VHSG- “Sóng sánh mùa xuân lá chồi thức dậy/ Câu quan họ giêng hai xuống bãi”. Ai từng yêu thơ của thi sĩ tiền bối Hoàng Cầm với những nét văn hóa độc đáo Kinh Bắc thì có thể tìm thấy ở hậu bối Nhất Mạt Hương nhưng với góc nhìn khác, giọng nói khác qua những bài thơ 1-2-3 duyên dáng da diết: “Người có về đi hội với em không?/ Để em chuẩn bị áo khăn ngày khai hội/ Để dõi mắt con đường xa vời vợi”…

Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.
Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.
Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.
Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.
Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.
Chúng tôi chân thành cảm ơn sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của bạn thơ, bạn đọc và các đơn vị tài trợ: Báo Đất Việt, Tạp chí Môi Trường & Đô Thị Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Thiên Bút, Công ty TNHH MTV TMDV Diệp Bảo An, Công ty TNHH TOVI, Công ty TNHH Pilot Design Bags, Công ty TNHH May mặc Lâm Mơ, Cơ sở May mặc Tôn Thẩm.
Kinh Bắc đằm như một nét mi ngoan
Sóng sánh mùa xuân lá chồi thức dậy
Câu quan họ giêng hai xuống bãi
Nước sông Cầu lúng liếng mắt ai
Lời giã bạn trôi về phía hẹn
Trọn một đời ai ngóng xa xôi.
Người có về đi hội với em không?
Để em chuẩn bị áo khăn ngày khai hội
Để dõi mắt con đường xa vời vợi
Tìm bóng dáng nào nhung nhớ thân quen.
Hội đã khai rồi, câu hát cất lên
Mà người ơi sao người chẳng thấy?
Cây gạo già bạn với ngôi đền
Mấy trăm năm bên nhau thầm lặng
Mấy trăm năm không câu hờn giận
Kệ hoa rơi đỏ lối
Kệ gió thổi mỗi chiều
An nhiên, tin cậy.
Tiêu Tương mơ hồ gió, mơ hồ mưa
Cạn dòng nước mắt
Tiếng sáo nghìn năm im bặt
Nỗi nhớ giờ đã hóa thành sương
Đọng lại mùi hương
Chua xót.
NHẤT MẠT HƯƠNG
(YÊN PHONG – BẮC NINH)