Thơ Võ Văn Trường tham dự Tuyển tập Thơ 1-2-3

Hướng tới xuất bản các Tuyển tập Thơ 1-2-3, Văn Học Sài Gòn phối hợp với Diễn đàn Thơ 1-2-3 sẽ lần lượt giới thiệu các chùm thơ của các tác giả tham gia gửi về email: vanhocsaigon@gmail.com hoặc trên diễn đàn. Từ những bài thơ tác giả tự chọn, nhóm biên soạn sẽ chọn mỗi tác giả 5 bài cùng hình ảnh, tiểu sử văn học và quan niệm về thơ 1-2-3 để đưa vào tuyển tập. Sau đây là chùm thơ tự chọn của nhà thơ Võ Văn Trường từ Quảng Nam.

Nhà thơ Võ Văn Trường

Võ Văn Trường có bút danh là Võ Trường quê quán ở Quế Thọ, Hiệp Đức, Quảng Nam, sinh năm 1974 ở Kim Sơn, Ninh Bình. Anh tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Huế năm 1996, từng công tác tại Báo Công An Quảng Nam – Đà Nẵng, Đài Truyền thanh Điện Bàn, Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em Quảng Nam và hiện nay công tác tại Đài Phát thanh – truyền hình Quảng Nam.

Võ Văn Trường là Hội viên: Hội Nhà báo Việt Nam, Hội VHNT thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Tác phẩm của Võ Văn Trường đã xuất bản:Kỷ vật của cha (ghi chép – bút ký), “Miền cư xá (tập thơ), “Khoảng sân đất (tản văn – tạp bút).

Nhà thơ Võ Văn Trường quan niệm: “Thơ 1-2-3 là thể thơ mới thuần Việt, hiện đại đã thật sự mở ra một chân trời mới cho sự sáng tạo. Tuy hàm súc, gọn ghẽ trong một thể thức nhất định nhưng lại không gò bó, khắt khe cho ngôn từ có thể thăng hoa, mạch cảm xúc có thể thăng hoa, gợi mở về phía vô cùng, đa chiều và nhân văn của thi ca nhân loại. Đặc biệt, luồng gió mới thơ 1-2-3 do nhà thơ Phan Hoàng khởi xướng xuất hiện sau nhiều năm cánh đồng thi ca Việt vẫn nhẫn nại sớm nắng chiều mưa với thuần chủng những giống lúa quen thuộc nên đã tạo sức hút, chiều kích mới trong sáng tạo. Và một điều chắc chắn để có thơ hay nói một cách hình ảnh như nhà thơ Chế Lan Viên: “Mỗi giọt mật thành đòi vạn chuyến ong bay”…”

Tác giả dự tuyển thơ 1-2-3:

>> Trương Mỹ Ngọc

>> Đặng Tường Vy

>> Nguyễn Đinh Văn Hiếu

>> Vũ Thanh Thủy

 

Những ký âm năm tháng

 

Tôi nghe trong màu nắng sông trôi, quãng vắng

Giọt thánh ca buồn, màu hoa trắng vu lan

 

Ngày con chào đời, tiếng mặt đất hòa nhịp tim ba đập

Cho tôi nghiêng thêm vào đời, lồi lõm khổ đau

Cơn mưa hóa giấc mơ, thầm thĩ hàng cây… bệnh viện.

 

Thế giới có con giông tố chẳng hề gì

 

Khi con bập bẹ gọi ba, khi ba chờ con tan lớp

Chớp bể, mưa nguồn… chỉ đợi ngày con bay vào bầu trời

 

Đơm đó, rủi may, dòng đời quăng quật

Sá chi phồn hoa phố phường… còn có ngoại ô

Đom đóm lập lòe, thạp lúa, mùa trăng… một đời quê trĩu nặng.

 

Mùi bùn đất nồng nã thương cha

 

Luống cày lam lũ vỡ ra… tiếng bầy cu ngói

Hoa lau phất phơ bãi chiều, những ngôi mộ vô danh

 

Hậu chiến là tiếng mìn chói chát, xé bữa cơm sum họp

Cây gạo giữa vườn đột ngột sững trưa

Khói nhang cháy đỏ.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Khôi

Đêm quạnh quẽ thu mình nghe tiếng cuốc lẻ đôi

 

Ngày cạn bờ ao còn đâu dải yếm

Sen tàn mùa hạ chênh chao

 

Hòa bình rồi nhớ khuôn mặt chiến tranh

Thương hải biền dâu, da trắng tóc dài

Bức tranh tĩnh vật nước non… ngày ấy mẹ tiễn con ra trận.

 

Cảnh phượng nào cháy hết tuổi thơ con

 

Bung biêng tiếng ve nghèn nghẹn

Trong câu thơ áo trắng sân trường

 

Dòng thời gian rồi sẽ nấp vào đâu ngoái lại

Ký ức của ba là con, trăng quê khuyết vũng trâu nằm

Dưới sương là cỏ.

 

Tượng đài Mẹ Tổ quốc từ thành phố Volgograd(*) nước Nga

 

Nhắc nhớ trận chiến ác liệt, đẫm máu nhất Thế chiến II

Không có sự hy sinh nào không mang nỗi đau của mẹ

 

Với thanh kiếm trên tay mẹ là lời hịch truyền giục giã

Đồi Mamayev hàng triệu triệu người yên giấc

Hỏi có máu xương nào vô nghĩa với quê hương.

_______

(*) Trước đây là Stalingrad.

 

Ngày Nguyễn Du viết Kiều, đâu có để mua vui

 

Khi tiếng khóc phận thân… đời ba chìm bảy nổi

Người cầm bút đau dòng lệ buốt

 

Chợt nhớ cái thú  sau này của cụ Nguyễn Tuân

Tử tù mà còn chơi chữ

Cái đẹp sáng bừng ở chốn tối tăm.

 

Nào Hạnh Hoa thôn nào đâu Đỗ Mục(*)

 

Buồn của người xưa, không rượu giải sầu

Dù khắc thơ vào đá

 

Chữ chở đạo chữ reo lên đòi chữ(**)

Hỡi ôi, những anh linh nông dân, nghĩa sỹ

Nghìn đời bất tử… khúc bi ai.

___________

(*) Thanh Minh là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của Đỗ Mục, một thi gia thời vãn Đường. Ông là người cùng thời Lý Thương Ẩn, được đời sau xưng tụng là Tiểu Lý- Đỗ, gọi để phân biệt với Lý- Đỗ, thi tiên và thi thánh thời thịnh Đường Lý Bạch và Đỗ Phủ.

(**) Ý nói về câu thơ “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” của Nguyễn Đình Chiểu.

 

VÕ VĂN TRƯỜNG

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *