Truyện ngắn Đào Sỹ Quang: Mỹ viện

Cậu bé kiên quyết không chịu nhận giải nhất cuộc thi Viết văn hay do nhà trường tổ chức. Cha mẹ nó như muốn gầm lên:

– Sao con kỳ quặc vậy? Con phải biết rằng đây là một vinh dự lớn!

Trước phản ứng của cha mẹ, cậu ta đành phải giải thích rằng:

– Trong một cuộc thi thơ, người ấy nhận được giải, rồi sau đó ông ta đã phải lột da, cắt thịt. Chao ôi, con không muốn mình còn tồi tệ hơn thế nữa!

– Ai? Con bịa ra hả?

– Không, con không bịa. Không tin thì cha mẹ cứ đến hỏi cô giáo File. Cô ấy đã kể cho cả lớp con nghe về câu chuyện khủng khiếp đó!

– Biết vậy sao con không làm một bài thi tồi?

– Con chỉ định viết lấy một, hai điểm thôi, ai ngờ…

Hai vợ chồng nọ nghe vậy không cầm nổi nước mắt. Người vợ nhìn chồng nói giọng xúc động: Anh ơi, con của chúng ta tài hoa quá! Và sau đó chính họ đã phải tìm tới nhà cô File. Toàn bộ câu chuyện đã được “giải mã”…

***

Ở tỉnh Insert của nước X có gã Format, mà mỗi khi nhắc đến gã là mọi người không thể không có lời bình phẩm, thậm chí có kẻ nổi khùng!  Ấy là cái chuyện Format luôn vỗ ngực ta đây là người tài giỏi về thơ phú! Thế giới chưa bao giờ lại xuất hiện lắm nhà thơ như bây giờ. Và, cũng chưa bao giờ có nhiều kẻ lại tự xưng, tự quảng bá thơ mình mãnh liệt như bây giờ. Trong cái sự hỗn độn giữa trắng – đen, cao – thấp, lớn – nhỏ ấy, như một lẽ thường tình thiên hạ lúc nào cũng muốn tìm cho ra sự thật. Và, Format đương nhiên là một đối tượng bị nhấp chuột để test …

Nhà văn Đào Sỹ Quang

Format làm thơ như điên, đến nỗi trở thành kỹ năng kỹ xảo, giống như người mù vẫn có thể đan được sọt rác. Gã từng tham gia các cuộc thi thơ, nhưng số gã chẳng ra gì vì gặp toàn ban giám khảo lẹt phẹt, – gã bảo vậy. Nên cố gắng lắm gã mới nhận được cái giải “khù khờ” (khuyến khích). Tuy nhiên gã luôn tự đắc rêu rao mình được giải thưởng! Gã thao thao bất tuyệt về các loại thơ, cách gieo vần thơ, với thái độ hết sức dạy đời! Gã không những “sản xuất” bội thu về thơ mà còn là một “cuốn từ điển sống” về những cái gì liên quan tới thơ, nhìn chung là văn chương. Có nhiều người “quê độ”,  vì đố gã câu gì gã cũng trả lời đúng cái một! Gã khoe đã thuộc lòng một loạt thơ của những nhà thơ nổi tiếng thế giới như: Omar Khayyam, Hafez, Rumi, Firdosi, Xuân Diệu, Basho, Lý Bạch, Đỗ Phủ … Nhưng bao giờ gã cũng có câu nhận xét, nhấn mạnh : Thơ họ cũng bình thường thôi! Chưa đủ, gã còn khoe tiếp, từng là cái máy ghiền tiểu thuyết. Tỉ dụ hỏi: Tôi còn nghĩ là nếu có thể trở lại nước Mỹ, tôi sẽ đến Hilton Head để xem “mãi mãi có phải là mãi mãi thật không? Câu văn trên có trong tác phẩm nào? Của ai?”. Bờ biển vàng của Nelson Demille. Gã trả lời ngay không cần phải “huy động” mấy nếp nhăn trên trán. Rõ ràng gã đâu phải người tầm thường. Sau những “cú sút” ngoạn mục ấy, gã lại càng tỏ ra ta đây là trên cả tuyệt vời. Rồi, từ đó để cho trong thiên hạ xảy ra biết bao nhiêu chuyện về cá cược, thách đố lẫn nhau, thậm chí dẫn đến ẩu đả!

Mùa hè năm ấy gã du lịch tới bờ biển Việt Nam để … bán thơ, nhiều người liền xin chữ ký làm quen. Lại, và tất nhiên không quên xin phép được hỏi gã một câu đố:

– Tính đến thời điểm năm 2013 ở Việt Nam bài thơ của tác giả nào được bán với giá kỷ lục ?”

Gã cười với thái độ khinh miệt:

– Sao bạn không hỏi tôi tiểu thuyết CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH có bao nhiêu chữ, mà lại hỏi câu dễ như vậy! Nhưng  thôi được rồi, tôi xin trả lời bạn: Bài thơ Ở HAI ĐẦU NỖI NHỚ nhớ của Trần Đình Chính, tức Trần Hoài Thu, bán với giá ba trăm triệu đồng cho Tổng Công ty Maseko!”(*).

Ôi, thật chính xác! Ngay sau đó trên các trang mạng xã hội đã có hàng  nghìn hàng vạn comment bình luận về gã “nhà thơ”, với những ý kiến hết sức trái chiều. Vì vậy tiếng tăm Format càng lan xa. Đi tới đâu Format cũng khoe khoang ta đây là một “đẳng cấp”. Format cũng nổi tiếng là một tay cướp diễn đàn. Và, gã có thể chửi bất cứ ai, giống như Chí Phèo chửi cả làng Vũ Đại. Thiên hạ đàm tiếu về  Format biết bao câu chuyện cực kỳ giật gân. Có người gặp gã là xả lời khen ngợi và tỏ ra hết sức thán phục. Chính vì vậy cái mặt của Format càng ngày càng cứng lên, đi đứng nói năng bảnh chọe. Ngược lại có người gặp Format lại mần thinh! Format cho những kẻ đó là loại chẳng biết con mẹ gì… Gã “khổng lồ” này cũng từng là “Dế mèn phiêu lưu ký” để làm nên nỗi đau cho người khác. Dế mèn còn biết ân hận về những việc làm xấu xa của mình, còn gã vẫn cười trên nỗi đau khổ của người khác. Gã luôn mang theo tư tưởng hàn lâm cứng nhắc, vẫn cho mình là một “minh tinh” sáng giá trên văn đàn để mà xỉa xói, coi khinh người khác…

Có lời bình phẩm rằng, gã là  “vua quậy phá”, danh tiếng nhờ vào cái “văn” mà gã tạo nên như một “bản cửu chương” để hù dọa thiên hạ. Kể ra cũng hiếm có ai được như vậy. Hàng ngày gã thường biến mình như thằng bé vừa thả trâu vừa đọc bài ra rả: Rắn là loài bò. Rắn là loài bò. Sát không chân, sát không chân, để cung cấp cho “ngân hàng hiểu biết” của mình nhiều hơn! Người ta có thể kể một nghìn lẻ một những câu chuyện khôi hài về gã. Nhiều người muốn cho gã một “bài học” lắm, nhưng không “đủ cơ” làm chuyện đó!

***

Lão già Table – một “nhà thơ xóm”, đã lặn lội từ một vùng xa xôi tìm bằng được Format để nhờ gã “khổng lồ” này chấm thơ mình xem sao. Đọc xong bài thơ của “người hâm mộ mình”, Format buông một câu như lưỡi dao cứa vào cổ tác giả: Ông là kẻ điếc không sợ súng! Table là một người vốn trầm tính và kiên trì, tiếp tục đưa cho Format đọc những bài thơ của mình từng được in trên tạp chí văn nghệ chính hiệu. Cả chục bài thơ, mà Format chỉ chấm được một, hai câu, rồi bĩu môi: Thôi thôi, ông đừng có ném đá vào cái nền văn chương nhân loại! Table vẫn không chịu, bởi đời dạy cho lão, nóng vội chỉ đem về sự mất khôn mà thôi. Lão lại năn nỉ: Trăm sự nhờ sư huynh xem xét lại cho tôi bài thơ cuối cùng. Tôi rất biết ơn! Format nhìn lão già như nhìn một kẻ ngu si đần độn: Yêu thơ văn không có nghĩa là sáng tác được thơ văn. Sáng tác thơ văn là phải có tài, thông minh, biện hộ. Tóm lại là nó phải hơn người. Ngập ngừng một lát, Format nói lời miễn cưỡng: Rồi… tôi sẽ đọc bài thơ của lão. Đọc lần cuối cùng thôi nhá! Format giương mục kỉnh xoi mói từng con chữ, rồi… nhát gừng:

 “Ðôi mắt băn khoăn của em buồn.
Ðôi mắt em muốn nhìn vào tâm tưởng của anh
Như trăng kia muốn vào sâu biển cả.
Anh đã để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em(**)

Đọc chưa hết bài thơ, Format thở phun ra hơi, rồi mở mồm: Viết thế này thì cởi truồng mẹ nó ra rồi còn gì. Xin lỗi cụ, đúng là thơ thể tự do thật, tự do thì tự do nhưng phải có khuôn phép, chứ tự do kiểu này thì gọi là tự phá! Thơ phải có vần có điệu, ý tại ngôn ngoại chứ. Tuy nhiên, nếu ưu tiên lắm, chọn ra cũng được khoảng một, ba từ! Tóm lại là vứt vứt vứt! Vứt sọt rác! Câu nhận xét của Format tạo nên một lực đẩy hất tung lão già Table ra khỏi ghế ngồi biến lão thành một kẻ “tâm thần điên loạn”: A ha ha giờ đã biết! A ha ha giờ đã biết!… Lão già cứ thế mà réo, rồi chạy vụt ra khỏi nhà Format, không một lời chào từ biệt! Format trợn trừng đôi mắt, đuổi theo, thét lên như  phá trời: Đồ điên! Đồ điên!

Ngay ngày hôm sau Format nhận được một bưu phẩm chuyển phát nhanh bằng đường bưu điện. Format hí hửng mở ra xem thì thấy một cuốn sách mang tựa đề Thơ R. Tago của một nhà xuất bản nổi tiếng. Ðôi mắt băn khoăn của em buồn/Ðôi mắt em muốn nhìn vào tâm tưởng của anh… cứ hiện lên trong mắt gã, như những ánh hào quang. Hai mắt gã không thể khép lại được, cả cái thân gập xuống… Giời ơi!– gã thốt lên câu thiều não!

***

Năm 202x, người ta phát hiện ra Format đang chờ đến lượt mình ở một thẩm mỹ viện nổi tiếng về “lột da, cắt thịt” ở tận Thái Lan để biến đổi hình hài con người, nhằm chống lại sự phát triển bình thường của tạo hóa! Ngoài đường kia, có một kẻ bán sách dạo, đang rao những lời quảng cáo hết sức giật gân: Bạn có muốn trở thành người sành điệu, đẳng cấp, minh tinh thì hãy đọc thơ Tagore, một tài năng kiệt xuất! Một khách hàng còn rất trẻ trong thẩm mỹ viện hưởng ứng cất lời: Ai chưa đọc thơ Tagore thì coi như mất đi một phần hai cuộc đời!

Ôi! Đây có phải là viên đạn bắn trúng tim ta? Tìm về nơi mỹ viện có phải là con đường hay nhất mà ta đang chọn? – Format rầu rên, trông tội nghiệp đến lạ kỳ…

ĐÀO SỸ QUANG

___________

*) Bài thơ “Ở hai đầu nỗi nhớ” bán với giá 300 triệu VND năm 2013.

**) Bài thơ “Không đề” hay “Bài thơ tình số 28” của R. Tagore tài năng kiệt xuất Ấn Độ – người châu Á đều tiên nhận giải Nobel Văn học.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *