những dòng sông lượn mãi cũng ngay lòng/ về Năm Căn ăn cua gạch son/ lắc lư nhịp đờn cò say mút chỉ/ áo bà ba neo trong xuồng ba lá/ cứ chiều chiều tao tác mút mùa thương.

Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.
Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.
Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.
Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.
Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.
Không khuyến khích biến thể các loại thơ truyền thống: lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn… thành Thơ 1-2-3.
Ôi miệt đồng thương mút chỉ cà tha?
gió múa hú mù trời trưa tháng Tám
lùa bầy sao ra đồng đêm mùa hạn
giấu bên trời ánh mắt cũ kiêu sa
để gọi tên một chiều mưa hò hẹn
phố lụy đò mất ngủ bấy mùa hoa?
Dìa U Minh sao ngút ngát bông tràm?
gởi nhớ gởi thương vào hương chiều lộng gió
xắn tay áo bà ba vén thương đời chạm ngõ
huê lá miệt vườn đậu xuống bến bờ trăng
sao bậu biểu nghe tiếng sáo sậu xa gần
vặn vẹo bể dâu rồi biệt ngày biệt tháng?
Trái tim miệt đồng hun hút mấy triền ngoan
nhắc nhớ tháng Ba con còng cọc ra ràng
mẹ lặn lội vàm sông hái bần chua nấu mắm
đời người đời sông nhập vào ngày tháng
núm ruột nào ai còn nhớ cuốn nhao
ôi miệt đồng lau lách nhớ thương nhau?
Câu thơ miệt đồng vấy sình bùn châu thổ
bèo dạt phương trời heo hút mấy lần thương
về lại U Minh dặm lại chút má hường
nghe cúm núm bên trời tao tác gió
bậu có còn thương tiếng mùa đi biệt ngõ
mà cố nhân ơi sao nỡ dặn ở ngang trời.
Câu chữ xứ này thiệt thà như đếm
những dòng sông lượn mãi cũng ngay lòng
về Năm Căn ăn cua gạch son
lắc lư nhịp đờn cò say mút chỉ
áo bà ba neo trong xuồng ba lá
cứ chiều chiều tao tác mút mùa thương.
Uống sữa từ những dòng sông nhiệt đới gió mùa
sen tươm mật phù sa dưới nắng gió đồng bằng
lên men trên môi thơm thiếu nữ
quấn quýt điệu hò lời ru mấy nhịp cầu dừa
tiếng đời cò phiêu linh dâu bể
thương nhớ miệt đồng hoa nắng cứ hanh hao?
3.2022
TRẦN THANH DŨNG
Góp ý & luận bàn chùm thơ 1-2-3 của tác giả Trần Thanh Dũng(Sóc Trăng).
Tôi xin phép anh Dũng cho tôi mượn lời anh trong bài thơ số 5(tính từ trên xuống) câu 1:”Câu chữ xứ này thiệt thà như đếm”(câu 2-bài 5).
*Tôi nghĩ đúng như anh Dũng đã nêu ý trên.Nhưng,hình như anh Dũng quên một điều quan trọng:đây là làm thơ 1-2-3(tôi nhấn mạnh 1 lần nữa:đây là làm thơ.).Xuyên suốt & đọc hết 6 bài thơ của anh Dũng,tôi thấy anh Dũng làm công việc là giới thiệu đến với người đọc thơ(như tôi) về quê hương Sóc Trăng của anh thì phải!Chứ anh Dũng không làm thơ đâu,anh kể chuyện thì đúng hơn.Lúc tôi đọc & ngâm nga lên bổng xuống trầm với giọng đều đặn thì bỗng nhận & cảm thấy có 6 câu chuyện kể về miệt vườn quê Sóc Trăng của anh Dũng:nào là:”Ôi miệt đồng thương mút chỉ cà tha?”(bài 1)=mở đầu giới thiệu thương quê,rồi kể lể từng chữ,từng câu:”gió mùa hú-lùa bầy sao-gió bên trời- hò hẹn- gió tháng tám- đêm mùa hạn- ánh mắt cũ- kiêu sa.v.v.(các từ,ngữ của anh Dũng).Nếu liên kết các từ,ngữ trên thành câu thì tôi thấy đầy tính liệt kê,kể chuyện rất rõ nét=Câu chuyện kể,không phải thơ(không phải thơ 1-2-3 luôn!).Và tôi đọc thơ của anh Dũng giống như tôi ngồi đếm từng chữ,từng câu như ý anh nêu:”Câu chữ xứ này thiệt thà như đếm”(bài thơ số 5-câu 1)6hay sao?
*”Ôi miệt đồng thương mút chỉ cà tha?”(câu 1) & “Phố lụy đò mất ngủ bấy mùa hoa?”(câu 6)=Cả hai câu không hô-ứng lẫn nhau,vì cả hai đều là câu hỏi?(sau 2 câu đều có dấu chấm ?).Nếu câu hỏi thì phải có câu đáp.Vậy,câu đáp nằm đâu rồi?=bài thơ còn dang dở,nêu chưa hết ý diễn đạt phải không anh Dũng?
Kế tiếp,các bài thơ sau tôi cũng xin góp ý-luận bàn như đã lý giải ở bài thơ số 1.
Tôi mong anh Dũng thứ lỗi vì đã góp ý thơ của anh.Đồng thời,tôi cũng mong BBT-BQT trang vanhocsaigon.com cảm thông.Tôi xin chào trân trọng quý ban.