Nhà văn Thanh Châu – Nhìn lại, cảm nhận và tôn vinh

Nét nổi bật của Thanh Châu trong văn học Việt Nam thời kỳ 1930-45 chính là ở lối văn trữ tình, trau chuốt; là sự mô tả một cách sinh động những biểu hiện tinh tế trong tâm hồn; là cách nhìn cuộc đời đôn hậu và một tình yêu vô tận với con người và thiên nhiên.

Thời gian quả có phép nhiệm màu.

Có lẽ phải đến nửa thế kỷ, từ cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, nhà văn Thanh Châu dường như biến mất trên văn đàn. Tưởng như thời gian đã phủ bụi, và sự lãng quên đã giăng mắc lên số phận u uẩn của một văn tài. Nhưng rồi ông đã hiện về, những trang văn một thời lại lóng lánh sáng khiến không ít người phải ngạc nhiên. Thanh Châu lại được lớp hậu sinh nhìn lại, cảm nhận và tôn vinh. Mới hay, trong cuộc đời này, những gì thực sự có giá trị thì không dễ mất đi, và tài năng là điều không dễ gì có thể vùi lấp, dẫu có những thăng trầm trong những giai đoạn lịch sử đầy khuất khúc.

Nhà văn Thanh Châu (1912 – 2007)

Gần 30 năm trước, khi công cuộc đổi mới được khởi xướng, tác phẩm của hàng loạt nhà văn trước cách mạng tháng Tám được đồng loạt in lại. Đó là một cuộc hồi sinh, đánh giá lại cả một gia tài nghệ thuật khổng lồ của dân tộc ta từng bị chìm lấp bởi một thời kỳ bão tố. Không ít nhà văn một thời từng bị phê phán đã được nhìn nhận và tôn vinh. Nhưng, trong các gương mặt nhà văn tiền chiến được ca tụng ấy, không có nhà văn Thanh Châu. Sự quên lãng vẫn còn giăng mắc lên ông như một định mệnh. Và, phải đến khi ông về thế giới bên kia, nhất là cách đây 2 năm, khi Hội Nhà văn Việt Nam kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, thì người ta mới giật mình nhận ra rằng, chúng ta hiểu về Thanh Châu còn quá ít và tài năng của ông quả thực còn chưa được đánh giá đúng mức.

Tôi có may mắn gặp và trò chuyện với nhà văn Thanh Châu vài lần. Trong trí nhớ của tôi, ông là một người nhẹ nhàng, vui tính và hóm hỉnh. Trò chuyện với ông, không ai lại có thể hình dung ông đã từng sống những năm dài đằng đẵng không biết làm gì hơn là sự im lặng. “Năm 1961, khi mới 49 tuổi, ông cụ xin về hưu non” – Chị Quỳnh Châu, con gái nhà văn nhớ lại – “Từ đó, ông rời báo Văn Nghệ, sống khiêm nhường, lặng lẽ với gia đình và những người bạn cũ”. Những năm đói nghèo, gánh nặng gia đình đặt hết lên vai người vợ tảo tần. Bà vốn là một dược sĩ, công tác ở Xí nghiệp dược phẩm Hà Nội, thế mà hàng ngày bà thường dậy lúc 3, 4 giờ sáng, nấu xôi, mang ra cổng trường Mĩ thuật Yết Kiêu bán, sau đó, 7 giờ sáng bà lại đến cơ quan làm việc cho đến tối mịt mới về. Cứ thế, bà nuôi chồng và 3 người con khôn lớn.

Đó là những năm buồn nhất trong cuộc đời Thanh Châu. Từ một nhà văn xuất hiện thường xuyên trên văn đàn trước cách mạng tháng Tám, gắn liền với một trong những giai thoại nổi tiếng nhất của làng văn một thời, được nhiều người ngưỡng mộ và yêu quý, cuối cùng, ông trở thành một người bên lề. Không khí văn nghệ thời đó không khuyến khích một ngòi bút duy mỹ như Thanh Châu? Thanh Châu khó hòa nhập vào một hiện thực mới bừa bộn trong chiến tranh hay ông cố tình ẩn mình vì nghĩ rằng cái thời của mình đã hết? Đó hẳn còn là một bí ẩn mà các nhà nghiên cứu rồi sẽ phải trả lời.

 ***

Nhà văn Thanh Châu có quê nội ở xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Tuy nhiên, ông nội của Thanh Châu là cụ Ngô Xuân Đài, sau khi làm tri huyện Nam Đàn đã chuyển ra Thanh Hóa làm quan. Bố nhà văn Thanh Châu là Ngô Nhật Tân, được sinh ra ở Diễn Kim, theo cha ra Thanh Hóa sinh sống. Ông Ngô Nhật Tân kết hôn với người phụ nữ thuộc một gia đình nổi tiếng sang trọng, giàu có ở Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, sinh ra con trai đặt tên là Ngô Hoan. Ngô Hoan lớn lên được gửi ra Hà Nội học và làm báo, viết văn với bút danh Thanh Châu.

Thực ra, Thanh Châu gắn bó nhiều hơn với quê ngoại. Cái tên Ngô Hoan, hay bút danh Thanh Châu đều gợi nhớ về quê gốc của nhà văn ở xứ Nghệ, nhưng do gia đình nhà văn đã ly hương quá lâu, cụ Ngô Nhật Tân qua đời trong một đêm bí ẩn trên sông Mã khi Thanh Châu còn rất trẻ cho nên mối liên hệ với quê nội cũng dần thưa thớt, đến nỗi, dường như con cháu của ông sau này cũng chỉ biết đến quê nội như một ký ức xa xôi, mờ ảo. Bản thân nhà văn, những năm sau cách mạng, với một tâm thế không mấy vui vẻ, ông đã không trở về quê nội, dù trong lòng ông vẫn còn nguyên một nỗi hoài nhớ thẳm sâu về quê cha đất tổ. Và cũng tựa như chàng Từ Thức trong truyện cổ, ông dường như bị phần lớn những người đời sau trên quê nội lãng quên.

Đó, phải chăng cũng là một nét làm nên số phận và nỗi buồn của nhà văn Thanh Châu?

***

Thanh Châu lớn lên trong một gia đình nho học nhiều đời làm quan, được nuôi dạy, chăm sóc chu đáo. Năm 1928 ông được gửi ra Hà Nội học, được tiếp xúc và chịu ảnh hưởng với văn hóa, văn học Pháp. Chính hoàn cảnh ấy đã hình thành nên ở Thanh Châu những phẩm chất riêng, với một tâm hồn tinh tế, một lối sống tao nhã và khát vọng tự do mà về sau này, đã phản ánh một cách sinh động qua các tác phẩm của ông.

Sau những năm làm báo, viết văn ở Hà Nội, cách mạng tháng Tám thành công, Thanh Châu về quê ngoại ở Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Ông tham gia phong trào cách mạng ở địa phương trước khi gia nhập quân đội năm 1949. Cuộc kháng chiến chống Pháp thành công, ông trở lại Hà Nội và công tác tại báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam cho đến khi thôi việc, về hưu non năm 1961.

Cho đến nay, Tuyển tập Thanh Châu do nhóm tuyển chọn Văn Giá, Hoàng Sự, Quỳnh Châu thực hiện đã sưu tầm được 49 truyện ngắn, 3 tiểu thuyết và một số bài ký. Công trình này, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành cuối năm 2013, lần đầu tiên giới thiệu trước độc giả một cách khá đầy đủ những tác phẩm chính của nhà văn Thanh Châu. Và cũng qua tuyển tập này, chúng ta có điều kiện để nhìn nhận một cách đầy đủ hơn những đóng góp của Thanh Châu trong văn học Việt Nam thế kỷ 20.

Nét nổi bật của Thanh Châu trong văn học Việt Nam thời kỳ 30-45 chính là ở lối văn trữ tình, trau chuốt; là sự mô tả một cách sinh động những biểu hiện tinh tế trong tâm hồn; là cách nhìn cuộc đời đôn hậu và một tình yêu vô tận với con người và thiên nhiên. Nhà văn Bùi Hiển có lần đã viết về Thanh Châu như sau: “… không hề bao giờ mãnh liệt, công phá, ngòi bút ông chỉ tựa hồ lời thủ thỉ tâm tình, nhắn nhủ hoặc nhắc nhở mỗi con người chúng ta, giữa cảnh đời vốn trần trịu và khốn khó này, ít ra còn một vật báu sở hữu, đó là: một trái tim, một linh hồn, trái tim ấy, mảnh linh hồn ấy có nhu cầu được nuôi dưỡng thường xuyên bằng tình cảm nương nhẹ, bằng yêu thương, cảm thông và độ lượng, tránh gây cho nhau đổ vỡ hoặc làm cho nhau rỉ máu…”

Những truyện ngắn đầu tiên được sưu tầm của Thanh Châu xuất hiện khoảng năm 1933, 1934 trên Tiểu thuyết thứ bảy. Giai đoạn đầu tiên này, truyện ngắn của Thanh Châu dù còn đơn sơ, nhiều khi chưa có cốt truyện và nhân vật rõ ràng, thậm chí có truyện còn mang màu sắc báo chí, tựa hồ như những ký sự, những nhật ký đời thường mà chưa có cấu trúc hoàn chỉnh độc đáo có thể dẫn dụ người đọc vào thế giới truyện đủ sức lay động sâu xa. Nhưng cũng chính những truyện đầu tiên ấy đã manh nha những tố chất riêng biệt và xu hướng đi vào nội tâm, tính trữ tình lãng mạn của ngòi bút Thanh Châu. Càng về sau, nhất là từ năm 1937, khi truyện ngắn Hoa ti gôn gây được tiếng vang, văn Thanh Châu thực sự đã vượt lên một nấc thang mới, được công chúng đón nhận.

Đáng chú ý nhất trong sự nghiệp của Thanh Châu có lẽ là các truyện ngắn Hoa ti gôn, Vườn Chanh, Cái ngõ tối… các tiểu thuyết ngắn Tà áo lụa, Bóng dáng xưa, Cùng một ánh trăng… Những truyện ngắn và tiểu thuyết này có một điểm chung là không chú trọng tạo nên xung động kịch mạnh mẽ, tiết tấu truyện không nhanh, cốt truyện cũng thường dàn trải và bằng phẳng. Thanh Châu thực sự không cố kể cho xong một câu chuyện, mà dồn toàn bộ năng lượng của ngòi bút vào việc mô tả những cung bậc tinh tế của tâm hồn, khắc họa những bức tranh thiên nhiên đẹp như trong cõi mộng và gợi dậy những niềm hoài tiếc, những nỗi nhớ mong, những ước vọng thanh cao về tình tình yêu, về sự khoan dung, tha thứ giữa con người với con người.

Hoa ti gôn là câu chuyện tình lỡ làng giữa họa sỹ Lê Chất với người phụ nữ đẹp có tên là Mai Hạnh. Người phụ nữ vốn biết họa sĩ từ nhiều năm trước, sau khi lấy chồng, một lần gặp lại chàng họa sĩ tài hoa đã đem lòng yêu say đắm. Hai người đã định trốn đi nước ngoài sinh sống, nhưng rồi đến phút cuối cùng, nàng đã đắn đo, không thể dứt bỏ được người chồng. Và sau cuộc chia lý đó, có lẽ vì nỗi khổ tâm, nàng đã qua đời. Sau khi biết tin đó, họa sĩ đã mang bó hoa ti gôn ngày trước nàng yêu mến đến đặt trên mộ người đã khuất. Họa sĩ đã già, không lấy vợ, mỗi mùa thu, mùa hoa Ti gôn nở nhiều nhất họa sĩ thường mua thứ hoa ấy để trong phòng vẽ của mình.

Câu chuyện nhẹ nhàng, say lòng với nhiều bạn đọc thời bấy giờ bởi chất lãng mạn, tinh tế và gợi lên những cảnh ngộ khó nói trong lòng người. Nhà văn Bùi Hiển nhận xét: “Hoa ti gôn của Thanh Châu góp phần hương sắc và tiếng nói riêng biệt của mình: giản dị đến mức mộc mạc, và chân tình, sâu lắng, thoáng chút buồn êm dịu thiết tha”.

Cũng chính vì truyện ngắn này của ông đã khiến choT.T.Kh viết nên bài thơ bất hủ Hai sắc ti gôn. Sự nổi tiếng của bài thơ, cùng với sự bí ẩn người đàn bà đã làm nên tuyệt tác ấy đã khiến cho làng văn có thêm một giai thoại vô cùng thú vị mà hàng chục năm sau vẫn còn là một bí ẩn chưa thể khám phá.

Về sau này, bút pháp của Thanh Châu có điêu luyện hơn, nhưng cái hốn cốt trong sáng tác của ông vẫn chính là những yếu tố đã được hé lộ trong truyện ngắn Hoa Ti gôn.

Vườn Chanh là một tác phẩm sinh động với lối văn đẹp đẽ, với nghệ thuật khai thác những tình huống bất ngờ, đầy mĩ cảm của Thanh Châu. Câu chuyện xoay quanh ấn tượng về cuộc gặp giữa người sinh viên (xưng tôi) trong lần nghỉ hè về vườn chanh của một người chú họ hàng người con gái hàng xóm ở khu vườn bên cạnh. Câu chuyện qua đi, sau này khi người con trai tốt nghiệp trường thuốc, đi thăm khám cho một bệnh nhân và gặp lại người con gái năm xưa. Từ đây, qua lời trò chuyện của người thiếu phụ, chàng mới biết về bí mật được giấu kín suốt mấy năm trời. Thì ra, trước đây chàng tở tưởng đến người con gái nhà bên mà không nhìn rõ mặt, khi nhận được thư hẹn hò, người con gái ấy dù bị bệnh tật, không muốn xuất hiện trước người đàn ông đem lòng yêu mến mình, đã nhờ người em gái thay mình trò chuyện với chàng. Và điều đó, sau này được người em gái của nhân vật Thủy thú nhận: “Biết mình không còn sống được bao lâu, nhưng cũng không muốn bỏ phí một cuộc tình duyên đẹp đẽ mà có lẽ suốt đời chị tôi không bao giờ được hưởng. Nên chị tôi mới nghĩ ra cách đó: (…) để giữ cho cả ông và chị tôi một kỷ niệm không đến nhạt nhẽo trong vụ nghỉ hè. Đó là một “trò chơi” của một người tuyệt vọng, một người trọng bệnh”.

Cuối truyện là một cái kết bất ngờ thú vị. Với giọng điệu trữ tình, những tình cảm thơ mộng, việc mô tả thiên nhiên tuyệt đẹp, và sự khơi gợi những khát vọng tình yêu tinh khiết trong một cảnh đời tuyệt vọng của người con gái đã làm cho câu chuyện có phong vị riêng, quyến rũ và tạo ấn tượng sâu sắc.

Vẫn với bút pháp trữ tình, hướng vào nội cảm với  những biểu hiện vi diệu của tâm hồn, các tiểu thuyết Tà áo lụa, Bóng dáng xưa, Cùng một ánh trăng… đã đưa người đọc vào thế giới của kỷ niệm, của tình bạn, tình yêu, của những thử thách lặng thầm để giữ lấy những vẻ đẹp của tâm hồn trong cuộc sống nhiều éo le, biến động.

 ***

Thanh Châu không có những tác phẩm đồ sộ. Nhân vật, cốt truyện của ông cũng không thật sắc nét. Ấn tượng mà ông tạo ra trong văn phẩm của mình không phải là một cái gì mãnh liệt, dữ dội. Bù lại, ông có giọng văn đẹp đẽ, sang trọng. Có bút pháp trữ tình lãng mạn đầy tinh tế. Điểm độc đáo của Thanh Châu so với các nhà lãng mạn đương thời là ông không thoát ly hẳn cuộc đời, câu chuyện của ông là câu chuyện của lòng người, là những mộng mơ, những niềm khao khát, những dấu ấn kỷ niệm, những nỗi niềm thầm kín của con người.

Qua các tác phẩm của Thanh Châu ta thấy rõ ông có một hệ thống nhân vật của mình, đó là những thanh niên trí thức (đặc biệt là những họa sĩ, nhà thơ, những người con gái đẹp đầy thân ái và mơ mộng). Ông cũng có một quan điểm thẩm mĩ riêng. Người đọc thấy rõ nhà văn chủ trương gạn lọc từ cuộc đời để sáng tạo nên những câu chuyện sinh động với một lối văn trong trẻo, tinh khiết giàu dư vị. Thanh Châu cũng có bút pháp riêng giàu phong vị trữ tình, với giọng thủ thỉ, sâu lắng, lật lên những điều huyền bí của nội tâm con người.

Với những đặc điểm ấy, hẳn nhiên, Thanh Châu đã tạo nên một dấu ấn không trộn lẫn với một nhà văn nào khác. Sự độc đáo đó, tài hoa đó làm cho tác phẩm của ông có một đời sống riêng. Thanh Châu bằng những tác phẩm thành công của mình chắc chắn sẽ còn đồng hành với những thế hệ mai sau như một dấu ấn không dễ phai nhòa.

THIÊN SƠN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *