Thơ 1-2-3 Lê Thanh Hùng: Có những câu hỏi cũng chính là câu trả lời

Chuyện cũ bao năm rơi rớt quanh đời// Em thấy gì trong bóng đêm mờ tỏ/ Hạnh phúc, khổ đau trong ký ức vẫn còn đâu đó// Dù tháng năm tuổi trẻ đã hao vơi/ Em ngồi đếm đong chuyện đời mình tỉ mẩn/ Có những câu hỏi cũng chính là câu trả lời…

Nhà thơ Lê Thanh Hùng

Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.

Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.

Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.

Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.

Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.

Không khuyến khích biến thể các loại thơ truyền thống: lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn… thành Thơ 1-2-3.

 

Chiều rung rinh, bãi lau trắng bời bời

 

Dòng sông chảy giữa đôi bờ sấp ngửa

Trôi đâu mất những lời đoan hứa

 

Trên quãng đường xa, em gánh cả lối về

Vin bóng nắng, đâu có nhiều chọn lựa

Trôi xuôi dòng, trong suốt nỗi đam mê…

 

Khi bươn trải trên đường, vấp ngã

 

Không có nghĩa là ta đã đi sai đường

Dù có những ẩn mờ dấu lạ

 

Có hay không một quá khứ quan phương?

Lồng lộng gió theo chiều đổi mới

Có người níu kéo vòng vo, cũng là lẽ hằng thường

Tranh của họa sĩ Nguyễn Anh Đào

Chuyện cũ bao năm rơi rớt quanh đời

 

Em thấy gì trong bóng đêm mờ tỏ

Hạnh phúc, khổ đau trong ký ức vẫn còn đâu đó

 

Dù tháng năm tuổi trẻ đã hao vơi

Em ngồi đếm đong chuyện đời mình tỉ mẩn

Có những câu hỏi cũng chính là câu trả lời…

 

Trời nín gió, không gian phẳng lặng

 

Nắng đổ ong ong miết mỏng một triền đồi

Nghe như có điều gì giữa hoang sơ trống vắng

 

Bóng ai bên đường, lặng lẽ đơn côi

Đồng rẫy cuối mùa khô cong lá cỏ

Tiếng mùa đi, vọng đổ liên hồi…

         

LÊ THANH HÙNG

(BẮC BÌNH – BÌNH THUẬN)

 

One thought on “Thơ 1-2-3 Lê Thanh Hùng: Có những câu hỏi cũng chính là câu trả lời

  1. Phương says:

    Góp ý & luận bàn cho chùm thơ 1-2-3 của tác giả Lê Thanh Hùng(Bắc Bình- Bình Thuận).
    *Bài 2: “Khi bươn trải trên đường, vấp ngã”(câu 1).
    Tôi xem & đọc bài thơ trên vài lần, nhưng không hiểu ý của câu thơ thứ 4:”Có hay không một quá khứ quan phương?”(câu 4-bài 2). Theo ý của anh Hùng: ngữ “quá khứ quan phương” là mang ý nghĩa gì? Hay đây là ngữ của dân địa phương ở quê của anh mới hiểu ý ngữ “quá khứ quan phương”. Tôi mong anh Hùng giải ý của câu này là gì? Nếu anh không giải thích ý thì tôi cũng đành chịu & không hiểu luôn(tôi cũng chưa nhắc đến sau câu 4 này còn có 1 dấu chấm hỏi[?] ).Và có lẽ, công chúng đọc câu thơ (4) này cũng không hiểu ý câu nói gì?
    *Câu (6): “Có người níu kéo vòng vo, cũng là lẽ hằng thường.”. Nếu anh Hùng đã dùng ngữ : lẽ hằng thường = lẽ cố định, lẽ không thay đổi = Vậy thì tôi nghĩ: đâu cần người níu kéo vòng vo cái lẽ này vì “nó” cố định mà! Suy ra, từ chổ anh Hùng dùng ngữ “lẽ hằng thường “(anh Hùng đã “cường điệu hóa” ngữ)làm cho câu thành “mâu thuẫn” giữa 2 vế trong 1 câu, xét về ý nghĩa :”Có người níu kéo vong vo,cũng là lẽ hằng thường.”(câu 6). Tôi có thể tạm thay từ “hằng”(của anh Hùng) bằng từ “bình”(tôi dùng) thì câu thơ sẽ là: “Có người níu kéo vòng vo, cũng là lẽ bình thường”(câu 6)=Câu & ý sẽ rõ nghĩa, hợp lý & tình hơn phải không anh Hùng?
    *Bài 4: “Trời nín gió, không gian phẳng lặng.”(câu 1).
    Tôi bỏ qua không đọc bài thơ số 1 & bài số 3.Tức là, tôi không có ý kiến gì với 2 bài trên. Nhưng đọc đến bài thơ số 4(như đã dẫn trên) thì tôi có vài ý góp:
    *Xuyên suốt bài thơ, anh Hùng đang gắn không gian & thời gian vào một khung cảnh vắng vẻ: trời nắng, nóng, khô, cỏ cây héo. v. v. Để rồi anh kết lại: “Tiếng mùa đi, vọng đổ liên hồi…(câu 6). Tôi đọc lui, đọc tới vài lần & thấy bài thơ còn “thiêu thiếu” cái gì thì phải! Và hình như anh Hùng còn muốn diễn đạt thêm ý thơ trong bài này, tức là anh còn triển khai ý, thêm ý. v. v. Riêng tôi, thì biết & hiểu:
    *Ý thơ của bài còn “dang dở” vì sau câu (6) này có 3 dấu chấm lửng[…].
    *Bài thơ còn “thiêu thiếu” cái gì? Tức là, bài thơ thiêng về tả cảnh & thiếu con người trong thơ. Tôi nghĩ điểm này anh Hùng cũng biết, nhưng anh không làm & nếu anh làm thì chỉ làm “thoáng qua” thôi! Tôi chú ý đến các câu 1,2,3:
    -tả cảnh: “Trời nín gió…
    … trống vắng.”
    Trong đoạn này, tôi đoán ý của anh Hùng là thích gây ngạc nhiên với đôc giả đọc thơ vì anh viết: “Nghe như có điều gì giữa hoang sơ trống vắng.”. Nếu vậy, thì anh Hùng phải làm liền để gây ngạc nhiên cho độc giả, ví dụ sẽ có cái gì “lạ” xảy ra chẳng hạn. Nhưng anh không làm để rồi anh ghi tiếp câu 4:”Bóng ai bên đường, lặng lẽ đơn côi”. Vậy là anh Hùng có làm chăng? Người đã xuất hiện vì có bóng. Nhưng xuất hiện chỉ thoáng qua, nhanh quá & người chưa định hình, sẽ làm gì? Đi đâu? Về đâu? Anh Hùng lại quay về để buông câu 5: “Đồng rẫy cuối mùa, khô cong lá cỏ.”=Tả cảnh rồi. Tiếp đến câu 6: “Tiếng mùa đi, vọng đổ liên hồi…” = Tả cảnh, nhưng chưa kết được ý bài thơ.
    Tóm lại, vài lời góp ý với thơ của anh Hùng. Mong anh thứ lỗi & mong BBT-BQT trang vanhocsaigon cảm thông. Tôi xin chào trân trọng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *