Một tâm hồn phức điệu qua “Truyện cổ nước Việt” của Phạm Thị Hồng Thu

Đọc Truyện cổ nước Việt tập truyện thơ dành cho thiếu nhi của Phạm Thị Hồng Thu (Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam năm 2003), là người từng làm công tác giáo dục trong trường phổ thông, tôi thấy sáng tác của Hồng Thu chứa đựng một tâm hồn phức điệu: Có ba nhân cách trong một con người và nhân cách nào cũng khiến tôi cảm động và yêu mến. Đồng thời nó bộc lộ sự phong phú, uyển chuyển trong cảm hứng và nghệ thuật của tác phẩm thơ.

Nhà thơ Phạm Thị Hồng Thu

Trước hết, tập truyện thơ của Hồng Thu đã làm toát lên nhân cách của một người mẹ Việt Nam. Đã là người mẹ thì yêu thương con là bản chất tự nhiên, tất nhiên. Song, ở Hồng Thu, độc giả mà cô hướng tới nhiều hơn đó là những trẻ em nghèo còn nhiều thiếu thốn, vất vả cả vật chất lẫn tinh thần. Đó là những trẻ thơ ở các vùng nông thôn hẻo lánh, nơi rừng núi xa xôi, thiếu sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập, phương tiện truyền thông quá nghèo nàn: không truyền hình, không máy tính, không điện thoại thông minh.

Nhà ở của các em cách xa trường hàng mấy cây số, muốn đến lớp phải trèo đèo, lội suối, băng rừng… Trường học chỉ là mấy nhà nứa, nhà tranh sơ sài, một thầy hoặc một cô giáo phải dạy mấy lớp khác nhau (lớp 1, lớp 2, lớp 3…) trong một phòng học nhỏ, cheo leo trên sườn núi. Có nhiều em muốn được học phải trú lại trường hàng tuần chỉ về nhà một ngày lại lên, để xin bố mẹ lương thực, thực phẩm, mà đồ ăn cũng chỉ có ngô và rau cải là chính.

Vì thế, những truyện thơ chuyển thể từ truyện cổ dân gian Việt Nam của Hồng Thu đều vừa mức cảm nhận, thấu hiểu của trình độ, hoàn cảnh của các em: giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc. Chúng sẽ đi vào và đọng lại trong kí ức tuổi thơ một cách hồn nhiên như âm vang trong trẻo truyền đi không bao giờ dứt của sông suối, núi rừng.

Tấm lòng người mẹ của Hồng Thu gửi gắm trong ý động viên khích lệ trẻ em nghèo vượt khó. Dù nghèo khổ phải xin vào chùa làm chú tiểu từ bé, nhưng nhờ có ý chí vươn lên khổ học, tự học mà tiểu Hiền trở thành thần đồng, rồi thi đỗ Trạng Nguyên trong truyện thơ Trạng Hiền:

vùng Nam Định, thời Trần

Vào chùa chú bé đã dần làm quen.

Tiểu Hiền quét dọn, nhang đèn

Xong xuôi công việc sư rèn chữ cho.

 

Một học mười biết chẳng lo

Không lâu tiếng đã nổi to thần đồng.

…..

Năm mười hai tuổi lớn khôn, nên Hiền

Đi thi đỗ Trạng Nguyên liền

Thấy Hiền loắt choắt, vua bèn hỏi nhanh:

Thầy nào đã dạy học hành?

Không ai dạy cả tôi đành tự lo

Nhờ sư chỉ chữ khó cho.

Là người mẹ hiện đại, Hồng Thu hiểu trẻ thơ nghèo muốn giỏi không chỉ có học chữ mà còn phải vận dụng vào đời sống thực tế. Vì thế tác giả lưu ý trẻ thơ ngay từ nhỏ cần gần gũi, làm quen, tham gia vừa sức vào công việc của gia đình, làng xóm: cày bừa, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, nấu ăn, hiểu biết những trò chơi dân gian của quê hương. Chính cái việc làm bình thường ấy khiến tình yêu gia đình, quê nhà của các em thêm cụ thể và sâu sắc. Những câu giải đố với quan, vua và sứ thần nước ngoài trong truyện thơ Em bé thông minh đã tạo nên tư thế tự tin đàng hoàng trong lời thơ và hình ảnh vẽ kèm theo với em bé:

Thấy cha con họ miệt mài

Hỏi ngay: – Ngày mấy đường cày vậy anh?

Cha run, con trả lời nhanh:

– Ngựa ngày mấy bước xin quan bảo cùng.

…   Giữa sân rồng bé khóc to,

Vua nghe tiếng, thấy lạ cho mời vào.

