Đoạn đường dù ngắn lâu không đi lại// Những bước dài ngỡ đã đổi phương/ Trong sâu thẳm dậy cũ một mùi hương// Bao thổn thức ùa về như nắng/ Soi những vết trần giấc ngủ trăm năm/ Nhì nhằng xếch xéo hồi ức rũ xuống cơn mơ hồ mộng mị…

Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.
Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.
Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ.
Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.
Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.
Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.
Không khuyến khích biến thể các loại thơ truyền thống: lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn… thành Thơ 1-2-3.
Theo yêu cầu em anh vẽ
Ngôi nhà không có mái. Để dành mình ngắm sao
ô tô không có bánh. Trồng vào những luống rau
Sách không có chữ để anh viết thơ vào
cũng như em là bản thảo
không có trang cuối cùng.
Ai người thương, ai kẻ ghét
Khúc khuỷu ngày xa, hun hút thác ghềnh đêm
Ngoài kia trăng lên gió đến mây đi nắng về
Vô thường anh, vô thường em
Loay hoay một đời tìm kiếm an yên.

Đoạn đường dù ngắn lâu không đi lại
Những bước dài ngỡ đã đổi phương
Trong sâu thẳm dậy cũ một mùi hương
Bao thổn thức ùa về như nắng
Soi những vết trần giấc ngủ trăm năm
Nhì nhằng xếch xéo hồi ức rũ xuống cơn mơ hồ mộng mị…
Như ngọn gió hoang biết đâu dừng lại
Anh đừng mải miết những hành trình
Trở về đi đừng hẹn mốt mai
Đời dài lắm cũng trăm năm anh có biết
Rong ruổi nơi nào bặt tăm biệt tích
Em nghe hơi thở mình dài như ngọn gió hoang
Muốn là sợi mây mỏng
Bay về phía anh ngồi
Vân vê chuyện mùa cũ
Chớ mà không thể anh ơi
Mây làm sao xuống thấp để bên nhau quấn quýt
Anh có muốn cùng hoá mây bay?
TRẦN NHÃ MY (TÂY NINH)
(Trích từ tập thơ Hoa rong mùa bấc, NXB Hội Nhà văn 2023)