Đinh Thị Thu Vân – Một cây bút trưởng thành từ sau ngày kết thúc chiến tranh

Tôi muốn tìm trong thơ Đinh Thị Thu Vân nắng gió của miệt vườn Nam Bộ, hương thơm của muôn loài cây trái, cái ngọt ngào của đờn ca tài tử, cái âm vang dài rộng của những câu hò trên sông nước miền Tây…

Nhà thơ Đinh Thị Thu Vân

Trong số những nhà thơ nữ tôi đã được đọc, Đinh Thị Thu Vân để lại ấn tượng khó quên. Đọc chị khá nhiều, nhưng gặp chị lại rất ít. Hầu như tôi không biết gì về con người ngoài đời của chị. Chỉ thoáng gặp một lần chỗ đông người giữa một ngày rét đông Hà Nội cuối năm 2018. Thiếu phụ như cây trúc mảnh mai, lạ lẫm trong làn áo ấm mà tôi đoán lâu lắm chị mới đem ra dùng khi đụng cái rét miền Bắc. Giọng nói nhỏ nhẹ, thận trọng mà cởi mở, nét nhân từ hiện trên gương mặt hơi buồn. Hiển nhiên, mới gặp một thoáng thì những gì sâu kín là không thể biết.

Nhưng với nhà thơ, nếu muốn, cũng có thể có những con đường để tìm hiểu thế giới nội tâm sâu kín của họ. Vì thơ là “biên bản của tâm hồn”, nhật ký của cảm xúc, tự sự của trái tim, diễn ngôn của xúc động… Những ký thác trong thơ trữ tình phần lớn là “lời tự thú với bản thân” của nhân vật trữ tình.

Đinh Thị Thu Vân là nhà thơ trữ tình giàu cảm xúc, rất nữ tính. Thơ chị chủ yếu biểu hiện nội cảm, tình cảm từ bên trong của tâm hồn chị: tinh tế và lãng mạn, khát khao và ước vọng, xót xa và khắc khoải… Rất ít trong thơ chị những trang “miêu tả hiện thực”, vắng hẳn chuyện “thế sự đời thường” cơm áo gạo tiền, không thấy những biến cố, sự kiện “thời sự”, ít khi bắt gặp những rắc rối trần thế ngoài câu chuyện duyên phận. Hướng nội toàn tâm làm cõi nhân gian trở nên khép kín, trong khi cõi nhân duyên trong tâm hồn mở hết biên độ. Đó là thế mạnh và cũng là điểm yếu của thơ Đinh Thị Thu Vân.

Có thể hình dung Đinh Thị Thu Vân là “người đàn bà yêu”. Trong cây trúc mảnh mai kia đã chất chứa bão tố: “em trôi về hướng gió/ em trôi về hướng mây/ em trôi về hướng nhớ/ yêu như chưa bao giờ/ …yêu như là cạn sức/ yêu như là cạn tim/ yêu như là cạn máu/ không còn lần yêu thêm” (Mang nỗi buồn tay trắng).

Dù “trôi về hướng nhớ” nhưng không đơn giản chỉ là thương nhớ: “Sao có thể chỉ gọi là thương nhớ/ nỗi tương tư tiền kiếp mãi sôi trào” (Em không thể cam lòng trôi nổi)… Ngôn từ căng hết biên độ cho thấy chị đã yêu như thể là lần cuối: “em không phải là người có thể/ vừa quay lưng đã vội vã quên rồi…/ em làm cát, em làm bùn, em xin làm đất vụn/ lấp cho đầy hoang rỗng lòng anh” (Nhật ký). Đây chính là phẩm giá của người phụ nữ: không dễ dàng để có thể yêu, và một khi đã yêu thì không dễ dàng vừa quay lưng đã vội vã quên rồi, không phải là phút xao lòng thoáng qua, không phải “lời yêu mỏng mảnh như màu khói” (Xuân Quỳnh) mà là “một lời như thể lưỡi cưa” (Hữu Thỉnh) dứt khoát và quả quyết. Đâu đây, triết lý một thời của “Ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối” lại tìm được mảnh đất màu mỡ để thêm lần nữa mọc lên “xanh biếc cây đời” trong tâm hồn một nhà thơ nữ thời hiện đại.

Nhưng nói thế cũng chỉ là câu chuyện chữ nghĩa thôi, với chị đâu phải là mơ ước hão huyền. Như bao thiếu phụ khác, một vòng tay thiết thực, một bờ vai tin cậy, một cánh cửa chờ đợi mỗi khi đi xa về, nghĩa là những hiện thân của hai chữ “bình yên”, với chị thế là đủ: “Vai anh rộng để em thèm bé nhỏ/ mơ một ngày yên ngủ giữa vòng tay” (Nhớ), “ước chi biển mặn nồng thêm chút nữa/ ước chi mây phiêu lãng biết quay về/ ước chi người dừng lại hỏi han thôi/ quên tất cả – bình yên – tôi sẽ hứa” (Trong góc tối).

Nhưng dù không hão huyền, dù rất thiết thực… nhà thơ cũng đã không được toại nguyện. Đã có những đổ vỡ và nước mắt. Trên trần gian này có ai đong đếm được bao nhiêu nước mắt từ những duyên phận? “Em quỳ xuống lòng em mặn đắng/ Xin đừng về đôi mắt ấm ngày xưa/ …anh yêu dấu không thuộc về ta nữa/ Trái tim em ngày ấy lạc đâu rồi/ Tình yêu lạc cuối trời như chẳng có/ Đời chúng mình con nước lỡ trôi xuôi” (Ngày anh trở lại). Những câu thơ diễn đạt sự đổ vỡ. Điều này hình như chị đã linh cảm, đã tự dặn mình: “Không phải tình yêu đâu, V. ơi đừng đắm đuối” (Không phải tình yêu). Bắt đầu đối diện, bắt đầu thừa nhận, bắt đầu chịu đựng: “em không nghĩ mình cô đơn đến vậy/ em ôm làm sao, che chắn làm sao cho ngày hôm qua đừng vỡ/ em chôn tủi chôn đau vào đâu để đừng khốn khổ/ đừng trắng hồn tan hoang” (Em có thể làm gì khác hơn).

Với một trạng thái tâm hồn như vậy, thế giới chung quanh bỗng nhiên chật hẹp, bí bức, trễ nải, mù tăm. Một thế giới bên ngoài phản chiếu thế giới vô hình bên trong tâm hồn người: “Ở một góc buồn quanh quẩn/ mùa xuân lơ đãng quên về” (Tự chúc), “Ngày rất lặng, em chờ rưng rức bóng/ Nén đầy tim, đầy mắt nỗi sông dài/ Sao có thể sao mù tăm đến vậy” (Vài phím chữ). Cánh cửa quen thuộc hôm nào giờ đã trở nên hoang vu lạnh giá, bóng dáng người cũ giờ chỉ còn là “nhân ảnh” quá vãng: “Ai đã đến và ai từng quên nhớ/ Cánh cửa màu tro bàng bạc nỗi bơ vơ” (Bên thềm hoa dại trắng).

Thơ Đinh Thị Thu Vân là vậy, chan chứa nỗi niềm, thảng thốt, khắc khoải giữa vây bủa của cô đơn… và rất ít niềm vui, nụ cười, không hiện diện mặt trời của một ngày nắng đẹp, làn sương của một sáng mát lành, bầu trời sao của một đêm lãng mạn, hoa lá của một khu vườn xanh tốt. Nhưng đâu đây giữa tiếng thơ buồn vẫn le lói, như thể giấu kín đâu đó những “đốm lửa” hy vọng, những đốm lửa của một tâm hồn vốn rất tình tứ và chưa bao giờ hết lãng mạn, có từ thuở xôn xao mười tám cho đến khi trưởng thành: “tôi như sống nửa đời đêm giấu lửa” (Một nửa đường đang khuất). Chắc chắn những “đốm lửa” ấm nóng kia đủ sức để hồi sinh sự sống từ tro tàn, như một tất yếu từ sự cam chịu của tiền kiếp: “hình như từ kiếp nào tôi là khói, là rong là những gì xác xơ hơn tàn tro hơn vụn lá” (Xua nhau về hư vô) đến một lựa chọn rắn rỏi cần thiết: “ngày tháng buồn thăm thẳm ấy em quên” (Còn mỗi chiều này…), đến một triết lý sống tích cực, sau rất nhiều cay đắng: “Em đứng dậy trên hoang tàn đổ nát/ …em không chết sau ngày tím tái” (Đợi).

Thơ Đinh Thị Thu Vân là thơ biểu hiện tâm trạng, không phải là thơ “miêu tả hiện thực”, không phải là những ghi chép theo kiểu báo chí, không phải là thơ chính luận. Chị né bớt miêu tả để nhanh chóng đi sâu vào biểu hiện, biểu hiện con người tình cảm của chị qua chủ đề tình yêu. Nhân vật trữ tình là anh và em. Tâm sự có thể là của riêng chị, cũng có thể có cả của “người đời” mà chị phân thân. Chủ thể trữ tình là người đang dắt dẫn câu chuyện buồn của nhân thế, câu chuyện miên man về sự trớ trêu của duyên phận, một “đề tài” muôn thuở đẫm nước mắt của nhân loại. Ngoài những chỗ ngôn từ được đẩy đến độ “căng” ở những “nốt cao nhất, còn lại vẫn là giọng điệu trữ tình mềm mại, thương cảm, hệt như tiếng kêu khan trong đêm của con chim lẻ bạn. Nếu đó là ưu điểm, thì thơ chị rất dễ lan tỏa, dễ làm xúc động lòng người, dễ để lại ấn tượng trong tiếp nhận của người đọc. Nhưng nếu đó là nhược điểm thì thơ ấy đôi khi với cái cảm giác quá mềm đến mức tưởng như ủy mị kia rất dễ sa vào lụy tình. Tôi nghĩ, bên cạnh tiếng đàn bầu và khúc vọng cổ da diết kia, cần một giai điệu trữ tình tích cực, một sự khỏe khoắn của ngôn từ, một sự xa rộng của liên tưởng, một sự lấp lánh của trí tuệ… mới ngõ hầu đáp ứng được người đọc thơ hôm nay. Tôi muốn tìm trong thơ Đinh Thị Thu Vân nắng gió của miệt vườn Nam Bộ, hương thơm của muôn loài cây trái, cái ngọt ngào của đờn ca tài tử, cái âm vang dài rộng của những câu hò trên sông nước miền Tây…

Đinh Thị Thu Vân đã có sẵn năng lực trữ tình dồi dào, việc “chuyển” những chất liệu “nền” kia vào thơ, chắc không phải là khó đối với chị.

LÊ THÀNH NGHỊ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *