Thơ 1-2-3 Trần Thanh Dũng: Chân lý có mọc ra vòi bạch tuộc?

VHSG- Ẩn sau gương mặt cười của người đàn ông gốc Quảng Ngãi đang phiêu bạt ở Sóc Trăng là nỗi ưu tư sâu nặng về thế thái nhân tình, lấy con chữ trang trải nỗi lòng với một tâm thế sống cuồng nhiệt qua những bài thơ duyên nợ 1-2-3: “vẫn biết thơ không tự làm nên nền văn minh/ vẫn biết không dễ dàng gì tự huyễn hoặc mình/ nhưng tôi mần thơ và tự nạo não mình ăn để sống”. Bao vấn đề trái khoáy của đời sống dần hiện lên trong thơ anh với những câu hỏi dằn vặt đớn đau như “chân lý thì không cần phải màu mè?”, “chân lý có mọc ra vòi bạch tuộc?”, “sự nghèo đói cần gì mọc vòi?” và hãi hùng hơn “dị ứng với nút bấm trong chiếc cặp mật/ sau vụ nổ big bang covid-19/ thế giới toàn ma?”. Khi thơ chất vấn, phản biện thì ấy là lúc cánh cửa công lý hy vọng mở ra về phía ánh sáng để cho cuộc đời tốt đẹp hơn và bớt đi những “giả thuyết đôi khi không cần chứng minh/ học thiệt và học giả có khi là giả thiệt”…

Nhà thơ Trần Thanh Dũng

Cuộc vận động sáng tác thể thơ mới 1-2-3 sau hơn 5 tháng rưỡi khởi xướng đã nhận gần 440 chùm thơ 1-2-3 của hơn 160 tác giả trong và ngoài nước tham gia, và đã đăng tải gần 340 chùm thơ trên Văn Học Sài Gòn.

Gần đây có thêm nhiều cây bút liên tục gửi về những chùm thơ 1-2-3 mới như: Trần Thanh Dũng, Cao Ngọc Toản, Quách Mộc Ngôn, Vũ Tuyết Nhung, Nguyễn Đức Bá, Mai Lệ Hằng, Phạm Hồng Soi, Trần Mai Ngân, Vũ Hà, Nguyễn Thị Thanh Long, Chử Lê Hoàng Điệp, Hạ Như Trần, Lương Mỹ Hạnh, Đỗ Quảng Hàn, Hồ Loan, Nguyễn Quỳnh Anh, Từ Dạ Linh, Lê Thanh Hùng, Nguyễn Bá Hòa, Nguyễn Thị Thanh, Vương Thanh Lan, Nhất Mạt Hương, Huỳnh Thanh Liêm, Vũ Lam Hiền, Khét, Phạm Quỳnh Loan, Hoài Thơ, Hồ Trung Chính, Thái Bảo – Dương Đỳnh, Tuấn Phạm, Hà Vinh Tâm, Nguyễn Thị Hạnh, Phan Xuân Hậu, Nguyệt Lê,  Lê Bích, Phạm Thị Hồng Thu, Trần Thùy Linh, Tâm Như, Sang Trương, Phan Thảo Hạnh, Tạ Hùng Việt, Cao Xuân Hiển, Võ Văn Thọ,…

Xin lưu lý thể lệ: Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.

Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.

Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.

Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.

Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.

Hàng tháng, Ban biên tập VHSG sẽ chọn những chùm thơ 1-2-3 hay để trao Tặng thưởng, ưu tiên khuyến khích những tác giả có nhiều chùm thơ được chọn đăng. Đồng thời, trên cơ sở toàn bộ thơ 1-2-3 đăng trên VHSG cả năm sẽ tuyển chọn mỗi tác giả 5 bài vào chung khảo để cuối năm bầu chọn ít nhất là 5 tác giả trao Giải thưởng “Thơ hay 1-2-3” và xuất bản sách. Hội đồng chung khảo gồm các cây bút có kinh nghiệm và uy tín.

Giá trị tặng thưởng và giải thưởng gồm tiền mặt và quà lưu niệm, được sự tài trợ của các đơn vị: Báo Đất Việt, Tạp chí Môi Trường & Đô Thị Việt Nam, Công ty TNHH Dược phẩm Phú Mỹ – PMPHARCO, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Thiên Bút, Công ty TNHH Luật Thành Văn.

Chúng tôi chân thành cảm ơn các nhà tài trợ cùng sự tham gia nhiệt tình của bạn thơ và mong tiếp tục đón nhận các chùm thơ 1-2-3 mới trên tinh thần “Sáng tạo & Nhân văn”!

 

móc rỗng não trạng mình

 

mỗi một bài thơ tôi ăn dần một ít

người có thể sống tốt không cần thơ

 

vẫn biết thơ không tự làm nên nền văn minh

vẫn biết không dễ dàng gì tự huyễn hoặc mình

nhưng tôi mần thơ và tự nạo não mình ăn để sống

 

chân lý thì không cần phải màu mè?

 

người ta dễ dàng đánh tráo khái niệm

và bẻ cong công lý ngay trước vành móng ngựa

 

luật sư luôn biện hộ thay vì phải hùng biện vì lẽ phải

tội phạm và kẻ phạm tội đôi khi đồng lõa trong hội trường

đã màu mè thì không còn là chứng cứ?

 

chân lý có mọc ra vòi bạch tuộc?

 

giả thuyết đôi khi không cần chứng minh

học thiệt và học giả có khi là giả thiệt

 

những câu hỏi có làm giàu thêm tri thức

hình như thế giới luôn phóng đại dưới mắt kính hiển vi

sự nghèo đói cần gì mọc vòi?

đẩy đuổi những ý nghĩ xấu ra ngoài vỏ não

 

người đàn bà đi nhặt nhạnh niềm tin

bức chân dung mùa đông băng giá

 

những âm thanh rời rạc của đêm

con mọt gặm dần ký ức

mục ruỗng một kiếp đa đoan

 

xắt lát vài ý nghĩ

 

banh ra nhiều chiều kích

tự do không phọt ra từ miệng bọn lưu manh

 

lý trí đôi khi làm nghèo thêm tình cảm

nhận biết thế giới không chỉ là mở mắt

muốn trúng số thì phải mua vé số?

 

độc thoại câm với với bóng đêm

 

những thước phim ma luôn rùng rợn

sau vụ nổ Chernobyl

 

dị ứng với nút bấm trong chiếc cặp mật

sau vụ nổ big bang covid-19

thế giới toàn ma?

 

TRẦN THANH DŨNG (SÓC TRĂNG)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *