Hướng tới xuất bản các Tuyển tập Thơ 1-2-3, Văn Học Sài Gòn phối hợp với Diễn đàn Thơ 1-2-3 sẽ lần lượt giới thiệu các chùm thơ của các tác giả tham gia gửi về email: vanhocsaigon@gmail.com hoặc trên diễn đàn. Từ những bài thơ tác giả tự chọn, nhóm biên soạn sẽ chọn mỗi tác giả 5 bài cùng hình ảnh, tiểu sử văn học và quan niệm về thơ 1-2-3 để đưa vào tuyển tập. Sau đây là chùm thơ tự chọn của nhà thơ Lê Đỗ Lan Anh từ Vĩnh Long.

Nhà thơ trẻ Lê Đỗ Lan Anh tên thật Lê Lan Anh sinh ngày 13.3.1986 ở Vĩnh Long, hiện là giáo viên tại thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long; Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long.
Lê Đỗ Lan Anh là Đại biểu tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng tháng 6.2022.
Lê Đỗ Lan Anh đã xuất bản tập thơ “Ký tự trôi” (2021), nhận Tặng thưởng Thơ 1-2-3 của Văn Học Sài Gòn đợt đầu tiên vào năm 2020.
Cảm nhận của nhà thơ Lê Đỗ Lan Anh:
“Với tôi thơ như ánh sáng diệu kỳ cứu rỗi những linh hồn cô độc. Và cứ thế tôi níu ánh sáng ấy để thấy rõ bóng mình. Trong khoảng trống dường như vô tận, tôi được sống và yêu bằng hơi thở chính tôi. Với thơ 1-2-3 như cơ duyên tôi có thể bộc lộ những cảm xúc một cách chân thật nhất về đời sống mà tôi đã từng trải qua và chứng kiến. Tôi như con sóng cuộn trào rồi trở về đại dương bao la với khao khát ngọt ngào. Với thể loại thơ mới ngắn gọn, cô đọng, súc tích nhưng ẩn sau đó là câu chuyện với muôn sắc màu. Đó có thể là những cánh đồng hoa ngập tràn cánh bướm hay đêm tối với những vết thương mang nhiều tì vết. Sống động, đau đớn và ngọt ngào.
Đến với thơ khi bước qua tuổi 30, và xuất phát không bắt đầu từ nghề viết tôi như tìm lại bản thể sâu thẳm của chính tôi. Thơ 1-2-3 đã cho tôi mảnh đất để tôi gieo trồng những khoảnh khắc tươi đẹp của đời mình, tưới mát những đau khổ của chính tôi. Khi trải nghiệm viết thơ 1-2-3 tôi thấy được sức mạnh của ngôn từ với không gian sáng tạo mới mẻ. Chỉ vỏn vẹn 6 dòng nhưng chất chứa những cảm xúc rất riêng của mỗi tác giả. Hàm lượng văn chương phong phú, phá cách, ngôn từ tinh lọc nhưng vẫn tạo cảm giác thăng hoa cho người viết. Cảm ơn thơ 1-2-3 đã cho tôi có cơ hội hoàn thiện bản thân hơn và thắp lửa cho đam mê luôn cháy bỏng trong trái tim những người yêu thơ”.
Tác giả dự tuyển thơ 1-2-3:
Sự cô đơn của một bài thơ
Những ký tự mòn trong đêm lõa thể
Luyến ái như tiếng dột mưa tan trên ngực
Ký ức bay từ ánh sáng đen mù mịt
Cháy vùng tâm thức tàn tro manh mún
Bóng của bóng trên thi thể ngậm đức tin
Như cách trốn chạy
Tôi tự giết mình bằng ánh dao
Những bông hoa ăn thịt người cười cợn
Chẳng có gì đáng sợ khi bị nuốt cánh tay
Như cách tôi rọc nửa mặt mình trong gương hình dung sự chết
Trên câu thơ tôi đầu độc tôi bơ vơ tàn tích
Những con cáo đen tìm mẹ trên thân thể loài người
Lát cắt như sương mềm và tan
Ánh sáng chìm trong bóng đứa trẻ mồ côi
Tia nắng mục rữa khối băng ngụy tạo
Dã tâm phản trắc của những vị vua tự tạo ra sự sống
Nỗi thống khổ tiền kiếp ngập trong máu những bào thai.

Giấc ngủ đứa trẻ trên hành lang cuộc đời
Như dòng lũ cuốn giấc mơ trôi về phía vô hình
Tiếng khóc vỡ trong ngực
Lời rao như tiếng sấm chớp ngang đỉnh sọ
Những con số hững hờ trôi bên lề
Tấm vé vẽ đường ranh thực tại và tương lai.
Phả vào đêm tiếng của thinh không
Sự sống được nung chảy
Trong cổ họng khô khốc những nham từ
Tiếng thét như câu chuyện
Lặng thầm kiếp sinh linh
Trong mắt con ngươi đỏ lửa trái tim nhân loại hình bát giác
Đi qua vùng xác sống tìm một sự chết
Trong chính kịch của thể người
Phát tán sự bạo tàn để tạo lòng lương thiện
Thổi phồng lòng dũng cảm để lấp sự nhút nhát
Và vì thế máu luôn đóng băng trên họng súng
Trong ngân hàng chất đầy vàng và mùi xác sống
Khi ánh nắng bắt đầu tan
Những chú chim tựa vào
Chúng cho nhau tình yêu đọt phi lau gầy và yếu
Nắng rơi hồn gió nở hoa
Những vết chân phiêu bạc ngắm từng giọt thời gian
Khi không thể trốn tìm ánh sáng.
Cô bé đi tìm những con cá phủ lớp da người
Người mẹ bỏ lại chiếc áo tang trên dòng sông nắng
Phù sa đục ngầu cánh sóng thả trôi
Bồng bềnh chiếc vi ngậm mùi
Máu nhuộm loang cái nắng đầu đông
Mồ côi hanh khô vành mắt con cá phủ lớp da người.
LÊ ĐỖ LAN ANH