Truyện ngắn Đào Thu Hà: Trăng trôi trên sóng

Đã quá nửa đêm mà Đại Thắng Minh Hoàng Hậu Dương Vân Nga cứ trăn trở mãi chẳng thể nào chợp mắt. Đã chớm hạ. Mấy hôm nay bầu trời như sắp đổ mưa mà cứ dấm dẳng, dùng dằng mãi không mưa được thành ra oi ả, khó chịu. Vân Nga trở mình. Gió len qua cửa lay động tấm rèm. Đêm nay trăng sáng. Ánh trăng lọt qua song cửa phủ lớp ánh sáng bàng bạc lên tấm thân ngọc ngà đã bước qua tuổi tứ tuần mà vẫn đẹp rực rỡ, kiêu sa của nàng. Hoàng hậu ngồi dậy. Chẳng hiểu sao tâm trí nàng cứ cồn lên những lo lắng mơ hồ. Ruột gan nóng như lửa đốt. Nàng trằn trọc mãi đến canh tư mới mệt mỏi thiếp đi trong giấc ngủ đầy mộng mị nặng nề.

Người cung nữ thân tín đánh thức nàng dậy, nghẹn ngào:

– Hoàng hậu, Vệ vương không còn nữa.

Nàng ngơ ngác. Hình như nàng còn chưa tỉnh khỏi cơn ác mộng. Nàng mơ thấy máu. Máu nhỏ từng giọt chảy dài xuôi theo cánh tay nàng vương xuống nền gạch theo mỗi bước chân nàng đi. Con trai nhìn nàng, khuôn mặt nó không hề bộc lộ bất cứ cảm xúc gì. Nàng lắc đầu cho tỉnh táo lại. Nhưng những cung nữ đã quỳ xuống:

– Xin Hoàng hậu nén bi thương.

Ầm! Nàng nghe như có một tia sét vừa nổ bùng lên trong đầu nàng. Lồng ngực nàng nhói buốt. Nàng thấy miệng mình mằn mặn. Cơn ho kéo đến. Nàng ho quặn thắt, ho như trút hết cả gan ruột. Chiếc khăn tay thấm máu. Vệt máu đỏ loang như một cánh hoa.

Nhà văn trẻ Đào Thu Hà ở Đắk Nông

Nàng ôm ngực, lịm đi. Đinh Toàn! Con có oán hận mẫu hậu không?

Mùa Xuân năm 978, Đinh Tiên Hoàng đế lập con thứ Hạng Lang làm Thái tử. Hậu cung nổi lên một trận sóng gió. Các vị Hoàng hậu ngấm ngầm tranh đấu, lôi kéo quần thần. Đinh Toàn của nàng cũng được phong là Vệ Vương. Nàng chẳng biết nên buồn hay nên vui. Con trai của nàng còn nhỏ quá, nào đã biết được những cơn sóng ngầm cuồn cuộn chốn cung đình. Nàng ôm con vào lòng, tiếng ru tắc nghẹn trong lồng ngực. Nỗi lo sợ dài đẵng đẵng, thăm thẳm như đêm.

Hoàng Thượng phế trưởng lập thứ, mùa hạ xảy ra nạn hạn hán. Ruộng đồng nứt nẻ, khô cháy trong cơn khát mặt trời thiêu đốt. Đâu đó có lời oán thán vua bất công, hành sự không hợp lẽ trời nên trời trừng phạt. Mùa Xuân năm sau, Nam Việt Vương Đinh Liễn giết chết Thái tử Hạng Lang. Vì đại cục, Đinh Tiên Hoàng đế xóa tội cho Đinh Liễn. Nhưng cơn sóng ngầm vẫn âm ỉ chỉ chờ cơ hội để bung trào. Dường như một trận gió tanh mưa máu đang tích tụ thành hình.

Lâu lắm rồi, Hoàng thượng mới ghé tẩm cung của Vân Nga.

Bước chân của nhà vua nặng nề vang lên trên dãy hành lang hút gió. Vị tướng trên lưng ngựa dẹp loạn Mười hai sứ quân oai hùng thủa nào giờ như già đi thêm hàng chục tuổi. Tấm lưng rộng hơi trùng xuống che giấu tâm tư phiền muộn. Vân Nga đỡ ngài nằm xuống giường, khẽ xót xa khi thấy tóc ngài đã bạc đi quá nửa. Nàng có yêu Đinh Tiên Hoàng đế không, nàng cũng không rõ nữa. Những thiết tha, nồng nàn nàng trót để lại hết cho mối tình thời thiếu nữ rồi. Nhưng dẫu không có tình yêu thì còn nghĩa phu thê. Nàng có phải là gỗ đá đâu mà không biết xót lòng khi nhìn thấy vẻ tiều tụy của người là chồng mình, là cha của con mình.

Đêm chậm rãi trôi. Giọng nhà vua khàn đặc, mệt mỏi:

– Ta đã sai, phải không?

Nàng thu mình lại, nhỏ bé, mong manh:

– Hoàng thượng quên rồi sao, hậu cung không được can dự vào chuyện triều chính.

Nhà vua vuốt tóc nàng, im lặng. Chỉ nghe tiếng gió hun hút ngoài hành lang đầy lạnh lẽo. Một lúc lâu sau ngài mới lên tiếng. Chẳng biết là nói cho nàng nghe hay độc thoại với chính mình:

– Chỉ vì sự yêu thích mà ta phạm phải sai lầm. Ta yêu thích Hạng Lang, phong nó làm Thái tử mà cố tình quên mất Liễn là con trưởng, đã từng vào sinh ra tử cùng ta. Sao ta lại quên rằng ta phong cho nó tước Nam Việt Vương chẳng phải là đã từng có ý muốn truyền ngôi cho nó đấy sao…

Nói rồi, ngài lại im lặng. Chẳng biết ngài đã mệt mỏi nên cố chợp mắt hay đắm chìm trong ký ức. Long nhan chau lại, đầy phiền muộn. Tiếng lẩm bẩm của nhà vua bị tiếng gió át đi:

– Phải chăng lời của nhà sư năm nào sắp đến ngày ứng nghiệm.

Có phải ngài đang nghĩ tới viên ngọc bị mẻ góc mà thuở còn hàn vi ngài bắt được khi kéo lưới ở sông Giao Thủy. Chẳng hiểu luống cuống tay chân thế nào mà viên ngọc va vào mũi thuyền bị mẻ mất một miếng. Đêm ấy mưa to, nước sông dâng cao, ngài đành ngủ nhờ lại chùa Giao Thủy, giấu viên ngọc ở dưới đáy giỏ cá định bụng khi trời sáng, tạnh mưa sẽ mang đi bán. Nửa đêm ngọc phát sáng rực một góc chùa. Trụ trì chùa thấy lạ bèn gọi ngài dậy, hỏi han. Chẳng giấu giếm, ngài lấy viên ngọc cho trụ trì xem. Nhà sư cầm viên ngọc trên tay, trầm ngâm mãi rồi buông một tiếng thở dài: “Ngày sau, anh sẽ phú quý không biết kể thế nào cho hết, nhưng tiếc là phúc đức không được bền lâu”.

Nhà sư đã viên tịch lâu rồi. Chỉ còn lời tiên đoán năm nào văng vẳng trong tiềm thức. Đột nhiên, Hoàng đế bật dậy, vén rèm bước ra ngoài. Vân Nga khẽ xoay người. Cơn gió xoáy mạnh, ù ù vọng qua khe cửa chợt tràn vào theo bước chân của nhà vua khiến nàng so vai vì lạnh. Nàng mong trời sáng để đến gặp Đinh Toàn, ôm con vào lòng. Ngoài trời, giữa bóng tối thâm u, có vì sao đang cố lóe sáng nhưng chỉ thoi thóp chút ánh tàn rồi vụt tắt.

Vân Nga tỉnh lại. Những thị nữ bận rộn vào ra. Người lấy khăn, kẻ bưng nước lau mặt cho nàng, kẻ chạy đi tìm thái y. Cổ họng nàng khô khốc, muốn khóc mà chẳng thể khóc được. Nàng rên rỉ những tiếng khàn đặc trong cuống họng. Đinh Toàn. Mẫu hậu muốn khóc lên, thét lên, gào lên tên con mà sao chẳng thể cất tiếng.

Đã sắp vào hạ mà sao nàng thấy lạnh quá. Lạnh hơn cả cái đêm tháng Mười năm Kỷ Mão.

Nàng chẳng bao giờ quên được đêm tháng mười ấy. Mới chớm đông mà trời đã rét buốt như ai cầm cật nứa cắt vào thịt da. Một năm khắc nghiệt. Hết hạn hán, mưa đá lại đến những giá rét căm căm bao phủ. Cây cối trong sương giá trơ trụi hết lá, chỉ còn những thân, những cành khô gầy, sắt lại, cố hết sức để chống chọi với thời tiết. Từ chập tối trời đã tối đen như mực. Một vì sao lẻ loi lướt ngang trời rồi lịm tắt. Bóng tối bủa vây Hoàng cung như thể đang che giấu một âm mưu thâm độc.

Nửa đêm, nàng choàng tỉnh bởi những tiếng la hét, náo loạn, tiếng khóc lóc vang vọng khắp cung cấm. Cấm vệ quân rút gươm, truy tìm thích khách khắp các ngõ ngách. Nàng hớt hải chạy sang cung của Đinh Toàn. Nàng đưa tay che kín mắt con để nó không phải nhìn thấy cảnh phụ hoàng và hoàng huynh của nó gục trên vũng máu. Mùi máu tươi nồng đậm hòa với mùi rượu lênh láng chảy ra từ những chiếc vò vỡ nát xộc thẳng lên mũi, ám ảnh. Đêm ấy nhà vua thấy trong lòng phiền muộn nên gọi Nam Việt Vương Đinh Liễn, hai cha con đối ẩm đến khuya rồi nằm ngủ ngay giữa sân cung đình. Nàng nghe ai đó hò hét phải tìm bắt bằng được Đỗ Thích, tên quan nội thị của nhà vua, kẻ đang giữ chức Chi Hậu Nội Nhân. Nàng nghe những tiếng khóc than ai oán của các hoàng hậu. Trái tim nàng run lên. Những tranh sủng, đấu đá chốn hậu cung có còn ý nghĩa gì nữa không, nàng và họ đều trở thành những người đàn bà góa bụa. Nàng ôm chặt con đến mức Đinh Toàn bị đau khẽ kêu lên. Nàng nhìn chỏm tóc của con, lòng quặn lên những câu hỏi, rồi số phận sẽ đưa nàng và con nàng đi đến đâu.

Ba ngày sau, Cấm vệ quân tìm thấy Đỗ Thích khi y đang trốn trên máng nước. Y bị cung nữ phát hiện vì thò tay ra khỏi máng nước để hứng nước mưa uống. Đói và khát đã khiến y suy kiệt đến mức giờ phút bị chém đầu cũng chẳng thể nào cất nổi một lời biện giải cho mình. Lúc bắt được Đỗ Thích, nàng chỉ muốn ngay lập tức băm vằm y thành trăm ngàn mảnh. Đinh Quốc Công Nguyễn Bặc cho biết, lúc thẩm vấn, Đỗ Thích khai khi còn làm quan ở Đồng Quan, một đêm trăng thanh gió mát ngủ quên trên cầu, y mơ thấy có vì tinh tú từ trên trời rơi xuống. Y nuốt được vì tinh tú ấy và cho rằng đó là điềm tốt nên nảy ra ý định giết vua. Chờ mãi mới có cơ hội nhà vua và Nam Việt Vương cùng uống say nên Đỗ Thích đã lẻn vào giết vua và Nam Việt Vương. Chao ôi! Chỉ một giấc mộng mơ hồ mà nhà vua cùng con cả của mình, hai vị dũng tướng của Giao Châu Thất Hùng phải bỏ mạng, vương triều của nhà Đinh chao đảo. Thử hỏi làm sao nàng có thể không oán, không hận cho được.

Nhưng rồi khi cơn xúc động qua đi, khi những cảm xúc lắng xuống, khi đã đủ bình tĩnh và tỉnh táo để đối diện với sự thật, nàng thấy nghi ngờ về cái được gọi là âm mưu, là giấc mộng của Đỗ Thích. Y chỉ là một quan nội thị, giết vua y cũng chẳng thể lên ngôi Hoàng đế được. Là ai đứng sau y, sai khiến y. Là ai trong số các đại thần đang nắm trọng quyền. Những hồ nghi của nàng chẳng ai có thể giải đáp, chỉ có thể giấu vào đêm thẳm sâu im lặng.

Đinh Toàn sáu tuổi lên ngôi Hoàng đế. Nhìn con trong tấm áo long bào rộng hơn sắc vóc, ngơ ngác nhìn quần thần quỳ lạy, nàng chẳng thấy vui mà chỉ thấy xót xa và lo lắng. Dù rằng con trai lên ngôi, nàng trở thành Thái hậu nhiếp chính uy quyền trên thiên hạ. Nhưng nàng chẳng vui nổi, chẳng cười nổi. Đôi mắt đen láy của Đinh Toàn nhìn nàng như muốn hỏi phải làm gì tiếp theo, phải nói gì với những người đang đứng dưới kia. Nàng muốn gào lên, Tiên đế, người thực sự sai rồi. Sai lầm của người phải trả giá bằng chính mạng sống của đứa con nhỏ ngài yêu thương, mạng sống của người con trai trưởng cùng vào sinh ra tử với ngài, bằng cả mạng sống của người. Ngai vàng mong manh này, nàng và con trai non nớt mới sáu tuổi đầu cũng chẳng biết có thể giữ được bao lâu. Nàng nhìn đâu cũng chỉ thấy những cặp mắt trừng trừng âm mưu, toan tính, nhìn đâu cũng thấy dã tâm bừng bừng của các vị đại thần. Nàng có thể tin ai đây.

Để bảo vệ con, bảo vệ chính mình, nàng đâu có sự lựa chọn nào khác ngoài việc mời Lê Hoàn về kinh đô làm Nhiếp chính vương đảm đương việc nước.

Có những tiếng xì xào, lời ra tiếng vào khi nàng mới người ấy về cung làm Nhiếp chính vương. Nàng cũng đã phải tự nhủ lòng mình, Nhiếp chính vương đã không còn là chàng dũng sĩ cùng nàng thề nguyện dưới trăng bên bờ sông Bôi năm nào. Và nàng cũng không còn là người thiếu nữ mộng mơ hay hát hay cười của ngày xưa cũ ấy nữa. Tiếng hát đã vắng bặt trên môi nàng kể từ ngày nàng theo Tiên đế vào cung. Nàng không còn ngân nga những khúc hát ấy cũng như nàng đã cố dặn lòng phải vùi chôn mối tình từ thời thiếu nữ vào nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn mình, dập tắt hết cả tàn tro âm ỉ.

Quê nàng nằm cạnh con sông Bôi, phía tây bắc Hoa Lư.

Nàng gặp Lê Hoàn lần đầu tiên cũng bên bờ sông Bôi ấy.

Nàng ra sông giặt áo. Chiều mùa thu, hoàng hôn nhuộm đỏ cả một dải sông. Nàng ngẩn ngơ đứng nhìn ráng chiều, lắng nghe tiếng lau lách xào xạc, bật cười khúc khích khi những cơn gió núi đưa về vờn trên mái tóc dài đen mượt, óng ả chảy dài như suối. Có tiếng ai khẽ hỏi, nàng giật mình nhìn lên, bắt gặp chàng tráng sĩ ngồi trên lưng tuấn mã, bất giác nàng đỏ mặt, thẹn thùng. Chẳng hiểu sao trái tim trong lồng ngực nàng đập rộn rã.

Tráng sĩ hỏi thăm, thật khéo làm sao lại hỏi đúng đường về nhà nàng. Tráng sĩ dắt ngựa sóng đôi cùng nàng dọc triền sông. Hoàng hôn tím sẫm, vầng trăng non lấp ló đuổi theo bước chân họ. Qua những câu trò chuyện, nàng biết tráng sĩ là chủ tướng Lê Hoàn, theo lời mời của anh nàng mà tạm gác công việc bộn bề để đến thăm nhà. Biết tên tráng sĩ, một cảm giác thân thuộc ùa về trong lòng nàng. Anh trai nàng vẫn thường hay kể về vị chủ tướng của mình trong những dịp được về thăm nhà. Đó là một vị chủ tướng tài giỏi lại hết lòng yêu thương tướng sĩ, một vị anh hùng có tài thao lược. Vân Nga liếc nhìn vị chủ tướng mà nàng đã mong gặp từ lâu. Bắt gặp ánh mắt người ấy cũng đang nhìn nàng, nàng đỏ mặt cúi đầu rảo bước nhanh hơn mà lòng lại thầm mong đường về cứ dài ra mãi.

Từ buổi chiều bên bờ sông ấy, Lê Hoàn ghé thăm nhà nàng nhiều hơn. Tình yêu chớm nở. Con sông Bôi trở thành nơi hò hẹn của nàng và vị chủ tướng của sứ quân Đinh Bộ Lĩnh. Tiếng hát của nàng những đêm trăng tròn dành tặng cho một người con trai hình như vẫn còn đang theo sóng ngân vang.

Vân Nga ngồi dậy, vươn tay ra phía cửa, với vào khoảng không trước mặt. Nàng chẳng nhìn thấy cung vàng điện ngọc, thấy những thị nữ hầu hạ, trước mắt nàng chỉ là một khoảng không trắng màu ký ức. Kìa! Đinh Toàn, có phải con trai nàng đã chịu đến thăm nàng đấy phải không. Lòng nàng cuộn xoắn lên những câu hỏi. Đinh Toàn! Con chịu đến thăm mẫu hậu rồi đấy ư. Sao con cứ nhìn mẫu hậu mãi mà chẳng nói gì. Ánh mắt của con tại sao lại hệt như ánh mắt ngày con hỏi mẫu hậu rằng có phải mẫu hậu là người đứng sau cái chết của Tiên đế và Nam Việt Vương không. Từ lúc nào con có suy nghĩ ấy. Là ai đã gieo vào đầu con suy nghĩ ấy. Con có biết lời chất vấn của con khiến trái tim mẫu hậu như vỡ ra từng mảnh, nhức nhối. Trong mắt con, mẫu hậu là một người đàn bà có dã tâm đến nhường ấy ư? Một người đàn bà vì tình mà sẵn sàng xuống tay với chồng mình, lật đổ cả cơ đồ của chồng con mình.

Nàng đã từng vì vâng lời cha mẹ, vì chữ hiếu mà chấp nhận buông tay từ bỏ mối tình thời thiếu nữ. Khi chấp nhận buông tay, nàng đã chấp nhận số phận, đã tự nhủ lòng mình rằng nàng và Lê Hoàn duyên mỏng, sợi tơ hồng trời ban chỉ được đến thế. Nàng rời bỏ dòng sông thao thiết, từ bỏ ánh trăng phủ lên tóc nàng màu của nhớ nhung, rạo rực trong những đêm hò hẹn để về nơi cung cấm, gác ngọc lầu vàng, trở thành Hoàng hậu của Đinh Tiên Hoàng đế. Cũng từng có lúc xao lòng khi gặp lại người quen cũ giờ đã là Thập Đạo Tướng Quân nhưng rồi đành dặn lòng mình phải nén lại, phải giữ trọn đạo cương thường. Dòng sông Bôi phía tây bắc Hoa Lư đã trôi về phía ngày tháng cũ mất rồi. Ánh trăng trôi trên sông những đêm tình tự đã đắm giữa những con sóng miên man không biết phải neo đậu về đâu. Nàng không còn là cô thiếu nữ bên sông giặt áo, chàng tráng sĩ năm nào có lẽ cũng đã xếp lại mối tình một thủa cho trọn đạo vua tôi. Ngày ấy, nàng theo sự sắp đặt của mẹ cha, còn chàng cũng chẳng đủ dũng khí để giữ lại nàng. Âu cũng là số trời sắp đặt. Gặp lại nhau, chàng cung kính gọi nàng một tiếng Hoàng hậu rồi xin nhà vua được đi trấn giữ miền biên ải. Thập Đạo Tướng Quân là muốn chôn vùi, muốn quên đi mối tình nồng nàn hay muốn chứng tỏ cho nhà vua biết lòng trung thành của mình. Vân Nga không biết. Nàng chỉ tự an ủi mình rằng dù là vì bất cứ lý do nào thì đó cũng là điều tốt nhất cho cả hai người.

Lần nữa gặp lại, nàng đã trở thành Thái hậu cao cao tại thượng còn tráng sĩ năm nào cũng trở thành Phó vương phò trợ ấu đế.

Dẫu có trở thành vua, con trai nàng hãy còn là một đứa trẻ. Dẫu đã ở vị trí Thái hậu, nàng vẫn là một người đàn bà. Tiên đế mất, nhà vua còn non trẻ, đất nước lâm vào rối ren. Ngoài bờ cõi, quân Tống lăm le xâm chiếm. Nàng thức trắng. Bao đêm ròng rã cố nén tiếng thở dài. Vận mệnh nhà Đinh rồi sẽ đi về đâu. Đinh Toàn còn nhỏ mà nghiệp lớn thì gian nan. Đôi vai trẻ thơ của con nàng liệu có gánh nổi trách nhiệm nặng nề khi đất nước đang ở thế ngàn cân treo sợi tóc.

Nàng thực sự không có sự lựa chọn nào khác.

– Hoàng hậu, người là vì họ Dương hay là vì chính bản thân mình? Đại Thắng Minh Hoàng hậu, khi được người đời tung hô như thế, người có chút nào nhớ đến Tiên đế hay không?

Ánh mắt Đinh Toàn nhìn nàng đầy oán hận và trách móc. Không cần câu trả lời của nàng, đứa con trai vừa bước vào tuổi mười ba quay đi, dứt khoát rời xa nàng. Nàng nhìn theo bóng lưng cô độc của con, xót xa, đau đớn như hàng ngàn vẹn mũi dao khoét từng chút nơi tim mà chẳng thể cất nổi một lời biện giải cho mình. Mà có biện giải, chắc gì đã có ai tin. Nàng cười tự giễu mình mà nước mắt nhòe trên má. Ngày nào nàng và con nương tựa vào nhau, Đinh Toàn còn thỏ thẻ:

– Mẫu hậu, mẫu hậu đừng rời xa con. Con sợ lắm mẫu hậu.

Vậy mà cuối cùng, đứa con ấy đã quay đi một cách quyết tuyệt và đầy oán giận. Chẳng biết con trai nàng có nhớ cái ngày nàng trao áo bào cho Phó vương lên ngôi Hoàng đế. Nàng ước gì Đinh Toàn có thể quên. Những run rẩy, lo sợ hãy cứ để riêng nàng giữ lấy. Hãy cứ để con trai nàng nghĩ rằng nàng là kẻ vì tình riêng đã chắp tay dâng ngôi vua cho người tình cũ nếu điều đó làm những gánh nặng, oán hận trong lòng nó được vơi đi. Hãy cứ để nàng gánh tội với nhà Đinh, với Tiên đế để con trai nàng thôi tự trách móc, dằn vặt chính bản thân mình.

Quân Tống đã chuẩn bị xuất quân qua đánh. Nàng sai Phạm Cự Lạng làm đại tướng quân. Khi đang bàn kế hoạch xuất quân thì Phạm Cự Lạng kéo theo các tướng quân khác mặc áo trận đi vào nội phủ.

– “Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao thì ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn lập ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn”.

Phạm Cự Lạng vừa dứt lời, tiếng vạn tuế đã vang vọng khắp Hoàng cung. Đinh Toàn sợ hãi nép vào lòng nàng. Nàng chợt hiểu. Phạm Cự Lạng và những viên tướng mặc áo trận. Những tiếng hô vạn tuế của quân sĩ. Ngai vàng của họ Đinh, của con trai nàng chẳng thể nào giữ nổi nữa. Nếu cố gắng níu giữ thì đất nước này sẽ lại rơi vào thảm cảnh nồi da nấu thịt, giang sơn sẽ mất vào tay giặc phương Bắc. Nàng lấy chiếc áo bào khoác lên người Phó vương Lê Hoàn. Tráng sĩ bên sông Bôi, Thập Đạo Tướng Quân, Phó vương nhiếp chính. Giờ người đã bước lên ngôi cửu ngũ chí tôn, đứng trên vạn người, mong rằng người sẽ giữ yên giang sơn, non nước, sẽ đánh thắng kẻ thù xâm lược. Nàng chỉ mong rằng con trai nàng sẽ được yên ổn. Lịch sử chẳng đứng về phía họ Đinh nữa rồi.

Cứ ngỡ sợi dây tơ hồng đã đứt, ai ngờ ông tơ lại nối lại. Nàng được phong làm Đại Thắng Minh Hoàng hậu, trở thành vợ của người cũ, người từng là chủ tướng được Tiên đế tin yêu, giao nắm trọng trách, binh quyền.

Đại Thắng Minh Hoàng hậu.

Khi nghe người khác tung hô, nàng cười đấy, đoan trang đấy, thể hiện phong thái của bậc mẫu nghi thiên hạ đấy mà sự chua xót trong lòng ai hiểu thấu.

Hoàng thượng gọi nàng là Đại Thắng Minh Hoàng hậu. Người ghen vì nàng từng làm vợ của Tiên đế. Hay người nhắc nhở nàng mãi mãi không được quên rằng nàng từng là Hoàng hậu tiền triều. Hoặc là người muốn thể hiện người là kẻ chiến thắng trong cuộc chiến dành hoàng quyền, muốn giải mối hận không giữ được người tình của những năm xưa cũ. Cũng có thể là người muốn tránh điều tiếng, muốn cho chiếc long cổn khoác lên người mình được danh chính ngôn thuận. Chính Hoàng hậu tiền triều, chính thái hậu, mẹ đẻ của Phế Đế đã trao lại ngai vàng, trao lại ngôi báu. Người không cướp đoạt, không lật đổ, không bạc đãi dõng dõi của triều vua trước. Lý do nào cũng đắng chát. Đã từng yêu nồng nàn, tha thiết, từng cách xa rồi lại thành chồng vợ nhưng nàng không thể hiểu thấu lòng của Hoàng thượng nữa rồi.

Nàng chẳng còn cách nào khác ngoài việc trao lại ngôi báu cho Nhiếp Chính Vương. Nàng cũng chẳng còn cách nào khác ngoài việc trở thành Đại Thắng Minh Hoàng hậu. Vì chút tình riêng cũng được. Vì sự tranh đoạt hoàng quyền giữa các dòng họ cũng được. Vì sự vững chân của họ Dương ở một triều đại mới cũng được. Ít nhất, xã tắc được vững bền. Nhà vua đã tự mình làm tướng, chém tướng giặc Hầu Nhân Bảo, bắt sống Quách Quân Biên, Triệu Phụng Huân, bảo vệ bình yên bờ cõi cho Đại Cồ Việt. Nếu có tội, nàng có tội với nhà Đinh, với con trai nàng. Nhưng nàng không mang tội với non sông này.

Nhưng con trai của nàng sẽ mãi mãi chẳng thể nào hiểu được nhưng dằn vặt, day dứt của nàng. Mãi mãi chẳng thể nào hiểu được.

Cung nữ đỡ nàng dậy, cố thuyết phục nàng uống chút sâm. Nước sâm đắng ngắt trong miệng nàng. Vân Nga thều thào:

– Tại sao Vệ vương mất?

Người cung nữ thân cận ngập ngừng:

– Thưa Hoàng hậu, Vệ vương chẳng may bị trúng tên nên…

Nàng ngửa mặt lên trời, chẳng khóc, chẳng cười. Nàng chắp tay trước ngực. Ừ! Cứ coi như là một sự giải thoát. Rồi nàng cũng sẽ đi tìm sự giải thoát cho chính mình. Quá khứ, oán ân, quyền lực, dòng tộc, tất cả rồi cũng như trăng trôi theo sóng, chìm vào lớp trầm tích của lịch sử.

Trong đầu nàng thấp thoáng hiện lên hình ảnh của động Am Tiên và tiếng chuông chùa xa thẳm. Từng hồi chuông như đang vọng về, gột sạch tâm tưởng nàng, khiến những day dứt, xót xa, những đau buồn, phiền muộn cũng lắng lại. Nàng bật khóc. Nước mắt kìm nén vỡ tung ra, thấm xuống môi đắng đót.

Ít lâu sau, Hoàng hậu Dương Vân Nga xuất gia, tìm tới chùa Am Tiên tu hành cho đến ngày buông bỏ trần thế. Đêm nàng lìa xa cõi tạm, lòng sông Bôi giấu một vầng trăng vỡ tan theo từng lớp sóng mênh mang, nghe tiếng gió khóc trên đám lau trắng xào xạc, xào xạc giãi bày về một câu chuyện đã rất xa.

ĐÀO THU HÀ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *