồ Tây, thuộc Thủ đô Hà Nội.
(3,10) Taishan (Thái Sơn), còn gọi Đông Ngạc, tên quả núi lớn và thiêng, nơi quê hương Khổng Tử,
nay thuộc tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc).
(4) con trai cả.
(5) nay thuộc Đông Quan, Thanh Lan, Thụy Anh, tỉnh Thái Bình.
(6) nay thuộc tỉnh Nam Định.
(7) không chống nổi địch.
(8) nay thuộc khu vực bệnh viện Đa khoa Thái Bình.
rồi trao cho thao ấn và gươm báu, để thêm chỗ dựa. Bộ Lĩnh còn cho lập đồn Phù Lưu, Trại Bắc, Cổ Dũng che chắn cửa ngõ phía Đằng Châu. Mạn biển, Bộ Lĩnh thu phục các tướng Đinh Thành, Đinh Lang và dựng lũy Vạn Xuân, Bình Lạng, Hoa Hiềm, Hổ Đội.
(9) nay thuộc phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình.