Sắp có đường bê tông vào nóc, cái tin từ miệng anh trưởng thôn lan nhanh. Đây là cái tin lành nhưng khi mới vừa được phát ra là cả nóc ai ai cũng bàn tán. Người già, người trẻ, đàn ông, đàn bà đều râm ran. Trên rẫy trỉa bắp, trỉa lúa, rầm rì hỏi; dưới nà trỉa đậu, gieo mè, rộn ràng nói; trong hố làm củi, thả trâu cũng đồn ríu rít… Có thể nói cả nóc háo hức hơn bao giờ hết, cứ như cái tin giải phóng năm bảy lăm.
Nắng chảy tràn qua hàng cam trước nhà, đổ xuống sân loang lổ. Từng vạt nắng vàng mướt mềm, nắng được ủ trong sương sớm của núi rừng nên còn mang vị ngòn ngọt, thanh thanh. Má Út lần ra phía đầu hè bỏ nắm tấm cho mẹ con gà con mới xuống ổ ngày hôm tê. Vục cái gáo bành vào ảng nước, má múc ra một gáo đổ lên cái nắp cà men trên đất, chỗ lũ gà. Cái nắp cà men bằng inox của Mỹ còn sót lại từ thời chiến tranh bao lần má định vứt đi nhưng rồi thấy để lại làm đồ uống nước cho gà cũng tiện nên thây kệ. Má lại múc tiếp gáo nước rửa lên mặt. Nước dẫn từ khe suối lạnh trên hòn núi Chúa chảy về mát rười rượi và trong leo lẻo.

Quanh quẩn trong nhà, má Út cũng nghe mang máng tin có đường bê tông vào nóc từ mấy đứa cháu nội. Chẳng biết thực hư ra sao, mấy ngày ni vợ chồng thằng Núi thì cứ ở mãi trong rẫy. Đến mùa lúa chín sợ lũ heo rừng về phá, vợ chồng Núi phải ở trong chòi canh luôn. Nghe chữ được chữ mất, trong lòng má cứ thấp thỏm.
Có tiếng chó sủa phía đầu hè, má nghiêng người nhìn ra. Là thằng Rí, bí thư Chi đoàn.
– Đi đâu đó Rí? Má hỏi.
– Dạ bọn con đi phát dọn đường má à. Chuẩn bị cán bộ về đo đạc và làm đường vào nóc mình.
Vậy là đúng rồi. Mấy ngày nghe phong thanh, hôm nay má mới chính thức tin, bởi lời từ miệng thằng Rí thì không có sai. Tự nhiên tay chân má lần khâng, chẳng biết làm gì. Má bước vào nhà, ngồi xuống chỗ cái đà cửa nhìn ra. Nắng xuyên qua hàng cam trước nhà trải ra giữa sân lỗ chỗ, âm ấm, vui vui.
***
Ngày cán bộ về đo đất, cả nóc rộn rã như sắp ngày ngã rạ. Họ đo đo, ngắm ngắm, rồi vạch vạch làm dấu. Có thế thôi mà bọn trẻ nhỏ trong trong nóc thấy vui quá. Đứa lớn, đứa nhỏ địu nhau, bồng bế nhau chạy theo coi cán bộ đo đường. Đứa chạy trước, đứa chạy sau, tranh nhau chạy. Lớn chạy nhanh, bỏ cả em mà chạy làm cho đứa nhỏ khóc thét lên. Dắt díu nhau. Cười. Khóc râm ran cả làng. Thỉnh thoảng giờ nghỉ, cán bộ lại cho chúng được nheo mắt nhìn vào cái kính ngắm ngắm. Trời ơi, chúng vui quá. Cứ thế lũ nhỏ chạy theo từ sáng tới trưa, đến khi người lớn gọi về ăn cơm mới chịu thôi. Chiều, đầu giờ chúng đã chờ chực.
Lòng má Út rạo rực, tay vịn vào tấm phênh lùng, nhìn theo lũ nhỏ. Bàn tay một thời chiến đấu, một thời lao động cơ hàn giờ chỉ còn da và xương, gầy đen, nhăn nheo, khô quắp; ánh mắt một thời chứa đầy lửa Cách mạng hừng hực cháy, giờ đây đôi mắt ấy đựng đầy yêu thương.
***
Bữa cơm tối, cả nhà đầy đủ, vợ chồng thằng Núi mới bẫy được con cheo, mọi người quây quần bên mâm cơm có thịt cheo xào măng, ai nấy ăn ngon lành, cười vui vẻ. Thằng Tít ríu rang.
– Bữa ni cán bộ đo tới hai cây da đầu nóc, nghe nói phải phá hai cây da.
Vừa nghe tới đó, như có một luồng điện chạy dọc sống lưng, đang và cơm má dừng đũa.
– Tầm bậy, ai nói với bây như rứa hỉ?
– Con nghe cán bộ nói với chú Rí mà. Thằng Tít phân bua.
– Đừng có nói bậy, nghe chưa?
– Đúng đó má. Đường phải mở rộng ba mét mà đường cũ mình đi giữa cây da đôi thì hẹp quá. Thằng Núi nói thêm vào.
– Rứa răn bây không bảo làm cong đi. Răn đụng vô hai cái cây nứ được chứ?
– Người ta bảo bên trên mắc tảng đá kìa. Còn bên dưới là đám lầy, sao làm. Không làm cong được đâu. Phải phá cây da đôi thôi.
– Tầm bậy. Nói bậy. Bây không sợ thần quở à? Cái cây nớ mà phá. Không được.
– Con cũng đâu biết đâu. Nghe cán bộ nói rứa thôi.
– Tau nói không được là không được.
Nói xong má buông đũa đứng lên.
***
Ngoài đầu nóc ông Hỏng có cây da đôi to. Đó là hai cây da mọc sát nhau vươn cao lên tạo thành một tán rộng như cái dù, thế nên mọi người gọi nó là cây da đôi. Đường vào nóc đi giữa hai cây da ấy. Một con đường hẹp tầm hơn một mét. Bên trái cây da là lang đá to rộng nhưng không cao lắm. Bên phải là hố ruộng lầy. Ngó xa, cây da là cái cổng vào nóc. Không biết cây da có từ đời nào, cả má Út, người già nhất nóc này, cũng không biết. Má nói hồi má còn nhỏ xíu thì cây da đã đứng đó rồi. Hồi đó có mấy đứa nhỏ thường leo lên tảng đá kia làm cầu tuột. Nhưng rồi có đứa về bị quở nóng lạnh, sưng mặt. Thế là người lớn cấm con nít không được lung dỡn, hét hò chỗ cây da những lúc đứng bóng hay chạng vạng. Người ta đóng cái khóm bằng gỗ để thờ bên cạnh cây. Người dân nóc xem cây da là nơi linh thiêng bảo hộ cho nóc.
Thời chống kháng chiến, giặc gọi nóc này là nóc Cây Da. Nóc Cây Da là nơi che chở cho cách mạng. Dân trong nóc bao năm gùi khoai xiêm, măng, rau dớn… để tiếp tế cho bộ đội. Nơi đây là nơi họp mặt, bàn kế sách đánh xuống giải phóng Tam Kỳ, Núi Thành. Cây Da như một đứa con của nóc làm nhiệm vụ đứng canh. Cứ nằm trên cây da, giặc càn lên nóc lục tục từ phía đuôi đèo Ba Đầu là trên nóc đã phát hiện. Bộ đội biết tin rút êm lên núi. Ấy thế nhưng cuối cùng rồi chúng cũng ma mãnh biết được cách truyền tin. Chồng má đã trút hơi thở cuối cùng trên cây da. Máu chảy từ ngọn cây xuống tận gốc. Đó là tháng 2 năm 1972. Chính má đã tự tay chôn cất chồng phía bên kia tảng đá, đầu quay về hướng núi.
Dân nóc xem cây da là cây linh thiêng của cả nóc. Từ lễ đầu năm tới lễ ngã rạ, hay các dịp cúng lễ quan trọng của làng đều được tiến hành dưới gốc da. Mâm cúng, đồ tế lễ được bày biện, già làng cúng gọi thần cây da về chứng kiến trước. Sau đó tùy theo từng lễ cũng mà dân làng sẽ di chuyển đến địa điểm khác. Ví như lễ ngã rạ thì đồ cúng được khiên lên rẫy và theo đó là dân làng sẽ nhảy điệu múa cheo. Khi trở về cũng vừa múa cheo vừa gõ chiên quanh cây da chín vòng rồi mới liên hoan. Hay lễ đầu năm thì sau khi cũng dưới gốc da, người dân sẽ di chuyển về nhà rông. Tại đây sẽ diễn ra những nghi thức khác để đón năm mới.
***
Đêm nay là đêm thứ ba rồi má không ngủ. Má hết lăn bên này lại lật sang bên kia. Cái quạt mo cau thỉnh thoảng má quạt nhẹ nhẹ dù rằng tiết trời chẳng nóng. Cánh cửa hông từ phòng má ra phía bên ngoài không gài, trăng theo đó vào phòng tỏa sáng ánh vàng trong. Má lặng nghe tiếng con chim đớp muỗi kêu vang vang. Cái thứ chim lạ, ngày ngủ tối đi ăn, và đặc biệt chỉ nghe tiếng của nó trong đêm có trăng thật sáng. Tối trời không bao giờ nghe được nó kêu. Nó chọn những cành cây cao nhất và kêu lên những tiếng thanh trong nhất trong những đêm trăng vằng vặc. Rồi má lại nghe tiếng cú. Cú… cú… Tiếng cú từng tiếng một, nghe khô khốc, rờn rợn. Con cú là con vật xui xẻo. Má nhớ lại trước ngày chồng má chết, nó đậu trên ngọn mít trước nhà kêu ba tiếng liên hồi rồi bay đi. Nhưng đêm nay tiếng cú rải ra từng nhịp, thưa thớt, và như bị át đi bởi tiếng chim đớp muỗi. Má lại nghĩ đến cây da đôi linh thiêng nơi đầu làng, con đường bê tông vào nóc… Đêm yên, có tiếng thở dài thườn thượt như gió qua đồi.
Mấy ngày nay dân trong nóc kéo đến, rồi cả cán bộ đến, má vẫn im lặng. Cái im lặng vững như tảng đá đầu thôn. Phá hay không chỉ có má, người già làng, linh hồn của cả nóc mới có quyền quyết định. Nhiều lời bàn ra tán vào. Phá thì các thần trong cây to sẽ lang thang, không nơi trú ngụ, quở trách người già, bắt bớ trẻ nhỏ. Không phá thì xe cộ làm đường không vào nóc được, đường bê tông cũng sẽ không vào nóc. Hai cái cây hàng trăm tuổi vẫn đứng đợi. Má Út vẫn từng đêm không ngủ. Dân làng vẫn bồn chồn. Có đêm quá mệt mỏi, má chợp mắt, má thấy chồng má về đứng dưới gốc da vẫy gọi. Tỉnh giấc, nước mắt rỉ ra hai khóe. Mái tóc hoa râm giờ đã bạc phơ theo từng đêm trắng.
Đêm nay má lại nằm mơ thấy chồng về. Ông đứng đầu nóc, vẫn dưới cái gốc da vẫy tay gọi má. Má thổn thức. Má lại thấy mình chống gậy tay dắt thằng Tít, cháu nội, đi trên con đường bê tông mới, con đường còn thơm mùi xi măng. Thằng cu nhỏ mang cặp sách trên vai, vừa đi vừa ê a: “ A…tờ… át… ớ …tờ… ất, ba xe cát, bốn xe đất”. Má lại thấy chồng má cười hiền từ, mà lạ chưa, bên cạnh chồng má chỉ còn một gốc da. Ông vịn tay vào một gốc da còn lại, bóng cây da nghiêng mình qua phía kia che mát cả con đường mới. Ông vẫy tay chào hai người.
– Nội, nội ơi!
Thằng Tít vừa lay vừa kêu. Má giật mình. Mở mắt ra, má thấy ánh mặt trời đã lọt qua cái khe của tấm phênh lùng rọi vào phòng. Chưa bao giờ má lại dậy trễ đến vậy. Má lần ra đầu hè, ngọn nước suối dẫn về từ núi Chúa mát dịu, thơm cả mùi cây và mùi hoa rừng. Quay sang nhìn đứa cháu nội, tự nhiên má thấy hình ảnh hai bà cháu dắt tay nhau đi trên con đường mới, thằng nhỏ ngân nga hát: A…tờ…át…ớ…tờ…ất…ba xe cát… bốn xe đất…
THANH TUÂN