Bút ký Nguyễn Minh Ngọc: Danh thơm một vùng đất

VHSG- Chợ Lớn, có lẽ chỉ cần hai tiếng ấy cũng đủ vẽ nên bức tranh đa sắc màu về vùng đất phồn thịnh, được hình thành từ hơn 300 năm trước, gắn với lịch sử khẩn hoang của ông cha ta. Từ khi trở thành con dân của Thành phố Hồ Chí Minh, do công việc biên tập xuất bản, tôi có dịp tiếp cận với nhiều nguồn thư tịch, nhờ vậy mà được mở mang thêm đôi chút…

Lắm lúc tôi cứ lẩn mẩn tự hỏi, giả sử vào mùa xuân năm Mậu Dần (1698), vì một lẽ gì đó mà Chúa Nguyễn không cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược sứ, thì sao nhỉ? Tất nhiên dòng chảy của lịch sử vẫn cứ băng về phía trước, nhưng kết cục thì có thể sẽ rất khác nhau. Sự kiện này được Trịnh Hoài Đức (1725-1825) tự Chỉ Sơn, hiệu Cấn Trai, biên chép tỉ mỉ. Là một người Minh Hương xuất chúng, một trọng thần kiêm sử gia nức tiếng thời Nguyễn, Cấn Trai để lại nhiều trước tác, trong đó có pho Gia Định thành thông chí”, không chỉ đương thời mà hậu thế mãi còn chất chồng sự ngưỡng mộ. Sách chép, Nguyễn Hữu Cảnh “lấy đất Nông Nại làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn; mỗi dinh đặt chức lưu thủ, cai bộ và ký lục để cai trị”. Theo đó, ngay sau khi có Gia Định phủ, “con cháu người Tàu ở nơi Trấn Biên thì lập thành xã Thanh Hà, ở nơi Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương rồi ghép vào sổ hộ tịch”. Nhưng không phải đợi tới lúc ấy mới có các lưu dân người Việt, người Hoa, mà họ xuất hiện ở vùng đất này sớm hơn!

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc

Dựa vào các nguồn sử liệu cũ, mới hay rằng, từ những năm 20 của thế kỷ XVII, tức là vào năm 1623, Chúa Nguyễn đã cho lập hai đồn thu thuế, một ở xóm Bến Nghé (vị trí nay ở đầu đường Nguyễn Huệ, quận 1) và một ở xóm Sài Gòn, tọa lạc ở Chợ Quán, quận 5 ngày nay. Dẫn nhập điều này để minh chứng rằng đây là vùng đất sản vật dồi dào, sự trao đổi hàng hóa có từ rất sớm.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu thì “Chợ Lớn nay đương thời gọi là Chợ Sài Gòn. Chợ Lớn nằm trong địa hạt tổng Tân Long, sau là huyện Tân Long. Khu vực Chợ Lớn gồm nhiều thôn, xã. Minh Hương xã chỉ là một trong số ấy, được lập từ 1698, cùng nhiều thôn xã khác của tổng Tân Long. Dân Minh Hương xã, là những người Hoa nhập Việt tịch, đa số làm nghề bán buôn chứ không có ruộng nương cày cấy”. Rời bỏ chốn quê, đa phần những người Hoa là nông dân nghèo khổ, binh lính và một số quan lại của triều Minh bất tuân phục sự cai trị của nhà Thanh, nên họ chọn cách vượt biển xuống phương Nam, tìm chốn đất lành để mưu sinh. Căn nguyên chính là do chiến tranh loạn lạc, đời sống bất an bởi những cuộc thanh trừng ở lục địa Trung Hoa hồi bấy giờ. Tư tưởng phục Minh, phản Thanh theo những người Minh Hương đến Việt Nam. Những người Hoa đầu tiên ấy, cùng các thế hệ con cháu đã sát cánh cùng cư dân người Việt, góp sức tạo dựng vùng đất mới và trở thành một phần cư dân đáng kể ở nước sở tại.

Sử chép, năm 1772, quan điều khiển Nguyễn Cửu Đàm cho đào kinh Ruột Ngựa (Mã Trường) giúp tiện bề mở rộng giao thương. Và chỉ vài năm sau đó, dân xã Thanh Hà hầu như bỏ hẳn Cù lao Phố, gần Biên Hòa, về nhập vào xã Minh Hương, lập chợ Sài Gòn (Chợ Lớn nay). Cho nên vùng Chợ Lớn trở thành trung tâm cư ngụ đông đảo người Minh Hương. Đây cũng chính là vùng đất của sự giáo hóa. Nổi bật với học giả Võ Trường Toản, người thôn Hòa Hưng, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, mở trường dạy được nhiều học trò tài ba ra giúp đời. Vì có công lớn đào tạo nhân tài, duy trì đạo đức, nên lúc ông mất (1792) được truy tặng Gia Định xử sĩ Sùng đức Võ tiên sinh. Trong số học trò của cụ Võ đương thời nổi tiếng nhất là nhóm Gia Định tam gia gồm ba nhân vật lỗi lạc: Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh. Về sau, nhóm này lập ra Bình Dương thi xã, tập hợp các sĩ phu danh tiếng, góp phần khai sáng và điểm tô muôn mặt cho vùng đất phương Nam giàu đẹp.

Đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836) sau khi Trương Minh Giảng và Trương Đăng Quế hoàn thành công việc đạc điền, lập địa bạ cho các làng xã ở Nam Kỳ lục tỉnh, thì địa giới hành chính nhiều nơi có sự thay đổi. Lúc này, địa phận huyện Tân Long được mở rộng hơn rất nhiều so với trước và lỵ sở đặt tại làng Phú Định (góc đường Đặng Thái Thân – Nguyễn Trãi, ngày nay).

Từ sau Hiệp ước Nhâm Tuất (1862), ba tỉnh miền Đông (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) rơi vào tay thực dân Pháp. Các thành lũy và phố thị Bến Nghé bị san phẳng, người Pháp quy hoạch lại thành phố. Nhìn thấy mối lợi to lớn, họ xúc tiến những công việc đầu tiên chuẩn bị xây dựng đô thị Chợ Lớn. Ngày 6-6-1865, viên Chuẩn đô đốc Roze ký nghị định lập thành phố Chợ Lớn với địa giới hành chính khi ấy, phía đông giáp đường Beylie (nay là đường Ngô Quyền), phía tây là kinh Bao Ngạn, phía bắc là đường Chales Thomeson (nay là đường Hùng Vương). Theo sự phát triển, năm 1931, thực dân Pháp cho sáp nhập Sài Gòn và Chợ Lớn thành một đơn vị hành chính, gọi là khu Sài Gòn – Chợ Lớn. Đến năm 1955, địa giới Sài Gòn – Chợ Lớn được phân chia lại, Sài Gòn là quận 1, Chợ Lớn là quận 5.

Lịch sử định cư của người Hoa ở Chợ Lớn nói riêng, thành phố nói chung, gắn liền với sự hình thành những hội quán và các ngôi chùa. Người Hoa đến Việt Nam thường quần tụ thành bang hội theo nguồn gốc quê hương, thể hiện sự tương thân, cố kết. Vào quãng năm 1787, mới chỉ có 4 bang là Quảng Châu, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam được thành lập. Dưới thời vua Gia Long, triều đình Huế cải tổ nâng lên thành 7 bang: Quảng Châu, Triều Châu, Hải Nam, Phúc Kiến, Hakka, Phúc Châu và Kiang Tcheou. Tới năm 1885, người Pháp rút gọn lại còn 5 bang: Quảng Châu, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và Hẹ. Từ đó đến nay, trên địa bàn thành phố tồn tại 5 nhóm ngôn ngữ địa phương của người Hoa. Và sự hiện diện của những hội quán như một lẽ tự nhiên nhằm bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Xưa nay, phàm những gì thuận lẽ tự nhiên thì trường tồn và phát triển! Hội quán chính là nơi hội họp, quản lý di dân, giúp đỡ những người đồng hương và làm nơi thờ tự. Nhiều công trình được xây cất từ cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, tạo nên những điểm nhấn hết sức độc đáo mà không phải bất kỳ địa phương nào cũng có được.

Mô tả sự đô hội của vùng Chợ Lớn, Trịnh Hoài Đức viết: “Phố xá liên tiếp sát mái nhau, người Tàu và người ta ở chung lộn dài độ 3 dặm… Đầu đường lớn phía Bắc có miếu Quan Thánh và 3 hội quán: Phúc Châu, Quảng Đông và Triều Châu chia đứng hai bên tả hữu… Hễ gặp tiết đẹp đêm trăng, các ngày tam nguyên sóc vọng thì treo đèn, đặt án, đua tranh kỹ xảo”. Ngày nay, các hội quán trở thành niềm tự hào và là điểm đến không chỉ của người dân quận 5 mà của cả thành phố, và là một phần không thể thiếu, làm phong phú thêm văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nghe nhiều, nhưng phải đợi đến trung tuần tháng 10-2019 vừa qua, khi được mời tham dự phát động cuộc thi bút ký “Quận 5 trong tôi”, tiến tới kỷ niệm 45 năm ngày non sông liền một dải, có dịp tiếp xúc với Phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Phạm Quốc Huy, cùng Phó chủ tịch UBND quận Trương Canh Ba, được nghe các anh giới thiệu cặn kẽ, chúng tôi vỡ vạc thêm được nhiều điều mới mẻ. Đặc biệt, chương trình tham quan thực tế do nữ Phó chủ tịch UBND quận, Trương Minh Kiều dẫn đầu, đã chọn ra những điểm đến thú vị. Ấn tượng sâu đậm nhất là việc lần đầu tiên trong đời, được viếng thăm Hội quán Tuệ Thành và Hội quán Nghĩa An, tọa lạc gần nhau trên đường Nguyễn Trãi, thuộc phường 11. Mới hay, hầu hết các đền miếu của người Hoa đều được bố cục theo hình chữ Quốc, đăng đối, vững chãi, với những họa tiết hoa văn cực kỳ tinh xảo. Đây là 2 trong số 9 hội quán được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận “Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia”. Ngoài ra còn 2 hội quán khác được UBND Thành phố Hồ Chí Minh công nhận “Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố”. Ấy là điều đặc biệt hiếm thấy đối với một đơn vị hành chính cấp quận, huyện.

Dường như mỗi hội quán đều gắn liền với lịch sử của các bang hội người Hoa khi rời nơi chôn nhau cắt rốn, phiêu dạt để hòa nhập vào vùng đất mới. Vậy nên bang Quảng Châu có Hội quán Tuệ Thành thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, ghi nhớ ân đức của Thánh Mẫu phò hộ cho con cháu người Hoa vượt biển an lành. Nơi đây còn được người dân kính cẩn gọi chùa Bà Chợ Lớn, nức tiếng linh thiêng. Trong khi Hội quán Nghĩa An của người Triều Châu là một tổng thể kiến trúc đồ sộ, lộng lẫy, phong phú sắc màu. Chánh điện thờ Quan Thánh Đế Quân (chùa Ông). Ngài có tên là Quan Vũ, tự Vân Trường, một nhân vật lừng danh thời Tam Quốc. Ngoài hai bộ chuông đối xứng nhau, trên chuông đồng nổi bật hàng chữ “Gia Định tỉnh, Minh Hương xã, Tân Trường châu, Nghĩa An hội quán…”, còn có tượng ngựa Xích Thố rất độc đáo, cao tới 2,5m. Đập vào mắt là các cặp liễn và hoành phi sơn son thếp vàng, mang đậm chất nghệ thuật, khắc ghi những lời tiền nhân nhắn gửi lại cho hậu thế. Ví như “Duy nghĩ sở tại” (Lòng trung còn mãi), hay “Nghĩa trọng sơn hà” (Non sông nghĩa nặng)… Phút dừng chân, nghe ông Trần Vũ, trưởng ban quản lý điểm sơ về lịch sử hội quán của người Triều; được mời nếm thử một số loại bánh kẹo, trong đó có kẹo mè dẻo thơm đặc biệt, bao gói rất bắt mắt. Trong câu chuyện, ông Vũ nắc nỏm nhắc đến món kẹo cu-đơ Hà Tĩnh, để lưu ý đặc sản vùng miền, cần phải được bảo tồn và gìn giữ. Nói về nét độc đáo ẩm thực của Chợ Lớn, có lẽ tôi cũng giống nhiều người, nghĩa là sẽ như “chim chích lạc rừng” giữa mê hồn trận các món ăn vừa khéo, vừa ngon, giàu hương vị khôn tả xiết! Thế nên cái câu “ăn quận 5” được người Sài thành truyền tụng từ xưa, không hề là ngoa ngôn!

***

Vùng đất Chợ Lớn xưa mà quận 5 được coi như vùng lõi, là nơi hội tụ đậm đặc tinh hoa và giao thoa văn hóa Đông Tây kim cổ từ nhiều nguồn khác nhau, hợp thành. Không chỉ là động lực phát triển kinh tế, giúp mở rộng giao thương, văn hóa còn tác động vào lịch sử và để lại những dấu ấn không phai mờ.

Sau khi rời ngôi trường Dục Thanh, Phan Thiết, xuôi về phương Nam, với sự trợ giúp của tổ chức Liên Thành, thầy giáo Nguyễn Tất Thành từng có thời gian lưu lại ở Liên Thành phân cuộc, tại số nhà 1-2-3 Quai Testard, Chợ Lớn (sau đổi là đường Tổng đốc Phương, nay là số 5 Châu Văn Liêm, phường 14, quận 5). Ngày 5-6-1911, người thanh niên Văn Ba lên chiếc tàu buôn La Touche Tréville của hãng Chargeur Réunis, rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, khởi đầu sự nghiệp giải phóng dân tộc, mở ra một thời đại mới – thời đại Hồ Chí Minh huy hoàng trong lịch sử. Trung tuần tháng 11-1988, Bộ Văn hóa Thông tin ra Quyết định số 1288-VH/QĐ công nhận ngôi nhà này là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà Chợ Lớn trở thành nơi lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng đến thế. Nói đúng hơn, lịch sử đã chọn vùng đất cổ xưa này. Nhờ việc tiếp thu công kỹ nghệ của Tây phương, mà Sài Gòn – Chợ Lớn trở thành một trong những nơi sớm được đón nhận nhiều luồng tư tưởng tiến bộ, đặc biệt là chủ nghĩa Mác-Lênin, để nhen lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng. Cùng với tổ chức Công hội Đỏ (bí mật) do người thợ máy Tôn Đức Thắng lập vào cuối năm 1920, đây cũng là nơi xuất hiện một trong những chi bộ đầu tiên của Đảng bộ thành phố, sau ngày Đảng cộng sản Việt Nam thành lập. Vào đầu tháng 9-1931, tại khu biệt giam thuộc Bệnh viện Chợ Quán, trước khi trút hơi thở cuối cùng, đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, để lại lời nhắn nhủ bất hủ: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”.

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, người dân Nam Bộ vừa có gần ba tuần lễ sống trong bầu không khí tự do độc lập, thì được sự “hà hơi” của quân Anh (danh nghĩa Đồng minh), thực dân Pháp trở lại gây hấn ở Sài Gòn, với mưu đồ hòng tái chiếm nước ta một lần nữa. Đêm 22-9-1945, giặc Pháp nổ súng vào các cơ quan đầu não chính quyền cách mạng ở nội thành, nhưng vấp phải sự chống trả kiên cường của tự vệ ta. Tuy nhiên, với trang bị vũ khí áp đảo, đội quân xâm lược nhà nghề lần lượt chiếm giữ được các mục tiêu trọng yếu.

Sáng 23-9-1945, một hội nghị được triệu tập khẩn cấp tại số nhà 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5). Tham dự hội nghị quan trọng này có các lãnh đạo chủ chốt của Nam Bộ, gồm các ông Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Nguyễn, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiểng… Thay mặt Thường vụ Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh, ông Hoàng Quốc Việt vừa đến Sài Gòn, được mời tham dự. Đây là “cuộc hội nghị sóng gió” biểu thị ý chí quật cường, quyết không cam chịu sống nhục của người dân Sài Gòn – Chợ Lớn. Đồng thời với việc điện báo ra Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh để xin chỉ thị, hội nghị chủ trương phát động toàn Nam Bộ kháng chiến. Cùng trong buổi sáng này, “khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định và cả Nam Kỳ, hàng ngàn công nhân, viên chức, thanh niên phân phát lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ”(1). Dễ gì quên được những ngôn từ hiên ngang, rực lửa như này: “Độc lập hay là chết! … Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái hãy cầm võ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược”.

Hội nghị đường Cây Mai là một sự kiện lịch sử trọng đại, thể hiện khí phách can trường của vùng đất “đi trước về sau” được cả nước ngưỡng mộ qua lời ca hừng hực: “Mùa thu rồi, ngày hăm ba ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến” của Tạ Thanh Sơn trong bài “Nam Bộ kháng chiến”. Tuy nhiên, đáng buồn là hiện nay, rất nhiều sách báo (kể cả sách lịch sử) ghi lộn địa chỉ này thành số 269 mà không một ai đính chính. Nhưng tôi luôn vững tin vào sự thông tuệ, uyên bác của Giáo sư Trần Văn Giàu khi ông chép lại chuẩn xác sự kiện này.

Cũng bởi công việc làm sách, vài lần tôi chạy xe trên đường Nguyễn Trãi dò dẫm thử tìm số nhà 629 để so chiếu, nhưng có lẽ do vội vã nên đành chào thua. Chỉ còn cách tự an ủi mình rằng thời gian đã làm lu lấp đi nhiều thứ. Giờ đây, sau hơn 74 năm, vật đổi sao dời, tôi không dám ao ước gì nhiều, chỉ mong sao ngành văn hóa phối hợp với các ban ngành chức năng hữu quan xác định vị trí chuẩn của ngôi nhà này (phường mấy?). Để từ đó dựng lên một tấm bia hoặc chí ít là một biển chỉ dẫn nho nhỏ đặt trước địa chỉ đỏ này, trên đó ghi vắn tắt sự kiện giúp người dân thành phố và du khách cả nước, đặc biệt là lớp trẻ, biết chính xác về hội nghị tầm cỡ này trong lịch sử chống xâm lăng của dân tộc, để thêm tin yêu mà bồi đắp lòng tự hào. Thiển nghĩ, âu đó cũng là một cách “giữ lửa” cho các thế hệ mai sau, để họ mãi được nuôi dưỡng trong mạch nguồn thẳm sâu của lòng yêu nước, thương nòi!

***

Là nơi tinh hoa hội tụ, nên quận 5 đất chật, người đông. Tháng 7-1969, chính quyền Sài Gòn cắt 3 phường lớn (Minh Mạng, Nguyễn Tri Phương và Phú Thọ) của quận 5 cùng với một số đơn vị hành chính khác để lập ra quận 10 và quận 11. Bởi vậy, sau khi điều chỉnh địa giới thì quận 5 là một trong những quận nội đô có diện tích nhỏ nhất, chỉ vỏn vẹn có 4,27km2, chiếm 0,2% tổng diện tích toàn thành phố. Nhưng đây vẫn là một quận giàu có bậc nhất xét trên nhiều bình diện xã hội.

Sau ngày 30-4-1975, theo điều tra sơ bộ thì trên địa bàn quận 5 có khoảng 2.500 nhà tư sản lớn cùng hơn 1 vạn trung thương, ấy là chưa kể đội ngũ tiểu thương đông đảo và những người thợ có bàn tay vàng. Nhờ vậy mà nơi đây trở thành mảnh đất phì nhiêu cho các hoạt động thương mại – dịch vụ “nở nồi” sầm uất, chẳng đâu sánh bằng. Và không có gì lạ khi hiện nay rất nhiều thương hiệu hàng hóa quận 5 tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, như nhựa Đại Đồng Tiến, Phước Thành; cầu dao điện Tiến Thành, các mặt hàng chế biến thủy sản của Công ty Cholimex, gia vị Việt Ấn; may mặc của Công ty TNHH may thêu giày xuất khẩu An Phước…

Trở lại với chuyến tham quan thực tế, thì giờ bé mọn trong khi có biết bao chỗ muốn đến, cần tìm hiểu về địa tầng văn hóa thẳm sâu của quận 5. Tuy chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng được vậy đã là quý lắm rồi. Rời phố Đông y, như vừa lạc vào chốn thần tiên, bởi được ướp trong sực nức mùi thơm đầy quyến rũ của cơ man nào là các loại dược liệu, chúng tôi đến với Vietnam Silver House nằm giữa trung tâm tuyến phố vàng bạc trên đường Nghĩa Thục. Cảm giác khi đặt chân vào nơi được coi là một bảo tàng mini về nghề chế tác bạc truyền thống, thật háo hức và ngỡ ngàng. Chỉ có thể trầm trồ rồi thốt lên câu cảm thán: Tuyệt! Chợt nhớ những câu thơ của Nguyễn Đình Thi: “Đất trăm nghề của trăm vùng/ Khách phương xa tới lạ lùng tìm xem/ Tay người như có phép tiên…”.

Có dịp tiếp xúc với nhiều giai tầng, từ thường dân, người buôn bán nhỏ, đến các doanh nhân, hay các cán bộ lãnh đạo quận 5, ấn tượng đọng lại trong tôi ấy là sự khiêm cung, nhã nhặn, biết mình biết người. Ở đâu bạn có thể bắt gặp sự khoe mẽ, phách lối, nhưng đến đây hầu như không thấy điều đó.

Cách nay mấy năm, tôi đưa chiếc Wave Alpha đến một Head Honda ở Bình Thạnh để kiểm tra ống xả bị tắc, anh nhân viên lớn tuổi xem xét kỹ rồi lắc đầu bảo phải “móc pô” rồi, nhưng ở đây không làm được. Và bảo tôi chịu khó lên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5, hỏi tiệm M… Nghe chỉ dẫn kiểu “tọa độ”, tôi chạy xe dáo dác tìm. Do không biết chính xác địa chỉ tiệm sửa pô, tôi lên đại vỉa hè, đánh bạo hỏi thăm một thợ đương lúi húi làm việc. Nếu ở chốn khác, mà hành xử lớ ngớ như này, ắt sẽ bị ăn chửi, chí ít cũng lãnh cú lườm nguýt cháy sém lông mày, hoặc “được” chỉ đểu. Nhưng lạ chưa, người đàn ông ngửng lên đưa tay trỏ sang tiệm M. cách đó hơn chục thước, giọng ôn tồn, nó ở kia, chú. Tôi gật đầu rồi dắt xe qua. Sau chừng hơn tiếng đồng hồ tháo rời ống pô, cắt một lỗ bằng hộp diêm, người thợ đứng tuổi hoàn tất công việc “thổi sạch”, hàn lại rồi lắp và nổ máy. Ngon lành. Khi hỏi công sá hết bao nhiêu, do đương mải kiểm tra xe lần cuối, thợ nói nhỏ tôi nghe không rõ nên rút tờ hai trăm ngàn. Anh này lắc đầu bảo, thừa nhiều quá chú, chỉ có năm chục ngàn thôi à. Thêm một lần nữa, tôi mắt tròn mắt dẹt, nói lời cảm ơn rồi lên xe đi.

Thế đấy. Không tham lam, luôn trọng chữ TÍN trong làm ăn, ấy là cung cách đáng nể trọng của người dân quận 5. Và tôi tìm được câu trả lời, vì sao chốn này lại được coi là trung tâm của “trung tâm” thành phố mang tên Bác Hồ, một đầu tàu năng động trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam!

NGUYỄN MINH NGỌC

Văn Nghệ số 17 + 18/2020

__________

(1) Hội đồng KHXH Thành phố Hồ Chí Minh: Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh – Nxb TP.HCM, 1998. Tập 1: Lịch sử, tr.439.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *