Vừa rồi thấy trên fb của nhà thơ Trần Mạnh Hảo “tố” nhà phê bình văn học Văn Giá “đạo văn” phần lời bài hát “Ngẫu hứng phố” của nhạc sĩ Trần Tiến để đưa vào bài thơ “Mùa thi đổ lửa” của mình. Dù không liên quan, nhưng thấy đây là câu chuyện văn chương đáng nói, nên cũng góp vài lời.
Xem kỹ hai tác phẩm (nguyên văn mời đọc ở bên dưới), tôi cho rằng ở đây nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã quá lời, quá cực đoan.

Trong bài thơ “Mùa thi đổ lửa”, có thể thấy một số câu đã trùng với mô thức/trật tự biểu đạt (phần đầu) của ca khúc “Ngẫu hứng phố”. Như “Ở Quảng Trị cái gì cũng thiếu/ Chỉ có gió Lào và cát trắng thừa thôi – Ở Quảng Trị tất thảy đều hiền lắm/ Chỉ Quốc lộ là hung dữ nhất thôi” (Mùa thi đổ lửa). Với “Hà Nội cái gì cũng rẻ/ Chỉ có đắt nhất bạn bè thôi/ Hà Nội cái gì cũng rẻ/ Chỉ có đắt nhất tình người thôi” (Ngẫu hứng phố). Tất nhiên theo tôi, tác giả bài thơ nếu tỉnh táo và ý thức được về sự bị ảnh hưởng ấy (về trật tự ngữ nghĩa) của mình với ca khúc trên, thì chỉ cần thêm một dấu (*) chú thích bên dưới hoặc ghi mấy chữ phía trên có nhắc đến tác phẩm của nhạc sĩ Trần Tiến là ổn.
Nhưng cũng phải thấy, các mô thức biểu đạt ngôn ngữ luôn là cái khuôn dùng chung từ khi nó ra đời. Nhất là trong lĩnh vực sáng tạo/sáng tác, những phép tu từ đăng đối, so sánh, đòn bẩy, liên tưởng…của ngôn ngữ luôn có sự va chạm, giao thoa giữa các tác giả từ cổ chí kim. Cho đến rộng hơn là những “cái vỏ” trường phái như lãng mạn, cổ điển, siêu thực, hiện thực huyền ảo,… với những thủ pháp chung. Miễn sao người sáng tạo thể hiện/đưa ra được tư duy/tư tưởng riêng cho tác phẩm của mình. Ở đây, có thể thấy “Mùa thi đổ lửa” không hề “ăn cắp văn, ăn cắp ý, ăn cắp lời của nhạc sĩ Trần Tiến” như quy kết của nhà thơ Trần Mạnh Hảo.
Cũng như hai câu thơ này của Trần Mạnh Hảo “Anh đi khắp trái đất này/Cũng không đi khỏi chân mày mắt em” (Bài Gương mặt em rất thánh – TMH, tập thơ Giáng tiên – NXB Trẻ 2002), có ai quy kết ông “đạo văn” từ hai câu thơ nổi tiếng “Nông trường ta rộng mênh mông/ Trăng lên trăng lặn vẫn không ra ngoài” (Bài Nông trường cà phê, 1958) của nhà thơ Tế Hanh đâu? Nhưng bảo có ảnh hưởng không? Chắc chắn là có.
Như ví von “Mắt ta đêm nay/Khác nào hai giếng nước” (Trần Mạnh Hảo, bài Tổ quốc), với “Riêng những câu thơ còn xanh/Riêng những bài hát còn xanh/Và đôi mắt em như hai giếng nước” (Văn Cao, bài Thời gian)?
Và nữa, thử so sánh hai bài thơ dưới đây.
Bài RU NGƯỜI TRĂM NĂM của Trần Mạnh Hảo
Ngủ đi người của anh ơi
Xin nhờ ngọn gió ru nơi em nằm
Anh ngồi thức với xa xăm
Tới em phải vượt hàng trăm tinh cầu
Lời ru nào sợ xa đâu
À ơi vũ trụ chìm sau mi dài
Bay bay hai cánh tơ ngài
Ngủ đi cặp mắt thức hoài chờ trông
Anh ru từng búp tay hồng
Xin nhờ ngọn gió bế bồng trên tay
Nâng niu mười nhánh sông gầy
Khép vơi thành nụ, xoè đầy thành hoa
Từng đi nghìn dặm sơn hà
Hai bàn chân của em là mùi hương
Cái hôn trên gót còn vương
Lời ru em hóa con đường em đi
Ngủ ngon khoé miệng thầm thì
Cháy tan trời đất cũng vì vành môi
Vuốt ve khe suối núi đồi
Ngủ đi da thịt ngời ngời thương yêu.
Tóc em anh đến trăm chiều
Bao nhiêu sợi tóc bấy nhiêu nỗi niềm
Tay anh em gối trăng liềm
Giấc mơ chớ hiện ra điềm bể dâu
À ơi cái ngủ đi đâu
Tình yêu ru đến bạc đầu chưa thôi
Cách xa như đất với trời
Đêm đêm anh lặng ru người trăm năm.
(TMH, tập thơ Mình anh trong một thế giới, 1991)
Và bài thơ NGẬM NGÙI của Huy Cận
Nắng chia nửa bãi; chiều rồi…
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau;
Em ơi! hãy ngủ… anh hầu quạt đây.
Lòng anh mở với quạt này;
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình thường!
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ…
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ…
– Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi…
(Huy Cận, Lửa thiêng, 1940)
Đã có ai bảo nhà thơ Trần Mạnh Hảo “đạo văn, đạo ý” của Huy Cận chưa?
***
Tôi, kẻ viết mấy dòng này hơn chục năm trước từng được nhà thơ Trần Mạnh Hảo “phong” là “nhà ma học” (sau tập Ma thuật ngón), và nhận mấy trăm comment hùa theo “mắng mỏ” trên Blog nhà văn NQL. Nên nghiệm ra rằng đến làm “thơ ma” mà còn bị, huống gì…
TRẦN TUẤN
__________________________________
MÙA THI ĐỔ LỬA của Văn Giá
Ở Quảng Trị cái gì cũng thiếu
Chỉ có gió Lào và cát trắng thừa thôi
Ở Quảng Trị cái gì cũng héo
Chỉ có phượng hồng và hoa giấy thắm tươi
Ở Quảng Trị tất thảy đều hiền lắm
Chỉ Quốc lộ là hung dữ nhất thôi
Cô giáo coi thi xe máy về phố thị
Xe tải tông ngang.
Nấm mộ chân đồi…
Ở Quảng Trị cái gì cũng ít
Chỉ có mộ người chi chít mà thôi
Qua cuộc chiến lính hai bên bỏ mạng
Hương khói đêm đêm cháy đỏ mặt người
Ước mai này không còn thi cử nữa
Các con ta chỉ thi với chính mình
Từng nấc thang đời, con thong dong bước
Được làm người tự do
Ở Quảng Trị tất cả đều cháy xém
Chỉ có làn da em gái trắng ngời
Cả Quảng Trị trong héo ngoài héo
Chỉ có em trong tươi ngoài tươi…
Tháng 7/2019
Ca từ NGẪU HỨNG PHỐ của Trần Tiến
Hà Nội cái gì cũng rẻ
Chỉ có đắt nhất bạn bè thôi
Hà Nội cái gì cũng rẻ
Chỉ có đắt nhất tình người thôi
Hà Nội cái gì cũng rẻ
Chỉ có đắt nhất bạn bè thôi
Hà Nội cái gì cũng rẻ
Chỉ có đắt nhất tình người thôi
Hà Nội cái gì cũng buồn
Buồn thương đến thế mùa thu ơi
Hà Nội cái gì cũng vui
Rủ nhau ra phố bia hơi vỉa hè
Hà Nội mùa mưa
Bạn bè tuổi thơ lội dòng sông phố nô đùa
Hà Nội mùa đông
Quán đê thơm nồng mùi ngô nướng sém
Hà Nội là em
Vụng dại thầm kín một thời thiếu nữ u hoài
Hà Nội mẹ tôi
Vấn khăn nâu sồng một đời áo cũ
Thương con mắt đỏ thờ chồng
Hà Nội Hồ Gươm
Bình rượu ngàn năm để lại bên phố nghiêng buồn
Hà Nội nghìn thu
Lối xưa xe ngựa đành lòng thương nhớ
Hà Nội đầu ô
Một chiều đầy gió một người không nỡ quay về
Hà Nội lòng tôi
Giấc mơ xa vời của người xa quê
Ai ơi sống gửi thác về
Hà Nội mùa mưa
Bạn bè tuổi thơ lội dòng sông phố nô đùa
Hà Nội mùa đông
Quán đê thơm nồng mùi ngô nướng sém
Hà Nội là em
Vụng dại thầm kín một thời thiếu nữ u hoài
Hà Nội mẹ tôi
Vấn khăn nâu sồng một đời áo cũ
Thương con mắt đỏ thờ chồng
Hà Nội mùa mưa
Nhớ bao cuộc đời
Của người bạn xưa
Ai ơi sống gửi thác về