VHSG- Gió lạnh lùa khe cửa/ Thao thức suốt đêm dài/ Nhịp đời như cánh võng/ Chao nghiêng những kiếp người.

RỪNG CHIỀU
Đường rừng chiều vắng vẻ
Suối vẫn hát vẫn reo
Mặt trời lặn dưới núi
Bóng ai khuất sau đèo!
CHAO NGHIÊNG
Gió lạnh lùa khe cửa
Thao thức suốt đêm dài
Nhịp đời như cánh võng
Chao nghiêng những kiếp người.
BÃO
Bão lòng chưa đủ, trời thêm bão
Vật vã lao đao những phận người
Đất sụt, cây nghiêng, nhà tốc mái
Trẻ già nheo nhóc đội mưa rơi.
LẠC
Trái đất tròn mà ta vẫn lạc nhau
Đỏ mắt suốt đời chẳng mong gì gặp lại
Nếu dạo ấy chúng ta đừng khờ dại
Đừng giả vờ tránh ánh mắt của nhau.
TRƯỚC CHÙA LINH PHƯỚC
Một chút tâm thành dâng cõi Phật
Trăm năm sương khói kiếp phù sinh
Non nước vơi đầy cùng bể khổ
Miệt mài bơi lội giữa mông mênh.
XÀO XẠC GIÓ
Tuổi già như chiều muộn
Trước mắt mịt mù đêm
Sau lưng xào xạc gió
Lá rơi rụng bên thềm.
LÊN DỐC
Lên dốc xuống đèo hơi thở gấp
Chân già run rẩy bước cheo leo
Cô gái má hồng giơ tay đỡ
Đà Lạt mù sương gió thông reo.
ĐỖ THỊ THANH BÌNH
Thơ mềm là gì?
Thơ có tính mềm mại, nhưng ở đây tôi không đề cập tới tính mềm ấy. Tôi muốn đề cập tới tính mềm tới cứng, cứng tới vỡ đầu cơ. Tức là tính thơ ấy mềm tới mức làm người ta phải lung cái tâm hồn ra, cái trí tuệ ra, cái tinh thần ra để có thể là đối diện, tiếp thu, hội kiến, giác ngộ, hoặc cả mang tới niềm hứng khởi, niềm tin vào những niềm tin…vv.
Xét trên tinh thần ấy tôi đọc những bài thơ của nhà thơ Đỗ Thị Thanh Bình thì thấy đúng là những phát hiện, những ghi chép, những cảm nhận, cả những trải qua, am hiểu bình dị, thân quen mà khen ra thì rất dễ nhưng mà để đặt vào cái mềm cứng thì thật khó khăn và có khi làm mếc lòng người làm thơ. Sự lơ lửng và gợi ý của thơ, hay là sức nội lực, sức lan tỏa, hoặc là sức…tôi cứ hay dùng từ sức lúc này để theo đuổi tâm trạng cảm nhận những bài thơ của Nhà thơ và thế là cứ phải gồng mình lên mà không mềm được. Ấy vậy mà phải mềm, và dừng lại để mềm với những bài thơ ngắn thất ngôn tứ cú này! Nhưng mà hẫng hụt!
Tôi nói thật, và chỉ nói trên khía cạnh của người đọc cá nhân thôi nên không nói thêm nhiều và không làm mất lòng thêm nữa và xin được lượng thứ!
Hòa Phong.