Nào Hạnh Hoa thôn nào đâu Đỗ Mục/ Buồn của người xưa, không rượu giải sầu/ Dù khắc thơ vào đá// Chữ chở đạo chữ reo lên đòi chữ/ Hỡi ôi, những anh linh nông dân, nghĩa sỹ/ Nghìn đời bất tử… khúc bi ai.

Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.
Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.
Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.
Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.
Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.
Không khuyến khích biến thể các loại thơ truyền thống: lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn… thành Thơ 1-2-3.
Chân dung những giọt sương dự cảm
Bên vườn nội sáng nay ríu ran đàn sẻ
Lắng tai nghe hư ảo mà thành
Chỉ có những cành xuyến chi hoa trắng mộ phần
Trắng cả vào giấc mơ phía núi
Thương mẹ ngày đầy… nước mắt cho tôi.
Thôi ta uống cho Tam Kỳ cạn nắng
Ly có tràn nước mắt thế nhân ơi
Là cuối đất cùng trời nghĩa mẹ
Cây cỏ vô ưu… thanh minh trong tiết
Xuân phân bóng tà với gió ngàn mây
Hương dủ dẻ thơm tho, mùi bồ kết nồng cay… nhớ mẹ.

Thanh minh buồn nhớ bạn bỏ cuộc chơi(*)
Tháng giêng cạn, còn long đền đáy cốc
Ai rót vào chiều mấy vạt nắng… cố đô
Mà chợt nhớ những lặng thầm quán cóc
Vết sầu đau, cơn bấc buốt tràn
Ba mươi năm bạn – ta… chim lạc bầy nhớ cội thương cây.
______
(*) Nhớ Huỳnh Sơn
Nào Hạnh Hoa thôn nào đâu Đỗ Mục(*)
Buồn của người xưa, không rượu giải sầu
Dù khắc thơ vào đá
Chữ chở đạo chữ reo lên đòi chữ(**)
Hỡi ôi, những anh linh nông dân, nghĩa sỹ
Nghìn đời bất tử… khúc bi ai.
___________
(*) Thanh Minh là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của Đỗ Mục, một thi gia thời vãn Đường. Ông là người cùng thời Lý Thương Ẩn, được đời sau xưng tụng là Tiểu Lý- Đỗ, gọi để phân biệt với Lý- Đỗ, thi tiên và thi thánh thời thịnh Đường Lý Bạch và Đỗ Phủ.
(**) Ý nói về câu thơ “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” của Nguyễn Đình Chiểu.
VÕ VĂN TRƯỜNG (QUẢNG NAM)