Chùm thơ Phạm Thị Phương Thảo: Lòng cỏ mềm vẫn khát đợi trăng lên!

 “Mưa Thảo!// Nở trong mưa là loài Mưa Thảo/ Thứ hoa dại chỉ nở trên phiến đá!// Ướt đẫm trong giá lạnh phong sương/ Khi hoa thôi cười rả rích/ Lòng cỏ mềm vẫn khát đợi trăng lên!” Đó là bài thơ mở đầu cho chùm thơ 1-2-3 độc đáo gồm 12 bài viết về hoa cỏ của nhà thơ – họa sĩ Phạm Thị Phương Thảo từ Hà Nội.

Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo

Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.

Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.

Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.

Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.

Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.

Không khuyến khích biến thể các loại thơ truyền thống: lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn… thành Thơ 1-2-3.

 

Mưa Thảo!

 

Nở trong mưa là loài Mưa Thảo

Thứ hoa dại chỉ nở trên phiến đá!

 

Ướt đẫm trong giá lạnh phong sương

Khi hoa thôi cười rả rích

Lòng cỏ mềm vẫn khát đợi trăng lên!

 

Hằng Thảo!

 

Hoa cỏ nở cùng trăng

Sáng, xanh và sắc nhọn!

 

Se sẽ buồn cái lạnh của heo may

Lòng dịu dàng như trăng thu vừa chớm

Đêm Hằng Thảo chỉ sinh nở mùa trăng!

 

Linh Thảo!

 

Linh Thảo nở dưới nắng

Se sẽ cái lạnh, ngập vũng gió heo may!

 

Tím hồng, vàng rực và trắng xanh…

Cả miền linh hương say lấp lánh

Cỏ hát vang bài ca sự sống tự ngàn năm!

Tranh của Phạm Thị Phương Thảo

Cỏ Thơm!

 

Những chiếc lá thơm hương

Gửi dâng đời những nụ hôn vào gió!

 

Trong vườn khuya đêm nay

Cỏ vừa ngủ vừa khóc

Chỉ mình vầng trăng chiếu soi sự cô độc!

 

Thảo Sương!

 

Cỏ thích được ngủ vùi trong bóng sương

Quên rằng mình phận cỏ!

 

Sớm mai, sương rạng ngời dưới nắng

Cỏ vẫn đẫm đìa xanh

Ngàn lá trốn sau giọt nước mắt của sương!

 

Hạnh Thảo!

 

Trong bức tranh mênh mang hoa cỏ

Lá mềm mại xanh, hoa rạng ngời sáng!

 

Niềm hạnh ngộ rưng rưng vũ trụ

Những câu thơ vút lên từ miên man Hạnh Thảo

Hoa cỏ là một thứ tôn giáo tự nhiên!

 

Minh Thảo!

 

Cỏ Thơm luôn biết ơn đất mẹ

Quấn quện núi cao, biển rộng, sông dài!

 

Cỏ tận hiến tuổi trẻ, gửi sức sống và niềm tin cho đất

Miền Minh Thảo nở trắng trong ý tưởng

Cỏ mong đất hiểu mình, biết người!

 

Bình Thảo!

 

Cỏ bắt đầu từ cao nguyên xanh

Mênh mang trôi về những miền nắng gió!

 

Cỏ ở đâu cũng có

Cỏ ở đâu cũng xanh

Cỏ hát dâng đời khát vọng hoà bình!

Tranh của Phạm Thị Phương Thảo

Thuận Thảo!

 

Dịu dàng và kiên nhẫn

Cỏ hoa mang theo vẻ đẹp của sự thuận hoà!

 

Tươi non, thẫm xanh, rồi vàng úa

Cỏ dâng hiến hết mình

Hoa cỏ thảo thơm, xanh thuận lẽ tự nhiên!

 

Phúc Thảo!

 

Cỏ dại hoang sơ, đắm đuối

Trào dâng sức sống mùa!

 

Luôn hạnh phúc đón những bình minh

Phúc Thảo nhìn thấy vẻ đẹp của từng chiếc lá rơi

Cỏ trổ búp non là những ân đức!

 

Hành Thảo!

 

Mềm mại và thơm tho

Hành Thảo làm món ăn nhân gian thêm hấp dẫn !

 

Sinh ra từ loài cỏ

Được nâng niu dưới những ngón vui buồn

Hành Thảo- linh hương gọi mùa thơm !

 

Thơm thảo!

 

Khi người đàn bà nội trợ vào bếp

Hành tỏi, húng, mùi, tía tô, kinh giới, bạc hà… cùng hớn hở.

 

Hoa thơm thảo đua nở trên vũ trụ bát đũa

Chỉ hành củ… ngồi trầm – ngâm trong lọ

Mùa thơm thảo an lành trong thế giới của đĩa tỏa hương!

 

PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO

(Rút trong bản thảo Cỏ thơm – thơ 1-2-3,

Hà Nội tháng 9.2021)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *