Chùm thơ 1-2-3 Đăng Ngọc: Luật của tự nhiên, luật của đời người

Tác giả Đăng Ngọc tên thật Bùi Ngọc Đăng, là nhà báo kỳ cựu từng làm việc ở Báo Đại Đoàn Kết, hiện sống ở Hà Nội. Bằng sự từng trải, ông gửi gắm nhiều thông điệp về lịch sử, thiên nhiên, con người và cả vấn đề thời sự đại dịch Covid-19 qua chùm thơ 1-2-3 đầu tiên gửi về Văn Học Sài Gòn: “Luật của tự nhiên, luật của đời người// Lạch chia nước cho suối, suối phần nước cho sông/ Sông lại chia cho biển, biển lại chia cho biển…// Tràn đầy thành đại dương, hát mãi lời con sóng/ Không chia nước cho ai – đời gọi là “Biển Chết”/ Biết cho và biết nhận biển nghìn đời thắm xanh”.

Nhà báo Đăng Ngọc

Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.

Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.

Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.

Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.

Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.

 

Duối nghìn tuổi nở vàng hoa rực rỡ phía đền Ngô

 

Mười tám gốc duối buộc ngựa, nghìn năm cắm vào ruột đất

Bức trường thành che giông chắn bão cho con dân Đường Lâm

 

Dưới bóng lá sum suê nóng hè tan biến, sức người hồi sinh,

Vọng tiếng reo nghìn năm quân Ngô thắng giặc phía Bạch Đằng giang

Nâng duối vàng năm cánh – “dấu hoa vun cây”* – thức từ tâm não.

__________

* Ca dao cổ: “dấu” nghĩa là yêu

 

Không than trời nắng tự ta tìm bóng râm

 

Nắng rám trái bưởi, đá ong trung du rịn đẫm mồ hôi

Những đồi chè phục tráng giống lai Shan Cù – Trung du xanh

 

Thu cạn nắng vào cây, góc phân cành rộng mở tràn bóng râm

Tuần hoàn, lưu chuyển sức người-đất quê mình hóa ngàn xanh

Léo nụ cười biếc từ vùng “lõi nghèo” – trả ơn người sáng tạo.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Tân Quảng

Luật của tự nhiên, luật của đời người

 

Lạch chia nước cho suối, suối phần nước cho sông

Sông lại chia cho biển, biển lại chia cho biển…

 

Tràn đầy thành đại dương, hát mãi lời con sóng

Không chia nước cho ai – đời gọi là “Biển Chết”*

Biết cho và biết nhận biển nghìn đời thắm xanh

____________________

*“Biển Chết”- một hồ nước mặn ở biên giới giữa Israel và Jordan, nước biển ứ đọng tạo nên muối mặn, chẳng sinh vật nào sống nổi.

 

Đếm mây, đo nước nơi đầu trời cuối đất ngày đêm

 

Trời biển dải đất chữ S luôn trở mình khó ở

Mưa đá, lốc dông, sạt lở, ngập mặn… đến thình lình

 

Quan trắc, dự báo viên vườn khí tượng từ Nam Quan, Cà Mau…

Đếm mây đo nước ngày đêm, gom từng số cực đoan, phi luật

Giải mã thông điệp lặng câm trời biển để bớt những Rào Trăng

 

Số ca dương tính covid trồi lên trích tim nhức buốt

 

Nhìn ca chạy ECMO ta nghẹn tràn lá phổi phập phồng đau

Người nghèo mắc dịch nỗi khổ chồng lên nỗi khổ

 

Người giàu mắc dịch càng hiểu sự bất lực của giàu sang.

Chiếc giường đắt nhất thế gian ấy là giường bệnh

Cay đắng dịch bệnh dạy thế gian biết ngọt ngào sức khỏe

 

ĐĂNG NGỌC (HÀ NỘI)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *