Huỳnh Văn Út viết nhiều thể loại, anh có thế mạnh ở mảng phóng sự và bút kí, nhưng với thơ, anh vẫn mang một nét chân chất đậm đặc kiểu lối nói rất duyên trong bài ca vọng cổ. Bởi thế, những giai điệu dặt dìu thường được anh sử dụng trong nhiều bài thơ của mình. Điều ấy khiến thơ anh có những nét cuốn hút rất đáng yêu, nó không có dáng vút bay lên màu mè cầu kì chữ nghĩa mà mênh mang kiểu giai điệu vọng cổ đằm đắm dìu dịu xề xang líu cống.

Do đó, chúng tôi thấy hai biện pháp nghệ thuật điệp ngữ và liệt kê thường xuất hiện trong thơ Huỳnh Văn Út. Ở bài thơ “Về nghe em” là một ví dụ điển hình. Điệp ngữ “về nghe em…” sau đó là biện pháp liệt kê (“đẩy mái chèo khuya”, “trăng lấp lánh”, “đêm Cà Mau tang tình câu vọng cổ”, “chan chén canh rau”, “có mưa nắng còng lưng cha gánh gạo”, “có tấm áo, mẹ sáng nay vá vội”, “có đàn trâu”, “nghe mái tranh xiêu”, “củi bếp reo kói lên mắt cay”, “đêm loang gió vách ai dừng buổi sớm”, “dây bí vàng bên hiên”, “nằm võng lót mo”, “mẹ giấc trưa đằm thắm”, “chị mớm sữa, trẻ say chiều ngả nắng”, “thềm xưa điệu ngọt ngào”, “vá áo cho nhau”, “miếng trầu xanh vôi đỏ”, “anh dạo đờn em ngân bài dạ cổ”, “đêm quê nghèo thương mấy nhịp song loan”) để nghe, để hiểu, để thấm, mà thương, mà sống, mà trưởng thành! Do vậy, “về nghe em” thủ thỉ mà da diết, đâu chỉ là mong “em” thôi, mà đó còn là sự khát khao đối với tất thảy chúng ta là hãy về với quê hương xứ sở, về với cội nguồn để thấm hơn sự giang tay ôm đỡ và che chở của cội nguồn văn hóa.
Bởi thế cho nên, thơ Huỳnh Văn Út thường tròn vo về chữ và trong sáng về nghĩa. Câu chữ anh nền nã, gọn và giản dị. Tình cảm buồn vui nhẹ nhàng như hơi thở. Dễ hiểu dễ cảm, câu chữ anh rót trực tiếp vào lòng người.
Nhiều khi con chữ Huỳnh Văn Út cất lên nồng nàn và đầm đẫm những chắt chiu:
“Con cá trong tộ tí teo,
Cọng rau dài ngoẵng… gieo neo tình người
Bờ ao, cầu khỉ… đây rồi!
Vẳng nghe em hát những lời trong veo”
(Về quê)
Đôi khi là những mong cầu trong thảng thốt:
Biết đâu có những đêm nằm
Trở mình, đứt ruột sáo thầm về qua?!
(Ví dầu con sáo qua sông)
Lắm lúc lại là những sợi nhớ thương ngơ ngẩn rất vô tư kiểu học trò, khi anh mượn những hình ảnh thơ nhân cách hóa để nói hộ nỗi lòng mình:
Ngày em đi con đê sầu chênh vênh
Ta ngẩn ngơ khi tàu quê rời bến
Tiếng yêu đầu vụt xa như định mệnh
Dòng sông buồn… hát khúc chờ mong!
(Sợi dây hư vô)
Đôi khi lại là những trách cứ vu vơ, nhưng vẫn đậm chất sẻ chia và cũng vụt lớn để mà thông cảm, an ủi:
Hai mươi năm… làm sao quên cái tên?
Trang giấy trắng cũng nát nhàu nét mực
Thôi em hỡi, xin trả nhau về đời thực!
Có sợi dây nào cột được hư không?
(Sợi dây hư vô)
Và nhiều khi câu chữ anh là một chuỗi những hình ảnh của kí ức đan cài. Tiếng nói trữ tình anh vang lên nặng trĩu những tâm tư ruộng đồng, ăm ắp những hơi thở miệt vườn. Nhân vật trữ tình trong thơ Huỳnh Văn Út thường mang mang những tâm tình đồng ruộng, bao nhiêu là tha thiết cứ rủ rỉ về một vùng quê nào đó xa thật xa mà cũng gần thật gần, rất tình và cũng rất gợi: “Về nghe em đẩy mái chèo khua/ Trăng lấp lánh gọi đò qua bến lở/ Đêm Cà Mau tang tình câu vọng cổ/ Con sáo qua sông… con sóng bạc đầu…!/ Về nghe em chan bát canh rau/ Có mưa nắng còng lưng cha gánh gạo/ Có tấm áo, mẹ sáng nay vá vội/ Có… đàn trâu còn hì hục đồng chiều/ Về nghe em để nghe mái tranh xiêu/ Đêm loang gió vách ai dừng buổi sớm/ Dây bí vàng bên hiên hoa vừa chớm/ Củi bếp reo khói lên mắt cay nhòe/ Về nghe em nằm võng lót mo/ Gió lay khẽ, mẹ giấc trưa đằm thắm/ Chị mớm sửa, trẻ say chiều ngã nắng/ Dưới thềm xưa vẫn điệu khẽ ngọt ngào/ Về nghe em để… vá áo cho nhau/ Têm dùm mẹ miếng trầu xanh vôi đỏ/ Anh dạo đờn em ngân bài dạ cổ/ Đêm quê nghèo thương mấy nhịp song loan…” (Về nghe em)

Có lắm lúc, thơ Huỳnh Văn Út như là những khúc nghỉ tạm thời để lấy hơi mà vô câu cổ cho mùi thiệt mùi. Bởi thế, kí ức cứ mãi lung linh và trong veo veo: “Ta lại về qua một dòng sông/ Chợt nghe tiếng thì thầm em gần quá!/ Xóm rẫy nghèo, trên chiếc xe đạp vá/ Theo ta cùng mây trắng, với trời xanh…” (Có một dòng sông)
Ở đó, có thấy cả bóng dáng triết lí tuy là thấp thoáng nhưng cũng rất đáng yêu bởi đẫm chất giọng học trò: “Chẳng có lâu đài nào vĩnh cửu phải không em?/ Tráng lệ, nguy nga cũng chôn vùi trong đất/ Ta yêu em một tình yêu rất thật/ Lâu đài ta xây trên cát có bền đâu?/ Hai mươi năm… làm sao quên cái tên?/ Trang giấy trắng nát nhàu nét mực/ Thôi ta hỡi, xin trả nhau về đời thực!/ Có sợi dây nào cột được hư không?” (Sợi dây hư vô).
Thiên nhiên trong thơ anh cũng thật trong sáng và đẫm đặc chất kí ức: “Anh đưa em về nơi cuối sông quê/ Từ phía biển sóng xanh lên bờ bãi/ Nơi ta đó… có mối tình ngây dại/ Trăng hẹn thề e ấp bờ môi…/ Bao năm rồi sông của em – tôi/ Con sóng cũ lăn tăn chưa về bến/ Anh và em vẫn đôi bờ diệu viễn/ Khắc khoải mùa trăng cũ xa xăm…/ Anh đi rồi như cá biệt tăm/ Như chim biển bay hoài không nghỉ/ Em là em, vẫn một đời mộng mị/ Vẫn nẻo về lạc lõng giữa mê say”. Lắm khi, thơ anh là những tiếng yêu xôn sao và bỏng cháy “Xuân mang anh về ấm đôi bàn tay/ Môi khát bỏng, đã chờ từ đông ấy/ Siết chặt nghe em như đôi bờ ôm bãi/ Mặc cây đước già trước biển lao xao!” Để cuối cùng hướng tới một tiếng nói tình cảm lứa đôi hạnh phúc thủy chung bền đẹp: “Sông thì thầm với biển ngày sau/ Xin biển đừng mang sóng đi xa nữa/ Cùng sông hát lời tự tình thắp lửa/ Để nghìn đời ôm bờ bãi… yêu đương.” (Có một dòng sông)
Gần đây, Huỳnh Văn Út cố ý mượn “Thiền” để giãi bày tâm cảm và sự trải nghiệm của mình. Do thế, ý thơ anh vụt sáng lên trong thi ảnh, lấp lánh tình người “Đôi khi gặp kẻ lầm đường/ Ta cầu giác ngộ vô thường… quy y”. Lúc ấy, thơ anh ngả vào “thiền” để giải thích và mong cầu: “Không có thiên đàng kiếp sau/ Cũng nên gieo hạt xanh màu yêu thương…/ An nhiên, duyên khởi… từ bi/ Không chấp ngã, sống vô vi đường trần/ Tâm trong thân – Tâm nghe thân/ Quán hơi thở nhẹ, nắng xuân tràn về”. (Thiền)
Nói tóm lại, thơ Huỳnh Văn Út mang hơi hướng tài tử miệt vườn Nam bộ. Ở đó có bóng dáng anh năm chú ba ôm đàn xuống xề mùi thiệt mùi và cũng buồn thiệt buồn, song hết buồn thì vác cây phảng ra đồng, mệt chút lại dựng cây phảng kế bên, ngồi quấn điếu thuốc gò rồi cao hứng mần thêm vài câu vọng cổ nên cái chất nền nã Miền Tây nặng tình sông nước nó sền sệt trong thơ anh âu cũng là chuyện dễ hiểu.
Sài Gòn, 27.02.2023
KHANG QUỐC NGỌC