Tiếng con chim lợn kêu ngang qua – Tiểu thuyết Nguyễn Trọng Văn – Kỳ 6

SÁU

VHSG- Ông Thanh bị dẫn ra khỏi vào nhà chiều ngày 19 tháng 10 năm 2003, lúc ấy độ ba giờ hay ba giờ hơn gì đó. Ngoài sân nắng đã bắt đầu dịu, cuối thu nên nắng chiều dịu sớm hơn và nhanh hơn ngày hè. Cũng như người cha của mình, ông Thanh ra đi khỏi nhà và đi luôn không trở lại ngôi nhà của mình nữa. Chỉ khác, cha ông ra đi đầy hăm hở, lao thẳng vào mặt trận và nằm lại cánh rừng vạt đồi đâu đó. Ông Thanh ra đi không hẹn ngày về.

Một tờ giấy khổ A4 được gọi là “giấy mời” ông lên công an huyện. Hai người công an viên xã là hai người bước vào nhà đầu tiên, họ đứng giữa nhà và gọi to tên ông Thanh lên. Khi ấy ông Thanh đang cùng bà vợ xếp lại những thứ xoong, nồi, bát, cốc, toàn những thứ đồ mấy hôm trước hai ông bà đã dùng để nấu nồi nước chè xanh rồi đem mang ra bán ngoài sân vận động mới của xã. Mấy ngày bán nước cũng đem lại cho họ chút niềm vui nho nhỏ. Tiền với người khó tuy ít nhưng bao giờ cũng quý. Hai người công an viên của xã ngập ngừng mãi mới giở tờ giấy ra đọc. Họ đọc ấp ủng bởi chính họ cũng khó tin cái điều được viết ra trong tờ giấy.

Hai người này không lạ gì ông Thanh, bởi họ không chỉ là người cùng xã với ông mà một người trong số hai người ấy chơi với ông từ nhỏ. Nhưng rõ ràng tờ giấy ghi khá đầy đủ khiến họ không chần chừ được. Cũng may cho hai người công an viên xã, đi cùng họ còn có mấy anh công an huyện cảnh phục chỉnh tề cùng nét mặt rất nghiêm trọng. Ông Thanh ban đầu định cất lời chối từ nhưng hai người công an viên của xã động khôn khéo vận động. “Thì ông cứ đi theo chúng tôi đã. Lên huyện mọi chuyện sáng tỏ. Lại về ấy mà”.

Nhà văn Nguyễn Trọng Văn

Ông Thanh bị dẫn đi ra khỏi nhà thật bất ngờ, làm sững sờ không chỉ chính ông, chính gia đình ông mà còn chính cả mọi người dân làng Me. Người làng Me hiền hòa và trầm tính bỗng xôn xao bàn tán. Đuổi theo đôi tai ông là bao tiếng nói, tiếng này chen tiếng khác, tiếng nói bênh chen tiếng cười trách móc, tiếng xì xèo chen tiếng chửi móc. Nói chung là ông bị dẫn đi một cách không đàng hoàng. Theo lệnh, một người công an của huyện tiến lại trước mặt vào nhanh chóng ngoặc vào hai cổ tay ông chiếc còng số 8 sáng quắc. Ngay lập tức ông Thanh bị dẫn đi bởi hai người công an kèm sát hai bên sườn cùng những cái đẩy lưng thúc giục. Trời cuối thu gió se se thổi nhưng bụng dạ ông Thanh nóng như đốt lửa. “Chuyện gì đã xẩy ra vậy?”. Ông Thanh tự hỏi và cả làng Me cùng ngoái đầu nhìn nhau hỏi thầm thì.

Họ đi như chạy. Ông Thanh tưởng không lấy kịp hơi, ngực ông căng lên để hít không khí. Vừa chạy vừa thở, tới đầu làng thì ông được cho lên một chiếc xe dạng bán tải nhưng được đóng thùng. Xe chạy một mạch thẳng tới trụ sở công an huyện.

– Thì ra mày là thằng Thanh còi. Tưởng ai hóa ra là người quen cũ.

Trong bóng tối nhờ nhờ của căn phòng khá hẹp và thiếu ánh sáng. Mọi thứ như bưng kín lấy mặt bởi còn chưa hết bất ngờ và chưa tan mệt mỏi. Ông Thanh hơi choáng váng. Ông chưa còn kịp cả sự định hình để biết căn phòng này đã có bao nhiêu người trong đó. Ông choáng váng đứng chân không vững, thực tình khi bị dẫn đi như bắt chạy đôi chân ông đã cuồng mỏi.

– Thằng Thanh còi. Cái thói vì đàn bà mà sinh táo tợn. Tưởng xa lâu rồi nào ngờ mày vẫn chứng nào tật nấy.

Không hiểu giọng nói kia đang nói gì mình nhưng ông Thanh cũng lơ mơ đoán, cách nói ấy chứng tỏ người đang hỏi ông là một người có lẽ ông và người ấy cũng biên biết tí ti về nhau. Bóng tối nhờ nhờ càng khiến ông thêm mệt mỏi. Người ngợm chân tay như muốn tháo rời ông Thanh cảm thấy hai cánh tay mình tê dại đi. Mà cũng phải thôi, ông đã bị còng chặt như thế này mấy tiếng đồng hồ rồi còn gì.

– Mày vẫn chứng nào tật nấy. Phen này thử còn mấy lả?

Giọng nói cay nghiệt hơn. Giọng nói như một nhát búa giáng xuống đầu làm ông Thanh càng thêm choáng váng. Không ai cho ông ngồi xuống cả. Những loạt câu hỏi bắt đầu vang lên truy tới tấp làm ông chưa nghe hết câu này đã phải nghe tiếp câu khác. Nhìn chung các câu hỏi truy tới tấp nhưng đều một giọng và đều lặp lại khiến ông ù hết cả đôi tai. Đôi tai đã ù ập từ lúc ông bị dẫn đi trong đường làng giờ đây càng ù ập hơn. Ánh mắt của ông mờ dại hẳn đi, trước mắt ông chỉ một thứ màu trắng nhờ nhờ trong căn phòng ngột ngạt khỏi thuốc lá và những câu hỏi tới tấp.

– Cho tôi ngồi ..

Ông Thanh cầu khẩn. Đôi chân tưởng không đứng nổi nữa. Hai bắp chân căng lên, tụ máu cứng dại.

– Mày đứng đấy mà trả lời.

– Tôi. Tôi mỏi quá.

– Thằng này giỏi gớm. Vào đây còn yêu sách.

– Nhưng … tôi đúng là không …không đứng nổi nữa rồi.

“Bốp”. Một cái tát nẩy lửa vào má phải tưởng bỏng cả mặt. Ông Thanh không kịp nhìn người vừa tát mình là ai. Quả tình cái tát nhanh quả là có hiệu nghiệm. Ông Thanh thấy hết mỏi chân ngay.

– Nhẹ không ưa. Mày thích nặng đòn à?

– Sao các ông lại đánh tôi?

– Chỉ có chúng tao hỏi mày, chứ mày không được hỏi chúng tao.

– Tôi làm gì mà các ông đánh?

– Gớm thật đấy. Phàm những thằng cãi lem lẻm là những thằng ngoan cố. Thanh ơi. Mày đã vào đây rồi đừng có cứng đầu mà khổ đó.

Không biết ai đó vừa đẩy ông Thanh tiến lên một bước lại sát gần người đang hỏi. Khói thuốc lá xông lên mù mịt càng khiến bầu không khí vốn đã thiếu lại thêm thiếu. Ông Thanh bỗng thấy bụng dạ sôi ầm ào. Cơn đói đưa lên tận cổ khiến họng ông cộm cạo. Cố căng đôi mắt đã mỏi rũ và cố nén đau đớn để nhìn người đang hỏi mình là ai. Một khuôn mặt cũng trắng nhờ nhờ như mặt ma đang lượn lờ trước mặt. Người đang hỏi ông không đứng yên, người này chắp tay sau lưng quay qua quay lại đến chóng cả mặt. Ông Thanh lí nhí.

– Cho tôi xin..xin tí nước.

– Lấy cho nó cốc nước. Thanh. Mày có nhận tội không?

Cốc nước được đưa tới và được dốc mạnh vào miệng. Ông Thanh nuốt không kịp cú dốc mạnh, sặc nước ho rũ rượi. Nước mắt ông chảy ra gặp khói thuốc lại giàn giụa cay sè.

– Giờ nghe chúng tao hỏi đây. Mày chỉ được nói “có” hoặc nói “không” thôi.

Im lặng như để những tiếng quát hỏi lấy lại hơi. Căn phòng đã tối sập. Ông Thanh cố hé mắt để quan sát nhưng không tài nào nhận ra được căn phòng này dài rộng ra sao. Trước măt ông lại lờ mờ mấy bóng người lượn qua lượn lại. Một bóng người tiến sát lại gần ông. Ánh mắt của người ấy dí sát mặt ông. Ông Thanh khẽ quay đầu tránh hơi thở nồng nặc mùi rượu của người đó.

– Thanh. Nghe tao hỏi đây.

– Có.

– Chiều ngày mười lăm tháng mười mày ở đâu?

– Không.

Ông Thanh đáp có trả lời không như một phản xạ theo điều kiện. Người vừa hỏi tức quá gầm lên.

– Tao hỏi. Chiều ngày mười lăm tháng mười mày ở đâu?

– Có à không. À. Tôi..tôi ở nhà.

“Bốp, bốp”. Ông Thanh sa sẩm mặt mày. Hai cú tát liên tiếp không thương tiếc khiến ông sa sẩm mặt mày chực đổ gục. Mà ông đổ gục thật. Hai đầu gối bỗng oằn xuống, nó không còn giúp được đôi chân cũng đã mềm như hai sợi bún để nâng thân thể của ông được nữa. Ông Thanh ngã chúi người về phía trước. Cú ngã đập mạnh cả khuôn mặt ông xuống nền nhà. Đau cứng cả lưỡi. Ông Thanh không kêu đau lên được một tiếng.

– Vực nó dậy. Thằng này còi con mà gan quá.

Ai đó vừa xốc nách ông Thanh đứng dậy. Có thứ gì mằn mặn đầu lưỡi rồi tiếp theo là cảm giác buốt xót vành môi. “Còn cảm giác thấy vị mặn và buốt xót là chứng tỏ mình còn sống”. Ông Thanh tự nhủ. Quả tình sau cú ngã vừa rồi ông hình như ngất đi ít giây. Khi đổ sập xuống và nằm úp mặt trên nền nhà mát lạnh ông Thanh đã nghĩ mình chết rồi. Giữa lơ mơ thức tỉnh lẫn lộn ông Thanh hình dung ra nét mặt đầy lo lắng và chưa hiểu chuyện gì đang xẩy ra trong nhà mình của bà Chiên. Bà Chiên vừa xếp xong chồng bát vào trạn. “Vỡ đúng sáu cái”, bà lẩm bẩm trong miệng cốt là để ông Thanh không nghe thấy, bà nói trong vẻ vẫn còn chưa hết tiếc của nhưng ánh mắt bà bỗng trợn căng lên. Ánh mắt bà sửng sốt khi trong nhà bỗng nhiên xuất hiện hai người công an viên của xã cùng mấy người mặc cảnh phục đứng nhăm nhăm. Bà hét to đầy ngạc nhiên nhưng cũng kịp thời giang tay đẩy thằng Lợi và con Lanh vào góc trái của buồng. Bà sợ hai đứa không hiểu gì, chúng lại còn trẻ người non dạ sợ chúng làm những điều bậy bạ. Ông Thanh tròn mắt cũng ngạc nhiên không hơn gì bà Chiên. Hai người trước đó vừa mừng rỡ nói với nhau về khoản thu nhập mới. Họ còn nói vui hay là chuyển hẳn sang bán nước chè xanh. Ông Thanh sẽ đi lấy nước, con Lanh nấu nước, thằng Lợi đèo mẹ ra ngoài đầu làng ngồi bán. Mọi kế hoạch tưởng chừng đã chu tất.

Như để kiểm tra lần nữa, ông Thanh đưa môi liếm vành mép. Một thứ vị mằn mặn và nong nóng báo cho ông biết đó là máu. Không biết là do cái tát bốp hay do cú ngã dập mặt mà môi ông rách toác. Máu chảy mặn đầu lưỡi, chảy mặn vào sâu cuống họng. Nhắm mắt rùng mình, ông Thanh cố nuốt vội những giọt máu. Trong đầu ông lại hình như thấp thoáng bóng bà Chiên vừa ngã. Khổ thân bà ấy. Ông Thanh nói thầm trong cổ. Dạo này bà ấy hay lên cơn huyết áp bất thường. Không hiểu lúc mình bị dẫn đi bà ấy ngã có làm sao không?

– Thanh. Buổi chiều ngày mười lăm tháng mười vừa rồi mày ở đâu?

– Tôi ở nhà.

– Thằng này không già đòn chắc không nhận đâu?

– Tôi ở nhà. Đừng đánh. Hình như tôi ở…

– Mày ở đâu?

– Ở sân bóng.

– Mày còn ở đâu nữa?

– Tôi không nhớ. Hình như tôi ở nhà.

– Mày ở nhà mày thì tao hỏi làm gì.

– Tôi ở sân bóng.

– Láo quá. Thằng này láo quá.

Lại “Bốp. Bốp” liên tiếp. Mắt nẩy đom đóm. Muôn ngàn con đom đóm nhảy múa trước mắt ông Thanh. Tai ù lên và đau tận óc. Ông Thanh lại ngất đi. Hình như trước khi ông lại đổ gục xuống người vừa quát hỏi ông kịp giơ chân ra ngáng đỡ. Ông Thanh chỉ còn biết như thế rồi không biết thêm gì nữa. Cơn đói, cái lạnh, bị tát đau và những câu hỏi liên tiếp đã vắt kiệt sức ông. Khoảng không gian tối như hũ nút bao trùm khắp mọi tâm tưởng. Ông Thanh ngã chúi xong lệch về một bên sau cú giơ chân ngáng đỡ của người vừa hỏi. Ông nằm vật trên nền nhà.

Lạnh đến ào ào và ngấm khắp người. Lúc bị dẫn đi ông Thanh chỉ mặc độc chiếc áo sơ mi mỏng. Đang thu dọn đồ đạc nhà cửa giúp vợ,  người ra mồ hôi nóng bức. Giờ thì cái mệt, thì bị đánh đau và những cơn đói dồn lên cộm cạo như bào gan ruột khiến toàn thân ông lạnh toát. Ông Thanh rùng mình liên tục. Lạnh hình như cũng giúp ông tỉnh lại. Những bóng người cúi xuống nhìn ông chập chờn như những bóng ma.

Không biết ông nằm đó đã bao lâu. Có lẽ là một phút? Không năm phút? Chắc là gần mười phút? Mọi cảm giác nhận biết dần dần trở lại. Bên tai ông đã thoáng nghe thấy những tiếng người lao xao. “Thằng này cùng xã với tôi. Tôi biết nó từ bé. Nó gan lắm”. “Thằng này trông bé còi thế mà cũng táo tợn ghê”. “Thằng nào ban đầu mà chả chối tội nguây nguẩy. Cứ tẩn đau vào là nhận hết”….Ông Thanh chỉ láng máng nghe thế rồi lại chìm đi. Cảm giác nhận biết lại biến mất. Lâu lắm. Chắc độ mươi phút sau ông lại hồi tỉnh. Những ngón chân bắt đầu cựa quậy. Khắp quanh người đau ê ẩm.

– Nghe tao hỏi đây.

– Có.

– Buổi chiều ngày mười lăm tháng mười mày làm gì?

– Tôi bán nước cùng vợ.

– Cái đó bọn tao biết rồi. Sau đó mày làm gì nữa.

– Hình như …tôi đi lấy nước.

– Mày đi lấy nước ở đâu?

– Ở….

– Ở đâu?

– Ở ..ở giếng Bà Cô.

– Có thế chứ. Sau khi lấy nước xong mày làm gì?

– Tôi mang về nhà.

– Có thực là mày về nhà không?

– Đúng.

– Có người nhìn thấy mày ở dốc gò sấu.

– Tôi lấy nước ở giếng Bà Cô đem về nhà thì phải qua dốc gò sấu chứ.

– Cãi này.

Những cú bạt tai liên tiếp. Những cú đấm vào bả vai, vào lưng sối sả. Ông Thanh lần này không gục ngã xuống nền nhà được nữa. Hai bên nách ông bây giờ đã có hai cánh tay chắc khỏe giữ và xốc người ông lên, người chới với, đầu mũi ngón chân cái khẽ chạm hờ vào đất, kiểu như người bị treo lủng lẳng. Những cú tát tai và những cú đấm lại liên tiếp. Không thể chống đỡ và cũng không thể lấy cú ngã gục để thoát đòn. Toàn bộ lưng, vai, bụng và mặt ông Thanh liên tiếp hứng những cú đấm trời giáng.

– Cho.. cho tôi nói.

– Mày nói đi. Buổi chiều sau khi lấy nước thì mày làm gì và ở đâu?

– Tôi không nhớ.

– Lại không nhớ này.

Đúng là ông Thanh không còn nhớ nổi một điều gì nữa. Trận đòn lần này dữ dội hơn lần trước. Cũng có thể ông đã quá mệt và quá đói. Cũng có thể ông đã chịu mấy trận đòn nên cái đau chưa giảm lại phải nhận thêm những cái đau mới. Chưa bao giờ ông Thanh thấy mình phải chịu những cơn đau như thế. Hồi lên chín tuổi ông đã bị một cơn đau ghê gớm. Cơn đau ruột thừa tưởng thừa sống thiếu chết năm đó mỗi khi nghĩ lại ông vẫn còn rùng mình. Hồi đó do thiếu kinh nghiệm trước mỗi cơn đau trong bụng của con mà bà mẹ ông suýt nữa mất ông. May mà giời còn thương, giời còn cho ông sống.

– Mày có đến nhà cô Thoan không?

– Không. À có.

– Mày đã làm gì?

– Tôi không nhớ.

– Lại không nhớ rồi. Muốn tự nhớ hay để bọn tao đánh cho nhớ.

– Có….

***

Ông Thanh dựng chiếc xe đạp bên thềm nhà, ông tháo từng can nước khỏi giá đèo hàng rồi tiện thể hai tay xách luôn hai can nước đem cất vào trong buồng trái. Bà Chiên vốn tính cẩn thận, lại thương chồng vất vả, nên đã dặn đi dặn lại ông phải cất kỹ hai can nước vào tận trong buồng trái. “Để kềnh càng bên bậc thềm, thằng Lợi chạy đâu về vô ý va chân đánh đổ thì mệt”. Bà Chiên sợ ông lại phải ra ngoài giếng Bà Cô lấy lại lần nữa.

Ông Thanh đứng cạnh cửa buồng trái còn ngoái nhìn lại xem hai can nước đã cất thật chắc chắn chưa. Biết tính vợ hay cằn nhằn, nhất là cằn nhằn chuyện ông hay để đồ đạc linh tinh muốn tìm phải tìm bằng chết. “Ông chỉ được cái không để ý là giỏi”. Nhà này nếu không có bà Chiên thì có lẽ mọi thứ sẽ cứ rối tung lên. Ông thì vô tâm, bụng dạ thẳng ngay thì đã đành. Thằng Lợi ham chơi, chân tay lóng ngóng động vào thứ gì là đổ vỡ thứ nấy. Con Lanh thì khá hơn nhưng nó đôi khi còn lãng trí lắm. Con gái con lứa đến tuổi lấy chồng rồi mà hễ nhắc đông lại làm tây. Hễ bảo ngồi thì lại đứng. Đúng là con gái lớn, tuổi cập kê nên tính khí thất thường. Nhưng được cái nó thương bố thương mẹ nên tuy nhầm lẫn việc này việc khác nhưng còn giúp được.

Trời đã bắt đầu nhá nhem. Hôm nay là buổi bán nước cuối cùng ngoài sân vận động nên bà Chiên còn mải ngồi lại gọi là bán cố, thành thử con Lanh với thằng Lợi cũng phải ở ngoài đó mà đợi mẹ cùng về. Cũng tại người ta còn chùng chình tan trận rồi còn túm lại bàn tán. Bà Chiên nhắc ông Thanh về trước, về trước lấy sẵn hai can nước. “Biết đâu mai lại ra đây bán nữa” bà Chiên nói ngay khi thấy ông Thanh có vẻ chần chừ.

Ông Thanh thấy đoi đói. Cả ngày phơi mặt ngoài đó rồi còn gì. “Chắc là bà ấy cũng đói lắm đây?”. Ông Thanh nghĩ thầm, tay vội vàng đong mấy bát gạo, tính chuyện đặt sẵn nồi cơm chờ mẹ con bà Chiên về cùng ăn một thể. “Nhà có mấy người, ăn trước ăn sau mất cả vui”. Hơn nữa trong bữa ăn còn bàn thêm tí chuyện.

Bóng tối phủ rất nhanh. Ngoài đường làng, chốc chốc lại xẹt qua tiếng xe máy chạy. Xẹt qua rồi để vương lại những đụn khói xanh đen. Chiều tối sương xuống thấp. Sương xuống thấp dồn mùi khói xăng không đốt hết vào tận cửa nhà. Mùi khói ùa đến cay cay, sộc thẳng lên mũi làm ông Thanh muốn hắt hơi. Ông đứng đần người ra, đầu cui cúi, mồm há hốc đợi sẵn, mắt nhắm lại nhưng mãi mà vẫn không hắt hơi được. Hắt hơi cũng là một thứ khoái cảm. Ai không hắt hơi được sẽ rất khó chịu trong người. Hắt được một cái thật mạnh lỗ mũi, lồng ngực tưởng như được giãn ra, thấy nhẹ nhõm hẳn. Lại cúi đầu, nhắm mắt. Cuối cùng thì ông Thanh cũng hắt được một tràng hắt hơi rõ to rõ dài.

Làng vắng. Nhà ai hầu như đã về nhà nấy cả nên ngoài đường làng vắng hẳn. Ở làng Me này mỗi khi chiều xuống là trẻ con người lớn gọi nhau về nhà í ới. Hôm nay tiếng gọi nhau thưa vắng. “Chắc còn ở ngoài sân bóng?”. Ông Thanh nghĩ thế. Chưa bao giờ người làng Me lại được xem những trận đá bóng suốt từ sáng tới tận chiều. Những trận đá bóng đã đem đến cho cái làng xa khuất này niềm hứng khởi mới. Trước kia, chiều về, nhất lại là chiều cuối thu làng Me buồn phải biết. Việc huyện tổ chức giải bóng đá ngay tại xã nhà cũng là một cách để người làng Me xua đi cái vắng cái buồn. Thời buổi người ta đua nhau ra bám mặt đường mà. Làng Me nằm xa đường nên huyện nên xã ưu tiên cho xem những trận đá bóng tĩ tã. Gì thì gì cũng vui vui. Ông Thanh đã đặt xong nồi cơm điện. Quay đi quay lại mà chẳng biết phải làm cái gì tiếp theo. Có tiếng còi xe kêu “Bim. Bim” ngoài cổng, thì ra bà vợ ông gửi thằng cháu họ đem về giúp bó lá chè xanh. “Giờ mới năm rưỡi. Cô cháu bảo độ hơn nửa tiếng nữa cô cháu mới về cơ. Cô chú tháng này làm ăn trúng quả quá”. Mỉm cười chữa thẹn, ông Thanh mời thằng cháu họ vào nhà chơi, cũng định hỏi nhờ nó vài việc nhưng nó nói vội về. Chiếc xe máy phóng vụt đi. Vắng vẻ lại trở lại vắng vẻ.

Ông Thanh khẽ rùng mình. Khí lạnh chiều tối ở làng làm ông rùng mình. Cơn muốn hắt sì hơi lại ngọ nguậy gây cảm giác buồn buồn bên hai cánh mũi. Cũng như lúc trước, ông Thanh lại phải cố sức cúi đầu, há mồm chờ mãi mới hắt sì hơi được. Lần này tiếng hắt sì hơi dài hơn và to hơn. Tiếng hắt sì thành chuỗi dài vang lên tận mái nhà. Có tiếng gì như tiếng con chim đập cánh chực bay đi. Ông Thanh nghe rõ ràng như vậy nhưng cũng hơi giật mình. Nhà vắng, nghe tiếng động nào cũng sợ. “Bố mày chỉ được cái hay sợ vặt, sợ đâu đâu”. Có lần bà Chiên đã nói với hai đứa con. Thằng Lợi nhe răng, thổi phù phù qua kẽ răng làm giả tiếng “ma chơi”. Nó cười sằng sặc chạy núp sau lưng mẹ. Con Lanh thì tỏ ra cứng rắn hơn. Nó chẳng nói gì chạy vào trong nhà bật công tắc điện. Ánh sáng bùng lên làm chói hai con mắt. Ông Thanh cười trừ, mặt méo đi ngượng ngịu. Ông không ngờ bà Chiên, cái bà vợ ông lại nhắc lại chuyện hay sợ ma của ông có từ ngày bé.

Ngày bé thằng Thanh nhát như cáy. Cứ chiều xuống là ngồi ro ró trong nhà. Nó chẳng dám xuống bếp chứ nói gì đến việc mẹ nó sai nó sang hàng xóm vay giúp mẹ nó bơ gạo. Thằng Thanh ngồi ro ró, mắt len lén nhìn lên nóc nhà. Hình như có tiếng chân chuột chạy rinh rích. Mấy con chuột không biết vô tình hay chúng cũng có ý trêu thằng Thanh.

Lại vẳng lên tiếng con chim nào đó đập cánh. Sao dạo này lại có chim về đậu trên mái nhà mà đập cánh nhỉ? Lòng nhiều hồ nghi, ông Thanh trống ngực đập thình thình, chân luýnh quýnh bước ra khỏi nhà.

Trong một không gian nhập nhoạng sáng tối như thế này đến nhận biết còn chưa rõ ràng huống hồ là cảm xúc. Ông Thanh như bị thôi miên theo tiếng đập cánh bay đi của con chim. Ông vừa chạy theo tiếng chim đập cánh vừa ngửa mặt lên trời. Bất chợt con chim kêu đánh “éc” rồi lượn xuống bay là là sát đầu ông Thanh. “Một con chim lợn!”. Ông Thanh chờn chợn. Con chim lợn sà từ trên mái nhà xuống, nó bay là là và thấp tới những tưởng với tay là chạm được vào người nó. Ông Thanh vô hồn chạy theo. Mồ hôi vã ra như tắm.

Ông Thanh đã chạy ra tới con đường chính chạy giữa làng. Con đường nối làng Me sang các làng khác. Con chim lợn bay vụt lên đằng trước, nó bay cách mắt ông chỉ chừng sải tay với. Chưa bao giờ ông lại chạy nhanh như hôm nay. Chưa bao giờ ông lại chạy nhiều như hôm nay. Ông chạy mải miết theo tiếng đập cánh của con chim lợn bay đằng trước dẫn đường. Không có cảm giác mệt mỏi hay đói bụng. Tiếng đập cánh của con chim lợn bỗng như một âm thanh đầy khích lệ. Ông Thanh cố căng mắt trong bóng tối nhập nhoạng để khỏi bị mất hướng con chim lợn.

Con đường làng mọi bữa còn có người xe qua lại sao hôm nay bỗng dưng vắng vẻ. Không có một ai nhìn theo. Không có một ai chạy ra cùng chạy theo ông. Trước mắt ông là tiếng đập cánh của con chim lợn. Gió thổi vi vút sau lưng ông. Gió trượt qua vai ông. “Nó dẫn mình đi đâu nhỉ?”. Ông Thanh nghĩ trong hơi thở gấp gáp. Cảm tưởng như sắp mất một cơ hội nào đấy càng khiến những bước chạy của ông Thanh ráo riết hơn. Cảm giác như có chuyện gì đấy hệ trọng lắm càng làm cho ông Thanh háo hức. Trời tối hẳn.

Bóng tối bủa vây mọi hướng nhìn. Chỉ có tiếng đập cánh của con chim lợn là dấu hiệu duy nhất cho ông Thanh biết phía trước đang có thứ gì chờ đợi mình. Hình như đã ra tới bìa làng. Bằng chứng mà ông Thanh nhận ra là đã ra tới bìa làng là khoảng không gian chừng như rộng mở hơn. Gió thổi tới cũng mạnh mẽ hơn. Những bước chạy của ông càng gấp gáp.

Phía xa xa và hơi cao cao lấp ló ánh đèn. Ánh đèn tuy lấp ló nhưng ông Thanh cũng đoán định phía trước đó là dố gò sấu. Cảm giác sợ hãi tan biến. Có động lực vô hình nào đó đã xua tan nỗi sợ bóng tối của ông Thanh. Con đường lên dốc hôm nay như thấp xuống. Ông Thanh không thấy mỏi chân, không thấy mệt đứt hơi. Ánh đèn lấp ló như mời gọi.

Con chim lợn đột ngột dừng lại. Nó sà xuống đậu trên mái nhà, căn nhà đang lấp ló ánh đèn. Ông Thanh cũng ngập ngừng chạy chậm lại. “Nhà cô Thoan?”. Con chim lợn giang đôi cánh rộng của mình đập liên hồi. Thoáng băn khoăn vì chưa hiểu tại sao con chim lợn lại dẫn mình tới đây. Ông Thanh thôi chạy. Từ phía làng, loa phóng thanh của xã đang vọng lên những tiếng “Tút. Tút. Tút”. Ông Thanh ngần ngừ. “Mọi ngày mình đi từ nhà lên đỉnh dốc gò sấu nhanh cũng hơn nửa tiếng. Không hiểu sao hôm nay mình chạy như ma đuổi ấy?”. Nghĩ vậy nhưng ông vẫn nhấc từng bước chân một tiến sát cửa ngôi nhà của cô Thoan.

Vụt tiếng kêu “éc” nghe rợn cả người. Con chim lợn lại cất tiếng kêu sắc lạnh thường có của mình. Trong bóng tối ung ung kín bủa ông Thanh còn kịp nhìn thấy hai con mắt to tròn của con chim lợn đang đậu ngay trước mắt ông mở hết cỡ. Đôi mắt con chim lợn màu xanh lét, lại sáng quắc. Rồi nhanh như một tia chớp. Con chim lợn đập cánh bay vụt vào sâu trong gò sấu, nó bay về trú đậu trên những cành sấu xanh um như vốn thế.

Cánh cửa ngôi nhà cô Thoan đột ngột bị đẩy bung ra. Hình như chính mắt ông Thanh vừa thoáng thấy có bóng ai đó lao vụt ra và biến mất trong màn trời tối sầm mắt. “Có chuyện gì không biết?”. Ông Thanh chần chừ định quay đi. “Ban đêm ban hôm thế này mình chạy đến cửa nhà người ta làm gì?”. Câu hỏi tự trong đầu khiến những bước chân của ông Thanh chững lại. Hơi lui người, cách thức của những người toan tính quay về, ông Thanh cảm thấy miễn cưỡng và rất buồn cười nếu như lúc này ông lại sát ngôi nhà của cô Thoan. “Cô ấy đơn thân. Mình đến vào giờ này liệu có tiện không? Mình tới nhà cô ấy liệu có ai nhìn thấy không?”. Những băn khoăn dồn dập tới cùng những câu tự hỏi.

Tít sâu trong gò sấu con chim lợn hình như biết ông Thanh đang chần chừ nên nó lại đập đôi cánh. Nó đập đập liên hồi như nhắc ông không được bỏ cuộc. “Nhưng …Tốt nhất là quay về. Mình lại đó không tiện lắm”. Trong óc ông Thanh còn có sự phân vân khi chắc vào giờ này vợ và hai đứa con của ông đã về  nhà. Họ sẽ nghĩ gì nếu thấy nhà cửa vắng vẻ và nhất là không thấy ông đâu? Họ có biết là mình đang đứng trước cửa nhà cô Thoan ở tận đỉnh dốc gò sấu không?

Quay xuống tới gần chân dốc tự nhiên ông Thanh thấy trong bụng mình như có lửa cháy. Nóng và thôi thúc rất khác lạ. Ông dừng lại và ngước mắt nhìn lên đỉnh dốc. Con chim lợn đậu sâu tít trong gò sấu lại đập cánh. Tiếng đập cánh gọi ông quay trở lại. “Chắc phải có gì chứ?”. Lại tự hỏi mình và như một bản năng, ông Thanh lao một mạch lên đỉnh dốc.

Ông dừng trước cánh cửa đã bung sẵn. Ánh đèn điện soi mập mờ trong căn nhà im phắc. “Cô Thoan cô ấy đi đâu nhỉ?”. Ông Thanh vẫn đứng ngay cửa đưa vội mắt nhìn khắp lượt. Không một bóng người trong nhà. “Hay là cô Thoan bị làm sao?”. Cũng có thể lắm chứ. Nhà một mình dựng trên đỉnh dốc. Vắng vẻ và gió máy thế này cô ấy bị làm sao thì ai đến mà giúp đỡ được. Cũng có thể lắm chứ. Một mình ở đỉnh dốc xa làng cảm mạo biết lấy ai giúp. Một loạt những nghi ngờ đưa tới làm ông Thanh càng thêm túng nẫu. Nhưng liệu có một mình ở đây liệu có giúp gì được không? Ông Thanh bước một bước. Vừa bước ông vừa cất tiếng hỏi coi như là câu đánh tiếng. Ngộ nhỡ người ta tưởng mình là kẻ gian, người ta la ầm lên có mà bễ mặt.

Cái nhà cô Thoan này kể cũng lạ. Trong làng còn thiếu gì đất mà lại dựng nhà trên đỉnh dốc gò sấu cho xa xôi, cho cách trở. Cái nhà cô Thoan này kể cũng buồn cười. Gái một con hớ hớ như vậy mà ở một mình cũng liều thật. Chắc cô ấy ngại thân phận mình không có chồng, lại bỗng dưng có con, ở cạnh đông người, người nói ra kẻ nói vào rách việc?

Ông Thanh lại đánh tiếng thêm một lần nữa. Chẳng có tiếng nào đáp lại. Kỳ lạ thật. Rõ ràng mình thoáng thấy bóng người vừa chạy từ trong nhà ra kia mà. Bằng chứng là cánh cửa mở bung ra đấy thôi. Hay là cô ấy có việc gì gấp mà chạy đi không kịp khóa cửa? Ông Thanh đứng bên ngoài chiếc tủ quầy tạp hóa, mắt ngó ngó. Cái tủ quầy bằng nhôm kính, kê xoay ngang, hơi thụt vào nửa mét, mặt bưng kính hướng ra ngoài, nó ngăn cửa ra vào với bên trong nhà. Cái tủ đựng dăm thứ hàng tạp hóa lặt vặt, mà cô Thoan bán nhì nhằng, bán cho vui chứ trên đỉnh dốc gò sấu này mấy ai qua đấy mà mua. Chính những chiều ra giếng Bà Cô lấy nước, đi qua đây ông đã nhìn thấy cái tủ quầy hàng đó. Ông đã nhìn thấy cô Thoan gật đầu chào ông. Cô ấy còn đon đả chào mời “Bác mua gì giúp em không?”.

Bỗng ông Thanh giật bắn mình, đứng sững lại khi vừa bước vòng ra sau tủ. Ngay cạnh chân chiếc tủ quầy, phía bên trong nhà, có một người đang nằm vật ngửa. Người ấy không mặc áo. Chính xác hơn là chiếc áo bị rách toạc làm hở phần da bụng trắng phôm phốp. Cúi mặt nhìn thật kỹ. Ông Thanh đã nhận ra đó chính là cô Thoan. Không lẽ cô Thoan bị cảm. Rõ ràng là cô ấy bị cảm rồi nên mới nằm vật ngửa dưới đất chứ. Cô này liều quá đi mất. “Đấy, gió máy bất chợt, rồi cảm mạo thế này nếu không có ai tới kịp thì có giời cứu”. Miệng lẩm bẩm câu trách nhưng ông Thanh cũng cúi sát người cô Thoan hơn.

Ông Thanh ngần ngừ định quay ra cửa. Cô ấy trông như người không mặc áo thế này, mình động vào cô ấy tưởng mình sàm sỡ thì nhục lắm. Ông Thanh ngần ngừ lui lại. Có thứ gì ươn ướt bàn chân làm ông phải bận tâm. Ông nhấc chân lên, ánh đèn điện vàng ệch nhưng cũng đủ để soi nhìn, ông Thanh nhận ra bàn chân mình đỏ chót. Ông giật mình đưa tay sờ thử xem đó là thứ nước gì. “Máu!”. Ông Thanh dường như không tin vào mắt mình nữa. Quanh chỗ cô Thoan nằm là một vũng máu đỏ tươi. “Máu còn mới!”. Bây giờ ông Thanh mới hoảng thực sự. Hình như cô ấy bị chảy máu. Kinh nghiệm của người đàn ông đã lớn tuổi và đã xây dựng gia đình nhiều năm cho ông thầm đoán cô Thoan bị chảy máu. “Phụ nữ sau sinh cũng hay mắc chứng chảy máu cửa mình lắm”. Bà Chiên có lần đã nói với ông như vậy. Đó là cái lần đâu như cách đây vài năm, bên hàng xóm có cô gái đẻ bị băng huyết, máu chảy ồ ạt. Gia đình ấy đã tưởng mất người đến nơi rồi. “Cô ấy bị băng huyết”. Ông Thanh tự nhớ lại câu chuyện và tự khẳng định, ông cúi xuống lay gọi. Cô Thoan không hề có một động tĩnh nào cho thấy cô còn tỉnh. Ông Thanh càng bấn loạn. Mình đàn ông đàn ang thế này biết gì về bệnh của phụ nữ mà cứu giúp.

Ông Thanh đưa mắt dáo dác tìm quanh xem xem có thể có cách gì không. thực ra lúc này ông Thanh có tìm được thứ gì đại loại như bông băng chẳng hạn thì ông cũng chịu. Phụ nữ bị băng huyết tức là máu chảy ra từ cửa mình. Máu chảy ra từ cửa mình thì băng bó như thế nào? Mình cứ để tay ở đấy mà bịt để cầm máu thì ngượng chết. Cái ấy của vợ mình đã đành, cái ấy của người khác thấy không ổn. Nhưng không lẽ cứ để người ta chảy máu ồ ạt mà không tìm cách giúp?

Không gian như đặc quánh lại. Thời gian như dài vô tận. Ông Thanh chỉ còn biết ngồi thụp lay vai thật mạnh gọi cô Thoan tỉnh dậy nhưng ông càng lay gọi càng vô vọng. Cô Thoan nằm bất động, cô đang thờ ơ trước mọi cố gắng của ông Thanh. “Làm gì bây giờ?”. Càng nghĩ càng bấn. Đúng là đàn ông không có khiếu trong việc chăm sóc người ốm. Chợt ánh mắt của ông bắt gặp phải một vật gì sang sáng cách chỗ cô Thoan đang nằm chừng gần mét. Ông Thanh nhoài tay nhặt vội cái vật sang sáng đó lên. “Một con dao”.

Trên tay ông Thanh là một con dao gọt hoa quả. Loại dao nhỏ, lưỡi nhọn và dài như lá lúa, cán dao bằng nhựa màu vàng. Con dao trên tay ông dính máu thâm đỏ. Bấy giờ ông Thanh mới hú hồn thực sự. Ông chăm chú nhìn khắp lượt người cô Thoan. Bên mạng sườn phải của cô Thoan nhìn rất rõ có những vết như vết dao đâm. Máu chảy ri rỉ. Máu đã chảy thành vũng đọng bên sườn của cô Thoan.

Ông Thanh hốt hoảng ra mặt. Mặt ông cắt không còn giọt máu. “Cô Thoan vừa bị đâm chứ không phải bị chảy máu cửa mình”. Tuy sợ hãi nhưng ông cũng lấy hết sức bình tĩnh ghé tai sát ngực cô Thoan. Ngực lạnh toát và im phắc. Không một dấu hiệu cho thấy cô Thoan còn sống. “Cô ấy chết rồi ư? Mình đến không kịp ư?”

Đứng phắt dậy đầy vô vọng, ông Thanh tựa lưng vào chiếc tủ quầy nghĩ ngợi. Cánh cửa của chiếc tủ quầy đã bị bật tung. Dưới đất, ngay chỗ chân ông đứng vung vãi mấy thứ hàng tạp hóa lặt vặt. Dăm thứ hàng lặt vặt rơi vung vãi, rơi như nó vừa bị ai lục tung như tìm thứ gì. Ông Thanh đi từ bàng hoàng này tới bàng hoàng khác. Ánh mắt ông dừng lại trên chiếc giường độc nhất kê tít góc nhà. Bấy giờ ông lại thêm hốt hoảng. Trên giường đứa con của cô Thoan đang nằm im. “Nó còn sống hay cũng đã chết như mẹ?”.

Vẫn nắm chặt con dao trên tay, ông Thanh dò dẫm bước lại bên thằng bé. Cái bụng thằng bé đang phồng lên thụp xuống đã cho ông cảm thấy nhẹ hẳn người. Thằng bé vẫn ngủ ngon lành như trong căn nhà này chưa có chuyện gì xẩy ra.

Đi đi lại lại bên giường thằng bé con đang ngủ. Ông Thanh đang suy tính trong đầu. Không biết là trước tiên hẵng bế thằng bé này về nhà mình cho yên tâm đã hay cứ ở đây chờ đợi xem thế nào. Cô Thoan chắc đã chết. Im lặng kéo dài như vô tận. Sự im lặng nghe rõ từng hơi thở đang cuống cuồng trong ngực. Cuối cùng thì ông Thanh cũng nhớ ra. Ông thục tay trái vào trong túi quần rút ra chiếc điện thoại di động. Màn hình điện thoại vẫn đen ngòm. Lạ nhỉ, bà Chiên bà ấy về nhà không thấy ông đâu mà bà ấy không gọi điện xem ông đang ở đâu? Chắc cái nhà bà này tiếc tiền nên không dám gọi điện thoại đây. Chắc bà ấy chỉ nghĩ ông chạy quanh quẩn đâu đó nhà hàng xóm nên chẳng gọi làm gì cho phí tiền.

Loay hoay tìm số máy cần gọi. Ông Thanh run run bấm từng phím bấm. Một giây, hai giây rồi cả phút trôi qua đầu bên kia mới có người lên tiếng. Ông Thanh khó nhọc nói không ra câu khiến người bên kia cáu gắt. Máy phụt tắt. Ông Thanh lại run run bấm lại từng phím bấm. Lần này thì ông đã bình tĩnh hơn đôi chút. Ông nói bằng giọng thở ngắt quãng. “Cô …cô ….Thoan đã …đã… chết. Có…có ai tới …tới đây giúp …giúp tôi không…?”

Khi mấy người dân trong làng chạy ùa đến nhà cô Thoan thì ông Thanh vẫn còn đứng trơ giữa nhà. Ông run cầm cập khi nghe thấy những tiếng chân người chạy xồng xộc chạy tới. Những tiếng bước chân chạy ồn ào. Những người đã bước vào trong nhà vô cùng kinh hoàng nhìn thấy cô Thoan đang nằm vật ngửa dưới đất trong tình trạng như không mặc áo. Họ càng kinh hoàng hơn khi thấy khắp trên quần áo người ngợm của ông Thanh là những vết máu dính bê bết. Bàn tay phải của ông Thanh đang run lẩy bẩy dư dứ con dao gọt hoa quả, con dao với những vết máu đã thâm sì.

Ai đó vừa thét lên một tiếng rất to kêu mọi người lui cả lại. Người ấy còn giang hai tay rộng ra theo cách định chống đỡ lại như định ngăn cản. Ông Thanh ngồi thụp xuống. Toàn thân ông chuyển màu da lạnh trắng như ma dại. Ông khóc tức tưởi. Khóc nghẹn trong cổ như một đứa trẻ tủi thân vì bị mẹ mắng oan.

***

Ngày thứ sáu sau khi bị bắt. Ông Thanh lại được dẫn vào phòng thẩm vấn. Căn phòng vẫn tối om om như năm buổi chiều trước. Chỉ khác là lần này người ta cho ông ngồi. Ông Thanh ngồi một mình, hai tay tuy bị còng nhưng còn được đặt lên mặt chiếc bàn gỗ trống trơn. Bên đối diện có một chiếc ghế có tựa lưng con đang bỏ trống.

– Thanh. Mày có muốn nhanh được về nhà không?

– Có.

– Muốn nhanh được về thì mau chóng nhận tội đi. Nhận tội sớm lúc nào nhanh về  lúc đó.

– Không.

Ông Thanh thấy lạ. Suốt năm ngày qua cái điệp khúc. Chiều tối bị lôi vào phòng thẩm vấn. Bị đứng kiểu chới với, hai bên sườn có hai người công an xốc nách. Bị nghe những câu truy hỏi dồn dập. Bị ăn những cái tát tai mảy đom đóm mắt. Bị bỏ đói. Và bị nhấm lạnh đến tê đờ mặt mày. Đều như vắt chanh. Năm ngày, năm buổi chiều tối. Mỗi buổi chiều nhập nhoạng tối hai tiếng đồng hồ chỉ được nghe và chỉ được trả lời “Có” hay “không”. Nghe chán thì bị đưa vào buồng tạm giam của trại giam Kế. Đến đây thì lại bị ăn đòn của bạn tù. Bị đứng liền tù tì suốt đêm mà hát.

Lòng lại đầy tủi thân. Ông Thanh rơm rớm nước mắt. Từ bé đến giờ chưa bao giờ ông bị đối xử như thế. Từ bé đến giờ chưa khi nào ông lại bị người ta bắt nạt một cách hành hạ thể xác đến như vậy.

– Cái tên Thủ có gợi cho mày tí gì không?

– Thủ Chằm?

– Mày cũng khôn lên rồi đấy.

Mừng như sắp chết đuối vớ được cọc. Mặt mày ông Thanh giãn ra sung sướng. “Có người quen biết cũng hơn”. Một chút nhận biết sót lại từ năm chiều tối trước đem lại cho ông tia hy vọng.

– Thủ Chằm?

Ông run run hỏi lại. Đầu vẫn không dám ngẩng lên. Bên phía bàn đối diện có bóng người vừa kéo chiếc ghế hơi lui ra và ngồi xuống. Người ấy chắc là đang nhìn ông chăm chú. Ông Thanh cảm thấy ánh nhìn đó qua hơi thở còn vương mùi rượu từ bên kia phả nhẹ sang. Người ấy im lặng như để ông Thanh trấn tĩnh lại. Cũng có thể là người ấy cho ông thêm ít phút để suy ngẫm?

– Mày có đau lắm không?

– Có.

– Mày có nhận tội cho đỡ bị đòn không?

– Không.

– Đừng dại. Tao nói thật.

– Có.

– Thế chứ.

– Có đúng là mày giết cô Thoan không?

– Không.

– Lại thế rồi.

– Mày có nhớ năm nào chúng mình gặp nhau trên đê không?

– Có.

– Mày có nhớ hôm ấy mày thế nào không?

– Không.

– Sao nhanh quên thế. Muốn uống nước không?

– Có.

– Có muốn tối nay lại về Kế không?

– Không.

– Thế thì nhận tội đi.

– Tội gì?

– Mày không nhớ đã làm gì ư?

– Không.

– Có nhớ gì về cô Thoan không?

– Có.

– Thế chứ.

– Nhớ Thủ Chằm không?

– Có.

– Biết Thủ Chằm bây giờ là ai không?

– Không.

– Có muốn biết không?

– Không. À có.

Sao hôm nay họ lại tỏ ra nhẹ nhàng nhỉ? Lại còn dỗ dành nữa? Ông Thanh đã tưởng buổi chiều  ngày thứ sáu này ông sẽ lại nghe được những câu hỏi như năm chiều trước.

– Ngẩng mặt lên nhìn tao này.

Ông Thanh từ từ ngẩng mặt lên. Nói thực, nếu bất ngờ hay tình cờ mà gặp ngoài đường thì người kia có xưng danh thì ông Thanh cũng không nhận ra. Ngồi trước mặt ông, ngồi chĩnh chệ trên chiếc ghế có tựa lưng là một thiếu tá công an. Người ấy mỉm cười nhìn ánh mắt ngơ ngác của ông vẻ khích lệ nhưng cũng hơi khiêu khích. Ông Thanh hơi cụp nhanh mắt xuống trước ánh mắt rất gờm gờm của người ấy.

– Sao? Vẫn chưa nhận ra Thủ Chằm ư?

– Thủ Chằm đó ư?

– Quả đất tròn mà Thanh. Tao không ngờ lại gặp mày. Mày làm tao khó xử đấy.

– Khó xử?

– Ừ. Mà này, hôm ấy không hiểu tại sao tao lại không đấm mày nhỉ. Đấm mày từ hôm ấy thì chắc đâu có ngày hôm nay.

– Tôi không hiểu.

– Mày thì hiểu làm sao được. Nói thật nhé.

– Tôi…

– Tao nói thật nhé. Mày cũng liều lĩnh lắm.

– Không.

– Mày liều lĩnh từ bé mà.

– Không.

– Cứ từ từ mà nghe đã Thanh. Mày liều lĩnh bởi cái thói vì gái ấy.

– Tôi không thế.

– Cãi rồi. Thế cô Thoan thì là thế nào?

– Tôi không biết.

– Cô Thoan kể cũng nõn nà thật. Gái một con cho con mắt phải mòn mà.

Ông Thanh đã phát ngán. Những câu nói chẳng đâu vào đâu làm ông mỏi mệt. Bấy giờ ông mới ngắm kỹ. Quả tình cái thằng Thủ Chằm ngỗ ngược ngày nào bây giờ trông khác hẳn. Thiếu tá Thủ ngồi rất chĩnh chệ và nói với ông những câu nói thong thả đến phát mệt. Một người đàn ông với khuôn mặt to, da mặt đỏ như vừa đi nắng về. Một người đàn ông trông oai vệ trong bộ cảnh phục màu cỏ úa. Chắc anh ta bây giờ làm to rồi? Có khi còn có trọng trách lớn nữa? Chắc quan trọng lắm đây? Ông Thanh ngập ngừng nói làm thân bởi thấy hy vọng.

– Tôi không nhận ra ..ra anh đấy.

– Lâu quá rồi còn gì. Mà hình như ba mươi mốt năm thì phải.

– Anh nhớ kỹ thật đấy.

– Nhớ chớ. Chuyện ấy quên sao được.

– Thế mà tôi quên mất.

– Đáng trách lắm. Nếu nhớ thì đâu nên nỗi.

– Anh Thủ này.

– Mày cứ nói.

– Anh tha cho tôi đi.

– Cái gì. Tha á?

– Vâng . Tha cho tôi.

– Chỗ người quen cũ.Tao nói thật nhé.

– Vâng.

– Mày có nhận tội không?

– Không. Tôi không làm gì cả.

– Mày có nhớ năm hôm trước như thế nào không?

– Có.

– Vậy thì nhận tội đi.

– Nhưng…

– Còn nhưng gì nữa. Mày nhanh chóng nhận tội. Tao nhanh chóng xong việc.

– Nhưng tôi không làm.

– Thế theo mày thì ai?

– Tôi không biết. Lúc tôi đến đã thấy thế rồi. Mà có gì lạ lắm.

– Ừ lạ thật đấy. Mày không làm thế thì ai?

– Chắc không phải tôi. Lúc tôi chạy đến có gì lạ lắm.

– Lạ nhỉ?

– Vâng.

– Thế thì nhận tội cho nhanh đi.

– Anh Thủ này.

– Hả?

– Anh thương tôi.

– Thương mày? Nhưng cấp trên của tao lại không thương tao. Thương mày thì tao chết à? Mày có nhớ vợ không? Nhớ Chiên ấy?

– Có.

– Tiếc cho Chiên quá. Tao nhớ Chiên là đứa con gái đảm và ngoan nhất làng Me hồi ấy. Hồi ấy con trai làng tao cứ tiếc mãi. Tao càng thấy tiếc cho Chiên.

– ….

– Nhận đi. Rồi sớm được gặp Chiên. Tao cũng muốn được gặp Chiên. Chẳng biết nếu giờ gặp lại Chiên nghĩ về tao thế nào nhỉ?

– Không.

– Tùy mày. Hay là để tao ra ngoài cho mấy người khác vào nói chuyện với mày. Nói như mấy hôm vừa rồi ấy.

– Không. Tôi không làm chuyện ấy.

– Cũng ly kỳ đây. Tao hỏi thật nhé. Chỉ có mỗi mình mày. Mình mày với con dao và thái độ sốt sắng cũng kỳ lạ của mày. Không phải mày thì ai nhỉ?

– Tôi thấy có người hình như chạy từ trong nhà ra.

– Mày có nhìn rõ là ai không?

– Không. Tôi đoán vậy.

– Cũng khéo tưởng tượng lắm. Đừng có mà qua mắt bọn tao.

– Tôi á?

– Ừ. Chỉ ký nhận đi. Đơn giản là mày sẽ được gặp lại vợ con.

– Nhưng.

– Tao có ít thì giờ lắm. Mấy người ngoài kia không đợi được đâu.

– Đơn giản thế thôi ư?

– Ừ. Tao chuẩn bị sẵn rồi đây. Mày chỉ việc ký. Ký xong là xong.

Ông Thanh lặng đi giây lát. “Ký xong là xong. Có gì ra tòa nói sau”. Không ngờ cũng đơn giản thật. Im lặng tưởng như đếm được từng hơi thở. Phía bên kia bàn thiếu tá Thủ khoanh tay trước ngực. Nét mặt cũng căng ra chờ đợi. “Anh Thủ anh ấy là người quen. Anh ấy chắc sẽ nói giúp cho. Mình mà không nhận chắc hôm nay họ đánh mình chết mất”.

Tối hẳn. Căn phòng đã tối đi một cách kinh khủng. Trong bóng tối không thể nhận ra một hình thù nào, tâm can ông Thanh như lạc tới một nơi nào đó. Nơi đó chơi vơi và lạnh ngắt. Nơi đó mù mù và sặc sụa âm khí. Ông Thanh bỗng thấy lóa mắt, ai đó vừa bật công tắc đèn điện. Ánh sang vàng vọt đột ngột bừng tỏa tạo cho ông một cảm giác như vừa đâu đây. Hình như ông đang đứng giữa nhà cô Thoan? Ông đứng vô hồn, trên tay lăm lăm con dạo gọt hoa quả. Cô Thoan nằm vật ngửa dưới chân ông. Cô ấy đã chết. Máu chảy ra và đọng lại thành vũng cũng ngay dưới chân ông. Một mình ông đang đứng đấy bên cái xác của cô Thoan. Cô Thoan đã chết. Máu đỏ lòm dưới ánh đèn vàng vọt. Có tiếng con chim lợn kêu đánh “éc” vào màn đen.

Ông Thanh ngẩng phắt ngước mắt lên, đôi mắt thất sắc, đôi mắt của kẻ hoảng loạn.

***

Ông Thanh khẽ đưa đầu ngón tay đẩy nhẹ cánh cửa. Cánh cửa nhà cô Thoan mở thành một lối nửa thân  người. Êm ru không hề phát ra một âm thanh cọt kẹt nào. Nín thở ngóng tai nghe ngóng. Trong nhà cô Thoan vẫn điềm nhiên đứng chải tóc trước tấm gương treo trên tường. Yên chí là cô Thoan không biết. Cũng có thể là cô Thoan đã biết có người vừa đẩy cánh cửa nhà mình nhưng cô giả tảng làm ngơ? Đàn bà thường hay làm ngơ và giả tảng khi mà chính họ cũng đang chờ đợi. Ông Thanh nhẹ nhàng hít một hơi thở dài làm vốn rồi nghiêng người lách qua cánh cửa. Cô Thoan như tình cờ lại đứng xoay nghiêng. Qua phản chiếu trên tấm gương, ông Thanh nhìn rất rõ bộ ngực mây mẩy với hai đôi núm vú hồng hồng. Đôi núm vú hồng hồng đầy khơi gợi làm mặt ông Thanh đỏ lên xấu hổ. Sau cái xoay người cố khoe đôi núm vú trên bầu ngực mây mẩy ấy cô Thoan lại đứng im tư lự. Hình như cô ấy cũng đang chuẩn bị tư thế để đón nhận? Hình như cô ấy đang hơi lưỡng lự bởi cảm giác có tiếng chân người vừa bước vào nhà.

Ông Thanh đã tiến thêm một bước nữa. Vẫn nhẹ nhàng như bước chân của loài mèo. Lại đứng im nghe ngóng. Lại tiến thêm một bước nữa. Ông Thanh đã lọt hẳn người vào trong nhà. Ngọn đèn điện treo lủng lẳng bỗng lắc lư chao chao. Dấu hiệu cho thấy vừa có luồng gió thổi từ ngoài thổi vào nhà qua khe cánh cửa mở hé. Ông Thoan hơi ngập ngừng. Ông đưa tay lên cố ghìm những nhịp tim đang đập loạn xạ trong lòng ngực. Hình ảnh phản chiếu trên tấm gương lại thêm một lần nữa kích thích. Trong tấm gương là một người đàn bà đầy nhục dục với những biểu hiện khao khát rất rõ ràng. Ông Thanh đã vòng qua chiếc tủ quầy. Ông đã mạnh dạn hơn và bước vòng qua chiếc tủ quầy. Ông Chỉ còn cách hình ảnh trong tấm gương treo trên tường chừng một mét.

Đứng ở đây đã nghe rất rõ từng nhịp thở của cô Thoan. Đã thấy ngây ngây mùi sữa thơm tỏa ra từ chính đôi núm vú hồng hồng. Mùi thân thể đàn bà mà nhất là thân thể ấy vừa tắm gội xong sao hút mũi đến thế. Ông Thoan đứng cách cô Thoan chừng một mét mà mê đi. Mùi thân thể đàn bà từng giây từng giây cứ cuốn vào hai lõ mũi ông mời gọi. Một sự mời gọi đến không thể cưỡng nổi.

Mụ mẫm quá hóa mê dại. Ông Thanh đã tiến sát lưng cô Thoan. Chỉ cần một cái với tay nhẹ là ông đã chạm tới cái mùi đang cuốn hút hai lỗ mũi ông. Chỉ cần một cái tay với nhẹ là ông đã chạm tới hình ảnh đôi núm vú hồng hồng phản chiếu trên tấm gương. Cô Thoan bây giờ như một pho tượng. Cô đứng yên lặng tỏ rõ hơn sự chờ đợi.

Thật nhẹ nhàng và chính xác như được chuẩn bị trước. Ông Thanh từ phía sau lưng thọc luồn hai tay qua sườn cô Thoan. Ông luồn tay đúng lúc cô Thoan vừa giơ hai tay lên vén vén mớ tóc cuốn ngược lên đỉnh đầu. Một sự kết hợp ăn ý đến hoàn hảo không chê vào đâu được.

Như một lời mời được phát đi và được đón nhận. Ông Thanh đã vòng hai tay qua hết thân người cô Thoan. Lại như một sự kết hợp hoàn hảo nữa. Hai bàn tay của ông Thanh nhẹ nhàng đặt úp lên đôi bầu vú của cô Thoan. Đôi bầu vú mà ba buổi chiều nay chiều nào ông cũng nhìn trộm qua khe cửa. Đôi bầu vú mà những chiều đứng nhìn trộm ông đã thầm ao ước được đặt tay lên đó. Giờ thì nó đang gọn yên trong bàn tay ông. Ông Thanh nhắm mắt như để tân hưởng và co những ngón tay lại. Hai bàn tay ông đặt khít ôm trọn đôi bầu vú. Một cảm giác rần rật như điện lan truyền từ đôi bầu vú cô Thoan tới tận bụng ông Thanh. Cảm giác khoái cảm mới lạ níu chặt đôi bàn tay ông nơi đôi bầu vú cô Thoan.

Không phản ứng nào khác. Cô Thoan vẫn để yên cho đôi bàn tay ông Thanh đặt khít lên đôi bầu vú của mình. Cô đang lẫn lộn tưởng như đó là hai bàn tay của chính mình. Cô đang lầm tưởng rằng chính là cô đang tự nắm bóp đôi bầu vú của chỉnh mình.

Cho tới khi ông Thanh vòng cả người ôm ghì lấy cả thân hình của cô Thoan, ông phả những luồng hơi thở gấp gáp và nóng hổi lên bờ vai của cô, bấy giờ cô Thoan mới giật mình tỉnh khỏi cơn mê hoặc. Cô Thoan giật mình tỉnh mê và cựa quậy vùng vằng cố thoát khỏi hai vòng tay ngày một siết chặt. Cô đã quay người được và hoảng hốt nhận ra có người đàn ông lạ đang ôm ghì lấy mình. Bằng một phản ứng của bản năng, cô Thoan vươn người vùng vẫy mạnh hơn. Hình như sự phản ứng của tự vệ cùng với sức khỏe tràn trề của người đàn bà sau kỳ sinh nở đang mãnh liệt. Cô Thoan đã vùng người thoát được đôi vòng tay ôm siết của ông Thanh. Cô nhao người về phía chiếc tủ quầy. Với một người đang sống một mình giữa đỉnh dốc vắng lặng thì bản năng bao giờ cũng quyết liệt. Cô Thoan đã nhanh tay hơn ông Thanh khi tay cô đã với tới con dao gọt hoa quả mà cô đã đặt nó trên mặt chiếc tủ quầy. Cô nhẩy lùi sang một bên giữ khoảng cách giữa cô với ông Thanh đủ để ông không ôm cô được nữa. Cô Thoan thét lên rất to như một cách để xua đuổi và khua khua con dao về phía ông Thanh.

Mũi dao nhọn, lại ở trong tay của một người có phản ứng bất ngờ đang sợ hãi mà khua khoắng loạn xạ, mũi dao đã làm xoạc rách vạt áo của ông Thanh. Như một sự cùng đường của kẻ dâm cuồng bị bại lộ, ông Thanh bỗng trở nên quẫn trí. Ông lao đến bất chấp mũi dao vẫn dứ dứ về phía mình, ông ôm chặt lấy người cô Thoan. Và trong trạng thái đang kích động mạnh ông Thanh xô cô Thoan ngã ngửa ra. Con dao văng khỏi tay cô Thoan và rơi cách đó một đoạn nhưng đủ để ông Thanh nhoài tay với được.

Cho tới khi ông Thanh ngừng tay thì cô Thoan đã nằm im. Máu phun ra xối xả. Máu phun chảy đọng thành vũng ngay chỗ cô Thoan nằm.

NGUYỄN TRỌNG VĂN

(Còn tiếp)

>> Tiếng con chim lợn kêu ngang qua – Kỳ 1

>> Tiếng con chim lợn kêu ngang qua – Kỳ 2

>> Tiếng con chim lợn kêu ngang qua – Kỳ 3

>> Tiếng con chim lợn kêu ngang qua – Kỳ 4

>> Tiếng con chim lợn kêu ngang qua – Kỳ 5

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *