Thơ 1-2-3 đa sắc, đa thanh, mang đậm hồn cốt Việt

VHSG- Tôi là người không giỏi viết lách. Làm thơ viết văn hình như chỉ là việc lựa chọn ngôn từ ghép lại để tự kiểm tra xem mình có thể sử dụng được bao nhiêu từ ngữ Tiếng Việt mà thôi. Tình cờ bắt gặp trang Văn Học Sài Gòn, tôi đến với thơ 1-2-3 bắt đầu bằng sự tò mò về một thể thơ lạ và tên gọi của nó. Đọc những bài thơ của người khởi xướng viết trên đất Nga, tôi cố gắng hiểu và cảm nhận ý tứ trong đó. Rồi viết thử. Và được chấp nhận. Có tặng thưởng tháng 5.2020!

Nhà giáo – nhà thơ Trần Thị Hồng Anh

Trong thời gian bốn tháng, dưới sự động viên của nhà thơ Phan Hoàng và Ban biên tập trang Văn Học Sài Gòn, tôi gửi đến 5 chùm thơ và đều được đưa lên trang. Các bạn viết và đồng nghiệp nhiều người gửi đến tôi câu hỏi: làm sao để hiểu được thơ 1-2-3? Nó không giống như các thể loại thơ thông thường khác, khó cảm quá?

Thơ 1-2-3 là lối thơ ngắn gọn, chỉ có 6 câu thơ kể cả nhan đề, chia làm ba khổ thơ. Trong đó nhan đề bài thơ là khổ một gồm một câu thơ, khổ hai có hai câu, khổ ba có ba câu, số chữ trong mỗi câu tối đa từ 11 đến 13 chữ. Thoạt tiên khi đọc câu thơ, tôi có cảm giác bị thừa ra một vài từ, có vẻ như diễn giải rườm rà, nhưng đặt vào tổng thể toàn bài thơ thì cảm giác đó không còn nữa. Những từ ngữ ấy góp phần giúp người đọc nhận ra tứ thơ và ý nghĩa của bài thơ trong sự ngắn gọn mà chặt chẽ của nó.

Mặc dù có một số quy định nhưng cơ bản thể thơ 1-2-3 không bị ràng buộc bởi các phép tắc tu từ, hài thanh, ngắt nhịp hay hiệp vần chặt chẽ như các thể thơ truyền thống. Điều này khiến cho người viết thoải mái hơn trong việc sử dụng ngôn từ và cách trình bày ý tưởng. Do đó, thơ 1-2-3 chứa mọi đề tài, mọi giọng điệu và tất cả các khả năng thể hiện. Thể thơ này từ bản thân nó cũng đa âm, đa sắc và mang đặc trưng vùng miền thơ trước đó.

Nghe tiếng chuông chùa ở nơi xa

 

Chờ hết mùa thu anh mới về nhà

Cây xoan rụng lá cây đào đơm nụ nở hoa

 

Anh chờ giông bão đi qua con chim bay về trú ngụ

Chờ nghe chuông chiều nhắc nhủ

Anh lặng lẽ về trong tiếng mẹ ru

(Phan Thảo Hạnh)

 

Sao phải sống bằng cuộc đời người khác

 

Con ong sống đời ong đam mê hút tìm mật

mối sống đời mối chăm chỉ đắp lâu dài

 

Nhiều con người sống bằng cuộc đời người khác

bỏ bản thể, tâm hồn, … cầu cạnh lợi danh

đánh đổi mình mà không giá trị như loài ong loài mối

(Lưu Minh Hải)

Đọc thơ 1-2-3, người đọc phải có vốn văn hóa và những trải nghiệm nhất định. Cũng như thơ truyền thống, đề tài của thể thơ này tự do, thể hiện cảm xúc, tâm trạng của người viết. Nhưng do tính độc lập của từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài nên các hình ảnh được nói tới có vẻ như rời rạc, không có mối liên hệ rõ ràng. Điểm kết nối của bài thơ là cảm xúc, mối tương quan của câu 1 với câu 6 và sự trải nghiệm của người đọc.

Đột biến những giấc mơ

 

Thơm nức mùi tiền

Loài lan rừng nhỏ lệ

 

Thú chơi kì hoa dị thảo

Phủ chúa Trịnh ngày nào

Cũng chỉ là giấc mộng phù hoa

(Đỗ Thu Hằng)

Từ cơn sốt về lan đột biến và tình trạng lừa đảo xuất hiện gần đây tại nước ta, nhà thơ Đỗ Thu Hằng đã liên hệ tới sự ăn chơi xa hoa trong phủ chúa Trịnh xưa với sự ham thích cái lạ kì của ngày nay để chỉ ra sự vô nghĩa của việc chạy theo “kì hoa dị thảo”. Nỗi xót xa, chua chát thấm qua từng câu chữ:

Những ngày mai còn buồn?

 

Bánh xe ngỗ nghịch thời gian

Âm thầm nghiền nát sự ngây thơ                                  

 

Vô hình và vô tình

Có điều gì làm ta ngạc nhiên không nhỉ?

Khi nỗi buồn cũng lén lưu manh

(Đỗ Thu Hằng)

Nỗi buồn trôi trong thời gian kéo dài từ quá khứ đến tương lai, xóa nhòa những vô tư của một thời thơ dại. Ở đây nhân vật trữ tình giật mình trước thời gian, nhanh và đầy bất ngờ. Cảm giác đọng lại là nỗi nuối tiếc khôn nguôi.

Bi ai thằng hề

 

Mang mặt nạ khóc cười

Mà lòng đang khóc không người vỗ tay

 

Lang bạt mưu sinh

Cánh màn đau khép lại ngày

Giang hồ tay nải đựng đầy bi ai

(Đinh Hạ)

Nỗi đau đớn, xót xa của một chú hề mua vui, mang lại tiếng cười cho người khác nhưng trong lòng đang đau nỗi đau của riêng mình. Bài thơ gợi lên cảnh lang bạt, không nhà, không cửa của một kiếp người. Khi cánh màn nhung khép lại, nỗi bi ai ngập tràn cả không gian và lòng người.

Nhìn lại thể thơ 1-2-3, cảm nhận đầu tiên vẫn là không có sự kết nối trong hình ảnh hay ở vần, nhịp thơ. Điều đó làm cho bài thơ không bị ràng buộc vào những khuôn phép vốn có của thơ truyền thống, cảm xúc trở nên tự do, trường liên tưởng rộng. Đặc điểm này khiến cho thơ 1-2-3 thường phù hợp kiểu tâm trạng phóng khoáng, ít bị ràng buộc bởi các quy tắc thông thường mà không mất đi tính lãng mạn và sự đa chiều cần thiết.

Thu đã về trên phố rồi em ơi!

 

Một mảnh sương vắt vẻo nơi ngõ nhỏ

 sáng chớm buồn như chất chứa những âu lo

 

  Sắc vàng phai huyền ảo đến vô cùng

  như nhắc nhở về một lời hẹn ước

  để thu về em hờ hững cùng thu

(Trần Thị Hồng Anh)

Cảm thức mùa thu ùa về vào một buổi sáng tinh sương. Nhưng chất chứa những âu lo mơ hồ. Rồi lại gợi nhắc về một lời hẹn ước xa xôi. Với tâm trạng rối bời như vậy nên nhân vật trữ tình hờ hững cùng mùa thu. Nhưng đọc kĩ, ta thấy ngược lại, có một nỗi niềm sâu kín với mùa thu, hình như là nuối tiếc, hình như là đợi chờ …

Thơ 1-2-3 ra đời khi một thời gian dài nền thơ Việt Nam không có sự xuất hiện thể loại thơ mới. Vẫn là những thể thơ truyền thống và sự cách tân, biến thể của nó. Có người cho rằng thể thơ mới được khởi xướng này là biến thể của thơ Haiku của Nhật Bản. Nhưng tôi biết có hai cuộc thi làm thơ Haiku và thơ Tanka cũng đang diễn ra tại nước ta, hà cớ gì người ta phải tạo ra một Haiku biến thể ở đây. Và hơn thế, thơ Haiku thấm đẫm chất Thiền, sự u hoài, vắng lặng… và mang đậm văn hóa Nhật. Còn thơ 1-2-3 đa sắc, đa thanh, đậm đà hơi thở cuộc sống, mang hồn cốt của người Việt cho dù viết về đề tài nào hay là do tác giả nào viết ra.

Trong sự vận động của thời đại, có rất nhiều người muốn được cất lến tiếng nói bản ngã của mình, mỗi người có một cách thể hiện riêng. Trong số đó không ít người muốn tìm cho mình một con đường mới, một sáng tạo riêng biệt. Nhưng ai dám bảo con đường đã chọn là con đường mãn nguyện nhất. Chỉ biết rằng có dịp và có cơ hội nói được những điều mình muốn nói, có được ai đó đồng điệu, chia sẻ là quý giá lắm rồi. Thơ 1-2-3 ít nhiều đã làm tôi hiểu hơn về bản thân mình và tự tin bộc lộ mình.

TRẦN THỊ HỒNG ANH (NGHỆ AN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *