Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của Nỗi buồn chiến tranh. Dẫu không được đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông như một văn bản chiến tranh chính thống, tác phẩm đầu tay của Bảo Ninh vẫn được coi như khuôn vàng thước ngọc của dòng tiểu thuyết phản chiến và sang chấn với lối viết dòng ý thức mới mẻ. Quan trọng hơn, với việc bản dịch tiếng Anh The Sorrow of War ra mắt rất sớm vào năm 1993, trong khi văn bản gốc ra đời năm 1990 và sau đó bị cấm in trong nhiều năm liền[1], Nỗi buồn chiến tranh vẫn luôn được biết đến như một đại diện tiêu biểu và tài năng của văn chương Việt Nam.
Thật vậy, một năm sau khi dịch giả Frank Palmos giới thiệu The Sorrow of War, tác phẩm đã nhận giải thưởng Tác phẩm Nước ngoài Xuất sắc Nhất (Best Foreign Book) năm 1994 do tạp chí The Independent của Anh bình chọn. Năm 2010, Hiệp hội Tác giả Anh (Society of Authors) đưa bản dịch của Frank Palmos vào danh sách 50 Tác phẩm Dịch Xuất sắc Nhất thế kỷ 20. Trong bài bình luận đăng trên tạp chí World Literature Today số mùa thu năm 1995, Đình-Hoà Nguyễn nhận xét The Sorrow of War mặc dù có vài lỗi dịch thuật nhỏ, chủ yếu liên quan đến tên riêng, sẽ trường tồn như một phiên bản Á Đông của Phía Tây không có gì lạ – một kinh điển về phản chiến của cây viết người Đức Erich Maria Remarque[2].

“Vài lỗi dịch thuật nhỏ” là một quan sát đáng chú ý. Trước đó, cũng trong bài bình luận của mình, Đình-Hoà Nguyễn chỉ ra rằng dịch giả và biên tập của bản dịch tiếng Anh, trái với bản dịch tiếng Pháp, đã tự ý chỉnh sửa ở một mức độ nhất định trong nỗ lực đưa đến một “câu chuyện đọc được một cách cuốn hút” (nguyên văn: “captivatingly readable story”) với cái giá là không theo sát nguyên tác[3]. Sở dĩ người viết trích dẫn nguyên văn lời nhận xét của Đình-Hoà Nguyễn dẫu lời văn có đôi chút cồng kềnh là bởi tính từ “đọc được” ám chỉ rằng ở một công đoạn nào đó trong quá trình dịch tác phẩm từ tiếng Việt sang tiếng Anh, cả dịch giả lẫn biên tập viên đã viết lại câu chuyện theo cách không bám sát nguyên tác, và đây là một can thiệp cần thiết để bản dịch đưa đến tay độc giả là một phiên bản đủ mượt mà để đọc và đủ cuốn hút để gây tiếng vang.
Ám chỉ của Đình-Hoà Nguyễn không phải không có cơ sở: ngược lại thời gian để tìm hiểu về lịch sử dịch thuật tiếng Anh của Nỗi buồn chiến tranh, ta sẽ thấy rằng Võ Băng Thanh, Phan Thanh Hảo và Katerina Pierce mới là dịch giả đầu tiên của cuốn sách. Bản thảo được tuồn sang Anh và đến tay Geoffrey Mulligan, biên tập khi đó của nhà xuất bản Martin Secker & Warburg tại London. Nhận định rằng đây là một cuốn sách tiềm năng nhưng tiếng Anh trong bản dịch của nhóm này quá lủng củng và khó hiểu, Mulligan đã liên hệ với phóng viên chiến trường người Úc Frank Palmos, người đã có kinh nghiệm đưa tin từ chiến trường miền Nam, để viết lại cuốn sách dựa trên bản dịch thô[4]. Có hai điểm thú vị của người viết lại này: (i) là chuyên gia có thể dịch song song tiếng Malaysia và Indonesia, (ii) bập bõm một vài từ tiếng Việt. Sau sáu chuyến đi đến Việt Nam và vài cuộc gặp trao đổi với Phan Thanh Hảo và Bảo Ninh, Palmos dành 15 tiếng mỗi ngày viết lại The Sorrow of War tại nhà riêng trong khoảng năm tháng với 88 bản nháp trước khi công bố tác phẩm vào năm 1993[5]. Cách làm việc của ông như sau:
Ông bắt đầu với bản dịch của bà Hảo nhưng nhanh chóng từ bỏ. Ông cũng cố gắng quên đi thứ tiếng Việt “bồi” ông đã biết. “Tôi đọc từng từ một của cuốn sách, nhờ sự giúp đỡ của người Việt trong gần như mọi cụm từ quan trọng. Thường tôi nhờ tới bốn người dịch một đoạn cho mình. Tôi viết ‘đúng,’ sau đó trở lại và đưa thêm vào không khí. Sau này tôi đưa thêm chút hài hước nữa.”[6]
Cho tới nay, tên Phan Thanh Hảo vẫn được in trên bìa sách với tư cách dịch giả chính và Frank Palmos với tư cách biên tập, và bản tiếng Anh vẫn được giới thiệu là bản viết lại của Palmos thay vì bản dịch bám sát nguyên tác.

Câu hỏi đặt ra ở đây là Palmos đã chỉnh sửa bao nhiêu so với văn bản gốc, có thật là những lỗi dịch thuật chỉ giới hạn ở tên riêng hay không, và ông đã thêm nếm vào tí hài hước là thêm nếm kiểu gì. Đành rằng việc biên tập lại bản dịch thô của Phan Thanh Hảo là cần thiết để đưa đến độc giả Tây phương một cuốn sách đọc được và đủ hấp dẫn, nhưng thêm mắm dặm muối để bóp méo nội dung tác phẩm ban đầu lại là một câu chuyện khác. Còn nhớ khi Người ăn chay của Han Kang đạt giải Man Booker Quốc Tế năm 2016 nhờ bản dịch tiếng Anh, Deborah Smith đã bị độc giả Hàn Quốc lên án phần ít vì một số lỗi dịch thuật, nhưng phần nhiều vì màu mè hoá và kịch tính hoá lời kể của Han Kang, người nổi tiếng với giọng văn nước lã tỉnh rụi và hầu như không cảm xúc. Trong tiểu luận đăng trên Los Angeles Review of Books, Smith tự bào chữa cho mình rằng dịch thuật là một quá trình sáng tạo, và rằng mục đích tối thượng của cô là truyền tải tinh thần của tác phẩm, vậy nên mọi thay đổi so với nguyên tác đều phục vụ mục đích này[7].
Trường hợp của Palmos với Nỗi buồn chiến tranh thoạt nhìn có vẻ khá tương đồng với Deborah Smith, nhưng nếu đọc kỹ hơn cả hai phiên bản Anh và Việt ta sẽ thấy sai lệch của Palmos không đơn giản chỉ là kịch tính hoá giọng văn Bảo Ninh. Trong một hội nghị về dịch thuật được tổ chức vào tháng 11 năm 2010, Palmos phát biểu: “Tôi viết lại Nỗi buồn chiến tranh bằng tiếng Anh theo trường phái dịch thuật FitzGerald, với mục đích sử dụng ngôn ngữ thứ hai để lột tả giọng điệu và cảm quan hàm ý trong ngôn ngữ gốc… Trong một vài đoạn ngắn, nhạy cảm văn hoá giới hạn Bảo Ninh trong việc miêu tả các sự kiện cá nhân, vậy nên tôi phải Tây hoá để phục vụ cộng đồng độc giả quốc tế lớn hơn.”[8] Vậy Palmos đã “Tây hoá” (Westernize) Nỗi buồn chiến tranh như thế nào?
HÀ TRANG
Nguồn: Follow Zzz Review
(Còn tiếp)
______________
– Tác giả Hà Trang Tốt nghiệp chuyên ngành Văn học và ngôn ngữ Trung tại Washington and Lee University, Virginia, Mỹ, Hà Trang hiện là đồng sáng lập và biên tập viên của Trạm Radio, một dự án phát thanh xoay quanh văn học tại Việt Nam.
– Bảo Ninh. Nỗi buồn chiến tranh. NXB Trẻ, 2011.
– Palmos, Frank, Dịch giả. The Sorrow of War. Tác giả Bảo Ninh, Pantheon Books, 1993.
_________________________
[1] Đến tận 2003, Nỗi buồn chiến tranh mới được xuất bản trở lại. Xem thêm, Đoàn Ánh Dương, Lê Nguyên Long, “Tiếp nhận Nỗi buồn chiến tranh”, Nghiên cứu Văn học số 12, 2017, tr. 91-103.
[2] Nguyễn, Đình-Hoà. World Literature Today, tập 69, số 4, 1995, tr. 880–881. JSTOR,
www.jstor.org/stable/40151830. Truy cập 07 tháng Sáu 2021.
[3] Sđd, tr. 880.
[4] “Translating The Sorrow of War,” Frank Palmos trả lời phỏng vấn Phillip Adams trên Late Night Live, 17 tháng Ba 2010.
[5] Guttridge, Peter. “The Independent Foreign Fiction Award: Hanoi, on a penny an hour: Peter Guttridge asks Frank Palmos about Bao Ninh.” Independent 13 tháng Năm 1994. Truy cập 07 tháng Sáu 2021.
[6] “Hanoi, on a penny an hour,” đã dẫn.
Song khi trả lời phỏng vấn Phillip Adams trên Late Night Live, 17 tháng Ba 2010 thì Palmos lại bảo rằng chỉ có 2 người dịch hỗ trợ mình. “Translating The Sorrow of War,” đã dẫn.
[7] Smith, Deborah. “What We Talk About When We Talk About Translation”. Los Angeles Review of Books 11 tháng Một 2008. Truy cập 01 tháng Sáu 2021.
[8] Arnall, Annamaria và Uldis Ozolins, biên tập. “Synergise!” Biennial National Conference of the Australian Institue of Interpreters and Translators, tháng Mười một 2010, Cambridge Scholars Publishing, 2011, tr. 38.