VHSG- Đến hẹn lại lên, chuyện tiền học đầu năm của học sinh các cấp lại khiến dư luận quan tâm. Năm nay, tâm điểm chú ý của phụ huynh là tiền mua sách vở, xuất phát từ một thông tin trên mạng xã hội phản ánh việc học sinh lớp 1 “cõng” 23 đầu sách với tổng số tiền phải bỏ ra lên đến 800 ngàn đồng.
Số tiền nói trên là khoản chi lớn đối với phụ huynh thuộc nhóm có mức thu nhập trung bình trở xuống. Nhưng điều mà dư luận quan tâm nhất lại ở chỗ khác. Trong số 23 đầu sách, số được gọi là sách giáo khoa theo chuẩn của “Bộ sách GK mới” áp dụng từ năm học 2020-2021 chiếm chưa đến một nửa (9/23). Số còn lại là sách bổ trợ gồm các loại vở bài tập, sách tham khảo, sách tự chọn,… Thực chất, đây là loại sách ăn theo sách giáo khoa, nó lợi hại như thế nào, phần sau chúng tôi sẽ bàn đến.
Còn đây là số liệu đáng để chúng ta suy ngẫm về sự phát triển nhảy vọt của loại sách “ăn theo” này. Theo Công văn số 1752 của NXB Giáo dục Việt Nam năm 2010, sách bổ trợ từ tiểu học đến THPT có 165 tên sách. Đến năm học 2017-2018, số lượng này tăng lên 291. Tất cả những cuốn sách bổ trợ này đều đã được Bộ GD&ĐT thẩm định.[1]
Mập mờ đánh lận con đen
Các loại vở bài tập, bài tập nâng cao, sách thực hành, sách tham khảo, sách tự chọn,… đều không phải là sách giáo khoa, điều đơn giản ấy ai cũng hiểu. Thế nhưng, trong công văn của ngành giáo dục từ cấp phòng trở lên, chưa bao giờ tách bạch rạch ròi chuyện này cho dù trong các công văn, bao giờ cũng có nội dung “yêu cầu các các đơn vị tổ chức đăng ký đặt mua theo nhu cầu trên tinh thần tự nguyện của học sinh, cha mẹ học sinh. Ngoài các sách theo quy định, các trường không được tổ chức để bắt buộc học sinh mua thêm các loại sách, tài liệu tham khảo khác, các loại vở và học liệu khác”.
Tuy nhiên điều khó hiểu là, trong văn bản của các cấp quản lý giáo dục nói trên thường kèm theo công văn của Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học địa phương với danh mục các loại sách từ lớp 1 đến lớp 12 mà phụ huynh cần mua, không tách bạch SGK và sách bổ trợ.
Thế cho nên, dù NXB Giáo dục Việt Nam hay các cơ quan quản lý giáo dục đều khẳng định, sách bổ trợ chỉ có tính chất tham khảo, phụ huynh, học sinh có quyền quyết định chọn mua hay không, các Sở GD&ĐT cũng nghiêm cấm các hình thức bắt ép mua các loại sách dưới mọi hình thức, nhưng trong thực tế chẳng phụ huynh nào dám cưỡng lại danh mục sách đã được nhà trường và giáo viên chủ nhiệm thông qua.
Sách bổ trợ giúp ích được gì cho thầy và trò?
Cứ mỗi lần bàn đến chuyện học sinh cõng trên lưng đủ loại sách là nhiều người lại tỏ ra tiếc nuối một thời cắp sách tới trường của mình. Cũng lứa tuổi vào lớp 1 “a, bờ, cờ” như nhau mà ba bốn chục năm trước, hành trang đến trường của học sinh nhẹ tênh chỉ có vài ba quyển sách còn bây giờ số lượng đã gấp cả chục lần, đủ các loại sách giáo khoa, sách thực hành, sách bài tập, bài tập nâng cao và nhiều sách bổ trợ khác.
So sánh trên tuy khập khiễng nhưng có một sự thật không thể chối cãi, đó là mấy chục năm qua ngành giáo dục dù đã rất cố gắng nhưng vẫn chưa giải được bài toán giảm tải kiến thức cho học sinh phổ thông.
Sự nở rộ sách bổ trợ gần như đã triệt tiêu khả năng tư duy sáng tạo của thầy và trò. Công việc của thầy trở nên giản đơn hơn vì tất cả đã có trong sách hướng dẫn, sách tham khảo, chẳng cần phải lao tâm khổ tứ vì bài soạn đã có tác giả sách làm thay, đấy là chưa kể giáo án “mẫu” tràn lan trên mạng, thầy cô chỉ cần một cái lích chuột là có ngay.
Nhờ sách bổ trợ mà học trò cũng đỡ vất vả trong lao động học tập, trong tư duy khoa học. Các em không còn phải mỏi tay chép bài, không mấy động não để giải một bài tập hóc búa. Tất cả đều đã được “lập trình hóa” trong sách bổ trợ, trên giáo án điện tử của giáo viên.
Ai mới là người hưởng lợi từ sách bổ trợ?
Như trên đã nói, càng nhiều sách tham khảo, vở bài tập, sách bổ trợ thì giáo viên và học sinh càng nhàn nhã trong việc dạy học. Nhưng đó là lợi bất cấp hại.
Còn cái lợi thực sự dành cho ai có lẽ không cần câu trả lời ở đây. Vấn đề đặt ra là vai trò của Bộ GD&ĐT ở đâu khi đầu sách bổ trợ ngày càng tăng và tình trạng mập mờ giữa sách GK và sách bổ trợ liệu có phải là vì hoa hồng hay lợi nhuận của ai?
Một cô giáo có thâm niên dạy tiểu học hơn 20 năm ở TP.HCM – khẳng định: “Không dùng vở bài tập vẫn dạy được hai buổi/ngày, vẫn rèn cho học sinh các kỹ năng: làm toán, rèn chữ…”. Một cô giáo khác cũng cho biết: “Với học sinh tiểu học, việc chép đề bài vào vở cũng là một cách rèn kỹ năng viết chữ, rèn kỹ năng trình bày…”.[2]
Tôi tin đó là sự bộc bạch chân thành của các cô giáo. Một người thầy tâm huyết với nghề, với học sinh thì không cớ gì phải dựa vào sách tham khảo hay sách bổ trợ, hay giáo án mẫu mới lên lớp được.
Đã đến lúc ngành giáo dục cần tỏ thái độ dứt khoát đối với các loại sách bổ trợ để sớm chấm dứt tình trạng “không bắt buộc” sử dụng sách bổ trợ nhưng các trường lại phải thực hiện như một thứ “luật bất thành văn”, khiến nỗi lo tiền học cho con cái trở thành gánh nặng đối với phụ huynh nhất là trong bối cảnh hiện tại dịch Covid-19 đang hoành hành, công ăn việc làm khó khăn, thu nhập của người dân sút giảm.
NGUYỄN DUY XUÂN
Tham khảo:
[1]. https://www.tienphong.vn/giao-duc/sach-bo-tro-nup-bong-sgk-ai-dung-tung-1718144.tpo?fbclid=IwAR23ku07G6Rb4vbXnA2AzHJLXJo4AYu4QzFltFh91EJ9YLc5hfSuAo3_ew8
[2]. https://tuoitre.vn/phat-hoang-voi-nhung-khoan-tien-bua-vay-dau-nam-hoc-20200907222135446.htm