Nhân chuyến công tác cuối năm 2022 vừa qua, nhà thơ Phan Hoàng – Chủ biên Văn Học Sài Gòn đã có buổi gặp gỡ lần đầu ấm tình những bạn làm thơ 1-2-3 trong nhóm Facebach của Hà Nội giữa cái rét lạnh giá mùa đông đất Bắc. Cùng đi với nhà thơ Phan Hoàng có nhà thơ Đỗ Hàn – Giám đốc Trung tâm Bản quyền Hội Nhà văn Việt Nam.

Đón tiếp hai bạn thơ Phan Hoàng và Đỗ Hàn tại Hà Nội Quán có các nhà thơ, nhà lý luận phê bình trong nhóm Facebach: Nguyễn Đức Hạnh, Đỗ Mạnh Hùng, Vũ Trần Anh Thư, Lê Kim Phượng, Hoàng Liên Sơn, Nguyễn Duy Chung. Đặc biệt, hai nhà thơ Phan Hoàng và Nguyễn Đức Hạnh nhận ra nhau sau hơn 28 năm xa cách khi cả hai cùng là đại biểu tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IV tại Hà Nội năm 1994. Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Đức Hạnh hiện nay là Phó Tổng biên tập Tạp chí Lý Luận Chính Trị và Truyền Thông thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Câu chuyện văn chương diễn ra ấm áp, thân tình giữa những bạn thơ lần đầu hội ngộ cùng với rượu nồng và thức ăn đặc sản. Nhóm thơ Facebach là tập hợp khá đông những người làm khoa học, kinh tế mang tình yêu sâu đậm và có năng lực sáng tạo thi ca ở Hà Nội. Nhiều người đã có sách được xuất bản. Họ đến với nhau vô tư, trong sáng hướng tới cái đẹp nhân văn và hỗ trợ nhau trong sáng tác.


Nhiều câu hỏi đã đặt ra cho nhà thơ Phan Hoàng về sự ra đời của thể thơ 1-2-3 mới mẻ thuần Việt. Anh cho biết trên hành trình sáng tác luôn có ý thức đổi mới nghệ thuật thi ca, đặc biệt là đi tìm thể loại mới để biểu hiện. Hơn 30 năm làm thơ anh thử nghiệm rất nhiều thể loại nhưng không thành công. Sau chuyến đi thăm nước Nga mùa thu 2018, khi về quá giang nước Qatar và thể thơ 1-2-3 xuất hiện trong đầu anh như có ai mách bảo trong một chiều bên vịnh Ba Tư, nơi giao thoa văn hóa Đông Tây, giữa châu Á với châu Âu. Những bài thơ 1-2-3 đầu tiên anh viết về nước Nga và Qatar, chủ yếu là về số phận các nhà thơ, nhà văn đã góp phần làm nên nền văn hóa Nga vĩ đại.
Các chùm thơ 1-2-3 của nhà thơ Phan Hoàng lần lượt đăng trên các báo Văn Nghệ, Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng, Văn Nghệ Thái Nguyên, Phú Yên,… và có một số bạn thơ làm theo thể loại này. Tuy nhiên, phải đến mùa thu năm 2020 khi trang Văn Học Sài Gòn ra đời do một nhóm văn nghệ sĩ, trí thức TPHCM thực hiện thì thể thơ 1-2-3 mới thực sự lan tỏa mạnh mẽ trong và ngoài nước với trên 500 bạn thơ cùng sáng tác. Nhiều tập thơ 1-2-3 đã ra đời. Đặc biệt, mới đây hai tác giả là Vũ Thanh Thủy ở Phú Thọ với tập thơ “Lối sen sương” đã nhận Giải thưởng Hội VHNT các DTTS Việt Nam và Trần Nguyệt Ánh ở Buôn Hồ với tập thơ “Vọng núi” đã được trao Giải thưởng Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk năm 2022.
Nhà thơ Phan Hoàng cảm ơn các bạn thơ nhóm Facebach đã đồng cảm và chia sẻ về sự sáng tác thơ 1-2-3. Anh cũng cảm ơn tất cả các bạn thơ đã cùng đồng hành sáng tạo thể thơ mới thuần Việt này. Sự thành công, lan tỏa, mang lại cảm hứng sáng tác thơ 1-2-3 là của chung tất cả bạn thơ chứ không phải riêng cá nhân anh.
HÀ THÀNH
- Vĩnh biệt tác giả “Bút máu” – nhà văn Vũ Hạnh
- Thơ 1-2-3 Phạm Hồng Soi: Thời đại 4.0 hình như người ta trầm cảm
- Đi tìm màu tím hoa sim – Kỳ 1: Đứa bé đẻ rơi và bài thơ tình thế kỷ
- Nhà văn Nguyễn Bình Phương: Nhà văn mà đưa ra giải pháp thì… rất nguy
- Chùm thơ 1-2-3 của Bùi Hoàng Linh: Dâng màu sim cho tím vạt áo người