VHSG- Đêm là nỗi ám ảnh trong thơ Lê Tuyết Lan. Ở đó “Người qua đêm không có đèn đi tìm ánh đốm/ Ngược gió mưa đưa nhau một đoạn đường”, có khi “Những âm thanh vãng lai đã xếp mình vào góc xa/ Còn mình với tiếng lặng thinh – nặng nề”. Cụ thể hơn ở một khu nhà trọ bị cúp điện “Những buồn vui chưa về cuối/ Căn phòng ọp ẹp chưa bao giờ cần nghe tiếng nhau đến vậy”. Và đêm cũng “Là khi ta tự nghiệm được bóng mình/ Bàn tay biết chậm rãi hư vô” chênh chao nửa hư nửa thực với những “Con số nào để ghi nhớ nhau trong đời?/ Con số nào để bắt nhịp yêu thương đổi trao mặn chát/ Con số nào để từ biệt những lầm lỗi của nợ duyên” để từ bóng tối mà nhận diện ánh sáng chính mình. Lê Tuyết Lan là một trong những phát hiện ấn tượng của thơ 1-2-3, được VHSG trao tặng thưởng tháng 7.2020.

Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.
Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.
Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.
Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.
Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.
Hàng tháng, Ban biên tập VHSG sẽ chọn những Chùm thơ 1-2-3 hay để trao Tặng thưởng, ưu tiên khuyến khích những tác giả có nhiều chùm thơ được chọn đăng. Đồng thời, trên cơ sở toàn bộ thơ 1-2-3 đăng trên VHSG cả năm sẽ tuyển chọn mỗi tác giả 5 bài vào chung khảo để cuối năm bầu chọn ít nhất là 5 tác giả trao Giải thưởng “Thơ hay 1-2-3”, xuất bản sách. Hội đồng chung khảo gồm các cây bút có kinh nghiệm và uy tín.
Giá trị tặng thưởng và giải thưởng gồm tiền mặt và quà lưu niệm, được sự tài trợ của các đơn vị: Công ty TNHH Dược phẩm Phú Mỹ – PMPHARCO, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Thiên Bút, Công ty TNHH Luật Thành Văn, Báo Đất Việt, Tạp chí Môi Trường & Đô Thị Việt Nam.
Đến nay, VHSG đã nhận hơn 380 chùm thơ 1-2-3 của hơn 150 tác giả trong và ngoài nước gửi về, đăng tải gần 300 chùm thơ và đang tuyển chọn giới thiệu dần. Chúng tôi chân thành cảm ơn các nhà tài trợ cùng sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của bạn thơ, bạn đọc và mong tiếp tục đón nhận các chùm thơ mới trên tinh thần “Sáng tạo & Nhân văn”!
Những cánh đốm được sinh ra trong bóng tối
Lập lòe giấc mơ mịt lối
Đi về với những buổi nổi trôi tự soi sáng
Người qua đêm không có đèn đi tìm ánh đốm
Ngược gió mưa đưa nhau một đoạn đường
Mai kia trời trong người về với nắng vàng ươm
Giật mình giữa đêm khuya vì bóng tối, chơi vơi
Những âm thanh vãng lai đã xếp mình vào góc xa
Còn mình với tiếng lặng thinh – nặng nề
Quờ ngay tìm nguồn sáng như cái vùng vẫy tự nhiên
Một chút vừa lóe lên
Thì ra trong bóng tối mình cũng chật vật – riêng màu
Khu nhà trọ cúp điện, đen đúa bốn bề
Những căn phòng mở cửa giữa đêm
Những người ngồi huyên náo ngõ ngách của sâu thẳm
Những buồn vui chưa về cuối
Căn phòng ọp ẹp chưa bao giờ cần nghe tiếng nhau đến vậy
Một dãy trọ hắt hiu chìm vào mênh mông phố vắng
Con số nào để ghi nhớ nhau trong đời?
Con số nào để bắt nhịp yêu thương đổi trao mặn chát
Con số nào để từ biệt những lầm lỗi của nợ duyên
Ghi bao nhiêu cho vừa một lần tim run chưa trọn
Đắn đo sao đành lòng đã lầm lỡ nhịp cơ cầu đa đoan
Những vì sao ai đem gom bán cho Mặt Trời?
Khi im lặng để nghe nhiều mộng vỡ
Là khi ta tự nghiệm được bóng mình
Bàn tay biết chậm rãi hư vô
Hạt cát nằm nghe lại bến bờ
Con thuyền ru lại sóng khơi đã ngập bão bùng
Chiếc lá rơi sao cũng phải ung dung
LÊ TUYẾT LAN (TIỀN GIANG)
Bàn luận chùm thơ 1-2-3 của tác giả Lê Tuyết Lan(Tiền Giang).
Góp ý riêng cho bài thơ “Khi im lặng để nghe nhiều mộng vỡ”(câu 1-bài 5)
“Là khi ta tự nghiệm được bóng mình”(câu 2).Tôi không hiểu tại sao tác giả Lan lại viết & nêu ra câu trên.Tại sao?Tôi xin diễn giải như sau: “bóng” chỉ là ảnh của mình(bản thân mình),có mình lúc ánh sáng chiếu vào mình thì mới có bóng.Nếu mất bóng(không có bóng) thì còn lại mình(bản thân).Lẽ ra,tác giả Lan hiểu điều này,cớ sao lại viết “Là khi ta tự nghiệm được bóng mình”(câu 2)=Làm cho bài thơ nêu ý không liền mạch,không hợp lý=Bài thơ mở đầu câu 1 & 2 trở nên “vô cùng dở” đi.
Tôi xin phân tích vậy thôi.Những câu sau,tôi không bàn nữa.Tôi mong tác giả Lan & BBT-BTC thứ lỗi.Tôi xin chào trân trọng.
pnguyenminh37@gmail.com