Truyện ngắn Trần Thu Hằng: Trăng khuyết

Làm sao nói “đóa hoa đẹp đến muốn ăn”? Người đây, hoa đấy, lặng lẽ ngắm nhìn nhau trong quạnh quẽ vô thường.

Vua Gia Long đã mất. Ngày hôm qua qua rồi. Tháng chạp, nước sông Trường Tiền đỏ đục, nhuốm mùi biển cả. Gió réo trên đầu vang tiếng nhạc đưa linh. Lá cờ trên ngọn Kỳ đài phập phồng, chấp chới như muốn bay về trời.

Tố Như với chức tòng tam phẩm của mình, xếp theo phẩm trật của triều đình mà đứng chầu bên tử cung vua Gia Long. Từ hai năm nay, vua Gia Long đã chuẩn bị tất cả mọi thứ cho tang lễ của mình với một sự im lặng cháy bỏng; từ việc lập lăng Thiên Thụ đến việc cho người kế tử của mình là Phúc Đảm lên tế đàn Nam giao thay cho mình… Tất cả những điều ấy đốt cháy tận đáy tim Nguyễn Du bởi sự ra đi này hoàn hảo chưa từng có. Qua sông, Tố Như ngỡ ngàng như trong giấc mộng.

Trở về công quán, Tố Như không thể nhớ ra bữa ăn trước của mình lúc nào, ở đâu và ăn gì. Một cơn đói không rõ rệt cứ quấy ruột ông, gợi cho ông nỗi thèm khát ngắt lấy đoá hoa bé nhỏ kia mà ăn cho no thỏa. Bên song cửa mở rộng, trước mặt ông, chỉ độc một đoá hoa vàng nhạt cứ nhẹ rung từng cánh. Lúc rời Đại Nội qua sông, Tố Như đã nhìn mãi những mảng bèo xanh, những cành trúc gãy và cả lá vàng rụng xuống nương theo dòng nước ra hướng cửa Thuận An rồi mất hút. Không một bóng người, không một loài côn trùng – mặt đất lạnh như thế, đóa hoa nở từ đâu?

Ông nhìn lên, loài dây leo đã trụi lá, thân cây mỏng manh đen quắt lại trơ những chiếc gai nhọn hoắt. Gai đan kín cả khoảng trời bên ngoài song cửa.

Nhà văn Trần Thu Hằng ở Đồng Nai

Tố Như quay mặt vào vách. Thiền Na có câu: “Quán bích toạ Thiền” – đã từ lâu ông tự nhắc mình điều đó. Giờ đây ông sợ… Sợ đến chết người. Đóa hoa yếu ớt đang thu vào mình chút nắng tàn, vàng thắm xa xôi.

Tố Như cởi tang phục có đính hàm tam phẩm ra khỏi người, treo lên vách. Cởi luôn bộ quần áo lót mình màu trắng mỏng mảnh nhàu nhĩ. Trần truồng bước ra nhà tắm sạch và lạnh. Chậu tắm không có nước, lão nô già đi hái rau chưa về. Người kế thất cùng người thiếp và mười mấy đứa trẻ đang sống nơi quê nhà, chưa đứa nào đỗ đạt gì. Tố Như dội từng gáo nước lên người, những gáo nước nguyên sơ của trời hứng lại sau những cơn mưa. Lạnh tê người, tím môi và rung đầu gối. Tiếng trẻ con đùa nghịch dưới bến Kim Long vẳng vào tai Tố Như, làm ông giật nảy mình.

Viết xong bài thơ, Tố Như dán lên vách rồi lặng lẽ đẩy cửa đi ra. Lão nô đang ngủ gà ngủ gật trên chiếc chõng tre sực tỉnh, im lặng nhìn theo bước chân của chủ nhân. Đèn trong thư phòng còn sáng, trên vách thơm mùi mực. Trên giường, dấu nằm vẫn thao thức nghe thấu dấu chân đi.

***

Bãi sông vắng tanh. Gió mưa trùm lên những ngôi mộ màu đen thẫm thảm đạm. Cồn cát nơi Tố Như đứng nổi lên như một cái mai rùa nhẫn nhục, gió đôi chiều thổi lại, nhưng mặt sông lặng im. Những ngôi nhà giấu mình trong vườn cây um tùm, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng chó tru lên giữa bóng tối mịt mùng. Chỉ còn ít ngày nữa là đến tết Nguyên Đán rồi. Nhưng khắp hang cùng ngõ hẻm, nơi đâu cũng lặng tờ. Năm nay không có tết.

Tố Như chợt bừng tỉnh khi nghe thấy tiếng gọi của chính mình:

– Đò ơi!

Ông lẳng lặng ngồi vào tròng đò. Mùi cá tanh tanh từ khoang đò bốc lên.

– Ông ơi! Đi đây bây chừ?

– Cứ ngược dòng mà đi.

Mù sa trùm hết mặt sông, đò đi đến đâu, ánh đèn toạ đăng chiếu màu mưa đến đó. Ngược dòng, Đại nội uy nghiêm với Hộ thành hà hàao sâu tường cao xa dần, chỉ còn tiếng đập vó tôm và tiếng sáo nò dụ cá vi vút giữa lòng sông.

Vua Gia Long cho lập lăng Thiên Thụ nơi cuối dòng sông này. Phải chăng ngài muốn đi ngược dòng để yên nghỉ trong im lặng? Nơi đó đất rộng, người thưa. Tiếng va đập của dòng sông cũng ít đi. Mà quỷ thần cũng ngủ yên chốn không người. Vua Gia Long sống trong quyền uy và nhung lụa bao nhiêu năm trời, song dường như ngài muốn thay đổi điều đó sau khi chết.

Những con đò chở tao nhân mặc khách vẫn lững đững trên mặt sông bị quét sạch đi đâu mất. Tiếng hát của các ca nữ cũng không còn. Những ngọn đèn mờ toả như chìm sâu dưới đáy sông. Không có ánh sáng, không có tiếng hát, con sông trở thành một hang động thăm thẳm, bất động. Vua Gia Long mất thật rồi, hay ngài đang hiện diện ở một nơi nào huyễn lạ bắt dòng sông phải bặt tiếng im hơi? Tố Như vẫn cảm thấy hơi thở dài và lạnh chót cùng ngài trút vào thế gian này đang phả vào mình, mặc dù ông chỉ được đến bên vua khi người ta đã bỏ đầy gạo và trân châu vào miệng ngài rồi.

– Ôi chao! Vắng vẻ như thế này ư?

Tố Như thở dài, nói thành tiếng. Người trèo đò trùm tơi áo to xù liền nói một tràng thật nhanh, giọng Thuận Hóa cao chót vót, nặng cùng cực, nghe không rõ tiếng mà chỉ thấy tim đau nhói. Câu được câu mất, Tố Như nghe loáng thoáng một thứ bệnh dịch nào đó làm chết người như ngả rạ. Và hình như đất này đang bị vướng hoạ trời, bấy lâu nay chẳng còn thấy bóng đò đi lại trên sông.

Ông cười buồn và hỏi:

– Lão có hay vua Gia Long vừa băng hà chưa?

– Không. Có bao giờ tui rời đò đâu mà hay.

Nói rồi, lão chèo đò vươn cổ hát thật to:

“Chiều nay cá lội bể đông

Eng đưa đò ngược qua dòng Hương giang.

Chừng nào núi đổ máu tan

Hương giang hết nước thì eng hết đò…”

Hát rồi, lão lại nói oang oang:

– Đói, thì ăn con cá sống; khát, thì uống bụm nước sông. Đời lão gần sáu mươi năm trên con đò này. Lão nhớ, đã biết bao lần con sông này vắng như cửu tuyền vậy, chỉ thấy đò đưa linh trắng cả một bờ. Đêm cũng trắng như vậy. Lão chỉ là cái bóng trên sông…

Tố Như chợt thiếp đi trong mùi cá tanh nồng. Đêm sâu ngun ngút, con sào đẩy nước như để tan bớt nỗi cô quạnh nhưng bóng tối chực há mồm nuốt hết cả giấc mơ. Tố Như thấy mình đi xa lắm, len lỏi trong các thạch động ở Phong Nha (Quảng Bình), rồi phút chốc con đò quay mũi về sông Cài, cửa Trẹm, dừng lại ở bến Giang Đình quê nhà ông.

Ông bừng mở mắt, thấy mình vẫn ngồi trong lòng một con đò nhẹ tênh. Nhưng trước mặt ông không phải là ngọn đèn toạ đăng mờ mịt mà là một người đàn bà với dáng ngồi quen thuộc, hai tay nâng cây đàn nguyệt lên ngang mày thì thầm:

– Đêm đã lắng sâu rồi, mời quan viên nghe khúc Tì bà.

Liền đó, tiếng phách đầu tiên buông xuống. Tố Như lịm người, như muốn thoát dương. Nhưng câu hát đầu tiên chưa trọn, ca nữ còn xoáy vào tiếng “Bến” trong câu “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách…” thì Tố Như đã khe khẽ lắc đầu:

– Đừng hát. Vua đã cấm đàn hát từ lâu rồi…

Người đàn bà im lặng cúi đầu, trong giây lát biến mất trong đêm tối.

Tố Như lại tựa đầu vào tấm phên rách ẩm mốc, mắt dõi ra khắp mặt sông. Vẫn mưa giăng như đan tấm áo đại tang. Con đò trở về bến Kim Long trước khi trời sáng.

Nguyên đán năm ấy, hoàng cung lạnh lẽo câm lặng, than sưởi có khói mà không có hơi. Đứa con trai của Tố Như là Ngũ ra thăm cha nằm một mình ở công quán hơn hai ngày trời mà không được gặp cha. Vì Tố Như làm hữu tham tri bộ Lễ, phải ở trong Đại Nội để dự lễ đăng quang của vua mới và làm các lễ tế Giao, viết biểu mừng.

Mùng năm, trăng hiện lên như cái lá lúa nơi hói Phú Cam. Tố Như đi vào những ngôi làng nhỏ, chỉ thấy những cành cây chĩa ra khoảng không yên lặng, chim chóc kêu khe khẽ, hoa hương toả thơm nhẹ nhẹ, hoa mai nở không có màu, hương khói là đà theo tiếng đại hồng chuang của chùa Thiên Mụ. Công quán lạnh như có sương muối. Tố Như lại ngồi vào tròng đò tanh ròm mùi cá đi ngược dòng sông.

Lần này, ông thấy mình đi trên sông Hán, sông Hoài ở Trung hoa. Cơn mệt mỏi nhiều ngày tích tụ làm ngực ông nặng như đeo đá. Tương truyền Khuất Nguyên đã trầam mình xuống sông Mịch La. Ông mà gieo mình vào dòng sông này, thì nỗi cô quạnh sẽ thấm vào tận xương tuỷ ông, bởi mặt sông muôon đời phẳbng lặng, chỉ đưa trôi những con đò bé nhỏ mỏng manh.

Đêm nguyên tiêu, trăng hiện một phầpn ba qua đám mây chì. Người ta thả những búp hoa sen bằng giấy có gắn bấc đèn đang cháy xuống sông. Mỗi một bến sông lại có hàng trăm, hàng trăm đốm sáng đang toả ra chầm chậm, như những sinh mệnh, như những mơ ước.

Lão đưa đò nói lễ thả đèn này là để cầu cho những vong linh siêu thoát. Như người ta đã mượn con sông này để đưa người chết ra đi…

Tố Như nhòa hai hàng lệ nhìn những ánh lửa thắp lên ngọn đèn trời. Cứ chợt thấy một ngọn đèn nào tắt đi, ông lại cảm thấy trái tim lạc nhịp. Những ngọn đèn trôi dạt, đã bao nhiêu năm trời ông mới thấy chúng.

***

Cơn sốt dai dẳng bám lấy cơ thể Tố Như, người thường không ngủ những đêm dài. Bàn tay bàn chân, ngực và háng lạnh tê. Có đêm, ông chợt thấy mình run lên khicầam ngọn bút lên tay. Màu mực đen quánh dưới ánh đèn gợi nhớ những vết sâu hoắm của giấc mơ. Càng ngày giấc ngủ của ông càng giống những đường gạch xóa chồng chéo của những câu thơ. Cúi đầu dưới song cửa sổ, bầu trời bị rạch nát bởi những cây gai không có lá. Đêm đêm, bến Kim Long và cả dòng sông vẫn không có bóng người.

Vua Gia Long không ngủ. Lá cờ tang vẫn rủ bóng xuống mặt đất. Chính vì thế mà Tố Như vẫn còn gượng dậy sau những giấc ngủ ngắn và mệt mỏi.

Cuối cùng, đủ một trăm ngày, thi hài vua đã được mang ra khỏi hoàng cung. Trong cái ngày mê muội đó, Tố Như đi trong đám quân thần với thân thể nhức buốt rã rời. Nắng càng lên cao, đôi mắt càng mờ xót. Tiếng nhạc thiều làm ù tai ông. Những phát súng thần công xóa tan sự im lặng giăng bủa khắp kinh thành. Tiếng khóc òa vỡ hai bên mặt sông, đèn đuốc cháy rừng rực suốt đêm làm nổi rõ bóng thuyền rồng chở đại thặng dư đang ngược dòng về lăng Thiên Thụ.

Tố Như làm theo mọi người, họ quỳ thì ông quỳ, họ lạy thì ông lạy…

Tấm khằn đóng chặt lại. Thân xác Cao hoàng đế (Gia Long) đã nằm yên trong lòng đất giữa vàng lụa châu báu, giữa thế “long giáng” cao vời. Đất trời đã ấm lại sau mấy tháng xuân đầy sương giá.

Vua Minh Mệnh ra lệnh cho Cần Chính học sĩ Nguyễn Du chuẩn bị đi sứ cầu phong vua Thanh.

Nghe tin ấy, các bạn đồng liêu tìm đến công quán để mừng ông. Nhưng ông đang ốm, mắt nhắm nghiền nằm trên giường, mình chỉ mặc một bộ áo lót mình cũ mỏng. Mái tóc xõa ra trên gối, chẳng sợi nào còn xanh. Lão nô già thưa rằng ông mới thiếp ngủ sau nhiều đêm thức trắng. Một vị quan đồng liêu nhìn lên, nghiên mực còn đen quánh, ngọn bút nằm chông chênh trên án. Lúc đi ra, ông quan ấy thấy trên vách có dán một bài thơ:

“Xương hạp môn tiền xuân sắc lan

Cách giang dao đối Ngự Bình san

Xuân tòng giang thượng lai hà xứ

Nhân ỷ thiên nhai trệ nhất quan…”

Đến đêm, Tố Như lại mặc áo rồi đi ra. Ngoài sông như đang có tiếng gọi, bước chân ông thúc dục ông đặt mình lên dòng sông, hòa máu mình với dòng sông lạnh. Rõ ràng tiếng đàn và điệu hát Tì bà đã vang lên, trong trẻo tót vời. Tố Như chỉ còn có thể trôi vào giữa dòng êm ả và chờ đợi. Một chút ánh sáng nhỏ nhoi, một dáng vẻ quen thuộc, một nụ cười kỳ lạ như gửi về chốn hư không. Và âm nhạc, âm nhạc tự đáy lòng ông vang lên không lệnh vua nào cấm đoán được.

Đêm càng sâu, tiếng hát càng bất tận. Mà người đàn bà thân quen vẫn lặng lẽ cho tiếng hát bay xa.

Ông không chờ đợi được nữa, cất tiếng hỏi:

– Có phải nàng đó không, Cầm nương? Vì sao nàng lại đến đây?

Nàng đáp:

– Đúng là thiếp. Thiếp đi tìm Người đã ba mươi năm có lẻ. Nhưng thiếp chết rồi, giờ đây chỉ còn hồn thiếp đi tìm Người khắp nơi.

– Ta đây. Nàng đã tìm thấy ta chưa?

– Đúng là Người. Nhưng không phải là Người. Mảnh hồn thiếp chưa được soi sáng đã chìm sâu vào dòng nước. Người có xác mà chẳng có hồn. Người còn đang lênh đêngh như chiếc bách giữa dòng thôi…

Tố Như giật mình, nhìn ra ngoài đăm đắm:

– Nàng tìm ta để làm gì, Cầm nương?

– Người cả đời chẳng viết một khúc ca nào cho thiếp hát. Thiếp chỉ trông chờ một điều ấy mà thôi.

Tố Như cúi đầu rất lâu, rồi nói:

– Không, Cầm nương! Ta không thể.

– Vậy Người làm thơ để làm gì? Người hay chữ để làm gì?

Tố Như khăng khăng im lặng. Lại tiếng nói của hư không:

– Người trở về đi thôi. Trở về với tiếng hát trên đồng lúa, trên bãi dâu, tiếng hát trong ánh trăng bạc dưới chân núi vàng… Đi nữa mà chi, để mỗi bước đi là một tiếng khóc tủi nhục…

Tố Như đã rút vào cái vỏ ẩn nhẫn, lặng thinh.

– Khúc hát cuối cùng, cung đàn cuối cùng… Trăng đã gần tàn trước cửa vua rồi…

Tiếng đàn lại cất lên. Lần này, lão lái đò sững sờ quay người lại, đánh rơi con sào xuống nước. Trăm nghìn ngọn đèn nhỏ lóe lên không động. Lá cờ vua trên ngọn Kỳ đài ngừng bay và vầng trăng buột thoát khỏi chân trời đi thẳng lên thiên đỉnh.

Tố Như lại đắm đuối cúi mình nhìn vào lòng sông. Nhưng chẳng bao lâu sau, có những con đò khác xô lại, tiếng người vang lên sát sạt bên tai. Tiếng quát làm ông bừng tỉnh:

– Nữ tặc! Bắt lấy nó, giải về điếm canh.

– Phạm thượng khi quân! Cắt lưỡi!

Mũi đò va mạnh vào mũi đò khác, làm Tố Như suýt ngã văng. Ông ngẩng nhìn lên, quân lính triều đình đã vây chặt khắp xung quanh. Trước quá đông người, dường như không khí bị rút cạn, Tố Như đưa tay ôm ngực, bật ho. Ông nhổ một búng máu đen bầm xuống sông.

– Đừng đụng vào, chúng nó mang bệnh dịch đấy.

– Bệnh dịch, bệnh dịch…

Tự nhiên những con đò lại giãn ra. Sau những tiếng quát lanh lảnh ấy, có người nhảy xuống mặt nước nhanh như chớp, để lại một đường trăng duyềnh cao không có đáy…

***

Chưa đầy tháng sau, vị quan đồng liêu lại đến để đưa tang Tố Như. Khắp công quán nồng lên mùi vôi sống; người chết bó chiếu nằm đó, thân thể lở lói dơ bẩn. Vợ con ông không kịp ra, mà cũng không thể đưa ông về làng Tiên Điền được. Đành phải đưa ra cánh đồng làng An Ninh, lão nô già bưng bát hương, người bạn đồng liêu đọc bài văn tế.

Trên vách quán không còn bài thơ nào nữa. Có lẽ trước khi chết, Tố Như đã kịp gỡ bỏ đi rồi.

TRẦN THU HẰNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *