Thơ 1-2-3 Trần Nguyệt Ánh: Hạnh phúc cày xới dưới lớp ngôn từ!

Lời tỏ tình màu hoàng hôn// Chảy trên vai người đàn bà luống tuổi/ Những yêu thương râm ran chạy dọc tế bào// Nửa đời người chưa biết đến tình yêu/ Có thể một đời làm tình với chữ/ Hạnh phúc cày xới dưới lớp ngôn từ!

Nhà thơ Trần Nguyệt Ánh

Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.

Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.

Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.

Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.

Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.

Không khuyến khích biến thể các loại thơ truyền thống: lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn… thành Thơ 1-2-3.

 

Trên mộ những người đàn bà ngày 8 tháng Ba

 

Họ bày cuộc toạ đàm

Về cách biệt âm dương

 

Về những người đàn ông của đời mình vẫn sống

Một số linh hồn ôm mặt khóc

Khi thấy linh hồn kia tay ôm hoa hạnh phúc rạng ngời!

 

Lời tỏ tình màu hoàng hôn

 

Chảy trên vai người đàn bà luống tuổi

Những yêu thương râm ran chạy dọc tế bào

 

Nửa đời người chưa biết đến tình yêu

Có thể một đời làm tình với chữ

Hạnh phúc cày xới dưới lớp ngôn từ!

Tranh của họa sĩ Lê Trần Thanh Thủy

Ý nghĩ chúng mình hôm nay dị bản

 

Em gặp đợt sóng tư duy trên một hành trình

Điểm khởi đầu là nỗi nhớ

 

Thật vuông góc vừa vặn

Tình yêu mình đi qua những vòng tròn, tam giác

Điểm cuối cùng nơi ánh mắt xuyên thấu đời nhau!

 

Lịch sử hôm nay sẽ ghi lại những gì?

 

Trên hành trình sự thật

Chỉ có những Trái tim biết khóc

 

Giọt nước mắt hoà bình

Chảy dọc cỗ máy lưu trữ bộ nhớ loài người

Là đau mãi ngàn năm!

 

Gieo yêu thương trên cánh đồng nhân nghĩa

 

Gặt hái điều bao dung

Gieo niềm tin trên cánh đồng hi vọng

 

Cuộc sống cho ta những    mơ ước tươi hồng

Tình yêu cho đi mãi là gia tài còn mãi

Trọn kiếp người nụ hạnh phúc nở hoa!

 

TRẦN NGUYỆT ÁNH (ĐẮK LẮK)

 

One thought on “Thơ 1-2-3 Trần Nguyệt Ánh: Hạnh phúc cày xới dưới lớp ngôn từ!

  1. Phương says:

    Góp ý & luận bàn cho chùm thơ 1-2-3 của tác giả Trần Nguyệt Ánh(Đắk LắK).
    -Chỉ riêng bài (2) & (3):
    *Bài 2: “Lời tỏ tình màu hoàng hôn”(câu 1).
    Nếu là lời tỏ tình màu hoàng hôn thì tôi nghĩ đây là một lời “tỏ tình không hay” rồi có phải không chị Ánh?Vì sao chị Ánh không dùng một màu khác để biểu hiện “lời tỏ tình” & nó có thể “lạ” & “hay” trong ngôn từ,trong ý diễn đạt để biểu hiện cho “lời tỏ tình”.Ví dụ như: “Lời tỏ tình tím hoa sim”-“Lời tỏ tình sẩm màu nhớ”(xin lỗi chị Ánh nha!Tôi tạm thay như vậy có được không?).Vì theo tôi: màu hoàng hôn là màu của cảnh chiều tà,của ngày sắp tàn=Nó buồn lắm(cảnh buồn)!Nếu lời tỏ tình màu hoàng hôn thì chắc là buồn rồi!Không lẽ là chia tay để tình ta tan vỡ!Vậy thì buồn lắm nghe chị Ánh & chị làm thơ sao mà “buồn” vậy ta!!!???
    * “Tím hoa sim”(là ngữ của tôi tạm thay).Tất nhiên,chị Ánh cũng biết:màu tím là màu biểu hiện tình yêu,sự thủy chung & nếu lời tỏ tình mang màu này thì lời tỏ tình “đậm tình lắm” & “thủy chung lắm” phải không chị Ánh???Vậy,nếu chị Ánh dùng được từ mà tôi “tạm thay” thì ngôn từ -ý thơ trong câu (1) trên=Nó “lạ” & “hay” hơn,nó mang đến nhiều cung bậc cảm xúc đối với độc giả-công chúng đọc thơ nhiều hơn.Tức là,tôi muốn nhấn mạnh việc dùng từ-ngữ-ý trong thơ đạt hiệu quả hơn trong câu thơ.
    *Bài (3): “Ý nghĩ chúng mình hôm nay dị bản(câu 1).
    ……
    Điểm cuối cùng nơi ánh mắt xuyên thấu đời nhau!”(câu 6).
    *Tôi thấy,từ câu (1) đến câu (5) thì chị Ánh dùng từ-ngữ thật tự nhiên,đủ đầy ý trong thơ 1-2-3.Ở điểm này,chị Ánh nên phát huy.Nhưng,tôi đọc tiếp đến câu (6) thì tôi hơi bj khựng lại,tại sao chị Ánh lại viết câu (6): “Điểm cuối cùng nơi ánh mắt xuyên thấu đời nhau!”=Tôi không biết là chị Ánh nêu ý gì đây trong câu này?Từ “ánh mắt”(chị Ánh dùng)có thể xuyên thấu đời nhau không?Tại sao không là :”Điểm cuối cùng nơi hồn ta xuyên thấu đời nhau!”(từ “hồn ta”=Tôi tạm dùng=Ý nghĩa rõ ràng,từ dễ hiểu trong thơ để “kết” một bài thơ 1-2-3.
    -Kết luận:Tóm lại,tôi cũng mạn phép góp ý vài lời về 2 bài thơ 1-2-3 của chị Ánh.Mong chị thứ lỗi nghe!Vì tôi là một độc giả thích bình & đọc thơ 1-2-3.Kính mong BBT-BQT trang vanhocsaigon.com cảm thông.Tôi kính chào trân trọng quý Trang.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *