Bài viết này lược thuật về các nhân vật được biên chép trong gia phả và sưu lục bổ sung trong Đại Nam liệt truyện và Đại Nam nhất thống chí của Sử quán triều Nguyễn do Viện Sử học dịch và Nhà xuất bản Thuận Hoá xuất bản để thấy mạch nguồn truyền thống của một dòng họ khá hưng phát trải 550 năm vào định cư cùng các dòng họ “Tiền khai khẩn Trần, Ngô, Bùi, Nguyễn” lập nên làng xã để đất lành chim đậu, các họ “Hậu khai canh Hoàng, Lê, Lý, Thái” và các dòng tộc tiếp nối đến nay thành xã Vạn Ninh.
Năm 1984, khi tìm hiểu Gia phả họ Ngô Đình làng Vạn Xuân truyền thống, nay thuộc xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, ông Ngô Đình Nghĩa, trưởng tộc đã cho tôi đọc bản gia phả phiên âm ra chữ Quốc ngữ có kèm chữ Hán. Tôi xin ghi tóm lược hành tích của các ngài có chức sắc trong họ qua các đời để làm tư liệu. Điều làm tôi lưu tâm nhất là trong Lời tựa có câu chép về buổi đầu Thuỷ tổ họ Ngô “Tòng Lê nhi lai, khai phá đinh điền, lập thành xã hiệu”; trong họ có những người đỗ đạt rất sớm và nhiều thế hệ nối tiếp có chức tước qua các triều đại.
Các cụ lão trong làng truyền ngôn về Văn tế lễ đình làng có câu: “Tiền khai khẩn Trần, Ngô Bùi, Nguyễn; hậu khai canh Hoàng, Lê, Lý, Thái”. Tra cứu trong sử sách và gia phả các dòng họ còn lưu đến nay, họ Trần có Thuỷ tổ là Trần Tùng, nguyên là tướng chỉ huy quân Long tiệp ở Kinh đô Thăng Long thời nhà Trần đến thời nhà Hồ khi chuyển kinh đô vào Tây kinh nay ở Vĩnh Lộc, Thanh Hoá. Năm 1400, Hồ Quý Ly sai Bô quân Đô tướng Trần Tùng thống lĩnh 10 vạn quân bộ cùng Thủy quân Đô tướng Đỗ Mãn thống lĩnh 5 vạn quân thủy và đánh Chiêm Thành ở thành Chà Bàn (nay thuộc Quy Nhơn, Bình Định). Quân thủy không vào, quân bộ vây thành nhưng không có quân lương tiếp tế nên bị đói, sinh bệnh. Bô quân Đô tướng Trần Tùng phải lui binh. Về Tây kinh, ngài bị Hồ Quý ly khép tội chết. Được quần thần và Hồ Hán Thương kêu xin nên ngài được tha tội chết, bị giáng xuống làm dân binh đày đi viễn xứ. Vùng đất “Thượng chí An Mã, hạ chí Đùng Đùng” thành nơi ngài Trần Tùng đưa gia nhân vào ẩn lánh lập trang trại dung thân từ cuối năm 1400.

Gia phả họ Ngô Đình có chép “Tòng Lê nhi lai, khai phá đinh điền, lập thành xã hiệu” (Theo vua Lê mà đến, khai phá ruộng vườn, sinh con lợi cháu, lập thành làng xã). Theo sử sách, cuối năm 1470 vua Lê Thánh Tông thân chinh thống lĩnh 20 vạn quân vào đánh Chiêm Thành, mở đất đến đèo Cù Mông. Giữ năm 1471, thắng trận trở về, vua Lê Thánh Tông (1460 – 1496) đã chủ trương cho tướng sĩ đưa gia nhân vào vùng đất mới để khai hoang mở đất và trấn giữ vùng biên viễn. Họ Ngô có hai anh em là Ngô Tử Hy và Ngô Tăng Long, cùng tổ họ Bùi là Bùi Quảng Chiêu và tổ họ Nguyễn Văn đã vào chung sống trên vùng trang trại họ Trần đã khai mở 70 năm về trước. Với sự cộng lực của cộng đồng 4 họ, đến năm 1490, triều Hồng Đức năm thứ 21 hoạch định bản đồ cả nước, xã (làng) Vạn Toàn được thành lập, quản vùng đất từ An Mã sơn ra đến Đùng Đùng – Hạc Hải. Sau này Thủy tổ các họ tiền khai khẩn đều được ban sắc phong thần. Nhưng trải biến động, các sắc phong không còn. Qua Văn tế cổ của dòng họ Trần còn lưu: “Thuỷ tổ, Thuỷ tỷ tặng Dực bảo Trung hưng linh phò đoan túc Tiền khai khẩn Hữu kiều quý công tôn Thần”. Họ Trần nay đã có thế hệ 20; họ Ngô nay có thế hệ 19; họ Bùi và họ Nguyễn nay có thế hệ 18, 19. Các họ khai canh Hoàng, Lê, Lý, Thái theo gia phả họ Hoàng vào định cư năm Vĩnh Tộ thứ 3 (1621) đã có thế hệ thứ 16, 17.
Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát hoạch định bản đồ xứ Đàng Trong, Vạn Toàn xã truyền thống được tách thành 2 xã, 1 thôn là Vạn Toàn (năm 1838 do chữ Toàn trùng húy trong cung nên đổi thành Vạn Xuân), Phúc An (sau đổi là Đại An đến Đại Phúc), Nguyễn thôn (sau đổi là phường Chiêu Tín đến Chương Tín, đến Phúc Tín). Nay các làng xã trên cùng dân chài Nam Hải, Xuân Hải lên định cư trên đất Vạn Xuân đều thuộc xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh.
Ngài Ngô Tử Hy là thủy tổ họ Ngô Đình, Ngô Khắc, Ngô Văn làng Vạn Xuân; Ngài Ngô Tăng Long là thủy tổ họ Ngô ở Đại Phúc.
Từ Thuỷ tổ Ngô Tử Hy, đến đời thứ 2 là Ngô Khắc Thận, sang đời thứ 3 gia phả chép “Ngô U, thụy Đôn, tiền tướng quân vi cai xã” (Ngài Ngô U có thụy là Đôn, trước làm tướng quân, sau về làm Cai xã – Xã trưởng). Thế hệ thứ tư, con trai của Ngô U, gia phả chép: “Ngô Đình Tôn, thập cửu tuế, thí trung nhiêu học. Hậu khoa tái thí trúng sinh đồ, tùng do danh hậu Hương cống, nhận hiệu thất Thừa Ân nam, Hậu số thất thập bát tuế tốt, thụy Minh Đạo. Sinh tiên sinh Ngô Đình Nghiễm, Vị, Khôi, Phụng, Sồ, Diêm. Dịch là: Ngô Đình Tôn, 19 tuổi thi trúng Nhiêu học ( tức là đậu sát hạch kỳ thi xứ – thi trong vùng phủ); khoa sau thi lại trúng Sinh Đồ (thời nhà Nguyễn gọi lá Tú Tài), sau được đặc cách mang danh Hương Cống (thời Nguyễn gọi là Cử Nhân), khi qua đời nhận tước hiệu An Thừa nam, thọ 78 tuổi, tên thụy là Minh Đạo. Các con là tiên sinh Ngô Đình Nghiễm,Vị, Khôi, Phụng, Sồ, Diêm (Trần Văn Chường dịch nghĩa).
Ông Ngô Đình Tôn đời thứ 4 của họ Ngô là người khởi đầu có chữ lót Ngô Đình, là bậc khai khoa Sinh đồ được mang danh Hương cống từ thế kỷ XVI của họ, của làng và các làng xã trong vùng. Ông được ban tước An Thừa nam, khởi đầu những người có tước hàm trong dòng họ Ngô Đình.
Thế hệ thứ 5, Ngô Đình Nghiễm, con của Ngô Đình Tôn, thi đậu Hương cống (khoảng thời gian giữa thế kỷ XVI), bổ tri huyện thiên Lục Nam (nay là vùng đất huyện Lục Nam tình Bắc Giang kéo đến vùng Chí Linh tỉnh Hải Dương và một phần Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Ông là người chính thức khai khoa Hương cống.
Thế hệ thứ 6, các con của ông Ngô Đình Nghiễm là Ngô Đình Du, Ngô Đình Sỹ, Ngô Đình Tín, Ngô Đình Thiến, Ngô Đình Nhâm. Ông Ngô đình Du không có con nối dõi, các ông còn lại đều có chức tước và là những người cùng thời với Nguyễn Hữu Dật ở thế kỷ XVII. Ngô Đình Sỹ – Bố Chính dinh Ký lục Kiêm Toàn hầu; Ngô Đình Tín – Phủ Ký lục Quốc Đức bá; Ngô Đình Thiến – Do Tri huyện; Ngô Đình Dâm (Nhâm) – Tri huyện Hậu Đức nam.
Mùa xuân năm 1630, chúa Nguyễn Phúc Nguyên theo kế sách và đồ thức của Đào Duy Từ đã cho tôn tạo luỹ Trấn Nhân thành luỹ Trường Dục. Tháng 9/1630, Phấn Quận công Trương Công Côn (Phúc Phấn) ở Trường Dục được chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai ra kiểm kê dân đinh điền địa ở châu Bố Chính và lập dinh Bố Chính. Phấn Quận công Trương Công Côn (Phúc Phấn) được cử làm chánh dinh; Ngô Đình Sỹ, con trai thứ 2 của của Ngô Đình Nghiễm ở làng Vạn Toàn (1838 đổi là Vạn Xuân), được bổ Bố Chính dinh Ký lục với tước hàm Kiêm Toàn hầu.
Thế hệ thứ 7, Ngô Đình Truyền, con trai thứ 3 của ông Sỹ làm Tri huyện có tước An Trưởng nam. Ngô Đình Cáp, con thứ trai tư của ông Sỹ, giữ chức Phụng thành Đại phu Tri phủ có tước Trường Thế tử. Ngô Đình An, con trai thứ 5 của con ông Sỹ có hàm Tứ phẩm Trung Thuận Đại phu Tri phủ, tước là Tại Triều tử. Ngô Đình Hợp (Hạo?), con trai thứ 6 của ông Sỹ có chức Tri phủ, tước Kiêm Du tử. Ngô Đình Thiên con ông Ngô Đình Tín, làm Phủ Thư ký, tước Nghi Lễ tử. Ngô Đình Bảo, con ông Ngô Đình Tín, làm Sử quan huyện Thư ký, tước Bảo Thiện nam. Ngô Đình Tố, con ông Ngô Đình Thiến, làm Hậu tri tước Vạn Toàn tử. Ngô Đình Kết làm Cai đề lại, tước Thành Thuyên nam. Ngô Đình Hân, con ông Dâm (Nhâm) – Văn chức Nhu Phò bá.
Thế hệ thứ 8, Ngô Đình Quế, con ông Ngô Đình Hân, cháu nội của ông Ngô Đình Sỹ, là Kiên oai Sư Võ bá. Ngô Đình Linh, con ông Ngô Đình Hợp, cháu nội của ông Ngô Đình Sỹ, là Ký lục hỷ hội cai. Ngô Đình Lợi, con ông Ngô Đình Hợp, cháu nội của ông Ngô Đình Sỹ, là Tri phủ Hoạt Như tử. Ngô Đình Trọng, con của ông Ngô Đình An, cháu nội của ông Ngô Đình Sỹ, là Hàn lâm viện tri lợi, cáo tặng Trung Thuận Đại phu kiêm tri y Thị độc học sỹ Tích Trọng hầu. Ông có con là Ngô Đình Giới, một học giả nổi tiếng là thầy dạy của hoàng đệ và hoàng tử. Ngô Đình Ý, con ông Ngô Đình Thiên, là Phủ Thư ký Ký Đức tử. Ngô Đình Triệt (Ngô Quý công), con ông Ngô Đình Thiên, là Phú lễ Tôn Đức nam. Ngô Đình Thứ, con ông Ngô Đình Tố, Hàn lâm viện kiểm thôn. Ngô Đình Chúng, con ông Ngô Đình Tố, làm tướng luyện võ, chức Tri huyện.
Thế hệ thứ 9, Ngô Đình Đảng, con của Hàn lâm viện Thị độc Tích Trọng hầu Ngô Đình Trọng, làm quan và từ trần khi đương nhiệm. Con của Ngô Đình Đảng là Ngô Đình Hào, làm thừa chỉ, hàm tòng Ngũ phẩm.
Ngô Đình Giới là con trai thứ 2 của ông Hàn lâm viện Thị độc Tích Trọng hầu Ngô Đình Trọng. Gia phả chép: “Tiền Hình bộ hữu Tham tri, chí Thiệu Trị niên giai tặng Lễ bộ” (Trước làm Hình bộ hữu Tham tri, đến năm Thiệu Trị giai tặng Thượng thư Bộ Lễ).
Sách “Đại Nam liệt truyện” chép về Ngô Đình Giới: “Buổi đầu theo ngụy (Tây Sơn) làm đồng nghị. Năm Tân Dậu (1801) về qui thuận. Gia Long năm thứ 2 (1803), bổ làm Thiêm sự, rồi ra làm Ký lục ở Bình Định, bị tội miễn chức. Năm thứ 16 (1817), lại được khởi phục làm Ký lục, sung chức tư giảng, giáo đạo các hoàng tử. Vua cùng các quan bàn về cách dạy học, nói rằng: “Giới là người nết na, nghiêm chỉnh, được các hoàng tử, hoàng tôn kính trọng lắm, lòng trẫm rất mừng nên chức giáo đạo không thể không lựa chọn cẩn thận mới được”. Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), bổ làm Cần Chính điện học sĩ, nhưng vẫn sung chức tư giảng. Vua thường bảo Nguyễn Hữu Thận rằng: “Giới là người cương trực, khi nào giảng học được nhàn rỗi, hãy nên cùng với bọn ngươi bàn luận chính sự mới phải”. Rồi thăng làm Hữu Tham tri bộ Hình, tham làm công việc ở bộ. Năm thứ 2 (1821), lại chức ấy sung làm giáo đạo, gọi là Ngô Tiên Sinh”.
“Khi vua ra tuần miền Bắc, cho triệu Giới bảo rằng: “Các hoàng tử ở kinh, không những dạy biết văn học, phàm việc tiến lui ra vào, cũng nên bảo ban lấy chính đạo, đó là trách nhiệm của nhà ngươi; còn quân quốc đại sự, cho hiệp cùng với viên đại thần ở lại kinh thương lượng bàn định”. Năm thứ 3 (1822), Giới vì tuổi già xin về hưu, vua không cho. Năm thứ 6 (1825) được lấy nguyên hàm về hưu trí. Năm thứ 8 (1827), thì chết, tặng Binh bộ Thượng thư” (1).
Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép rằng: “Ngô Đình Giới, người huyện Phong Đăng, có học hành, hồi đầu niên hiệu Gia Long làm Ký lục, sau làm đến Cần Chính học sĩ, giữ việc dạy bảo hoàng đệ và hoàng tử, ngoài 70 tuổi, vẫn lưu lại làm việc, khi chết truy tặng Tư Thiện Đại phu Lễ bộ Thượng thư”(2).
Tư Thiện Đại phu Lễ bộ Thương thư Ngô Đình Giới, nhân vật được lưu truyền trong giới học thuật và triều chính nhà Nguyễn buổi đầu dựng nghiệp, từ vua Gia Long, đến vua Minh Mạng và ảnh hưởng đến vua Thiệu Trị. Ông nổi tiếng là thầy dạy học của hai vua Minh Mạng và Thiệu Trị khi đương là Thái tử trong cung cùng các hoàng đệ và hoàng tử, hoàng tôn. Vì thế, khi Thiệu Trị lên ngôi đã truy tặng Ngô Đình Giới là Tư Thiện Đại phu Lễ bộ Thượng thư(3).
Dòng họ Ngô Đinh làng Vạn Xuân đến thế hệ thứ 11 có ông Ngô Đình Thà được triều Nguyễn thời Tự Đức bổ làm tri phủ phủ Quỳnh Lưu (Nghệ An), cùng thời kỳ với Hoàng Kế Viêm (1820 – 1909) được cư làm Tổng đốc An Tĩnh (1863 – 1870). Theo truyền ngôn trong gia tộc, ông mất tại nhiệm sở. Trời đại hạn kéo dài, dân tình khổ sở, ông tự lập đàn cầu đảo và ứng nghiệm. Sau nhiều ngày đăng đàn giữa đại hạn, cầu đảo linh ứng, trời đổ mưa xối xả, ông cảm mạo ngất xỉu. Quan viên dìu ông xuống đàn về đến phủ đường thì mất. Quan dân phủ Quỳnh Lưu tri ân và cảm thương đã tổ chức tang lễ long trọng cả tuần và rước linh cữu đưa xuống thuyền theo đường biền đưa ông về an táng tại bản quán làng Vạn Xuân. Các con ông là Ngô Đình Vỹ làm Chính suất Đội trưởng và Ngô Đình Kiên làm Viên tử Hội chủ.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ 20, Ngô Đình Kinh từ một lính Nam triều đã dần thăng lên đến Đề đốc hàm Tòng Nhị phẩm, làm việc tại kinh đô Huế. Triều đình ban ân truy tặng cho cha mẹ hàm Tứ phẩm và tứ phẩm phu nhân. Con trai ông Ngô Đình Kinh là Ngô Đình Thị từ suất đội phủ Quảng Trạch được điều vào kinh làm Tham tri bộ Binh, được tặng hàm Ngũ phẩm. Ngô Đình Chương là cháu nội của Đề đốc Tòng Nhị phẩm Ngô Đình Kinh và là con trai thứ của của Ngô Đình Thị, vào học ban Tú tài, đã tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào học sinh ở Huế, về quê tham gia giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám, đến cuối năm 1945 nhập ngũ, cải tên là Ngô Ngân. Những năm 50 trong kháng chiến ông Ngô Ngân (Chương) làm Chính trị viên Tiểu đoàn. Sau hòa bình 1954, ông vào học trường Đại học Kinh tế được giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Ông là người khai khoa Đại học của xã Vạn Ninh. Ông dần được bổ nhiệm Trưởng khoa Kinh tế – Chính trị trường Nguyễn Ái quốc Trung ương và làm Tổ trưởng tổ Chuyên viên Kinh tế của Trung ương Đảng. Ông được Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong hàm Giáo sư trong đợt phong học hàm đầu tiên.
Từ Cách mạng tháng Tám đến nay, các hậu duệ họ Ngô Đình nhiều người là sĩ quan cao cấp, trong đó có Đại tá Ngô Đình Khảng sĩ quan giảng dạy ở trường Đặc công được cử tham gia phái đoàn quân sự 4 bên tại sân bay Tân Sơn Nhất năm 1973 – 1975; đại tá Ngô Đình Nựu, Chỉnh uỷ Sư đoàn trong chống Mỹ và nhiều vị Đại tá, Thượng tá đã về hưu tại quê, hoặc đang trong quân ngũ(4).
Trong lĩnh vực khoa học, kế tục Giáo sư Ngô Ngân (tức Ngô Đình Chương), nhiều con em họ Ngô Đình là Phó Giáo sư, Tiến sĩ trong các học viện quân sự và các trường Đại học. Trong đó, Tiến sĩ Toán học Ngô Đình Quốc sinh năm 1957 là Chủ tịch Hội đồng trường của Trường Đại học Tây Nguyên. Con trai của Tiến sĩ Ngô Đình Quốc là Ngô Quốc Anh, sinh năm 1983, Tiến sĩ Toán học ở Singapore khi vào tuổi 29; năm 2019 được Nhà nước phong hàm Phó Giáo sư Tiến sĩ toán học ở tuổi 36, hiện là giảng viên khoa Tài năng của Học viện Khoa học Tự nhiên Hà Nội.
Dòng họ Ngô Đình làng Vạn Xuân đã có chiều dài 550 năm vào định cư trên miền đất mới, có công tiền khai khẩn làng Vạn Toàn – Vạn Xuân – nay thành xã Vạn Ninh. Trải 20 thế hệ từng trải và hiện hữu gắn bó với quê hương, có nhiều đóng góp trong tiến trình lịch sử phát triền của quê hương, của dân tộc làm rạng danh truyền thống. Các thế hệ hậu duệ tri ân “Công đức lưu quang” để cùng tiếp nối xây dựng “Cơ đồ khổng cố”.
TRẦN VĂN CHƯỜNG
_______________
Chú thích:
(1). Quốc sử quán triều Nguyễn – Đại Nam liệt truyện – Viện Sử học dịch – Nxb Thuận Hoá – Huế năm 1993, tập 2, trang 451
(2). Quốc sử quán triều Nguyễn – Đại Nam nhất thống chí – Viện Sử học dịch – Nxb Thuận Hoá – Huế năm 2006, tập 2, trang 88.
(3). Theo truyền ngôn dân gian trong làng Vạn Xuân, cha của Ngô Đình Khả, Thương thư bộ Binh của triều Nguyễn là người làng Vạn Xuân lấy vợ ở Đại Phúc Lộc (nay là Đại Phong) và lên cư trú ở đó. Chuẩn bị tết, ông cùng một nhóm dân làng đi lấy củi ở thượng nguồn Kiến Giang khi trở về trên đường bị cọp vồ. Lúc đó Ngô Đình Khả (1854 – 1923) mới lên 6 tuổi.
Theo thông tin Họ Ngô Việt Nam, ông Ngô Đình Khả là cháu 4 đời của Ngô Đình Giới, mồ côi khi 6 tuổi, đã được một Linh mục của nhà thờ Mỹ Duyệt (Lệ Thuỷ) đưa về nuôi và cho ăn học. Ông thông minh học giỏi nên được Linh mục gửi sang học ở trường dòng Pernan ở Malaysia để dào tạo linh mục. Ra trường, ông làm giảng viên triết học của trường dòng Huế. Một thời gian, ông thôi dạy học về làm thông ngôn cho các quan Pháp và Nam triều ở Huế. Năm 1894, lập trường Quốc học Pháp Việt ở Huế, ông được cử làm Trưởng trường (Hiệu trưởng). Sau một thời gian, ông được triều đình sung vào bộ Binh theo Nguyễn Thân đi đánh dẹp phong trào khởi nghĩa của Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh, rồi dần thăng lên Binh bộ Thượng thư. Các con ông nhiều người học hành vào bậc cao và là gia đình mộ đạo Thiên chúa, chống Cộng sản cực đoan, trong đó có Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu.
(4). Theo truyền ngôn, tộc phái Ngô Đình ở làng An Xá Hạ tổng Quảng Thạch, nay thuộc xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình có Thuỷ tổ là gốc họ Ngô Đình làng Vạn Xuân làm nghề chài lưới sang đinh cư ở An Xã Hạ. Trong tộc phái Ngô Đình ở An Xá Hạ, có ông Ngô Đình Văn, nguyên Chủ tịch UBHC tỉnh Quảng Bình. Ngày nay có Ngô Hồng Quân, nguyên Phó Bí thư Thường trực huyện uỷ Quảng Ninh mới nghỉ hưu.