– Mẹ mất chẳng có em nào.

– Giống đực không đẻ, làm sao mà đòi.

 

 – Bẩm vua, trâu đực ban rồi.

Vua cười: – Ta thưởng làng người ăn chưa?

Tri thức là sức mạnh. Sức mạnh ấy tạo nên thế cân bằng nếu không muốn nói là thắng thế của em bé qua biện pháp đố lại. Em đã chi phối cả vua lẫn quan: đẩy cả vua, quan vào tình thế bế tắc – gậy ông lại đập lưng ông.

– Làng con ơn lộc của vua.

Vua còn muốn thử nên đưa bảo làm

Chim sẻ ba cỗ, khó kham

Đưa kim bé bảo nhờ làm thành dao.

Yêu con không phải là chiều chuộng mọi ý muốn ngang ngược, đành hanh vô lý của con; mà phải dạy dỗ bảo ban, hướng dẫn, động viên thậm chí nghiêm khắc để con nên người.

Đặc biệt lòng thương xót những đứa trẻ những trẻ thơ bất hạnh – nạn nhân của chiến tranh – được Hồng Thu khắc họa trong khổ thơ về chiếc bóng trên vách ở truyện thơ Người thiếu phụ ở Nam Xương. Chiến tranh liên miên người chồng đi lính mãi chưa về. Đứa trẻ ra đời không hề biết mặt cha. Trẻ thơ nhỏ dại chỉ lờ mờ cảm nhận về cha qua một hình bóng người trên vách do người mẹ tạo nên để dỗ con trong các đêm dài chờ đợi:

Tối con quấy khóc, cứ trông mẹ về.

– Bố kia kìa! Hết khóc nhè.

Thì ra, tối đến vỗ về yêu thương

Chỉ bóng mình ở vách tường

Đó là cách vợ đêm trường dỗ con.

Lòng người vợ, người mẹ hay lòng Phạm Thị Hồng Thu? Ai có thể tách bạch được trong khổ thơ này? Chỉ biết rằng cảm xúc ấy không thể tìm thấy trong lời kể truyền miệng bằng văn xuôi trong sáng tác dân gian. Đối mặt với sự thật này, Trương Sinh có chảy nước mắt không? Mỗi người có thể hình dung một cách. Nhưng lời thơ đau đớn của Hồng Thu thực sự đã truyền cảm tới lòng người đọc.

Thứ hai, đọc tập thơ, đâu đó ta nhận ra mục đích giáo dục trẻ thơ trong nhân cách một nhà giáo. Không phải bằng những kết luận cô đúc ngắn gọn; chẳng phải là những bài học luân lý quá quy phạm khô khan; mà là những lời thơ thấm thía, nhẹ nhàng như lời ru của bà của mẹ trong buổi trưa hè hay đêm đông để xua đi bao nóng bức và lạnh giá. Ngày nay, mỗi khi ta được tắm mát ở sông biển vào những ngày hè được trèo lên những dãy núi cao như đỉnh Phan Xi Păng – mái nhà của Tổ quốc để ngắm cảnh thiên nhiên bao la, được du lịch trên các con sông nổi tiếng như sông Hồng, Bạch Đằng giang, Cửu Long giang hùng vĩ…lẽ nào ta có thể không kính phục các vị Thần đã cùng Thần Trụ Trời tạo nên tất cả:

        Nơi Thần lấy đất đã đào 

        Sâu thành biển cả sóng trào mênh mông.

    …Đất trời phân rõ vuông tròn

        Các Thần khác nối tiếp công việc này.

        Thần sông, Thần Núi ngày ngày

        Thần Sao, Thần Biển chung tay góp vào.

       

        Các Ông đếm cát, kể sao, 

        Ông đã tát bể, Ông đào thành sông…

        Dân gian ca ngợi các Ông

        Những vị Thần giỏi, dân không quên Thần.

Tình yêu thiên nhiên, ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường thiên nhiên núi, rừng, sông, biển, đất đai, nguồn nước… ở trẻ thơ đâu tự nhiên có được nếu không bắt đầu từ những câu thơ chan chứa lòng biết ơn công lao tạo dựng trời đất, vũ trụ của các vị thần mà ta thường gọi là Tạo hóa ấy. Đọc truyện thơ Thần Trụ Trời, trẻ thơ sẽ tưởng tượng một cách đáng yêu rằng: vũ trụ kì vĩ, thiên nhiên bao la quanh ta không phải là vật vô tri. Đó là những thực thể vũ trụ có xuất xứ, có sự nghiệp lao động sáng tạo, bền bỉ, kiên trì, trong sáng, vô tư, không kể công và không chờ ai báo đáp. Vũ trụ, thiên nhiên chính là hồn thiêng sông núi của dân tộc, sống mãi với chúng ta. Điều nhà thơ cảm nhận và cất lời ngợi ca sẽ có sức truyền cảm cho học sinh như thế.

Tập thơ “Truyện cổ nước Việt” của Phạm Thị Hồng Thu

Trong thế kỷ 21 này, hơn bao giờ hết đồng tiền là thước đo sức khỏe nền kinh tế của một đất nước, một doanh nghiệp, một cá nhân. Nhưng nếu vì tiền mà bất chấp mọi thủ đoạn tham lam, độc ác, dẫn đến hậu quả nguy hại cho xã hội, cho người khác, thậm chí đe dọa tính mạng chính bản thân mà không biết là một điều tuyệt đối không làm. Bài học được thể hiện trong những câu thơ bình luận đậm chất triết lý giản dị, dễ hiểu mà Hồng Thu muốn khuyên bảo các em ngay từ lúc còn thơ. Kết cục bị rơi xuống biển vì quá tham lam của người anh trong truyện Cây khế được đánh giá một cách xác đáng trong những dòng thơ:

       Lòng tham không đáy hoa rồ

       May chín gang túi tha hồ đựng đây.

       Chim đưa đến đảo vàng đầy

       Bàng hoàng hoa mắt, cả ngày trong hang.

     

…   Hắn chìm, chim quyết ngoi lên.

       “Tham thì thâm” đấy, hơi tiền dễ sa.

       Đồng tiền mờ mắt người ta,

       Lương tâm táng tận hóa ra hại mình.

Sau này lớn lên những câu thơ của Hồng Thu kết hợp với trải nghiệm trong cuộc đời sẽ giúp các em hiểu sâu sắc hơn một điều ít ai nghĩ cho thấu đáo: lòng tham chính là mầm mống của tội ác. Nó khiến con người nảy sinh tâm lý ghen ghét, đố kỵ với người khác và dẫn tới hành động tranh giành, cướp đoạt, hãm hại lẫn nhau. Ngược lại nếu biết cảm thông, nhường nhịn, chia sẻ thì con người sẽ có được tấm lòng nhân hậu, bao dung, độ lượng – một phẩm chất thiện lương vô cùng cao quý.

Là nhà giáo, Hồng Thu thấm thía một điều: uy tín của người thầy và lòng biết ơn sâu sắc của học trò là một nét đẹp lý tưởng muôn đời vươn tới, nhưng không phải dễ gì có được. Hào quang tình thầy trò ấy đã được bất tử hóa trong truyện thơ Sự tích Đầm Mực của Hồng Thu. Danh tiếng thầy đồ nho Chu Văn An không chỉ khiến vua đời Trần nể trọng vời về kinh dạy cho Thái tử, mà còn vang vọng tới cả vị vua dưới nước:

          Thủy Tề nghe tiếng cho ngay

          Hai con lên học điều hay, thầy tài.

          Thuồng luồng trút lốt sớm mai,

          Học hành, sinh hoạt chẳng ai nghi ngờ.

Thương dân lành khổ vì hạn hán kéo dài, năm ấy, Chu Văn An thuyết phục hai trò làm phép phun mưa, dù phải trái lệnh Ngọc Hoàng. Mục đích của thầy Chu Văn An là dạy dỗ học trò thành con người thương dân, thương nước. Thành công của hai trò con vua Thủy Tề là học để thành tài giúp ích cho dân, cho đời. Lý tưởng cao quý của thầy và trò đều được thực hiện bằng một việc làm rất đỗi trang nghiêm:

           – Luật trời nghiêm, trọng thầy hay.

           Cả ba ra bến sông bày bút nghiên.

           Em bưng nghiên mực cao lên

           Anh cầm bút vẩy mực trên nền trời.

 

           Mưa giăng mờ mịt, sống rồi.

           Ngọc hoàng nổi giận, Thiên Lôi thi hành.

           Thân trò hai mảnh, tìm quanh

           Xót thương, thầy với dân lành đưa tang.

Đoạn thơ như tạc giữa không gian một cảnh tượng thiêng liêng, cao quý và bi tráng. Để có được trận mưa mang nước cho đồng ruộng đang cạn cháy vì hạn hán, thầy Chu Văn An cùng toàn thể dân làng có lẽ đã tuôn trào nước mắt như mưa, xót thương đầy ơn nghĩa trước thi hài của hai học trò vì cứu dân, cứu lúa mà phải chịu hình phạt tới mức thảm khốc, oan khiên. Vút lên từ cảnh tượng cao cả ấy là tiếng lòng sâu lắng của nhà thơ. Đó là giai điệu độc đáo kết hợp giữa nhạc giao hưởng trầm hùng với nhạc ai điếu đau thương, nhằm thể hiện một cảm xúc đa chiều: vừa tự hào kiêu hãnh lại vừa quặn thắt, đau đớn, xót xa…

Thứ ba, nhân cách người mẹ, nhà giáo sở dĩ đi vào lòng người đọc một cách tự nhiên, tế nhị như thế chính là bởi được kết hợp nhuần nhuyễn với tâm hồn của một nhà thơ. Biểu hiện đầu tiên ở hồn thơ Hồng Thu là tình yêu mãnh liệt của nhà thơ đối với truyện cổ và thiếu nhi nước Việt. Bản thân kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam đã hay rồi nhưng không thỏa mãn về hình thức nghe, kể, đọc truyện bằng ngôn ngữ văn xuôi: Hồng Thu muốn bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ, đánh giá của mình bằng ngôn ngữ thơ trữ tình – một nhu cầu biểu cảm bức xúc tha thiết. Cái tôi tình yêu của nhà thơ muốn được giao cảm với tuổi thơ để nhận lại ở các em sự đồng điệu, đồng tình hay những phản ứng đa chiều, phong phú trước tinh hoa văn học của dân tộc. Từ đó, Hồng Thu có thể kích thích khát vọng sáng tạo của trẻ thơ.

Đọc tập thơ Truyện cổ nước Việt các em sẽ hiểu rằng mỗi tác phẩm dân gian là một tư liệu, một tinh hoa văn học. Nó sẽ sống mãi với thời gian không chỉ đơn điệu bằng một thể loại truyện. Trên cơ sở cốt truyện, người nghệ sĩ tài năng có thể sáng tạo, tỏa hào quang của nó – để không bao giờ nó bị băng hoại bởi thời gian – bằng các thể loại khác như thơ, như các kịch bản sân khấu: kịch nói, chèo, múa rối nước… Thậm chí bằng các bộ môn nghệ thuật khác như hội họa, điêu khắc, múa, âm nhạc…Thực tế cho thấy các vở chèo như Tấm Cám, vở tuồng Mị Châu, Trọng Thủy, vở kịch nói Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ chẳng đã là minh chứng cho lao động sáng tạo của người nghệ sĩ từ tích truyện cổ đó sao?

Tiếp theo, chính tình yêu truyện cổ và trẻ thơ đã khiến Hồng Thu sáng tạo nên hình tượng thơ cụ thể, gần gũi, đáng yêu, sinh động hơn trên cơ sở truyện cổ. Đọc truyện thơ, mỗi người trong chúng ta từ già đến trẻ đều tìm thấy nét dáng nào đó của mình trong hình ảnh “chú Cuội”: thông minh, láu lỉnh, hay đùa trêu vui vẻ bằng cách nói dối người khác. Song nói dối chủ chủ yếu nhằm diễu cợt thói hư tật xấu của những người muốn có được “sách bày nói dối” để kiếm lợi như như chú thím Cuội; hoặc nhanh trí vừa trêu chọc người lạ qua đường “làm sáng mắt cho”, vừa thoát cái nạn bị chú thím nhốt sọt quẳng xuống sông, chứ nói dối không nhằm làm hại ai. Nét trẻ thơ rất có cá tính này được nhà thơ khắc họa bằng cảm xúc tán đồng vui vẻ ngay từ khổ đầu:

            Chú Cuội ngồi gốc cây đa

            Từ xưa đã có câu ca ấy rồi.

            Thông minh nhưng dối lừa người

            Thắng rồi Cuội khoái chí cười, không tha.

Song, chính nét thông minh tinh nghịch này đã khiến Cuội rèn được óc suy nghĩ quan sát để tìm ra loại cây thuốc quý mà hổ mẹ cứu sống được khổ con trong rừng bằng cách “bứt lá nhai nhỏ, rịt đầy chỗ đau”:

            Đào cây Cuội vác về ngay

           Trồng trong sân, cứ hàng ngày chăm nom.

           Cuội nuôi hy vọng sớm hôm

           Hoàn sinh cải tử, cây luôn cứu người.

Chỉ vì quên lời dặn, vợ Cuội không giữ gìn cho cây sạch sẽ – đem rác bẩn đổ vào gốc nên cây lung lay:

             Từ từ bật gốc, cây bay

             Cuội lo sấn đến giơ tay bám vào.

             Cây đưa Cuội mãi lên cao,

             Ở cung trăng, bạn với sao trên trời.

Truyện thơ hấp dẫn chúng ta không chịu bởi chi tiết kỳ ảo của truyện cổ: cây lạ bay lên trời kéo theo chú Cuội tới tận cung trăng, làm bạn với sao trời. Lôi cuốn trẻ thơ chính là hình tượng chú Cuội như diễn viên xiếc vừa bám chặt gốc cây, vừa đu đưa giữa không trung, vừa bay tít lên cao mà không rơi, không ngã. Ý nghĩa sâu hơn còn ở chỗ hình tượng Cuội có sự phát triển. Trí thông minh bẩm sinh của chú bé Cuội không phí hoài vào những trò chơi đùa bản năng nữa khi trở thành chú Cuội thanh niên, trí thông minh ấy đã trở thành phẩm chất, trí tuệ, nó hướng Cuội vào khát vọng tìm tòi, khám phá, kiên trì và dũng cảm theo đuổi ước mơ khát vọng chân chính: có thể cải tử hoàn sinh cho con người. Cho tới thế kỷ 21 này, ước mơ của Cuội không còn là thành ngữ đầu lưỡi của dân gian là “nói dối như Cuội” nữa. Thực sự ước mơ ấy đã trở thành “nhiệm vụ tiên phong của khoa học hiện đại là đánh bại cái chết và ban cho con người tuổi trẻ vĩnh hằng”*.

Hơn nữa, mờ nhạt đi ý nghĩa kỳ vĩ của một thực thể vũ trụ, trong khổ thơ cuối, trăng mãi mãi là một thắng cảnh du lịch mà chủ nhân là chú Cuội vô cùng hiếu khách – đặc biệt miễn phí cho trẻ thơ:

            Gốc đa chú Cuội vẫn ngồi,

            Muốn mời các bạn lên chơi nên chờ.

            Những ngày trăng sáng mộng mơ,

            Cuội mong về với trẻ thơ vui đùa.

Có điều, cho đến nay, lời mời của chú Cuội vẫn là một thách đố bí ẩn, kích thích ước mơ bay được lên vầng trăng của trẻ thơ đất Việt. Tình yêu truyện cổ và tuổi thơ đất Việt có sức biến hóa kỳ ảo, khiến chủ thể trữ tình trong khổ cuối trở nên nhập nhòa ảo thuật thành chú Cuội – Hồng Thu. “Gốc đa…vẫn ngồi…mời các bạn lên chơi…mong trở về với trẻ thơ vui đùa” đâu phải tình yêu trẻ thơ của riêng chú Cuội? Ánh sáng, đường nét, cảnh và tình trong bức tranh thơ trong trẻo, tươi tắn, đằm thắm đến thế cơ mà!

Chất trữ tình trong thơ Hồng Thu lắng đọng lại ở tâm hồn người đọc không chỉ bằng cảm hứng yêu truyện cổ và quý trẻ thơ mà còn với nghệ thuật thơ đa dạng mà hồn nhiên, giản dị như cách biểu đạt lời ăn tiếng nói của người lao động. Để lôi cuốn người đọc và thiếu nhi vào truyền thuyết li kì, phức tạp như Mị Châu, Trọng Thủy tác giả nêu bài học thức tỉnh ý thức dân tộc ngay từ khổ thơ đầu:

              Chuyện tình công chúa Mỵ Châu

              Vì yêu kết cục thảm sầu đớn đau.

              Chuyện còn nhắc nhở muôn sau

              Lợi ích dân tộc hàng đầu chớ quên.

Cách mở truyện thơ như vậy chính là mũi tên chỉ đường cho suy nghĩ non nớt của trẻ em sau mỗi sự việc, tình tiết của truyện. Đồng thời nó là sợi dây chủ đề liên kết vừa mạch lạc, vừa chặt chẽ kết cấu của truyện này. Bài học mở đầu ấy sẽ giúp các em hiểu sâu hơn ý nghĩa việc làm của mỗi nhân vật trong truyện và sẽ nảy sinh tình cảm phù hợp: yêu, ghét, trân trọng hoặc cảm thương…

Nghệ thuật mở truyện của Hồng Thu cũng đa dạng. Khác với truyện cổ văn xuôi, tác giả dân gian thường giới thiệu bằng câu kể quen thuộc, truyền thống như “ngày xửa ngày xưa… ở một làng nọ” hoặc “nhà nọ… có một người…” để xác định thời gian, không gian phiếm chỉ rất cổ tích, khiến chất hư ảo tăng lên đẩy xa câu chuyện vào cõi hồng hoang không thể nào xác định. Ngay ở khổ thơ đầu truyện Cóc kiện  Trời, Hồng Thu đã vận dụng kết hợp ca dao với câu hỏi tu từ:

Con Cóc là cậu ông Trời

Hễ ai đánh nó thì Trời đánh cho.

Bạn có muốn biết nguyên do

Vì sao con Cóc lại to hơn Trời?

Nghệ thuật mở chuyện như thế đã biến lời thơ đơn phương của chủ thể trữ tình Hồng Thu thành cuộc trò chuyện, đối thoại hóm hỉnh, gợi trí tò mò cho người đọc, người nghe. Đồng thời làm tăng tâm thế háo hức của họ, dẫn họ chuyển sang phần thân truyện một cách tự nhiên, duyên dáng. Điểm đặc biệt nữa là từ đầu đến cuối tác giả không hề nêu thời gian quá khứ, địa điểm phiếm chỉ chung chung như trong truyện cổ văn xuôi. Câu chuyện của Hồng Thu như đang diễn ra cùng thời với người kể và người nghe trò chuyện. Bằng cách đó, nhà thơ đã kéo câu chuyện vô cùng cổ tích trở về gần hơn với hiện tại, chất hư ảo biến đi; trẻ thơ sẽ thích thú bởi các nhân vật Cóc, Cua, Gấu, Cọp, Cáo, Ong như những người bạn nhỏ rất thực, rất đáng yêu đang sống bên cạnh mình. Trẻ thơ sẽ cảm thấy hình như mình cũng đang hòa vào đoàn người đi kiện trời ấy, mình cũng góp phần vào chiến thắng. Cảm giác ấy thú vị biết bao! Có thể nói Hồng Thu, bằng nghệ thuật truyện thơ của mình đã hiện đại hóa cảm nhận người đọc đối với nhân vật cổ tích xa xưa.

Trong truyện thơ của Hồng Thu có một số chi chi tiết truyện cổ được cảm nhận và hư cấu theo chiều hướng hiện đại hóa. Trong lời phán của vua Hùng ở truyện Bánh chưng, bánh giày, Hồng Thu đã lãng mạn hóa nhân vật vua Hùng bằng cách khéo léo kết hợp giữa nhận định truyền thống với lời bình gắn với cuộc sống hiện đại của dân tộc Việt:

                Bánh giày tròn trắng tượng trời

                Xôi đen giã nhuyễn chày đôi nhịp nhàng

                Bánh chưng tượng rất rõ ràng

                Lá dong xanh mướt gói càng chặt tay,

               

                Thơm lừng Mỹ Vị cỏ cây

                Muôn loài đùm bọc sum vầy bền lâu.

                Còn các lang mải đua nhau

                Sơn hào hải vị sẽ mau diệt nguồn,

               

                Chăm nghề nông ấm no luôn…

Chi tiết này của truyện thơ không hề làm ảnh hưởng đến cốt truyện cổ, thậm chí còn tăng thêm ý nghĩa cho nó. Một mặt nó gắn với hiện tượng các loài thú quý hiếm như hổ, gấu, tê giác, voi, cá heo, rùa biển, sếu đầu đỏ…đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng bởi sự săn bắt vô tội vạ như “các lang mải đua nhau” trước kia, hay bất chấp luật bảo vệ môi trường như lâm tặc thời hiện đại. Từ đó, trẻ thơ sẽ tự có ý thức không chỉ yêu mến mà còn phải biết giữ gìn, bảo vệ sự sống của các loài động vật quý xung quanh chúng ta. Đồng thời, trẻ thơ càng biết ơn các vua Hùng, bởi Người không chỉ chọn đúng loại bánh dân tộc quý giá mà Người còn có tầm nhìn xa ngăn chặn các lang khỏi mắc tội “săn bắt mau diệt nguồn” các loài thú quý hiếm để làm ra “sơn hào hải vị”. Cho tới ngày nay, lời vua Hùng đã thành hiện thực, lúa gạo Việt Nam không chỉ đủ dùng cho nhân dân trong nước mà còn xuất khẩu ra thế giới với số lượng khá cao và giá thành ngày một nâng lên. Nghề nông truyền thống đang phát triển thành nông nghiệp xanh ở Việt Nam đã đi đúng hướng từ lời dạy của các vua Hùng. Lời thơ của Hồng Thu giúp thế hệ trẻ tự hào hơn với truyền thống văn hóa ẩm thực và nghề nghiệp chính của nhân dân ta từ xưa đến nay là nghề nông.

Đặc biệt hấp dẫn là nghệ thuật kể chuyện của Hồng Thu đã tạo nên sự phá cách cho cảm hứng người đọc. Nếu trong truyện kể văn xuôi dân gian các tác giả chủ yếu tạo sự theo dõi xuyên suốt theo trình tự nguyên nhân => diễn biến => kết thúc của sự việc với nhân vật chính, thì đọc truyện thơ Sơn Tinh, Thủy Tinh, điều cuốn hút trẻ thơ là người và người đọc lại ở điểm khác. Đọc truyền thuyết độc giả thường thấy ghét Thủy Tinh – vị Thần Nước hàng năm gây bão lụt làm ngập ruộng đồng, nhà cửa gieo ta gọi cho cuộc sống muôn loài; và quý Sơn Tinh – vị Thần Núi giúp dân chống lũ lụt thắng lợi. Thì ở truyện thơ, vẫn cốt truyện cơ bản không thay đổi, song cảm hứng mà tác giả truyền cho chúng ta lại rất hiện đại. Không mở truyện bằng cách giới thiệu thời gian, không gian xảy ra sự việc và nhân vật tham gia vào đó rất truyền thống, mà tác giả giải thích ngay nguyên nhân xảy ra lũ lụt:

                Hàng năm bão lũ hoành hành,

                Vì yêu nên Thủy Tinh giành Mỵ Nương.

                Sơn Tinh kiên quyết không nhường

                Máu ghen càng nổi, bốn phương bão tràn.

Như vậy mục đích giải thích hiện tượng tự nhiên và ngợi ca công cuộc chống lũ lụt của các vua Hùng không còn là chính nữa mà chủ yếu tác giả muốn thể hiện một cảm hứng sáng tạo vào câu chuyện tình muôn thuở giữa hai chàng trai cùng yêu một cô gái đẹp trong dân gian. Mà tình yêu, dù ở thời đại nào trong quá khứ, hiện tại hay tương lai cũng diễn ra theo quy luật muôn đời bất biến.

Hồng Thu hình như rất cảm thông và trân trọng nhân vật Thủy Tinh. Đây là điểm sáng tạo bởi cách nhìn mới trong cảm hứng của tác giả. Thủy Tinh được xuất hiện trong lượng câu chữ khá lớn của truyện thơ. Toàn bộ tác phẩm có 32 câu chia làm 8 khổ. Các nhân vật khác như vua Hùng, Mỵ Nương, ngay cả Sơn Tinh cũng đóng vai trò thứ yếu vì tất cả chỉ chiếm số lượng 18 câu. Riêng Thủy Tinh không chỉ xuất hiện xen kẽ với các nhân vật khác trong những câu thơ trên mà còn được dành hẳn 10 câu cuối cùng để kể miêu tả, nhận xét:

            Thủy Tinh chân chậm đuổi theo

            Hô mưa, gọi gió, thần gieo kinh hoàng.

          

            Phong Châu lênh láng ngập tràn

            Nước dâng, núi cũng hàng hàng dâng cao.

            Ròng rã mấy tháng tiêu hao

           Thủy Tinh kiệt sức, quân ào rút luôn.

 

            Nhớ nàng, Thần Nước càng buồn

            Càng đem quân đánh càng hờn càng cay.

            Càng thua càng hận càng say

            Năm nào cũng đánh trắng tay đành về.

Với đoạn thơ trên, đặc biệt là khổ thơ cuối cùng Thủy Tinh không còn là vị Thần Nước đáng sợ, đáng ghét theo cách nghĩ truyền thống nữa, mà đã trở thành nhân vật bi kịch trong tình yêu. Thủy Tinh không chỉ là một chàng trai tài năng xuất chúng “hô mưa, gọi gió… gieo kinh hoàng” cho đối thủ mà còn có khát vọng tình yêu chân chính, lớn lao là lấy được người đẹp Mị Nương con của vua Hùng về làm vợ. Chỉ do hoàn cảnh khách quan khống chế là thiếu may mắn – “chân chậm” đến muộn – mà phải chịu thua. Cái đáng khâm phục ở chàng là không hề tuyệt vọng mà mãi mãi chung thủy trong tình yêu đơn phương và trung thành với đích đến của mình. Dưới ngòi bút của Hồng Thu, Thủy Tinh hiện ra trước mắt chúng ta với một ánh sáng mới: đó là con người đẹp trong tư thế chiến bại, có tài năng siêu việt, có ý chí kiên cường, muôn đời vươn tới lý tưởng của cuộc sống mà mình đeo đuổi.

Không chỉ thế, Thủy Tinh hấp dẫn chúng ta bởi hình tượng tâm trạng rất “người” của Thần. Sự kỳ vĩ, linh thiêng, xa vời, cách biệt với vị Thần Nước lùi dần. Trong ta chỉ còn lại niềm cảm thông, trân trọng với nỗi đau tình yêu của một chàng trai chân tình, mãnh liệt. Điệp ngữ “càng” lặp tới 5 lần kết hợp với phép liệt kê tăng cấp “buồn => hờn => cay => hận => say” đã diễn tả chân thực, sinh động diễn biến một tâm trạng sâu kín của Thủy Tinh.

Đầu tiên “kiệt sức, quân ào rút luôn”, Thủy Tinh “buồn” dìm nỗi đau xuống tận đáy lòng để quên đi. Song, đáy lòng như đáy sông tưởng sẽ êm đềm phẳng lặng, bỗng nổi lên nỗi “hờn” tủi hổ, oán giận số phận không may mắn – chỉ vì chậm chân một chút mà phải chịu thua thiệt. Rồi một đợt sóng ngầm “cay” cú xuất hiện khi thấy mình ngang tài ngang sức với đối thủ, đâu kém cỏi gì mà mang tiếng là kẻ thất bại trước người đẹp Mị Nương! Nỗi uất “hận” không thực hiện được khát vọng tình yêu bấy lâu nay mong đợi khiến sóng ngầm trong lòng dâng lên cao thành làn sóng lớn nổi trên mặt nước. Thế rồi, ngày đêm tự dày vò bản thân thấy mình như bị sỉ nhục, lòng tự ái, tự trọng kết hợp với ước ao giành lại người đẹp khiến Thủy Tinh bị lôi cuốn vào niềm “say” mê lập nên chiến công và vinh quang. Khát vọng ấy trỗi dậy thành những đợt sóng lớn nổi lên, xô vào bờ đá dữ dội, mãnh liệt, không cùng.

 Tóm lại, ba nhân cách Người mẹ nhà giáo nhà thơ tụ lại trong tâm hồn một người phụ nữ Phạm Thị Hồng Thu nói theo kiểu giới trẻ hiện đại là “ba trong một” – là tạo nên cái hay cái độc đáo ở tác phẩm thơ Truyện cổ nước Việt. Trung thành với câu chuyện nhưng lựa chọn các sự việc các chi tiết tiêu biểu để gửi gắm cảm hứng và diễn đạt ngôn ngữ thơ theo cách của mình là thành công của nhà thơ. Đọc tập thơ, người chưa biết truyện cổ cũng mở mang hiểu biết và cảm thấy hay, thấy yêu truyện cổ; người biết truyện cổ rồi thì không hề nhàm chán mà sẽ tìm thấy ở đó một số nét thú vị, hay hay, là lạ so với cách cảm, cách hiểu truyền thống.

Viết cho thiếu nhi hoàn toàn không dễ và hiện nay lượng tác phẩm viết cho lứa tuổi này cũng chưa nhiều. Viết thơ cho thiếu nhi vào loại hay ở nước ta ngoài Trần Đăng Khoa còn có Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Hoàng Sơn, Đặng Hấn… Vì vậy tác phẩm thơ Truyện cổ nước Việt của Hồng Thu là một đóng góp rất nhỏ vào sự nghiệp giáo dục của thế hệ trẻ trong buổi đầu sáng tác.

Nếu đi theo con đường sáng tác nghệ thuật cho thiếu nhi người nghệ sĩ có thể suy nghĩ ý kiến của Trần Đăng Khoa – thần đồng thơ Việt Nam: “Nhà thơ Huy Cận có lần tâm sự để viết hay được cho trẻ em chúng ta phải hiểu biết nhiều lắm, hiểu trẻ con đã đành, còn phải hiểu cả người lớn nữa.” Mà cũng phải thôi! Một tác phẩm đích thực viết cho thiếu nhi phải là một tác phẩm trẻ con đọc thích, người lớn đọc cũng thích, càng từng trải đọc càng thích. Kinh nghiệm của Andersen, của Marsac và nhiều tác giả lớn trên thế giới viết cho các em đã cho ta bài học như vậy. Bởi lẽ trong bất cứ đứa trẻ nào cũng có một người lớn đang hình thành và trong bất cứ người lớn nào cũng có một đứa trẻ không bao giờ già đi”.

                           Hà Nội ngày 19.7.2023

   THÁI THỊ HẢI

    (Cựu giáo viên văn Trường THPT Lomonosov)

__________________

*Yuval Noah Harari – Homo Deus, Lược sử tương lai, Dương Ngọc Trà dịch, NXB Thế giới, Nhã nam.

** Trần Đăng Khoa – Hầu chuyện thượng đế – NXB Văn học (In lần thứ ba – trang 227).

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *