VHSG- Đọc văn, đọc thơ đúng và hay cũng là cách dẫn dắt quá trình tiếp nhận tác phẩm văn chương cho người học.

1. Trong nhiều cấp độ tiếp nhận tác phẩm văn học: tri giác, cảm thụ tác phẩm, ngôn ngữ, tình tiết, cốt truyện, thể loại để có thể cảm nhận hình tượng trong sự toàn vẹn; người đọc tiếp xúc với ý đồ sáng tạo của nghệ sỹ, thâm nhập vào hệ thống hình tượng như là sự kết tinh sâu sắc của tư tưởng và tình cảm của tác giả; nâng cấp lí giải tác phẩm lên cấp quan niệm và tính hệ thống, hiểu được vị trí tác phẩm trong lịch sử văn hoá, tư tưởng, đời sống và truyền thống nghệ thuật…; thì cấp độ: Đưa hình tượng vào văn cảnh đời sống và kinh nghiệm sống của mình để thể nghiệm, đồng cảm là yếu tố có nhiều bất ngờ và khá lý thú.
Lúc tôi mới 20 tuổi, tôi đã đọc tác phẩm “Ông già và biển cả” của nhà văn Hêminguây (nhà văn nhận giải thưởng Nobel vào năm 1954), đọc xong tôi suy nghĩ rằng: sao câu chuyện “cá kéo người, người kéo cá” trong mấy ngày đêm, rồi khi kéo vào bờ chỉ là “bộ xương con cá kiếm khổng lồ” mà nhà văn kể lên trên 100 trang văn; lúc đó tôi cũng chưa cảm nhận được ý nghĩa sâu xa về “nguyên lý tảng băng trôi” trong tác phẩm. Thế rồi, khi dạy học phần Văn học nước ngoài cho sinh viên, tôi lại dạy tác phẩm “Ông già và biển cả”, lúc đó tôi rất lúng túng; tôi đọc tài liệu tham khảo, tài liệu hướng dẫn, đọc hết những gì liên quan đến tác phẩm, vẫn chưa thể dạy tác phẩm bằng chính cảm nhận gan ruột của mình. Vào lớp, tôi hỏi bâng quơ với sinh viên (hỏi để tự trấn an mình trước một tác phẩm văn chương mà mình chưa có cảm nhận sâu sắc): Vì sao tác phẩm “Ông già và biển cả” được xem là “kiệt tác”? Các em trả lời rất hồn nhiên: Vì đó là tác phẩm của nhà văn nhận được giải thưởng Nobel… Tôi vẫn giảng dạy, vẫn băn khoăn; cho đến một hôm, trong giờ thực hành, một sinh viên lên tập giảng trích đoạn “Xan-ti-a-gô và con cá kiếm”; tôi thấy em lúng túng, toát mồ hôi hột, dù ngoài trời mưa rất to, nước đã ngập đến sân trường, rất lạnh… Đột nhiên tôi hỏi em những câu hỏi không liên quan gì đến bài học: Em đi dạy được mấy năm rồi? Gia đình ở đâu? Chồng em làm gì? Vì sao phải đi dạy xa nhà như thế? Vì sao vẫn còn học nâng chuẩn trong hoàn cảnh khó khăn như thế?… Khi em trả lời những câu hỏi của tôi, tôi chợt nhận ra em rất vất vả, khó khăn, nhưng vẫn cố học cho được cái bằng chuẩn hoá để tự tin đứng trên bục giảng; thế là trong tôi xuất hiện một vùng cảm nhận mới về tác phẩm “Ông già và biển cả” – “con người – hai tiếng ấy mới thiêng liêng làm sao”. Giờ học hôm đó như là sự trải nghiệm cho tôi và các em, tôi nhận ra cảm nhận tác phẩm văn chương cần đến kinh nghiệm sống, vốn sống để lý giải những ẩn ý sâu xa mà nhà văn gửi vào trong hình tượng văn chương.
Có lần, tôi đến dạy ở Gia Lai vào tháng 6, Huế đang nắng chói chang, oi nồng mà lên đến Gia Lai thì “Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông”, khi các em đang làm bài kiểm tra bất giác tôi nhìn xuống các em, và chợt hiểu câu thơ của Vũ Hữu Định: “Em Pleiku má đỏ môi hồng”… thế là cảm, là thương mến; dạy xong rồi mà cô trò còn quyến luyến, rủ nhau đi uống cà phê, chuyện trò. Rồi các em lưu luyến, đưa tiễn, đến sân bay các em vẫn chưa về, còn nói: chừng nào cô bước lên máy bay, tụi em mới về. Tôi bước lên máy bay mà không dám nhìn lui, vì ngoái lui chắc là tôi đã khóc, cái tình của các em sao mà sâu sắc thế, đậm đà thế, lưu luyến thế… Nhờ đó mà tôi hiểu hơn câu thơ của Nguyễn Đình Thi: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”…
Thời còn là sinh viên, tôi sợ nhất là những bài thi về “Nhật ký trong tù”; thơ thì chưa hẳn là sợ, mà sợ cách ra đề: “Hãy phân tích bài thơ… để làm rõ tinh thần thép, chất thép”… Rồi đến khi đi dạy, đồng nghiệp tôi dạy mảng văn học này, cũng rất thích ra đề theo lối đó; hễ mỗi lần đọc loại đề thi này, tôi chắc chắn sinh viên sẽ sợ hãi giống tôi. Năm 2000, tôi đăng kí nghiên cứu đề tài khoa học cấp trường: “Đặc trưng thơ tứ tuyệt trong Nhật ký trong tù”, mục đích của tôi là tìm hiểu đến tận cùng đặc trưng nghệ thuật của tập thơ. Đặc trưng nổi bật của tập thơ là tính chân thực, bởi vừa được viết theo thể nhật ký, lại bằng thơ, nên cảm xúc ở mỗi bài thơ là cảm xúc chân thực, trực tiếp của chính tác giả. Với cảm xúc đó chúng ta nhận ra con người trong thơ Hồ Chí Minh là con người hướng nội – con người độc thoại với chính mình và con người với cảm thức nhân loại. Cũng nhờ đó, mà tôi đã có dịp đi sâu nghiên cứu đặc trưng của thể loại thơ tứ tuyệt: hàm súc tối đa về mặt ngôn từ và cấu trúc cân đối, hài hòa, ổn định; đồng thời với dung lượng gọn nhỏ tuyệt cú rất đắc dụng trong việc thỏa mãn nhu cầu “tốc ký nội tâm” và “câu tuy ngắn nhưng ý thì dài, lời tuy ngắn nhưng nghĩa lại xa”… Sau đó tôi đã viết bài báo đăng trên Tạp chí Giáo dục – đào tạo Thừa Thiên Huế: “Con người hướng nội trong Nhật ký trong tù qua hai bài thơ: Mộ – Chiều tối, Tẩu lộ – Đi đường”. Mục đích khi viết bài báo này của tôi là góp thêm những gợi ý về cách nhìn nhận chân xác giá trị của tập thơ “Nhật ký trong tù”, tránh lối dạy rập khuôn, máy móc, gán ghép…
2. Trải nghiệm trong cảm nhận văn chương nhiều khi bắt đầu từ những câu chuyện vu vơ, cũng có thể đánh thức những băn khoăn, trăn trở trong quá trình tiếp nhận tác phẩm văn học.
Lúc đến Quy Nhơn dạy, tôi hăm hở đi tìm người bạn cùng học thời Cao học (1982 – 1984), bạn tôi đang dạy ở Đại học Quy Nhơn. Vừa vào nhà bạn tôi, vợ bạn tôi đã chào hỏi như là chúng tôi đã biết nhau từ lâu lắm rồi, sau đó cô ấy dặn: chiều mai chị đi dạy về để chồng em đưa chị đi thăm mộ Hàn Mặc Tử rồi về nhà em ăn cơm. Tôi rất vui, vì chưa đến mộ Hàn Mặc Tử bao giờ… Khi đến bãi đá trứng, chúng tôi ngồi nghỉ một chút, bạn tôi nhắc lại những kỉ niệm ngày xưa… phút chốc tôi chợt hiểu thêm một vài khổ thơ trong bài thơ “Chuyện mười năm trước” của nhà thơ Bessonov(1): “Chỉ có một lần thôi/ Em hỏi anh im lặng/ Thế mà em hờn giận/ Để chúng mình xa nhau…/ Những đôi lứa yêu nhau/ Có nghe tôi kể lại/ Chỉ một lần trót dại/ Thế mà thành chia phôi”, dù rằng ngày xưa bạn ấy chưa hề hỏi tôi, nhưng khi bạn ấy nhắc về kí ức học cùng lớp Cao học ở Hà Nội, thì tôi chợt ngộ ra một điều cực kì giản dị: nhiều khi cơ hội chỉ đến một lần trong đời, nếu bạn không nắm bắt được, thì mãi mãi tiếc nuối…
Đọc văn, đọc thơ đúng và hay cũng là cách dẫn dắt quá trình tiếp nhận tác phẩm văn chương cho người học.
Tôi dạy học phần Rèn kĩ năng thực hành tiếng Việt cho sinh viên ngành Tiểu học, nên tôi vẫn thường thị phạm về cách đọc diễn cảm cho sinh viên. Tôi còn nhớ, có cô giáo từng lên nhà hỏi tôi về cách dạy bài thơ “Tiếng chổi tre” trong đợt thi giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh, tôi bảo cô ấy đọc bài thơ cho tôi nghe, sau khi cô ấy đọc xong, tôi lại nói: giờ tôi đọc nhé. Khi tôi đọc xong bài thơ, thì cô ấy sờ sờ cánh tay, rồi nói với tôi: em nổi gai ốc luôn, em biết cách dạy bài này rồi, và sau đó cô ấy đạt giải cao trong kì thi, trong khi tôi chưa hề trao đổi về cách dạy bài thơ.
Sinh viên thường mời tôi hát mỗi khi kết thúc buổi học, tôi biết mình hát không hay, nên tôi thường đọc thơ, bài thơ tôi đọc nhiều nhất là bài “Lịch sử những vì sao”(2)– (Có một đôi trai gái yêu nhau/ người con gái bỗng đem lòng phụ bạc/ quay trái tim đi tìm tình yêu khác/ Bỏ chàng trai bơ vơ/ Chàng trai lạnh lẽo cô đơn/ Trái tim lớn chứa quá nhiều đau khổ/ Nên một hôm trái tim bùng nổ/ Những mảnh tim bay đi bốn phương trời/ Những mảnh tim bay đi bốn phương trời/ Nhớ thương thành ánh sáng/ Cứ đêm đêm hiện về lấp loáng/ Nói những lời chung thủy khổ đau/ Vì thế khi yêu nhau/ người ta thường nhìn lên trời sao hẹn ước).
Tôi cứ đọc bài thơ từ năm này qua năm khác, từ lớp này qua lớp khác, vậy mà trong một lần trên đường đi dạy, tôi giật mình nhớ lại, nhận ra mình đã đọc sai bài thơ đến 7 năm, đọc mãi mà không biết là mình đã “giết chết bài thơ”. Bài thơ có 2 câu lặp nhau: “Những mảnh tim bay đi bốn phương trời”, thế mà tôi chỉ đọc 1 câu, vì lặp 2 câu khó cho việc lên bổng xuống trầm, nhấn nhá của tôi. Tôi giật mình, câu thơ lặp lại mới là câu hay nhất của bài thơ, đó là lời nhà thơ tự lẩm bẩm, tự nói một mình về nỗi đau khi bị phụ bạc… Từ đó tôi đọc bài thơ này hay hơn, và cũng lý giải vì sao, khi đi học tôi thường thích ngồi bàn đầu, vì tôi có thể nghe lời nói nhỏ nhất của giáo viên khi giảng bài, đó mới là lời giảng sâu lắng, là cung trầm khi cảm nhận tác phẩm văn chương; giọng của thầy không phải lúc nào cũng “sang sảng”, nếu không lắng nghe sẽ không cảm nhận hết vẻ đẹp của văn chương từ “nốt lặng” tuyệt vời mà tác giả đã gửi gắm vào đó. Tương tự như vậy, tôi đã hiểu cách đọc câu thơ: “Cô bé nhà bên (có ai ngờ)/ cũng vào du kích” – (Quê hương – Giang Nam)…
3. Từ một vài ví dụ trong quá trình cảm nhận văn chương qua trải nghiệm, chúng tôi nhận thấy rằng dạy học văn ngoài những kiến thức trong sách vở, thì kinh nghiệm sống hay còn gọi là “trải nghiệm” cũng có vai trò rất quan trọng, giúp cho quá trình cảm nhận và hiểu tác phẩm văn chương đến gần với ý đồ sáng tác của nhà văn. Câu nói “thầy giáo già, con hát trẻ”, phần nào nói đến kinh nghiệm quý báu của người thầy trải qua bao năm tháng trên bục giảng, càng dạy học những tác phẩm văn chương càng cần đến những cảm nhận chân xác và tự thân từ người thầy cũng như từ người học.
Huế, ngày 20.11.2020
TS. HOÀNG THỊ THU THỦY
(1)Ở dạng tồn nghi về chuyện tình của ông với nhà thơ Olga Berggoltz
(2) Thời đó, chúng tôi cứ nghĩ là thơ của Lermontov, sau này tra cứu thì không phải, hiện giờ vẫn chưa rõ tên tác giả.