VHSG- Phạm Tâm An tên thật là Phạm Thị Lan ở Ninh Bình. Đây là chùm thơ 1-2-3 đầu tiên chị gửi tham gia. “Về Hoa Lư nhớ tiền nhân giữ nước/ Đỉnh Mã Yên đâu vó ngựa dập dồn?/ Thành quách vương triều khuất bóng hoàng hôn”. Những câu thơ nhẹ nhàng mà sâu lắng một nỗi buồn hoài cổ, ẩn hiện vẻ đẹp thản nhiên tự tại của “nhành lau vẫn nở trắng, an lành” trước thăng trầm lịch sử. Vẫn giọng thơ đằm thắm, man mác buồn ấy khi viết về những hoài niệm tình yêu, cuộc đời hay nỗi cô đơn của thân phận thì cũng đầy ám ảnh: “Ngày tất bật cùng nỗi lo cơm áo/ Đêm nghẹn ngào hoang lạnh chiếu giường đơn/ Nghe thạch sùng chắt lưỡi chợt buồn hơn”…

Cuộc vận động sáng tác thể thơ mới 1-2-3 sau 6 tháng phát động đã nhận hơn 620 chùm thơ 1-2-3 của trên 200 tác giả trong và ngoài nước tham gia, và đã đăng tải gần 450 chùm thơ trên Văn Học Sài Gòn.
Gần đây có thêm nhiều cây bút liên tục gửi về những chùm thơ 1-2-3 mới như: Phạm Tâm An, Phạm Tuyết Hạnh, Lê Thị Ngọc Nữ, Huyền Mến, Lê Kỳ Nam, Lê Thị Hương, Lê Sỹ Đồng, Trần Thùy Linh, Sang Trương, Ngô Lam, Hoàng Cẩm Thạch, Hồ Thế Sinh, Nguyệt Lê, Tạ Hùng Việt, Nguyễn Đức Bá, Mai Lệ Hằng, Phạm Thị Hồng Thu, Vũ Hà, Cao Ngọc Toản, Chử Lê Hoàng Điệp, Hạ Như Trần, Lương Mỹ Hạnh, Nhất Mạt Hương, Huỳnh Thanh Liêm, Khét, Phạm Quỳnh Loan, Hoài Thơ, Hồ Trung Chính, Thái Bảo – Dương Đỳnh, Tuấn Phạm, Hà Vinh Tâm, Nguyễn Thị Hạnh, Phan Xuân Hậu, Lê Bích, Tâm Như, Phan Thảo Hạnh, Cao Xuân Hiển, Võ Văn Thọ, Trương Ngọc Ánh,…
Xin lưu lý thể lệ: Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.
Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.
Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.
Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.
Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.
Hàng tháng, Ban biên tập VHSG sẽ chọn những chùm thơ 1-2-3 hay để trao Tặng thưởng, ưu tiên khuyến khích những tác giả có nhiều chùm thơ được chọn đăng. Giá trị tặng thưởng và giải thưởng gồm tiền mặt và quà lưu niệm.
Chúng tôi chân thành cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của bạn thơ và các đơn vị tài trợ đồng hành với thơ 1-2-3: Báo Đất Việt, Tạp chí Môi Trường & Đô Thị Việt Nam, Công ty TNHH Dược phẩm Phú Mỹ – PMPHARCO, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Thiên Bút, Công ty TNHH MTV TMDV Diệp Bảo An (Bò một nắng Phú Yên), Công ty TNHH TOVI, Công ty TNHH Pilot Design Bags, Công ty May mặc Lâm Mơ.
Về Hoa Lư nhớ tiền nhân giữ nước
Đỉnh Mã Yên đâu vó ngựa dập dồn?
Thành quách vương triều khuất bóng hoàng hôn…
Mưa nắng ngàn năm dẫu rêu mòn đá núi
Anh hùng hay tội đồ lịch sử đã định danh
Chỉ nhành lau vẫn nở trắng, an lành!
Thì cứ nghĩ mình như nhánh cỏ
Dẫu khe đá, đất cằn, nắng hạn vẫn xanh tươi
Cỏ hồn nhiên vươn lên dưới ánh mặt trời
Em lam lũ mang thân gầy ra phố
Chợt thương mình – cỏ dại xác xơ
Mơ một ngày mưa đến bất ngờ!
Ta về lại đường tình ai lỡ hẹn
Gió xuân thì buông xuống nhánh thông non
Ôi tuổi dại… nỗi niềm rưng mắt nhớ!
Ngày xưa ơi! Đắng ngọt những vui buồn
Ta mê mải bơi trong dòng ký ức
Dĩ vãng xa mù, sao vẫn mãi hoài thương?!
Trở về bên mẹ và quê
Sau bao gian khó dãi dề gió sương
Con như đứa trẻ lạc đường, ham vui
Mùa xuân hoa nở bồi hồi
Niềm yêu thương mẹ nghẹn lời thơ con
Thời gian… năm tháng mỏi mòn!
Nhà vắng đàn ông, chông chênh, trống vắng
Vợ khát tiếng “chồng à”, con thèm gọi “ba ơi”
Mẹ đơn thân tủi phận nghẹn lời…
Ngày tất bật cùng nỗi lo cơm áo
Đêm nghẹn ngào hoang lạnh chiếu giường đơn
Nghe thạch sùng chắt lưỡi chợt buồn hơn.
PHẠM TÂM AN (NINH BÌNH)