Trần Võ Thành Văn – Sớm muộn gì những cành hoa cũng trổ

Thơ của Trần Võ Thành Văn không hẳn lạc quan, nhiều câu thơ của anh buồn lắm, nhưng là những câu thơ có niềm tin, nhìn thấy những nỗi khổ của tha nhân và của chính mình trong con mắt tràn trề tình yêu thương và một kết thúc có hậu, ngoài trừ tình yêu…

Nhà thơ Trần Võ Thành Văn sinh năm 1986 tại Bình Định, hiện sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã xuất bản hai tập thơ Quen và l (2015), Ngụ ngôn mùa đông (2020) và nhận Giải Khuyến khích Cuộc thi Sáng tác văn học Báo Văn Nghệ Thái Nguyên 2014 – 2016, Giải Khuyến khích Giải Thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu của tỉnh Bình Định lần thứ VI (2016 – 2020).

Nhà thơ trẻ Trần Võ Thành Văn

Đọc Ngụ ngôn mùa đông của Trần Võ Thành Văn, cảm nhận đầu tiên của tôi là mảng sáng về kí ức. Ở đó, dù soi vào nội tâm hay nhìn ra ngoại giới, dù dằn vặt, xót xa, thương nhớ, tác giả vẫn một giọng thiết tha, sâu đằm, thông qua một cơ chế hay là lớp vỏ ngôn ngữ tĩnh lặng, ẩn nhẫn.

chúng ta đánh rớt bóng mình bên bờ cỏ dại
bao là lãng quên
mùa đông âm thầm hoa nở

(Ngụ ngôn mùa đông)

Hay:

– Nơi đã từng bể dâu

nơi đã từng nước mắt

phải, sớm muộn gì những cành hoa cũng trổ

mùa xuân luôn có lý lẽ của riêng mình

(Lý lẽ mùa xuân)

Thơ của Trần Võ Thành Văn không hẳn lạc quan, nhiều câu thơ của anh buồn lắm, nhưng là những câu thơ có niềm tin, nhìn thấy những nỗi khổ của tha nhân và của chính mình trong con mắt tràn trề tình yêu thương và một kết thúc có hậu, ngoài trừ tình yêu…

Khi mới đọc Ngụ ngôn mùa đông, tôi chưa hỏi thăm Trần Võ Thành Văn “người ở quê đâu” (chữ của Bùi Giáng) , nhưng tôi đã đoán rằng anh sinh ra và lớn lên ở một vùng  quê. Cọng rơm, cuống rạ dính vào thơ Trần Võ Thành Văn không gỡ ra được. Trong thơ anh có những từ rất quen với người nông dân mà rất lạ với người thành phố, ví như các từ: “bọng đòng”, “bọng hạt” trong đoạn thơ sau:

Từ phía liền trăng

Mẹ gặt nốt bầu mưa sương thấp

tháng Bảy bọng đòng

lửa đêm bọng hạt

… Đậu nóc rơm thơm/ trẩy mùa vàng rỡ

(Đồng khuya)

Trong bài thơ Như đã từng, mặc dù cách tổ chức câu thơ khá hiện đại, nhưng tôi vẫn thấy một Trần Võ Thành Văn, đã quen với nắng nôi, giá lạnh, hạn hán, bão lụt, mất mùa, quen với một thiên nhiên mà như anh miêu tả là  vắt kiệt giọt mồ hôi của Mẹ”.

đã từng ngủ ngon trên đọt nhánh thanh xuân
tôi của những mùa đông tự lòng mình tan vỡ
và cứ thế vùi sâu
và cứ thế lớn lên
như làn chớp sinh hương giữa không gian vắt kiệt giọt mồ hôi của Mẹ
tách lìa một mưa bay
tách lìa một hoa bay
hoài niệm bời bời ý tưởng
đụn rơm vàng mùa xưa mùa xa tém lại một mắt buồn
đăm đắm hư vô

(Như đã từng)

Có phải vì thế mà thơ của Trần Võ Thành Văn rất gần với văn học sinh thái, khi anh tụng ca thiên nhiên, lo âu cho thiên nhiên, đặt để thiên nhiên bàng bạc trong thơ mình. Buổi sáng, anh bước đi, và hạt bụi cũng nhấc mình lên, hạt bụi rơi theo tiếng chim gọi bấy, hạt bụi đậu giữa lòng anh trên con đường đãng trí giữa mặt trời lên. Anh và hạt bụi gần nhau, đồng điệu, cũng như hạt bụi với bầy chim và con đường. Bởi vì anh, vì hạt bụi, bầy chim, con đường đều là thiên nhiên. Sự hòa đồng giữa con người với thiên nhiên không chỉ là ý thức mà là tự nhiên, vì cùng là vạn vật ở trong thế giới này.

Buổi sáng, không hẹn với ai

Không biết tìm đâu  một lối ngồi/

                    một dấu chân lẻ loi như thế

đành, khoảnh khắc đang trôi

                                nương tựa trái tim mình

vệt cỏ dài non xanh chốn xa…

 (Buổi sáng đãng trí)

Hay:

Những ngọn nến đã tắt

bên hốc đá triệu năm

và ánh sáng bước ra khỏi dòng phiếm chú

 

trong đôi mắt của Yàng

thẳm sâu một góc buồn di chỉ

triệu năm là phiến ruỗng

quay đầu hòa hạnh/ xác tín văn minh

 

… buổi tối ở rừng

gối đầu trăng nguyên sinh

sỏi nâu chưa từng tiến hóa

lăn qua ta cay cực hoài thai

(Trong đôi mắt của rừng)

Bìa tập thơ “Ngụ ngôn mùa đông” của Trần Võ Thành Văn

Trong bài thơ Đừng để thiên nhiên làm nứt hạt mầm, Trần Võ Thành Văn đã để cho nhân vật trữ tình của mình – xưng em, đã nói với người yêu – đối tượng trữ tình, những lời tha thiết về tình yêu thiên nhiên, rất đáng để chúng ta chú ý, nhất là trong bối cảnh môi trường sinh thái và công tác bảo vệ môi trường đang ngày một trở nên cấp thiết với nhân loại hôm nay.

đừng để mưa bay qua những hạt mầm

đừng để thiên nhiên nợ chúng ta một lời cảm tạ

mình yêu nhau ngày hạn

đừng để thiên nhiên tự nó phải hoang tàn

(Đừng để thiên nhiên làm nứt hạt mầm)

Và với một con người biết quí trọng kí ức, chú ý đến tha nhân, yêu và quan tâm đến thiên nhiên như vậy, tình yêu – tôi muốn nói tình yêu lứa đôi, trong thơ của Trần Võ Thành Văn cũng có những sắc thái riêng – một sắc thái buồn, suy tư nhiều hơn là đắm say,  hạnh phúc. Ta không tìm thấy môi hôn hay cái ôm ghì, siết chặt trong Ngụ ngôn mùa đông. Tất nhiên yêu nhau thì ôm nhau, hôn nhau là lẽ thường, chỉ có điều tác giả không nói đến cái ôm, nụ hôn đó thôi. Tác giả muốn nói những điều khác về tình yêu, giàu tâm tưởng, thiếu vắng nhục thể.

anh cần thiết phải trở về

kịp lúc bầu trời kia vỡ máu

những vì sao sẽ bắn vào trí nhớ chúng ta

mọc lên một rừng lá đỏ

bạt ngàn mắc đá xâu kim

(Một tình yêu khác và Em)

Anh cứ đứng Xa thật là xa mà gọi người tình, mà tiếng gọi ấy lại là tiếng gọi từ ly:

“ – Một vì sao xa lắm xa thật là xa!”

Sẽ thay anh cất lên tiếng gọi

Tiếng gọi từ ly xé lẻ tháng năm này

(Xa thật là xa)

Người tình hiện lên trong thơ của Trần Võ Thành Văn nhưng buồn như Phúc  âm mùa thu,  Đôi cánh bể khơiĐóa phù du…; đẹp lắm nhưng mỏng mảnh, dễ vỡ, dễ tan. Nhà thơ bảo người tình: Em hãy mang tôi đi ngoài vô tận tháng ngày  và ở “ngoài vô tận” của cuộc “viễn hành”  ấy,  nhà thơ chỉ mong được cái quyền giữ riêng “bí mật” của đời mình mãi mãi: bí mật của trái tim…

hư không rồi sẽ mang em đi đâu

một giọt môi cười dâu bể

một mắt buồn đa đoan

không tiếng chim sớm mai nào về hót tôi nghe

không giọt sương nào về long lanh

                                     trong mắt tôi nhìn

không sự thức giấc nào của lá

báo hiệu cơn ngái ngủ của em sẽ ập về

                     rung động trái tim tôi.

(Em hãy mang tôi đi ngoài vô tận tháng ngày)

Nhà thơ Tagore của Ấn Độ có một bài thơ ngắn, chỉ một câu mà tôi rất yêu mến: “Cây cối giống như khát vọng của trái đất, muốn đứng cao lên để ngó bầu trời”[1]. Và tôi nghĩ, với nhà thơ cũng vậy, họ luôn muốn vươn lên cao trên bầu trời thơ ca, họ luôn muốn tìm tòi cái mới mẽ, cái khác lạ trong cả nội dung và hình thức của thơ. Tập thơ Ngụ ngôn mùa đông của Trần Võ Thành Văn, 48 bài, hoàn toàn viết theo thể thơ tự do, nên anh có điều kiện để trình bày chi tiết và đầy đủ nhất ý nghĩ và cảm xúc của mình. Ví dụ, như trong bài thơ Địa hạt cuộc người – mà tôi ngờ rằng đó là bài thơ hay nhất trong tập thơ này – Trần Võ Thành Văn đã nói được nhiều điều bằng một một giọng điệu không vấp váp, gượng ép, kiêng cưỡng.

Có lúc mặt trời mọc trên vai thắc thỏm

hoa cúc tần giấu mặt cao xanh

hôm Mẹ dắt tôi đi tìm bài đồng dao mất dấu sau vườn

bước qua lỗ trùn sâu tôi bổng thành

                                             đứa con của gió

bay đi

Và:

tôi ồn ả với ai

tôi lặng lẽ với ai

tiếng hát của tôi đã thuộc về góc trời xưa bão mặn

tiếng đập trái tim tôi đã thuộc về góc lá dẫn lưu

rạo rực hiến dâng lòng gió

  (Địa hạt cuộc người)

Bài thơ Địa hạt cuộc người như tóm được cả các chủ đề về kí ức – cuộc người, thiên  nhiên và tình yêu của cả tập thơ Ngụ ngôn mùa đông của Trần Võ Thành Văn. Nó là viên ngọc quí của cả tập thơ của anh.

Không ai không sống với thực tại cả. Trần Võ Thành Văn cũng vậy thôi. Thơ anh là tiếng nói khắc khoải đang hiện hữu ở trong lòng anh. Tuy nhiên, đọc hết tập thơ, người đọc có thể dễ dàng nhận ra rằng: Ngụ ngôn mùa đông là “địa hạt cuộc người” trong kí ức, hay nghiêng về kí ức. Còn bây giờ, nên chăng, anh nên thử mình trong “địa hạt cuộc người” hiên tại, bằng những câu thơ sát với ngày thường, đời thường hơn. Và tôi tin, anh sẽ thành công, như câu thơ anh đã viết: Sớm muộn gì những cành hoa cũng trổ…

Đà Nẵng, đầu tháng 7.2023.

BÙI XUÂN

_________________

[1] Rabindranath Tagore: Bầy chim lạc, Bùi Xuân dịch, NXB Kim Đồng, tái bản, 2018, tr 17.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *