Tản văn Hà Kim Quy: Chiếc roi mây của nội

Năm 1980, ba mẹ tôi dỡ bỏ căn nhà cũ của ông bà nội đi phần vì nó quá cũ và phần vì xây ngôi nhà mới cho khang trang, sạch đẹp hơn. Việc đầu tiên trước khi dỡ nhà là ba tôi thắp hương khấn vái tổ tiên rồi lấy cái roi mây giắt ở dưới mái hiên nâng niu, ngắm nghía và cất đi cẩn thận như báu vật. Nhìn ba làm những việc đó một cách thành kính, tôi hiểu rằng ba đang rất nhớ ông cùng với những kỷ niệm về ngôi nhà gắn bó với tuổi thơ ba một thuở.

Nhà giáo Hà Kim Quy

Đó là ngôi nhà tre lợp mái tranh. Ngôi nhà có những tấm vách được trát bằng bùn trộn lẫn rơm rạ. Trải qua bao nắng, mưa, có lúc nó phập phồng trong gió bão, tưởng chừng như nó chẳng thể trụ nổi nhưng không, nó vẫn bền bỉ tọa lạc nơi vùng đất cao ráo giữa làng. Ngôi nhà tuy bằng đất vách nhưng sạch sẽ, sáng sủa. Mái tranh được ông nội cắt tỉa bằng bặn, đẹp mắt. Chính giữa mái hiên, lúc nào tôi cũng thấy một cái roi mây giắt ở đó. Cái roi mây uy quyền được truyền từ đời này qua đời khác, như là một vật gia bảo của gia đình.

Cây mây có cái vỏ ngoài đầy gai góc với những tay dài, có thể làm rách da bất cứ ai động vào nó. Nhiều khi trẻ con mắt hau háu nhìn quả mây đang chín dần trong bụi mây mà đành chịu. Đôi lần, lũ trẻ chúng tôi cũng cố len vặt quả, xước xát hết cả tay, cả mặt mà hái được mấy quả mây xanh lè chia nhau. Quả mây nhỏ xíu, tròn trĩnh bằng trái mùng tơi nhưng vỏ cứng, ram ráp như da rắn, màu xanh ngọc. Bỏ vào miệng, vị chát xít đưa ngay lên đầu lưỡi. Nhưng đứa trẻ nào cũng thích vì thịt của quả giòn sần sật, nhấm nháp lâu thành ra ngon, ngọt. Mà ngày xưa, đối với bọn trẻ những năm nghèo đói thì cái gì bỏ vào miệng được chả ngon! Cái cây gai góc từ thân đến lá ấy lại rất hữu ích cho con người. Ông tôi chặt nó, khéo léo róc hết lớp vỏ ngoài, ồ lạ chưa, ruột nó lộ ra nuột nà, ngà ngọc và mềm dẻo. Ruột mây ngoài việc dùng để nức thúng mủng, nong, nia, dần, sàng cho các gia đình nhà nông, nó còn rất ưa làm các đồ thủ công mỹ nghệ như ghế mây, làn mây, gối mây… Ông lựa một ruột mây dài, quấn quanh phía tay cầm làm thành cái chuôi rất đẹp. Buộc chặt nó xong, ông giắt lên mái nhà. Ngắm cái roi mà tôi thầm nghĩ: cái làm đau con người cũng phải đẹp đến thế  ư?

Roi mây bé, nhẵn bóng, mềm dẻo, lâu ngày nó còn vàng ruộm lên như quết một lớp nhựa thông óng ánh. Nhưng nếu ai bị vụt thì chỉ có quắn đít lên mà khóc, mà nhớ vì đau. Đâu cứ phải roi to, cứng mới đau! Trẻ con hàng xóm cứ nghe tên ông tôi là đã thấy sợ dù tôi chưa thấy ông đánh đứa trẻ nào. Trẻ con trong nhà không có đứa nào dám văng tục, chửi bậy. Tất cả mọi người đều xưng hô anh, em đúng mực. Trẻ con hàng xóm hình như cũng ngoan hơn. Có lẽ bọn trẻ sợ tiếng nói trầm,  vang với dáng vóc cao to, cái trán vuông, gương mặt quắc thước, nghiêm nghị của ông là chính.

Ông nội tôi trước đây làm thợ may nổi tiếng ở phố Cổng Hậu, thành phố Nam Định. Nhà ông lúc nào cũng có bảy, tám các chú, các bác trong, ngoài họ ở đó trọ học. Các chú, bác tôi đều được mọi người gửi gắm cho ông tôi nuôi dạy. Chú tôi kể: hàng ngày, đi học về, cũng là lúc ông tôi nghỉ may vá. Tất cả mọi người xếp hàng và thưa với ông về chuyện ở trường trong buổi học hôm  đấy. Ai láo hỗn, đánh nhau hoặc điểm kém đứng sang một hàng riêng để xử phạt. Những chú, bác có lỗi rất sợ. Ông tôi cầm cái roi mây, không đánh, chỉ hỏi tội từng người kỹ càng rồi cho tự nhận số roi. Ông rất ít đánh, chỉ những ai liên tục mắc lỗi nặng mới bị ông đánh mà chỉ đánh đúng một roi đau chết lặng, còn thì cho nợ. Đêm đó, bà nội tôi thường giấu diếm giúi cho người bị ăn đòn lọ thuốc xoa vết roi mây lằn lên như con lươn nổi ở mông. Chính vì vậy mà mọi người đều chăm học và sau này đa số các chú, các bác đều ở trong quân đội hoặc làm nghề  dạy học. Năm chú ruột tôi thi lấy bằng cao đẳng tiểu học còn gọi là bằng Thành Chung, nghe tin bị trượt, chú sợ ông, không dám về. Cả nhà lo lắng, ông lẳng lặng khăn đóng, áo dài, đội ô ra đi. Bà tôi với mọi người đều đi tìm nhưng không biết chú ở đâu. Chiều tối thấy ông với chú về, mặt chú tươi tỉnh, mọi người ngạc nhiên. Thì ra chú nghe nhầm người cùng tên trượt nên không dám về. Ông đến trường tìm hiểu rồi đến đúng chỗ chú trốn đưa chú đi ăn phở xong hai bố con mới đi bộ về. Mọi người thở phào nhẹ nhõm.

Khi mắt ông đã kém không còn hợp với nghề may. Các chú, các bác đều đi làm, đi bộ đội nên ông quyết định trở về quê. Ông bỏ kim chỉ làm bạn với mây, tre.  Tre thì chả phải kiếm đâu, nó ken dầy thành lũy trước ngõ. Mây mọc đầy trong vườn Thưởng, ống dang được bà mua ở chợ Huyện về . Rổ, rá, nong, nia, thúng mủng ông đan rất đẹp. Bàn tay khéo léo của ông đan nống mốt, nống hai thành các vật dụng  xinh xắn thân thuộc.  Ông vẽ những hình tròn  lên nền nhà bằng đất nhẵn thín để làm cỡ cho rổ, rá. Đan xong, ông gác chúng lên gác bếp rồi cạp dần. Cạp thành vật dụng hoàn chỉnh ông lại gác lên đó để khói bếp bay lên hong khô, phủ màu vàng óng cho đống đồ nan bền hơn, đỡ bị mối mọt. Những chiếc rổ, rá mỗi khi lấy xuống đem bán phải rũ lũ bồ hóng lưu trú bám đen kịt, bụi mù. Mặt mũi, chân tay ông lúc đó nhem nhuốc như vừa chui từ lò than lên. Những đồ vật được xâu lại, buộc với nhau bằng lạt tre treo toòng teeng trên hai đầu đòn gánh để bà mang bán mỗi phiên chợ Huyện. Như những đứa trẻ khác trong làng, tôi háo hức mong quà mỗi khi bà đi chợ về. Quà là chiếc bánh đa mặt cong, vênh, giòn rụm ngầy ngậy vừng thơm, có khi là chiếc bánh nếp gói bằng lá chuối thử thách sự kiên nhẫn của những đứa trẻ, bóc mãi mới được ăn vì phải tước nhỏ lá không nó dính…Quà phần cho ông là một cút rượu nhỏ, ngon, nút lá chuối để ở góc thúng dậy mùi hương nếp cái.

Ngoài lúc đan lát, ông hay ra ngồi dưới tán nhãn, cạnh cây cau quanh năm trổ hoa thơm ngát, bàn tay ông gầy guộc vê vuốt những sợi tóc ít ỏi trắng như cước trên đỉnh đầu mà nhìn ra xa xăm. Tôi còn bé, đâu đủ hiểu, đó là lúc người già đã ở tuổi gần đất xa trời, chỉ còn cái đích duy nhất để nghĩ đến.

Là đứa bé nhất nhà, tôi có nhiều thời gian được ở bên ông. Ông ngâm nga lẩy Kiều mỗi khi hứng chí, ông kể chuyện cho tôi nghe, dạy tôi cách câu từng loại cá, dạy tôi học cách kiên nhẫn, quan sát khi câu… Bà tôi hiền lành như hạt gạo, lúc nào cũng vui vẻ, tươi cười, bận bịu chăm chút cho gia đình. Chưa bao giờ tôi thấy ông bà to tiếng với nhau. Đêm đêm, nằm cạnh bà, tôi sung sướng chìm trong giấc ngủ khi bà còn đang gãi lưng cho tôi và rì rầm nói chuyện với ông từ giường bên về những chuyện xưa như trái đất từ thuở nảo thuở nào.

Ông nhẹ nhàng dạy chúng tôi từ cách đưa chổi quét nhà để sạch mà ít bụi, cách nhai cơm từ tốn, cách để đũa, để thìa trên mâm cơm gọn gàng, cách phơi quần áo sạch sẽ, kín đáo .. Những thứ đó chẳng bao giờ chúng tôi có thể quên.  Ông đã cưỡi hạc về trời, chỉ còn chiếc roi mây ở lại. Mỗi lần nhìn thấy nó, tôi như thấy ánh mắt ông nghiêm khắc mà hiền từ răn dạy con cháu với tình yêu thương vô hạn. Với nhiều người thì cách dạy của ông có phần hà khắc, mang lễ giáo phong kiến, nhưng với chúng tôi, đó là những điều quý báu, những may mắn mà không phải ai cũng có được, nó theo chúng tôi, hình thành nếp sống, nếp nghĩ cẩn thận, chỉn chu cho chúng tôi sau này.

Thời buổi này, ít người động đến roi vọt. Quan niệm “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” ngày xưa đã không còn phù hợp. Người ta gọi đánh trẻ là bạo hành. Nói vậy cũng phải thôi, đánh theo kiểu vớ gì vụt nấy, vụt tới tấp chảy cả máu đầu hay tát cho chảy máu mũi, đánh để xả cơn bực tức trong người chứ đâu phải để dạy bảo. Tôi không cổ súy cho cách dạy trẻ bằng roi vọt nhưng cách răn dạy của ông nội tôi với chiếc roi mây ngày xưa, ông đã giúp cho chúng tôi biết cư xử, biết điểm dừng trước những sai trái để lớn lên thành người.

Cổ nhân có câu: “Nước có phép nước, gia có gia quy”. Gia quy của gia đình cũng như pháp chế của một quốc gia, nó đóng một vai trò quan trọng trong mỗi gia đình. Gia đình có bền vững thì xã hội mới phát triển tốt đẹp. Nhiều nơi bây giờ người ta bán roi mây, ắt hẳn có người mua nên mới có người bán. Nhiều ông bố, bà mẹ mua roi mây về không phải để đánh trẻ mà chỉ để đe cho trẻ biết sợ

Bây giờ, chẳng còn mái gianh mà giắt, chiếc roi mây được treo chơ chỏng lên cái đinh ở đầu hồi phía đông trong nhà. Đã từ lâu lắm rồi, roi đâu có làm đau ai, nhưng nó vẫn tồn tại ở đó để răn đe, để nhắc nhở con cháu trong nhà phải sống có đạo lý, nếu không, những sai lầm sẽ bị trả giá bằng những thứ roi đời vô hình còn đau gấp ngàn vạn lần. Mỗi bận về, tôi đứng lặng hồi lâu nhìn chiếc roi mây hiền lành ngủ quên trên tường như một dấu hỏi giữa cuộc đời. Tôi nhớ Nội!

HÀ KIM QUY

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *