VHSG- Trả lời Xuân rồi bố kể “Năm chuẩn bị vào lớp 1, trong lúc đút cơm cho con ăn, bố hút thuốc, con nói “Sao bố nói dối con hoài vậy? Để con dụt gói thuốc dùm bố nha, bố hứa mà bố không làm!”. Thôi! bố hứa hết trong gói này bố sẽ nghỉ luôn, ăn cho giỏi nghe con gái! Hết hè là vào lớp 1 rồi đó!
Đấy là những gì Xuân khắc cốt ghi tâm bao nhiêu năm nay, qua lời kể lại đầy tự hào của bố. Xuân cũng vậy, lúc nào cũng tự hào bởi vì từ mình mà bố đã bỏ được nhiều thói quen xấu. Đặc biệt là không bao giờ hứa suông và nói dối.
Từ đó Xuân đã có những nghị lực phi thường để vượt qua chính bản thân. Xuân nhớ nhất những lời trách đáng yêu của bố: “Con gái tuổi Dần ngoan quá! Lớn số đấy, nhưng có thể khó khăn trong đường gia thất sau này”.

Mãi đến năm lớp bốn Xuân mới nhớ những ký ức tuổi thơ của mình. Còn trước đó, chỉ lơ mơ. Nhớ lại qua những lần bố mẹ trò chuyện, bố đã từng kể với Xuân “Năm con ba tuổi, con bị bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa. Nửa đêm sốt cao, con dậy khóc, bảo Bố Mẹ đưa con đi bệnh viện. Khi mở cửa nhà thấy trời tối om, con bảo ‘Thôi đợi trời sáng bố mẹ hãy đưa con đi’”.
Bố mắt ngấn lệ “Nhưng con phải hứa là ngủ chứ không khóc nữa để trời mau sáng, thì mới đưa con đến bệnh viện được”. Thế là Xuân dạ rất ngoan. Vào giường ngủ một mạch đến sáng.
Năm học lớp 1 Xuân thuận tay trái. Nhưng bố mẹ thì không hài lòng, thế là Xuân căng mình ra luyện tay phải. Xuân gọi:
– Bố ơi! Con viết xong bài này con chết mất. Con chịu hết nổi đựng rồi.
– Sao Vậy con?
– Con viết phải nín thở.
– Vậy sao giờ con?
– Để con viết tay này!
– Con viết đi!
– Được rồi nè bố. Con bình thường rồi.
– Từ nay con muốn viết tay nào cũng được con nhé!
– Year! Con cảm ơn bố.
Lớn lên Xuân cầm đũa và cầm bút được cả hai tay. Xuân cảm ơn bố mẹ nhiều lắm vì không bao giờ buộc mình viết tay phải nữa.
Sáng nào cũng vậy, bố dậy sớm chạy thể dục, hôm thì mua đồ về nấu cho Xuân ăn. Hôm thì dẫn Xuân ra trước cổng trường để Xuân tự chọn món. Bố con cùng ngồi ăn, trò truyện động viên lẫn nhau. Nhà cạnh trường nên cũng thảnh thơi về giờ giấc, xong bữa sáng Xuân về nhà tắm rửa thay đồ và tự vào lớp.
Thói quen từ đó được hình thành và đi vào nề nếp. Buổi tối cũng rất nhẹ nhàng, vì bố mẹ không ép Xuân học nhiều. Chủ yếu là sắp xếp gọn gàng sách vở, chuẩn bị đủ cho chương trình thời khóa biểu ngày mai, quần áo đồng phục, đồ bán trú và thức dậy lúc 05h sáng hôm sau.
Mặc định đó được duy trì cho đến những năm vào đại học. Xuân lúc nào cũng cảm như có hơi ấm Bố bên cạnh. Nhớ những cái roi bố đét vào mông khi sai phạm. Nhớ những lúc bố con thủ thỉ bên nhau. Nhớ những chuyến đi công tác cùng bố ròng rã cả tuần. Những chuyến tham quan dã ngoại mà khi về nhà mẹ chỉ biết ôm Xuân khóc “Cứ đi hoài bỏ mẹ một mình vậy con?”.
Tuổi thơ của Xuân cứ gắn liền với dấu chân của bố. Nghỉ hè, bố đi công tác xa là Xuân được đi cùng. Bố bảo “Đi cho biết mình nhỏ bé thế nào thì mới khôn ra. Phải biết tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”. Nhờ vậy mà Xuân biết được nhiều danh lam ở các tỉnh thành. Đặc biệt là hình thành được tính tự lập ngay từ bé khi không có bố mẹ bên cạnh. Bố mẹ không bao giờ gây áp lực bắt Xuân phải học giỏi. Bố bảo: “Con biết chào hỏi mọi người, biết chia sẻ cảm xúc là giỏi rồi. Còn học hành thì con phải nỗ lực nắm cơ bản, đọc sách nhiều. Chứ học giỏi mà nhìn người quen không biết chào. Nhìn người hoạn nạn không biết giúp đỡ. Ra đường gặp biến cố không biết cách kêu cứu thì cũng vất đi con ạ! Bố chỉ cần con khá về kỹ năng sống thôi!”
Hết lớp hai, bố chuyển công tác xa. Xuân ở nhà với Mẹ và em. Xuân dà dặn trước tuổi, giúp đỡ mẹ trong em và làm việc nhà rất thạo. Xuân càng “bận rộn” hơn khi phải giúp mẹ trông em trai. Em tên Phúc, còn nhỏ nên “trèo đầu cưỡi cổ” chị. Dành đồ chơi còn đánh chị, Xuân nhường em nên cắn răng chịu đựng. Chỉ biết mét Mẹ, xong ngồi khóc một mình. Thấy chị khóc em Phúc ngọng nghịu “Xin lỗi Hai By”. Xin lỗi cho xong đâu lại vào đấy.
Là giáo viên, nên Mẹ Xuân cũng hiểu phần nào về áp lực phải học thật giỏi của các bậc phụ huynh ngày nay. Do đó Xuân được mẹ dạy về đạo đức nhiều hơn. Dạy về cách làm người, kính trên nhường dưới. Tôn kính những người có công với đất nước, tìm hiểu nhiều về lịch sử dân tộc, về truyền thống gia đình. Học tập những cái hay, loại bỏ những cái xấu. Chia sẻ cảm xúc giữa con người với nhau. Sử dụng mọi thứ đúng mục đích và tiết kiệm. Đặc biệt là giúp đỡ người khó hơn mình.
Nhập tâm những thông điệp của bố mẹ, trong những năm đại học Xuân tỏ ra nổi trội hơn các bạn cùng trang lứa. Xuân tham gia đầy dủ các hoạt động của Nhà trường. Là thủ lĩnh của phong trào học sinh sinh viên như: Mùa hè xanh, tiếp sức mùa thi, thiện nguyện, về nguồn…. là MC học đường, giữ đầu mối liên lạc giữa sinh viên với nhà Trường. Chính vì thế mà Xuân được kết nạp Đảng ngay năm thứ hai khi vừa tròn 20 tuổi.
Xuân trở thành người của công chúng khi nào “không hay”. Xuân không thể thiếu trong mọi hoạt động cộng đồng. Chính vì vậy thời gian quan tâm đến bản thân, Bố Mẹ và em cứ ít dần. Cô bé trở nên cứng cáp, bản lĩnh hơn độ tuổi của mình.
Ngày Xuân nhận bằng tốt nghiệp có đầy đủ những người thân yêu nhất, dù ai cũng bận rộn. Em Phúc ngày nào ăn hiếp chị “Hai By” năm nay đã học lớp 11, Phúc cũng chuẩn bị cho chị gái một món quà như là để chuộc lại lỗi lầm thủa bi bô “đấm chị binh binh”. Nhìn Xuân lộng lẫy trong bộ trang phục cử nhân. Có lẽ Mẹ Hậu của Xuân là người hạnh phúc nhất khi nhìn thấy con khôn lớn trưởng thành.
Đêm ấy cả nhà quây quần bên nhau. Ai cũng mừng vui vì thành tích của Xuân. Xuân nhìn những nếp nhăn trên gương mặt mẹ. Những sợi tóc bạc của bố mà lòng lâng lâng tuôn trào cảm xúc với đấng sinh thành. Cảm ơn bố mẹ đã sinh ra con. Tóc bạc của bố ngày nào con “nhổ thuê” giờ không còn lẫn tóc đen. Nếp nhăn của mẹ như những con sóng vỗ dập dìu theo dâu chân con cùng năm tháng. Xuân nhìn em Phúc, chị “Hai By” cũng đang ngổn ngang nỗi lo toan cho tương lai của nó.
– Bố ơi! Tình hình của con bố mẹ tính thế nào? Xuân hỏi bố.
– Tùy con thôi. Bố mẹ tin vào quyết định của con. Con chỉ có một quyết định, đây là lúc con thể hiện sự đúng đắn của mình đấy. Trả lời Xuân rồi bố kể “Năm chuẩn bị vào lớp 1, trong lúc đút cơm cho con ăn. Bố hút thuốc, con nói “Sao bố nói dối con hoài vậy? Để con dụt gói thuốc dùm bố nha, bố hứa mà bố không làm!”
– Thôi! Bố hứa hết trong gói này bố sẽ nghỉ luôn.
Kết thúc trận Chung kết EURO năm đấy, cũng là lúc điếu thuốc cuối cùng trong gói hết. Từ đó bố không bao giờ hút thuốc nữa. Bố cũng bỏ thói quen ăn ớt nhiều, ăn ít cơm lại và ăn rau nhiều hơn. Nhờ đó mà tính khí của bố từ đó điềm tĩnh hơn. Bố cảm ơn Xuân rất nhiều. Vì Xuân là động lực giúp bố bỏ đi những thói quen không cần thiết đó.
– Chuyện con ở lại trường hay ra ngoài đi làm thì bố mẹ không ép con. Con cứ suy nghĩ lựa chọn và quyết định nhé! Mẹ Xuân ý kiến.
– Dạ! Ở lại Trường làm trợ giảng, có điều kiện học cao hơn nhưng lại tốn tiền Bố Mẹ. Còn đi làm thì con có thể tự nuôi thân. Xuân đáp.
– Không sao con ạ. Mấy năm nay con cũng vừa học vừa làm đấy thôi. Con suy nghĩ đi nhé. Khi nào lựa chọn xong thì cho bố mẹ biết. Bố mẹ tin vào quyết định của con. Thôi cả nhà đi ngủ. Bố động viên.
Còn lại một mình Xuân lởn vởn với một cuộc chiến nội tâm. Tự quyết định để vượt qua chính mình lúc này. Xuân đã có một sự hậu thuẫn rất lớn từ bố mẹ đó là sự tự lựa chọn để khẳng định mình, không hề có một áp lực. Bố nhắc lại câu chuyện lớp một trong ngày “Vinh quy bái tổ” khiến Xuân càng cảm thấy ý nghĩa.
– Con biết mình phải làm gì rồi ạ. Ngày mai con sẽ nói quyết định của mình cho Bố Mẹ và em nghe ngay sau khi thức dậy. Cảm ơn câu chuyện của bố mẹ đã kể… mắt Xuân sung sướng nhòe đi chuẩn bị cho giất ngủ tối nay và đón tương lai cho ngày mai.
VĂN LÊ TÁM