Tọa đàm thơ Hoàng Vũ Thuật: Một mai gió chở tôi về – Kỳ 2

VHSG- Ông giúp cho độc giả hiểu thêm rằng, thơ không phải là cái nhìn thấy, cái nghe được bằng lối kể lại, tường thuật lại. Báo chí, nhiếp ảnh thời sự, tranh tuyên truyền đã làm việc đó. Thơ cao hơn mọi hiểu biết, sờ thấy hay trông thấy. Thơ đằng sau sự hiểu, cao hơn sự hiểu. Cho nên Hoàng Vũ Thuật luôn dùng hình tượng, biểu tượng, ẩn dụ, đa chiều trong thơ…

Nhà văn Trần Nhã Thụy tặng hoa và chúc mừng nhà thơ Hoàng Vũ Thuật

Nhà thơ Lê Xuân Đố một đồng hương Quảng Bình đang sống ở TP.HCM cho rằng:

“Cánh đồng thơ Hoàng Vũ Thuật được mùa, bội thu. Thơ anh đổi mới liên tục. Tôi được anh tặng thơ khá đều mỗi lần ra thơ. Khi anh cho ra tập thơ Mùi, tôi nghĩ đây chắc là đỉnh thơ anh. Các nhà phê bình vẫn một giọng điệu nói rằng thơ Hoàng Vũ Thuật khó đọc, cách tân. Tôi thì không thế, hiểu hay không hiểu do bởi người đọc. Tập thơ Mùi hiện đại và đẹp, tôn vinh ngôn ngữ Việt.

Cách đây 2 năm Hoàng Vũ Thuật xuất bản tiếp tập thơ Cây xanh ngoài lời. Tập thơ này thêm nhiều ẩn dụ cho câu thơ tươi mới ra, nhưng tôi thú thật: “Chữ ở ngoài lời” nên tập thơ tươi tốt mà thiếu… thiếu cái gì nhỉ? Và bây giờ Một mai gió chở tôi về đã trả lời câu hỏi ấy.

Tập thơ Một mai gió chở tôi về thật tuyệt. Là một kỳ công Hoàng Vũ Thuật cách tân và điều tiết. Vậy thì mình đi tìm bí mật thi pháp Hoàng Vũ Thuật.

Trước hết có lẽ tìm hiểu sao Hoàng Vũ Thuật xưng anh trong thơ. Anh với ai ư? Độc giả, có thể không. Với vợ, với người tình, với nàng thơ cho yên chuyện. Vậy Nàng là gì? Nàng là ẩn ngữ. Hay Nàng là hồn vía. Tôi nghĩ, Hoàng Vũ Thuật lợi dụng Nàng, như người thứ 2, ma quỷ luôn mách bảo, đặt điều ra các câu thơ phát triển đột biến, bất ngờ.

Hàng đầu, từ trái sang, các nhà thơ: Lê Xuân Đố, Hoàng Hưng, Nguyễn Vũ Tiềm

Phần thứ 2 là thi pháp Hoàng Vũ Thuật bổ sung. Thơ Hoàng Vũ Thuật buồn và đẹp. Có buồn đen kịt, nhưng có buồn tích cực. Sao nói kỳ vậy? Thơ Hoàng Vũ Thuật có sáng và có tối. Đẹp đấy và u đấy, tan rã hoặc lăng loàng.

Chiếc thang máy mệt nhọc xuống lên

Nụ hôn ban mai nóng hổi

Thảng thốt vòng tay

có mảng tối xen lẫn tôn vinh bài thơ. Thơ Hoàng Vũ Thuật tĩnh và động. Tĩnh thường là những màu đen xám. Động thì không là những lên gân. Động là từ tâm thức.

Niềm tin mưa sẽ mọc rễ thịt da

làm thay đổi đời anh

Dẫu Hoàng Vũ Thuật tự thú nhưng anh chỉ là

Cơn mổ xẻ

Trắc nghiệm nỗi buồn

Trước cuộc sống chẳng còn ý nghĩa

Đất phương Nam tôi yêu câu nói: “Nói dậy nhưng không phải dậy”. Tuyệt vời.

Với Hoàng Vũ Thuật vậy mà không phải vậy.

Anh yêu đời, lẫy đời, anh nói vậy thôi.

Anh yêu đời nhiều lắm

Quá trình sáng tạo thơ của Hoàng Vũ Thuật là quá trình khám phá bản thân, cuộc đời, thế giới. Vậy thì chúng ta đọc thơ Hoàng Vũ Thuật cũng là quá trình khám phá”.

Nhà thơ Hoàng Hưng (áo vàng) phát biểu

Nhà thơ Hoàng Hưng, một bạn thơ cùng thời và thân thiết của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật phát biểu:

“Tôi với anh Hoàng Vũ Thuật gắn bó đã lâu, có nhiều sự đồng cảm, đồng điệu. Thơ Hoàng Vũ Thuật luôn vận động. Tôi không thích nói “cách tân”. Thơ anh không theo lối mòn, luôn có yếu tố mới, đối thoại không ngừng với bản thân mình và cuộc sống. Hoàng Vũ Thuật cũng cập nhật, suy tư tự hỏi và đối đáp những vấn đề thời sự của cuộc sống nên thơ anh tạo nên những bất ngờ”.

Nhà giáo, nhà phê bình trẻ Vi Huyền Vi cảm nhận về thơ Hoàng Vũ Thuật

Cô giáo trẻ dạy văn Vi Huyền Vi thì có những cảm nhận cũng rất sâu sắc:

“Bàn về thơ Hoàng Vũ Thuật có người ví như một khối vuông ru bích, có người lại xem như một cấu trúc đèn led hiện đại muôn màu huyền ảo, đan xen sáng tối, trùng trùng những hình ảnh tưởng tượng… Với riêng tôi, mỗi bài thơ Hoàng Vũ Thuật như một ô cửa nhỏ mà nếu vội vàng lướt qua, ta sẽ bỏ lỡ cả một thế giới.

Lâu nay bạn đọc thường bắt gặp những vần thơ lấy cảm hứng từ chất liệu đời sống cụ thể, mà người ta thường gọi là đề tài “nóng hổi mang tính thời sự”, phản chiếu một vấn đề nào đó đang diễn ra… Thì trong Một mai gió chở tôi về lại bàng bạc một giọng điệu trữ tình, một góc khuất thân phận, đời thường trong tình cảm con người. Góc khuất ở đây chính là cảm quan về tình yêu, niềm vui và nỗi buồn rất cá thể giản đơn và gần gũi, phản chiếu con người ông, từ đó nhìn thấy thế giới rộng lớn đang trải trong thơ:

anh là hạt muối được vớt lên từ lòng biển

mặn trên môi em

như một phiến hoa hồng trầm cảm

chiếc gai biết nói

xuyên thủng cả nụ cười nước mắt

ngày ra đi

cuộc sống đã đóng băng trong chiếc quan tài trống rỗng

chúng ta thường xuyên tranh cãi

như sóng vẫn thường xuyên tranh cãi với bờ

những nỗ lực cho cuộc đời vo tròn giống hạt nước trên lá sen

tới khi rớt xuống

cái gì rồi cũng phải qua đi…

(Phiến hoa hồng trầm cảm )

Ông giúp cho độc giả hiểu thêm rằng, thơ không phải là cái nhìn thấy, cái nghe được bằng lối kể lại, tường thuật lại. Báo chí, nhiếp ảnh thời sự, tranh tuyên truyền đã làm việc đó. Thơ cao hơn mọi hiểu biết, sờ thấy hay trông thấy. Thơ đằng sau sự hiểu, cao hơn sự hiểu. Cho nên Hoàng Vũ Thuật luôn dùng hình tượng, biểu tượng, ẩn dụ, đa chiều trong thơ. Ông nói việc này, chuyện này, nhưng để độc giả hiểu chuyện khác, việc khác. Ta có thể thấy trong các bài Biến tấu, Ẩn ngữ, Mặc định, Hoài nghi, Người hành khất, Viết ở quán coffe Sơn ca…”

Ảnh: CQ MẠNH THẮNG

(Còn tiếp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *