VHSG- Tôi biết nhà thơ, nhà văn, nhà biên kịch đạo diễn Văn Lê từ lâu trong một lần nghe anh cùng với nhà thơ Nguyễn Duy và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nói chuyện và đọc thơ tại Nhà văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh. Phải nói nói rằng qua cuộc gặp gỡ ấy, tôi mới thấy được cái tính hóm hỉnh, văn hóa và trí nhớ nhạy cảm của các nhà thơ mà tôi yêu quý. Riêng anh Văn Lê từ lần gặp ấy đến sau này thân quen khi tôi bước chân vào làng văn thành phố, tôi càng quý mến anh hơn.

Phải nói rằng Văn Lê là con người tài năng thứ thiệt của văn chương, một người anh dễ mến, dễ gần, môt người bạn tâm giao của văn chương chữ nghĩa đức độ. Gặp nhau anh hỏi thăm công việc viết lách, gia đình và sức khỏe. Có lần anh nói với tôi: “Chúng mình từng là người lính mà hình như chú cũng trải qua hai đời lính, viết gì cho người lính, viết gì cho những năm tháng đi qua chiến tranh, viết gì cho cuộc sống đời thường hôm nay được gì thì cứ viết chú ạ”. Những câu chuyện anh tâm sự, những đề tài anh viết lách, nghe anh trao đổi tôi mới ngộ ra rằng, anh là một kho tư liệu sống quý hiếm và sống động. Anh cũng là người vui vẻ đọc sách mà các bạn gửi tặng dù hay dở anh cũng đọc hết, khen chê rõ ràng và chọn cách khen chê mà các tác giả được anh nhận xét phải tâm đắc. Có lần tôi tặng anh tập thơ thứ hai của tôi, anh xem qua một hồi và nói: “Chú viết rất lính, rất quê, rất tính cách và hình như chú là người xứ Thanh”. Hôm ấy có mấy nhà thơ nhà văn, trong đó có nhà thơ, nhà lí luận phê bình nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nữa. Anh hỏi tôi: Chú vào hội chưa? Tôi trả lời anh: – Em chưa được anh ạ! Anh bảo: Vào hay không vào chả sao, miễn là được mấy anh em ở đây nhất trí cậu là nhà thơ rồi phải không ông Kha. Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nói rằng:- Được quá đi rồi, hôm qua tớ viết xong bài bình cho tập thơ Đối thoại với thời gian của Vũ Quỳnh đấy. Trong lúc trà dư tửu hậu mà được các bác bề trên cho mấy câu như vậy là thích lắm rồi.
Lần gặp gỡ năm 2013 anh tặng tôi tập thơ Vé trở về của anh với dòng chữ đề tặng: Thân tặng Vũ Quỳnh yêu quý – Sài Gòn ngày 21.8.2013 – Văn Lê. Anh nói với tôi: “Chú với tôi giống nhau chọn đề tài người lính và nông dân”. Khi đọc hết tập thơ tôi thấy anh là bậc trưởng lão của “văn đàn, còn mình như cậu choai choai mới lớn tập tễnh bước chân vào làng văn. Mấy năm nay thỉnh thoảng gặp anh. Anh ốm và gầy đi nhiều vì trải qua nhiều lúc bệnh hiểm nghèo. Nghe nói động mạch của người ta thì tắc nghẽn, chật hẹp phải nông ra, còn của anh thì rộng, không cẩn thận là không cầm được máu nếu như bất trắc và anh ra đi cũng từ con tim ngừng đập Nghe bạn bè anh em nói, cuộc đời anh Văn Lê có nhiều tâm trạng, trong suy tư của anh ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của một con người sâu sắc với văn chương. Đã có nhiều nhận định mang tính khái quát: Nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ chân chính giỏi giang thường là một nhà tâm lý tốt với bè bạn và với đời sống con người trong nhân vật của tác phẩm mình. Họ đánh giá và xây dựng nhân vật rất hay, xây dựng rút ra triết lý sống nhân văn, cho nhân vật tử tế. Họ tạo dựng lên nghệ thuật của cái đẹp, làm ra chân lí để đi đến trác tuyệt. Phê phán cái ác khéo léo buộc cái ác phải đầu hàng, nhất là chỉ dạy cách làm người, làm giàu cho người khác trên văn đàn. Hay như vậy đấy nhưng cũng còn nhiều văn nghệ sĩ tài giỏi mà không lãnh đạo, chỉ đạo được số phận của mình trở nên giàu có, hạnh phúc. Hình như vấn đề ấy nó truân chuyên và mênh mông quá đối những người có đức có tài. Hình như cuộc đời anh Văn Lê người có cả hàng chục tác phẩm văn học, điện ảnh, có nhiều giải thưởng cấp trung ương, có cả cánh diều vàng, diều bạc và nghệ sĩ ưu tú cũng nằm trong số ấy!

Hôm nay đọc lại bài Vé trở về của anh, bài thơ cũng là tên tập thơ của anh viết về đề tài người lính hi sinh trên chiến trường, viết về người quê khổ sở một đời mà gia tộc chỉ có hai người. Người sống đi tìm người hy sinh, vét trong tuối những đồng xu cuối cùng để mua cho anh mình tấm vé trở về để như người còn sống. Xót xa cho một hoàn cảnh bi thương:
Ngày anh lên đường bầu trời cong vênh
Mất sạch vết cả những vầng mây trắng
Gió lạc lối tràn qua đồng vắng, vấp vào vách đá
Bật lên tiếng kêu rên xiết vô tình
Anh hun hút lao vào chiến tranh
Bỏ gia tộc cho một người còn lại
Bỏ gia tộc cho một người em gái mỏng manh như món đồ dễ vỡ, co ro như bà lão ăn mày
……Và:
Những năm chiến tranh đất nước gieo neo
Giấy báo tử về làng như lá rụng!
Khủng khiếp nhất là làm người sống
Sáng mở mắt ra là nơm nớp trong lòng
Và rồi ngày anh trai hy sinh đến bến nước cũng bơ vơ, cô em chẳng còn ai mà chờ đợi nữa. Sau nhiều năm đi tìm mộ anh trên bạt ngàn Trường sơn, đến tận Tây Ninh. Cô em gái còn may mắn tìm thấy mộ anh và bốc cốt mang về:
Đưa anh ra bến tàu.
Cô lặng lẽ nhìn chồng… lặng lẽ
Cô nhất quyết mua cho anh tấm vé
Cô muốn anh trai cô như người sống về làng
Hai con người chân đất lang thang
Rách rưới như kẻ ăn mày
Co ro như người khất nợ
Hai con người đổi hết tiền mình có
Lấy tiền xu để thêm vé trở về
Con tàu lăn dài qua những vùng quê
Chỉ có người lính đi qua chiến tranh như anh mới lột tả hết được những mất mát đau thương của người lính, của hậu phương người lính một thời khốn khó. Chì có ngòi bút, con người Văn Lê mới khắc họa được những mảng xám tối ấy rõ nét như vậy. Con người và cuộc đời nghĩa tình của Lê Chí Thụy hiểu hết sự hy sinh nên đã lấy tên đồng đội mình Văn Lê trước lúc hy sinh vẫn còn ấp ủ, mong muốn mình trở thành nhà thơ. Và đồng đội còn sống Lê Chí Thụy đã lấy bút danh Văn Lê để đồng đội mình trở thành nhà thơ như ước nguyện. Như vậy cả cuộc đời Lê Chí Thụy tuy là nhà văn, nhà thơ… nhưng không ai biết tác phẩm của anh, chỉ có hồ sơ lịch sử Lê Chí Thụy mới rõ. Riêng người đời chỉ biết nhà thơ – nhà văn – nhà biên kịch – đạo diễn – Nghệ sĩ ưu tú Văn Lê. Văn Lê hai lần đi vào quân ngũ. Một Văn Lê cầm súng và cầm bút luôn hướng tới chân thiện mỹ nhân văn, cảm thông sâu sắc trước nỗi đau mất mát hy sinh nghèo khó của đất nước con người thời xa xăm ấy.
Văn Lê một con người của thơ, người của văn chương bi tráng sống động và hiện thực, con người của nền điện ảnh nước nhà với Long Thành cầm giả ca. Văn Lê là người của những tác phẩm đạt giải cao trong làng văn học và điện ảnh có giá trị uyên nguyên. Văn Lê cuộc đời và số phận có lúc nghiệt ngã và long đong. Bây giờ anh đã đi về phía bên kia mặt trời, đi về miền xa thẳm nhưng những tác phẩm thơ – văn và điện ảnh cùng với tên tuổi Văn Lê còn giá trị uyên nguyên muôn đời sau.
TP Hồ Chí Minh ngày 20.9.2020
NGUYỄN VŨ QUỲNH