Mỹ báo động về phần mềm độc hại được Trung Quốc sử dụng

VHSG- Theo một quan chức tại Bộ Tư lệnh tác chiến mạng Mỹ, trong khi loại phần mềm độc hại này đã được dùng từ năm 2008, Trung Quốc vẫn tiếp tục tận dụng tối đa nó trong các hoạt động nhằm đạt được thông tin tình báo.

Ngày 3-8, chính phủ Mỹ đã phát báo động rằng một loại phần mềm độc hại (hay còn gọi là mã độc, malware) thường được các nhà nghiên cứu an ninh phát hiện trong thập niên qua có liên quan tới Trung Quốc, theo Hãng tin Bloomberg.

Đây là động thái mới nhất trong một loạt cảnh báo của Mỹ về năng lực mạng của Trung Quốc trong mùa hè năm nay.

Loại phần mềm độc hại này đã được sử dụng từ năm 2008 và có liên quan tới chính phủ Trung Quốc – Ảnh minh họa: Bloomberg

Theo báo động, Cơ quan An ninh hạ tầng và an ninh mạng (CISA) thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Bộ Quốc phòng Mỹ “đã xác định một biến thể phần mềm độc hại được các nhân tố mạng của Trung Quốc sử dụng, được biết đến là Taidoor”.

Tuy nhiên, báo động này không đề cập thông tin nào về sự thịnh hành của phần mềm độc hại trên hoặc ai đã bị tấn công. Mục đích của báo động là “tạo điều kiện để bảo vệ mạng và giảm sự tiếp xúc với hoạt động mạng độc hại của Trung Quốc”.

Theo một quan chức tại Bộ Tư lệnh tác chiến mạng Mỹ (USCyberCom), trong khi loại phần mềm độc hại này đã được dùng từ năm 2008, Trung Quốc vẫn tiếp tục tận dụng tối đa nó trong các hoạt động nhằm đạt được thông tin tình báo.

Các công ty an ninh mạng như FireEye và CrowdStrike phát hiện phần mềm độc hại Taidoor đã được nhiều nhóm hoạt động tại Trung Quốc sử dụng để nhắm vào Mỹ và châu Á nhưng mức độ sử dụng đã giảm đi gần đây.

Trước đó, phần mềm độc hại này được dùng để tấn công nhiều lĩnh vực như luật, năng lượng hạt nhân, kỹ thuật, cơ sở công nghiệp quốc phòng, các hãng hàng không, công nghệ, chính phủ và không gian vũ trụ, theo các công ty trên.

Ben Read, một thành viên cấp cao tại FireEye, cho biết phần mềm độc hại này thường được gửi đi trong các vụ tấn công lừa đảo qua mạng và được dùng để truy cập các hệ thống.

Quyết định của chính phủ Mỹ về việc công khai mối liên hệ giữa Taidoor và chính phủ Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung đang gia tăng trên nhiều mặt trận, mới nhất là vụ Tổng thống Donald Trump ra hạn chót “dẹp tiệm” TikTok ở Mỹ.

Ông Trump ra hạn chót ‘dẹp tiệm’ TikTok ở Mỹ

Tổng thống Trump nói rằng từ đây tới ngày 15-9, TikTok phải tìm được người mua lại ứng dụng này tại Mỹ, nếu không TikTok sẽ bị cấm tại nước này.

Ngày 3-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok của Trung Quốc sẽ phải “dẹp tiệm” ở Mỹ nếu họ không bán các hoạt động trước hạn chót giữa tháng 9, đồng thời bày tỏ đồng ý với việc Microsoft đàm phán mua lại TikTok, theo Hãng tin AFP.

“Tôi đặt ra ngày 15-9, thời điểm TikTok sẽ dẹp tiệm ở Mỹ. Họ sẽ đóng cửa vào ngày 15-9 nếu Microsoft hoặc ai đó khác không thể mua lại TikTok và thực hiện một thỏa thuận” – ông Trump phát biểu trước báo giới.

Những bình luận mới nhất của ông Trump về ứng dụng mạng xã hội phổ biến này đã làm gia tăng sức ép lên ByteDance – công ty mẹ của TikTok – để đạt được một thỏa thuận giữa bối cảnh Washington cáo buộc TikTok đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.

Tuy nhiên, ông Trump cũng đưa ra một điều kiện mới đầy ngạc nhiên trong bất kỳ thỏa thuận nào, theo đó việc bán lại bộ phận kinh doanh tại Mỹ của TikTok phải đóng một số tiền đáng kể cho Bộ Tài chính Mỹ vì đã khởi động thương vụ.

“Một phần rất đáng kể trong số tiền bán sẽ phải chuyển vào Bộ Tài chính Mỹ vì chúng tôi đã cho phép thỏa thuận này có thể diễn ra. Họ không có bất kỳ quyền gì để làm như vậy nếu chúng tôi không cho phép họ” – ông Trump giải thích.

Về phía Microsoft, trong một tuyên bố thông báo kế hoạch, tập đoàn này cho biết họ muốn chốt thỏa thuận mua lại TikTok “không trễ hơn ngày 15-9”. Còn một người phát ngôn của TikTok nói rằng họ có 100 triệu người dùng ở Mỹ và vẫn có kế hoạch tiếp tục hoạt động ở Mỹ “trong nhiều năm tới”.

Hãng tin AFP đánh giá với khoảng 1 tỉ người trên thế giới sử dụng để tạo ra những video 60 giây thú vị trên điện thoại di động, TikTok là mặt trận mới nhất trong cuộc đối đầu về chính trị và thương mại đang diễn ra giữa Mỹ – Trung.

Phía Mỹ cho rằng TikTok thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng và chính phủ Trung Quốc có thể truy cập những dữ liệu này để phục vụ mục đích tình báo cũng như các mục đích khác. Ứng dụng này hiện đang bị điều tra chính thức với các lý do liên quan an ninh quốc gia của Mỹ.

Báo The Sun của Anh ngày 3-8 tường thuật trong một giải pháp thay thế có thể được thực hiện, công ty mẹ ByteDance lên kế hoạch chuyển các hoạt động toàn cầu của TikTok sang Anh. Các hoạt động toàn cầu hiện tại của TikTok được thực hiện tại các văn phòng ở Los Angeles (Mỹ).

BÌNH AN/TTO

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *