VHSG- Mùa thu năm 1972, tôi thi đậu vào trường cấp 3 Trần Phú, Đức Thọ, Hà Tĩnh (nay là trường THPT). Hồi ấy, quê tôi vào loại nghèo nhất miền Bắc, lại bị bom đạn Mỹ tàn phá nặng nề trong cuộc chiến tranh phá hoại, nhưng không vì thế mà ngành giáo dục tỉnh nhà buông lơi công việc “trồng người”! Có thể nói Hà Tĩnh là một trong số ít các địa phương sớm tổ chức và duy trì được khối chuyên Toán và chuyên Văn cấp 3 tại hai ngôi trường lớn của tỉnh, cho ra lò nhiều lứa học trò xuất sắc.
Cô giáo Phạm Thanh Lài và học trò – nhà văn Nguyễn Minh Ngọc (Ảnh: Nguyễn Minh Tuân)
Bấy giờ, trường Phan Đình Phùng (Thạch Hà) đảm trách chuyên Toán, còn khối chuyên Văn thuộc trường Trần Phú. Dù khốn khó, nhưng hằng năm các kỳ thi học sinh giỏi cuối cấp 2 vẫn được tổ chức để chọn người vào các lớp chuyên và tỉnh chu cấp lương thực nuôi các lớp này. Hằng tháng, mỗi trò lớp chuyên được lĩnh 13kg gạo (độn thêm bột mì, hoặc ngô) ăn tại bếp, nhưng ở vào thời bao cấp cơ cực, ai trong độ tuổi học sinh phổ thông mà được hưởng ngần ấy tiêu chuẩn của nhà nước thì đều lấy làm tự hào và hãnh diện lắm. Lũ học trò tầm tầm như chúng tôi thực sự ngưỡng mộ thầy, cô chủ nhiệm ở các lớp chuyên văn.
Ngôi trường mà chúng tôi theo học được lập vào năm 1959, ban đầu lấy tên là trường cấp 3 Đức Thọ. 5 năm sau, trường được mang tên đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhân sự kiện này, ngày 27-4-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện văn chúc mừng. Nội dung bức điện ngắn gọn, như này:
“Bác biết tin nhà trường được đặt tên là trường Trần Phú. Đó là một vinh dự lớn cho nhà trường.Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng.
Để xứng đáng với vinh dự đó, Bác mong các cô giáo, thầy giáo thi đua dạy thật tốt, các cháu học sinh thi đua học thật tốt, làm gương mẫu tốt cho các trường khác.
Chào thân ái
Bác Hồ”[1].
Chẳng hiểu ngẫu nhiên hay cố ý, nhà trường xếp học trò hai xã vùng lụt, Đức Quang và Đức Vịnh (nằm ở hữu ngạn sông Lam), học chung với hai xã vùng bán sơn địa (Đức An, Đức Dũng) có giọng nói na ná tựa vùng Nghi Lộc (Nghệ An) vào chung một lớp 8G. Chúng tôi vẫn gọi đùa đây là lớp bét bảng. Đám con trai thì học hành láng cháng, ham đá bóng và nghịch như quỷ sứ. Nhưng nữ sinh, lắm “em” xinh ra phết, đốn tim nhiều chàng trai. Bấy giờ, chiến tranh phá hoại của Mỹ đã vào giai đoạn cuối và lan rộng khắp miền Bắc. Nhà trường không tổ chức học tập trung mà chia nhỏ ra thành các lớp rải ở nhiều điểm lẫn trong khu dân cư, núp dưới bóng tre xanh, trải rộng khắp địa bàn xã Đức Thủy, cách quốc lộ số 8 chừng 1km. Đây chính là làng quê của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thoan, tác giả bức ảnh “O du kích nhỏ” nổi tiếng. Lớp tôi học ở lán Bà Tương, nằm ở cuối con kênh Nhân Thủy, mé rìa cánh đồng, có lũy cao hào sâu bao quanh. Những hôm trời trở gió, mây đen kéo tối sầm, tức thì tiếng ếch nhái từ ngoài cánh đồng tấu vọng vào lớp học miên man thay cho âm nhạc. Lên cấp 3, chúng tôi được học nhiều môn với các thầy cô khác nhau. Nếu tôi “vãi linh hồn” với cô giáo dạy toán, thì ở môn văn, nhà trường phân công một cô giáo vừa tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Vinh.
Buổi đầu tiên, cô giáo xuất hiện ở cửa lớp với chiếc cặp gọn ghẽ, trên lưng áo trắng vắt vẻo hai bím tóc, toát lên sự trẻ trung, duyên dáng.Đó là cô Phạm Thanh Lài, quê ở xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Cùng với việc làm chủ nhiệm lớp 8B, cô còn đảm nhận môn văn ở cả 2 lớp 8C và 8G. Với một giáo viên trẻ như vậy là khá nặng. Nhưng có lẽ trong khí thế thi đua của nhà trường làm theo lời Bác Hồ dạy: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”, nên hầu như thầy cô nào cũng đều say sưa, tận hiến. Với nụ cười thường trực trên môi, cái nhìn trong trẻo và ấm áp, gần như ngay lập tức cô Lài đã “thu phục” được đám học trò ngỗ ngược. Không chỉ dạy kiến thức, mà bằng tất cả sự rung cảm, cô truyền cho chúng tôi cách cảm nhận cái hay, cái đẹp của văn chương. Điều ấy khiến cả lớp tôi mê đắm môn văn và nhiều bạn luôn mong ngóng giờ của cô. Quả thật, nếu không có những tiết văn của cô Lài, thì có lẽ những buổi ngồi trên lớp của tôi sẽ trở nên tẻ nhạt và buồn chán biết nhường nào. Giữa mùa đông, rét cắt da cắt thịt, mưa phùn lay phay giăng tràn mái lán và cái lạnh ùa vào mọi nẻo, đám trò nghèo áo quần không đủ ấm, mặt mũi xám ngoét nhưng sao lòng vẫn thấy ấm lạ.
Đúng là “cõi nhân gian bé tí”. Mãi hơn 40 năm sau, tôi mới có dịp diện kiến nhà văn Vũ Hạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ngay từ những ngày đầu đông của năm đầu vào cấp 3 chúng tôi đã được cô giáo trân trọng giới thiệu truyện ngắn “Bút máu” của ông in trong tập “Sắc lụa Trữ La” của nhiều tác giả từ miền Nam gửi ra. Tháng 12-1972, trước khi mở cuộc tập kích chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng, với cuồng vọng “đẩy Bắc Việt trở lại thời kỳ đồ đá”, không quân Mỹ đưa nhiều kiểu loại máy bay hiện đại ra đánh phá ở khu Bốn, mang tính thăm dò và “dọn bãi”. Thế nên, có bữa đương học, nghe báo động, chúng tôi chạy ra hào giao thông nom rõ cả chiếc “Siêu pháo đài bay” B52 to đùng nghênh ngang bay giữa ban ngày, sau đuôi kéo theo hai vệt khói trắng. Sợ bom đạn thì vẫn sợ, nhưng hễ mỗi khi cô Lài bước vô lớp là dường như chúng tôi quên tiệt mọi thứ…
Dạo ấy, tôi phải trọ học cách nhà hơn 20km. Mỗi cuối tháng, chiều thứ 7, tôi thường lóc cóc cuốc bộ về nhà. Đi riết thành quen.Dẫu ở trọ trong nhà bà con bên ngoại, song tôi vẫn cảm thấy mất tự do và gặp nhiều chuyện dở cười, dở khóc. Vốn là đứa trẻ nhậy cảm, tôi buồn nản, mà không biết tỏ cùng ai. Nỗi buồn cứ thế âm ỉ, tích tụ và dồn nén. Đến nỗi, tôi toan bỏ học ngang xương chỉ vì một lý do rất vớ vẩn. May thay, cô Lài biết chuyện. Có lẽ, cô giáo đọc thấy nỗi buồn hiện lên trong mắt cậu học trò nhỏ bé so với bạn bè cùng trang lứa, nên cô nhẹ nhàng:
– Ngọc à, lên được cấp 3 để học là tốt lắm rồi, vả lại em học khá giỏi. Cô thấy em có năng khiếu môn văn thật sự. Hôm nào học bồi dưỡng cùng đội tuyển, em ở lại ăn cơm “tập đoàn”[2] với cô, đừng ngại. Nhà cô, ông bà chỉ có mình cô thôi, nên chủ nhật nào cô cũng về. Tiêu chuẩn gạo, ngô của cô ở bếp “tập đoàn” hằng tháng vẫn dư thừa, cô chẳng mang về. Nghe lời cô, gắng lên em nhé!
Vâng, suất cơm đạm bạc giữa ngày đông tháng giá của cái năm khốn khó ấy, với tôi, có lẽ nó “ngon” hơn mọi thứ yến tiệc trên đời này!
Lên lớp 9, lớp 10 dẫu có thầy cô khác dạy môn văn, song tôi luôn dành cho cô Phạm Thanh Lài sự kính trọng đặc biệt. Tết Giáp Dần (1974) tôi đạp xe đến chúc Tết cô giáo và gia đình ở xã Sơn Phúc. Hai cụ song thân của cô rất vui vì có học trò cưng của con gái đến thăm. Niềm vui bất ngờ khiến cô trào nước mắt! Đầu năm 1975, tôi trúng tuyển bộ đội, dẫu cân nặng chỉ có 42kg! Tôi tìm cô Lài ở trong một nhà dân để nói lời chia tay. “Thưa cô, em đến chào cô, em đi bộ đội đây!”. Thời điểm ấy, thanh niên, học sinh, sinh viên từ các nhà trường, giảng đường, làng quê, góc phố đều sẵn sàng tòng quân. Thăm thẳm ánh mắt buồn, nhưng cô giáo vẫn động viên tôi:
– Ừ, thôi! Em lớn thật rồi, vào bộ đội, cô cầu chúc em “chân cứng đá mềm”. Cô cũng chẳng có chi làm quà, tặng em tập thơ “Đầu súng trăng treo” của Chính Hữu để những lúc hành quân em đọc và nhớ về cô!
Cô nắm tay tôi và đọc câu kết trong bài “Đồng chí”: Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo. Tôi nhìn cô giáo, mắt rưng lệ. Miệng lí nhí nói lời chúc cô ở lại mạnh giỏi và hứa sẽ rèn luyện phấn đấu mà lòng cứ nghèn nghẹn.
Từ buổi “xếp bút nghiên” lên đường, cô trò chúng tôi xa nhau. Thời gian huấn luyện tân binh,trung đoàn 22B của tôi đóng quân ở huyện Hương Sơn. Một lần đi vác gạo, tình cờ tôi nhận ra mình băng ngang nhà song thân của cô Lài, nhưng kỷ luật hành quân không cho phép tụt tạt, thành thử tôi đành chịu chẳng thể ghé chào hai cụ. Về sau tôi đưa chi tiết ấy vào bút ký “Ký ức tháng 4”, in trên Tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn VN). Đài Tiếng nói Việt Nam đọc trong buổi phát thanh Văn nghệ, tình cờ cô Lài nghe được và cô đã khóc. Hết chiến tranh, tôi ra Bắc, về Quân chủng PK-KQ. Mùa thu năm 1980, tôi vào Nha Trang học đào tạo ở Trường Sĩ quan Không quân. Những năm tháng quân ngũ, tôi bắt đầu tập tẹ cầm bút. Khi truyện ngắn“Chị Ngần” của tôi được chọn in trong Tuyển tập “Văn Hà Tĩnh thế kỷ XX” thì cô Phạm Thanh Lài tự hào lắm.
Sau nhiều năm xa cách, cô giáo cũng chuyển qua trường mới,tôi viết một lá thư: “Thưa cô! Có thể em nói ra điều này chưa hẳn cô đã tin, nhưng thực sự ngần ấy năm, em đã đi khắp đất nước, sống và tiếp xúc với đủ hạng người, nhưng chưa bao giờ em quên được hình ảnh của cô. Suốt đời em chẳng bao giờ quên cái suất cơm tập đoàn còm cõi mà cô đã nhường em buổi trưa cái năm lụt 1972. Lòng nhân hậu, sự bao dung của cô đã cho em cái can đảm để vào đời và trở thành một nhà văn mặc áo lính. Phần lớn những gì em đạt được hôm nay đều có công lớn của cô…”.
Giờ đây, sau hàng chục tác phẩm với nhiều thể loại đã ra mắt bạn đọc, và mới nhất là bộ phim truyện “Cao hơn bầu trời” 50 tập được phát sóng 5 lượt trên cả 4 kênh của Đài Truyền hình Việt Nam, tôi luôn nhớ và tri ân cô giáo Phạm Thanh Lài, người nâng đỡ hồn tôi.
Bao năm rồi, tình cảm cô trò chúng tôi vẫn vậy, thắm thiết. Bây giờ, cô nghỉ hưu ở phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Mỗi lần về quê, dẫu bận cách gì tôi cũng ghé thăm để được ăn với gia đình cô một bữa cơm…
NGUYỄN MINH NGỌC
____________
[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, tập 11, tr.255.
[2] Tập đoàn: Tên chỉ bếp ăn tập thể của giáo viên hồi ấy.