Truyện ngắn Hồ Thị Linh Xuân: Chuyên án cuối cùng

Từ hồi nghỉ hưu, ông tư Tê về xã Đ xin nhượng lại miếng đất mặt nhìn ra biển gia đình đã bán hồi khá lâu về trước, cất một cái nhà nho nhỏ: kèo bạch đàn, mái lợp lá nước, vách kết chằm đóp, lót gạch tàu. Miếng đất Bộ cấp ở khu dân cư C nằm ở ngoại ô thành phố đô thị loại hai, ông cựu đại tá hiến tặng cho quỹ giáo dục vì trẻ em cộng đồng các dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Khmer của tỉnh. Vào sinh ra tử mấy chục năm, dăm trận liều mình vào chốn hiểm nguy, gang tấc cận kề cái chết, ông tư Tê đâu còn ham thích gì nữa cái thế cuộc xô bồ. Có vinh quang nào mà không đổi bằng máu hoặc nước mắt đâu. Nhưng một khi nhục thể tro than, tất thảy gấm hoa dù quý trọng nhường nào đều trở thành vô nghĩa.

Bây giờ thú vui tao nhã của ông tư Tê là sáng sáng được đi bộ ra xa xa ngoài cảng cá, chỗ tàu về, nghe cái nhộn nhịp thanh âm kẻ bán người mua hết sức thân tình của những ngư dân đồng bào chất phác, hồn hậu; được cúi đầu khom lưng hoà lẫn vào thôn dã, lật trở lựa lấy vài con cá tươi ngon roi rói về cho bà tư nấu bữa cơm ấm nóng, mang hương vị biển mặn mòi. Hay thinh thoảng, ông lặn lội ra sau triền sông đi câu cá bông lau, cá tra bần. Hễ câu được con cá nào ngon, ông đem ngay đến biếu căn nhà đúc nằm sâu cuối bờ Đông sát rạch bần mỗi năm lấn ra mé biển vài trăm thước. Ông thường ở lại cả buổi chỉ để chuyện trò thăm hỏi, có khi ăn rồi bữa cơm cùng gia chủ mới về. Bà tư sống lặng lẽ quán xuyến việc nhà đã quen nên cũng ít khi rào trước đón sau những chuyện chồng làm, ngay cả chuyện lớn như hiến đất hưu bà cũng êm ả đồng thuận. Cái nghề nó vận vào cái thân: Bà tin hễ ông chồng quy chuẩn của bà đã quyết sự vụ chi thì hẳn đều có cái lý cả rồi.

Nhà văn trẻ Hồ Thị Linh Xuân ở Sóc Trăng

Nhà đơn chiếc. Ông bà tư chỉ được hẩm hiu mỗi một cây một trái, nên lắm khi cũng buồn hiu hắt. Ngày trước, do đặc thù công việc, công tác xa nhà thường trực nên lập gia đình đâu gần chục năm chẵn, hai vợ chồng gắng lắm mới được ên con Hằng. Con nhỏ học trên thành, lấy chồng trển luôn, kiểu gia đình cơ bản chồng công chức vợ giáo viên, không có gì đáng nói. Cái đáng nói và cũng chính là điều vô giá nhứt là lấy chồng xong nó chịu sanh liền cho ông tư đứa cháu ngoại ở cái thời điểm ông còn chứng kiến được sự tiếp nối của mình. Bé Thuỳ, cháu ngoại ông tư Tê năm nay tròn mười hai. Con nhỏ giống ông rặt cái nước mê làm người nhà quê, cứ mỗi độ hè về là nó xin xuống chơi với ông bà ngoại ba tháng đúng. Con nhỏ dẻo miệng khỏi nói. Nó biểu về Mỏ Ó vui đáo để: Được đi câu, đi rừng với ông ngoại đại tá lại được nghe ông kể chuyện phá án hay mê li, khỏi cần coi phim có dàn dựng như điện ảnh hay truyền hình. Hỏi ông ngoại kể án gì, con nhỏ kể án có ký hiệu hết má nha. Chuyên án một hai ba tới mấy ngàn con nghe đủ hết. Còn một án ông ngoại hẹn hè này. Chuyên án cuối cùng.

*

Ông tư Tê móc trái bần chín vào lưỡi câu, loại móc đơn cỡ vừa, không phải thứ dùng thả lưới ngoài nước sâu bự tổ chảng. Bé Thuỳ bẻ nhánh bần khô gãy rốp, vọc nước. Con nhỏ dong dỏng cao, thò tay hái mớ bông bần chiều về cho bà ngoại trộn rỏi. Tay đụng trái bần lủng lẳng, nó vặt xuống cắn một khoảnh, nhăn mặt: “Chua lè”. Ông tư Tê vừa nhấp nhấp cần câu vừa dịu giọng: “Coi vậy chứ hậu ngọt, dầm nấu canh chua là hết sẩy nghe con. Hồi xưa ông ngoại với ông chú út Bần bây nướng cá thòi lòi chấm nước mắm bần ăn ngon hết ý”.

Bé Thuỳ chun mũi: Thôi kệ trái bần. Giờ ông ngoại kể án đi, cái chuyên án mà ông ngoại hứa hồi hè trước đó. Con nhỏ háo hức rõ lộ liễu, hai mắt long lanh chớp chớp, đôi má bầu bỉnh ửng hồng.

Ông tư Tê cột cần câu vào lái, mắt nhìn xa xăm như để hình dung. Từ đây trông ra, sóng nước mênh mông, ở chỗ đất bồi mọc lên cồn nhỏ đứng tênh hênh từng là một phần của dòng sông Thắc, nay đã mất. Nhưng ký ức về mỗi chuyên án, nhất là chuyên án đặc biệt ấy vẫn còn in đậm trong tâm trí ngài đại tá, dù chuyện cũ kể ra cũng đã khá lâu rồi.

*

Phán đoán vùng cánh tây biển đông trước nay lực lượng tuần tra vốn mỏng lại phân tán, trong khi hàng hóa cần kiểm xét thì ngổn ngang trăm thức loại: có giấy tờ hẳn hoi thì ít, không chứng từ xuất xứ thì vô vàn; giữa muôn dặm trùng khơi, khi lòng không đủ sức thì việc có kẽ hở là thường tình, nào có lạ. Hắn đã vin vào kẽ hở người thật việc thật của ba năm trước – khi tàu cá mà hắn đang làm mướn ngang nhiên bị bắn chìm giữa dòng lớn, anh tư Côn thuyền viên mất xác trong một cuộc tranh giành lãnh phận đánh bắt, lại tuyệt nhiên không có sự can thiệp hay cứu hộ nào kịp lúc – để liều lĩnh đánh chuyến hàng cuối cùng này. Chỉ cần xuôi chèo mát máy đi đến chốn về đến nơi, bán buôn trót lọt: hắn sẽ được trả công khá khẩm, đủ sắm đến hai chục miệng đáy hàng khơi. Hắn sẽ làm lại cuộc đời từ đây. Tương lai cháu con của hắn mai này cũng sẽ khác. Lẳng lặng, tất cả rồi sẽ theo cát bồi chìm xuống, con nước nhà quê sẽ rửa sạch mọi tội lỗi của con người lầm lạc, đem hết những xấu xa, rác rưởi theo luồng lạch ra cửa sông, đổ về biển lớn; thời gian sẽ giúp hắn thôi không còn cắn rứt về những việc mình làm. Của thiên trả địa: khẩu đáy của hắn sẽ nuôi sống những cảnh đời cơ khổ để hắn dần dần trả cho đời món nợ đã vay. Thì trời đã thương hắn suốt mấy năm lênh đênh đây thôi; những hàng hóa hắn đánh về đều trót lọt cập bến cần đến. Dù không là món mang lại lợi ích lớn, nhưng cũng đủ để hắn cầm hơi cho người già trẻ em bệnh tật ở nhà. Hắn đâu còn gì để mất mà không tự tin vào tay nghề lái tàu siêu đẳng, thách thức mọi cuộc truy bắt; hoặc giả có bị đuổi kịp đi chăng nữa, với tài lặn như Yết Kiêu, bơi như rái cá, hắn thừa sức đánh đắm tàu và tẩu thoát mà không để lại vết tích gì.

Lần này thì hắn đã nhầm. Nói một cách chính xác: Tổ chuyên án Trạm bốn đã đón lõng hắn. Sau chuỗi ngày dài cử trinh sát bí mật bám gót đường đi nước bước con tàu cá trá hình ẩn chứa dưới lòng khoang cơ man đồ “tạp hóa” từ dầu DO “giá rẻ” vô phương truy vết cho đến những gói hàng biên giới cả đen lẫn trắng nằm la liệt lẫn lộn cùng với thực phẩm, đồ gia dụng và điện tử: Trạm được lệnh tiếp cận con mồi. Nhưng gã đàn ông răng sún mắt chột, mặt mày da dẻ giống như thổ dân từng rất mực liều lĩnh đứng trên đầu sóng ngọn gió với nghề hạ bạc ấy rõ ràng không phải là tay bở. Mười tuổi đã theo tàu đi biển, hắn ước chừng đã thuộc làu mọi ngóc ngách lòng khơi. Sự tự tin vẫn còn khi hắn một tay đốt thuốc, một tay điệu nghệ đánh lái. Ngay cả khi phát súng chỉ thiên đã vang lên, tàu cá không số của hắn, sau cú va đập đánh văng một đồng chí làm nhiệm vụ vẫn hừng hực lao về trước với tốc độ dữ dội, mặc cho sóng nước đẩy thuyền trồi lên thụp xuống dập dềnh.

“Tàu cá chống người thi hành công vụ, yêu cầu dừng lại kiểm tra”.

Tiếng loa vang thất thanh. Hắn thuận tay phi tàn thuốc qua cửa hông ném xuống biển. Miệng lẩm nhẩm: “Mẹ kiếp, bao nhiêu chuyến sẵn sàng bỏ của chạy lấy người thì chẳng ma nào sờ gáy, nhè ngay chuyến chót Bần muốn quay đầu là bờ lại bị giăng dây. Tàu này mà lọt vòng vây thì còn gì là hàng đáy. Còn nước còn tát”.

Hắn nghiến răng dong tàu như ngựa phi nước đại, xé toạc mảnh lụa biển màu xanh sẫm thành hai luồng bọt tung trắng xóa, ầm ào. Hắn thò đầu nhìn nước, quãng này phải đến hai chục hải lí cách bờ chứ chẳng chơi. Tàu của trinh sát còn lo cứu người, đã bỏ hắn một đoạn bằng thì giờ châm một điếu thuốc. Hắn không chủ quan, vẫn đánh tàu lướt sóng xa khuất mắt. Đây là cơ hội cuối cùng của hắn. Để nhận được số tiền như ước hẹn, hắn đã bán bảo hiểm hàng hóa bằng tính mạng của hắn và tàu. Giờ phi tang chẳng được, đầu hàng chẳng xong. Đằng nào cũng phải đi về trước. Nhưng nỗi sợ bị lấy cái mạng quèn đâu có gì đáng kể, hắn chỉ tiếc đường về với cuộc sống bình thường để hắn chí thú làm ăn đã gần tới đích mà ngay giờ phút này chẳng may sa lầy là công cốc, đời hắn kể như tàn. Sau cùng, dù con cá thòi lòi xấu xí như hắn có chết vào miệng ai thì chung quy cái gia đình nghèo bất tận khổ của hắn kiểu gì cũng không thể ngóc đầu lên được nữa. Một hắn tàn cũng sẽ chấm hết tất cả.

Nên bây giờ, giữa trùng khơi, vì người già và trẻ con nheo nhóc đằng sau, hắn phải cố sức mà chạy. Chỉ cần qua được cửa ải này, hắn sẽ thắng: Một con người hồn nhiên và lương thiện sẽ được tái sinh. Và hết thảy những thế hệ sau hắn sẽ được lớn lên trong sạch, rặt những ngư dân chịu khó lam làm. Ý nghĩ cuối cùng thoáng qua khiến hắn hy vọng và khấp khởi, vượt lên trên cả suy tính mình sẽ lụy trong trại biệt giam với liều thuốc cực mạnh hay sẽ ngã xuống bởi một viên đạn cọc nơi pháp trường. Hắn nhón chân, tay với tìm vũ khí cho cuộc chiến. Khẩu súng săm lếch giá hai triệu bạc hắn mua từ tên đầu nậu giao hàng cho hắn đã lên nòng. Hắn và con tàu cùng một mạng. Đời ai không một chuyến thế này để tìm lại bản thân. Hắn chỉa họng súng vào tầng không, bóp cò. Con chim trời đang chao liệng bất giác rơi tỏm, bị cuốn vào xoáy nước đáy tàu để lại, biến mất như chưa từng tồn tại. Hắn cười khoái trá: Áp lực của cái chết là thứ áp lực khiến người ta toàn tâm toàn ý. Sau phút tự mãn, hắn bàng hoàng: Nếu thất trận, phận hắn còn tệ hơn con chim vừa nãy vạn lần.

Mặt trời sắp xuống. Gió rờn rợn. Tàu lướt nhanh vùn vụt như con sóng ham bờ. Từng làn nước bạc nối đuôi nhau óc ách. Trên cao ráng chiều màu đỏ. Hắn tần ngần rồi như bất thần: Lại một con đường chết khác từ mẹ thiên nhiên. Kinh nghiệm ngư phủ ba mươi năm nhắc nhở hắn phía xa khuất mù khơi kia hẳn là giông gió đầy trời. Hắn đánh lái đột ngột chuyển hướng. Hay là buông xuôi. Không đâu. Chưa tận đường đã bỏ cuộc thì thật hèn nhát. Trước, ngày còn làm hạ bạc, hắn gan dạ và dũng cảm ai bằng. Hay ôm hàng và lao xuống đáy? Chà. Hắn sẽ chết trước khi cập bến, chưa chắc được toàn thây. Cơn biển động đang tràn về. Không có tàu cứu hộ đâu. Họ đã sớm về bờ tránh bão. Được lắm. Trời đặt hắn vào tiến thoái lưỡng nan để thử thách. Thì vậy. Đời có chuyện chi là dễ dàng. Hắn ôm chặt báng súng. Cùng lắm thì giáp lá cà một trận. Có cái đánh cược vào may mắn nào mà không mong manh.

Con tàu cánh trắng lù lù xuất hiện chia đất trời thành hai nửa sáng tối cũng đã chuyển hướng rất nhanh. Trên những cụm xám mây, nước đã bắt đầu trút xuống từng đợt. Hắn biết mình đang gần cuộc chiến không cân sức hơn lúc nào hết. Hắn nhắm một bên mắt còn lại. Hình ảnh ông Nam Hải lồ lộ xuất hiện, đưa xác hắn về với bãi bồi. Lòng hắn chợt bình yên. Vững dạ khi tin rằng dù phải bỏ mạng ở đây, da thịt cũng được trở về với rạch bần, Mỏ Ó.

“Tàu không số phía trước…” Tiếng loa vang rền bị tiếng sóng dập làm vỡ thành những mảnh âm thanh nghèn nghẹt. Lần này, hắn một tay đánh lái, một tay phá lái con tàu cặp kè. Cuồng phong đang nổi lên. Cuộc chạy đua vào bờ của hai con tàu một lớn một nhỏ, một đầy một vắng tựa hồ như trò chơi đuổi bắt của đám con nít đạp mong nơi thủy triều rút làm nổi lên bãi bùn xám xịt ở một nơi xa xôi nào. Tiếng súng nổ chác chúa. Một vài lần hai hong sườn tàu áp sát. Hắn lạnh lùng nả súng. Phát thứ nhứt: Hắn mơ màng nhìn thấy gương mặt cha già đang đau đớn vì bệnh tật. Phát thứ nhì: Hắn mường tượng ánh mắt hấp háy chưa bao giờ được nhìn thấy bầu trời của đứa con gái mười bốn tuổi, kiếp số bị đoạ đày. Sau đó là tiếng nả liên tục. Tiếng lóe chóe từ nhiều thứ âm thanh hỗn tạp tra tấn tai người. Có ai đó đã ngã khụy khi viên đạn còi xuyên qua gối. Xa xa thấp thoáng bóng lá cờ. Càng gần bờ trời đất càng tối đen, vần vũ mây mưa, sấm chớp nối đuôi làm rung chuyển cả một vùng trắng xóa. Tiếng va quẹt ken két. Bóng tối nhá nhem rất nhanh đã tràn xuống. Gió khơi chở những luồng như lốc xoáy chực muốn đánh nát chiếc tàu cá nặn oằn. Máu rịn ra hoà vào lớp dầu tràn thành một hỗn hợp nhớp nhúa gờn gợn. Nước biển từng chút đã thấm vào vết thương. Đau buốt thắt. Con tàu nghiêng ngửa chảy vào biển hàng tấn dung dịch đen ngòm. Không ai hiểu sự kháng cự bất chấp của gã mắt chột, trừ hắn. Tàu cá không số cầm cự được đúng hai giờ tính từ thời điểm bị truy đuổi thì chìm hẳn giữa dòng.

*

Bé Thuỳ nhập tâm quá mức đến rùng cả mình, đôi vai nhỏ của nó nhót lên: “Số phận hắn ra sao hả ông ngoại?”

“Hắn bị tàu trinh sát bắt đưa lên nhà thương Côn Đảo coi vết thương”.

“Vậy là hắn chở dầu lậu?”

Ông tư Tê giật cần câu động đậy, cú giật quá mạnh làm sẩy con cá ham mồi.

“Chà, vậy là hụt nồi canh chua của bà ngoại bây rồi”.

Bé Thuỳ sợ ông tư quên, lặp lại: “Phải không ông ngoại?”

Ông tư Tê thủng thẳng đáp: “Còn hơn như vậy kìa!”

“Tiêu tùng rồi. Sau đó thì sao, ông ngoại kể tiếp đi”.

Ông tư Tê móc miếng mồi bần kế tiếp thả xuống nước, vẻ mặt đăm chiêu.

“Sau đó mấy ngày hắn được đưa về đất liền điều tra. Tổ trưởng tổ chuyên án khi ấy là ông thượng tá không còn trẻ nữa, tên Thuần”.

*

Khi đồng chí văn thư giao xấp hồ sơ đến phòng Thuần vừa khuất sau cái khép cửa, không gian bổng trở nên tĩnh lặng đến vô cùng. Bấy giờ là buổi chiều, nắng nhão nhợt còn trải tràn trên những tán cây, thứ ánh sáng chết yểu giữa tiết trời giao mùa uể oải tranh thủ phơi mình trong khoảng không mênh mông đứng gió, càng khiến lòng người thêm ngột ngạt. Câu xã giao thông thường với cấp trên trước khi rời khỏi của người cán bộ trẻ: “Hình như tên này cùng nguyên quán với sếp”, một câu điểm chỉ sự thật, rõ ràng vô ý, như vẫn còn lởn vởn trong đầu Thuần. Lời nhắc nhở phút chốc gợi cho kẻ lấy cơ quan làm nhà nhớ về cố hương, một miền đất gieo neo gắn với bãi bùn, ngư dân mấy đời dầm chan sương nắng. Ở nơi đó Thuần có đứa bạn duy nhất mà anh còn giữ ký ức thuở hàn vi sâu đậm: Chính nó đây, thằng Bần. Nhoáng cái mà đã gần hai mươi năm, bởi nhận công tác trong vùng đặc biệt, Thuần mải lo công vụ, ngay cả người nhà cũng chẳng mấy khi được gặp; vậy là từ dạo chia tay năm vừa tốt nghiệp học viện, chưa một lần nào nữa anh về thăm để cùng đi giữ đáy với thằng Bần. Hèn gì mà ánh mắt đơn chiếc của nó lặng lẽ một nét buồn mênh mông. Thuần chống tay gục mặt, như mặc niệm cho điều gì mất mát. Đôi mắt anh đờ đẫn, cố nhớ lại cái con người của quá khứ đã thành hình tên tội phạm của bây giờ.

Cái thời đó coi vậy mà đã xa lắm rồi.

… Hồi còn ở xóm Mỏ Ó, nhà thằng Bần chạy về cuối cánh Đông, nhà Thuần cuối cánh Tây: kiểu hai đầu dây nhưng chung lại một làng. Làng nhỏ như cái hột quẹt, gọi là làng đóng đáy chứ chừng đâu năm chục nóc nhà, nằm nép bên bãi bồi bần mọc thành rừng, rễ bần lô nhô, nhọn như chông, sâu bần nũng na nũng nĩnh bò lổm ngổm, chạm vào chỉ có nước thối thịt. Dân xứ này hồi nào đi rừng để bắt chuột, bắt rắn hay thuỷ vật nọ kia đều phải bọc chân bằng mấy lớp giẻ rách. Để bảo đảm giữa đường giẻ không bị sình nuốt, người ta xắn bập dừa nước chẻ lạt phơi khô rồi dùng dây ấy mà buộc mấy nận nữa mới may ra đi được một chuyến rừng.

Đời sống dân Mỏ Ó cậy hết vào biển, vào rạch bần. Con nít chừng sáu bảy tuổi đã biết đi đẩy mong – cái máng trượt hai đầu như cái xe con nít tập đi, đầu này là tấm ván tỳ một chân, chân còn lại đẩy bùn dài chừng tám tấc mắc dính với đầu kia độ một thước: được bo cạnh sao cho ngóc đầu lên, hình dáng như chiếc chẹt mini, chính giữa là cần đẩy cốt để đặt tay vịnh – để bắt cá bống sao, cá thòi lòi, ba khía hay bất kỳ thủy vật nào mà thiên nhiên ban tặng sau con nước thủy triều. Thằng Bần cũng đi mong. Nó gan dạ và hay đại tài: Là đứa trẻ duy nhất trong bầy tóm được cá ngát.

Nghe người xóm và tía Thuần kể: Cái tên Bần chột của thằng Bần là có lịch sử. Số là một bữa vô rừng lấy mật, ông ngư bảy Đoá vô tình nhìn thấy cái tay nải treo lủng lẳng trên nhánh bần đựng gọn lỏn giọt máu đỏ lòm còn chưa cắt rốn, một đứa bé lặng lẽ sắp chuyển màu; trên gương mặt non xanh, một bên mắt đã bị chim quạ kền kền hoặc kẻ cố tình muốn bỏ rơi làm hỏng. Máu chảy xuống vện vằn. Ông bảy hết hồn mà nhìn thương đứt ruột mới đem đứa nhỏ xấu số về Mỏ Ó. Sờ bàn chân lạnh ngắt, người trong Sóc đòi thiêu. Kẻ lại bày dầm trái bần chua nhễu nước vào miệng, ông bảy Đóa làm theo, hờ đâu đứa nhỏ “chịu thuốc” động đậy rồi cất tiếng khóc ngặt nghẽo vang cả cái xóm nghèo. Dân chày phán đứa nhỏ này cao số, sau này muốn nó chết chắc cũng hổng dễ đâu. Họ xúm lại đặt tên cho cư dân mới. Tên Thạch Bần theo đó mà có. Chột từ vậy mà ra.

Nhưng trời độ: Thằng Bần là đứa trẻ vô tư. Lớn lên biết mình lạc bầy trong cái gia đình đã cưu mang mình: Da trắng ởn, môi đỏ au, mắt mũi mơ màng không có khoen sâu, nó đòi đi mong sớm. Nắng gió biển mặn mòi, để nó giống người trong xóm đâu có khó khăn gì. Không học hành, sáu tuổi đầu thằng Bần rong ruổi theo thủy triều trợt mong. Nó coi biển như cha, cây bần như mẹ, sống biết giữ đất giữ nước cũng y như rặng bần. Sau này nó còn thản nhiên kể với Thuần: Trước khi được âu(1) cứu về, chính cây bần đã cứu tao. Sở dĩ cái bọc tòng teng đựng tao ở trỏng không rớt xuống hàng rễ thở nhấp nhô, trong khi thân bần giòn nhánh bần dễ gãy, là vì bần mọc theo quần thể: nhánh xiêu cây này đâu liền với cành quẹo của cây khác, nương nhau mà sống, nâng đỡ nhau cùng đương đầu chống gió biển, che chắn người vạn chày. Hệt cái xóm Mỏ Ó mình, coi nghèo tàn mạt, có hộ còn không dư ra được miếng đất dài hai mét rộng một mét để dành cho việc chôn cất, nhưng chưa từng có ai bị chết đói ngày nào từ xưa đến nay. Nhà này có sinh kế thì bày cho nhà khác làm để ai cũng có cái ăn. Biết ở đâu có luồng, cùng dong ghe đánh bắt rồi ăn đồng chia đủ. Tới mấy đứa con nít còn biết đi theo nhóm để tiếp sức cho nhau trên quãng đường trượt mong lắm khi cả mười mấy cây số đường bùn.

Nói ai đâu xa, chính Thuần đã được thằng Bần cứu mạng một lần. Hồi ấy, tía mẹ Thuần người Kinh, có tàu cá cho thuê, lại có ghe lớn bè gỗ sao từ cù lao Mây về bán cho chủ hàng đáy, kinh tế vào hàng khá giả nhất xóm nên Thuần đi lớp là chính; nhưng thi thoảng anh cũng học đòi đi mong cho biết sự đời. Ngay bữa đầu ra trận, cái mạng gầy còi bé choắt của Thuần tưởng chết vì bị cá ngát đâm. May có thằng Bần như người thần ở đâu chạy phăng tới nơi, kệ sình mẹ sình con lấp hết cẳng chân Thuần, thằng Bần cứ vậy kê miệng vào mà hút máu mủ độc. Thuần hét ré lên vì đau đớn, gục ngất luôn trên bãi bùn lầy. Hồi tỉnh dậy, anh thấy mình thơm tho sạch sẽ nằm nhà, vết thương được rửa sạch, đã bớt đau. Thằng Bần không biết từ đâu chạy hồng hộc ra, đưa cho Thuần cái bọc ni lông đựng cái dịch gì nhơn nhớt, biểu xứt đi, dịch cổ họng gà mái ấp đó, hai ba bữa là hết. Từ bữa đó hai đứa thành bạn thân, thằng Bần vừa là ân nhân vừa như người anh chỉ dạy Thuần lắm điều nhiều lẽ.

*

“Trời ơi tội thằng Bần quá ông ngoại! Người đâu mà như siêu anh hùng”, Bé Thuỳ chống cằm.

Ông tư Tê cười mỉm chi. Cá quợn nhoi trời lại không cắn câu chi ráo. Ông nâng câu nhấp nhấp, đầu đang cố chắp vá câu chuyện cũ. Đâu nào…

*

Thằng Bần mười tuổi đã theo tàu cá ra khơi, làm tay sai vặt cho tám Cò. Nói nào ngây, thằng nhỏ là con nuôi mà sống rất nghĩa. Thấy ông bảy Đoá mất sức, nó xin đi theo chú tám Cò học việc, mai sau nối nghiệp gia đình. Trong nhà có thằng anh nó, hai Lung, cũng đi tàu cá mướn, sau ra làm bạn chòi cho chủ đáy hàng khơi. Còn mấy đứa nữa nhưng tụi nó chán Mỏ Ó tới óc o, vừa đủ mười tám tuổi đã cuốn áo quần lên tỉnh, vô xí nghiệp lặt tôm tép. Gặp trận bão năm chín bảy, thằng hai Lung chết mất xác. Trận đó xóm này mất chồng mất con tới bảy tám nhà. Tang tóc phủ trùm lên. Người bỏ xứ cũng nhiều thành ra giờ còn chừng này hộ. Sau đợt hai Lung chết, ông Bảy suy thận nặng. Bà Bảy lớn tuổi, chỉ phụ hợ bắt ốc mò cua chứ biết làm gì đâu ra tiền. Mấy anh chị nuôi của thằng Bần làm xưởng, tiền lương sau khi trừ điện nước trọ thì chỉ đủ ăn. Đến khi lập gia đình thì càng khó khăn, bữa no bữa đói. Còn ên thằng Bần sức trai lại độc thân, ra thế chân làm nghề canh đáy cho chú tám Cò: Lúc đó mất trắng tàu cá, phải vay tiền nhà nước làm hàng đáy nơi cửa sông Trần Đề.

Thằng Bần coi như cũng là khai quốc công thần. Hồi chú tám Cò kế hoạch dựng hàng đáy ba chục miệng: thằng Bần đã theo ghe qua tuốt Lục Sĩ Thành tuyển sao mua đem về. Một cây sao tươi nặng mấy trăm kí lô, sức người ngày xưa không có máy móc gì hỗ trợ mà đem được ở xa về tất cả là nhờ vào sức nước. Thằng Bần thất học chứ sự đời thực tế thì tinh nhạy. Nó biểu: cây nặng, nước càng nặng, lấy sức nước mà bè.

Thuần nhớ, sau ngày gia đình chuyển đến vùng kinh tế mới, anh vẫn còn quay lại xóm cũ nhiều lần. Lúc anh ra Hà Nội học thì thằng Bần đã thuần thục biển cả để ra giữ chòi đáy hàng khơi. Một bữa về phép giữa đàng, Thuần theo bạn ghe của chú chủ đáy ra thăm, định bụng cho bạn bất ngờ vậy. Anh bạn ghe cảnh báo, muốn theo thì theo chứ nguy hiểm lắm nghe chú nhỏ. Thuần dân chữ nghĩa, nhưng ra thao trường thì cũng dầm mưa dải nắng khắc nghiệt; sống trong quân doanh cũng nề nếp kĩ cương, nghĩ: một khẩu đáy hàng khơi thì ăn thua gì. Chừng sau hơn hai tiếng đồng hồ trôi lềnh bềnh ra điểm đích cách đâu gần hai chục hải lí: chỗ giáp ranh vùng nước đục với nước trong, nhìn con tàu lao xuống, trồi lên như trò bập bênh của sóng nước mênh mông, Thuần mới thấm thía câu: Phận người nhỏ bé. Tới chỗ, anh bạn ghe hất mắt về cái chòi như tổ chim vách lá te tua, gió xô lắc đu đưa nằm lúc lỉu trên cột đáy, phán: “Bạn em ở đó”. Thuần ngước lên, từ trong chòi một thằng cao nghểu gương mặt cháy đen, râu ria tua tủa được nhận ra bằng một bên mắt chột không lẫn vào đâu hấp háy môi cười: “Là mày đó sao, Thuần choắt?”.

Lâu ngày gặp nhau vui mừng khôn xiết. Thằng Bần thả theo cọng dây thừng một cái cần xé: Đó là lần đầu tiên Thuần được đi cáp treo trên biển độc lạ, cáp đạt kỷ lục ngoài Nha Trang cũng không thể nào sánh bằng. Bàn tay như gọng kềm của thằng Bần dần kéo bạn lên. Tay bắt vai ôm thì sến sẫm quá. Thôi. Ngồi xuống rồi anh em mình nói chuyện.

Chòi của thằng Bần gọn đủ hai người nằm, chung quanh gạo mì nồi niêu chén lò lỉnh kỉnh. Thằng Bần vỗ vai bạn: Bữa nay ra dáng cán bộ hẳn, nhìn ngon lành. Tao mà không chột vầy, chắc cũng ráng kiếm miếng chữ mà đi lính.

Thuần thương bạn đứt ruột, lời cũng bật theo ra: “Tao thương mày quá, Bần”. Thằng Bần xua tay: “Thôi thôi thôi, đừng xài chủ nghĩa dân túy với tao. Ở lại đây với tao hai đêm nghe, sau này làm quan mày cũng được gọi là có úy lạo đó đây: Biết ngoài kia ngư dân làm đáy hàng khơi là làm cái gì”.

Đêm thứ nhứt. Thằng Bần thao thao kể chuyện đóng đáy, trời, mày biết hôn, phi thường nhất là mười bốn lóng tay con người. Làm ba chục miệng đáy này, rùng rợn nhất là khâu cắm trụ nghen. Mày có bao giờ nhìn thấy cảnh ghe kết bè trên sông chưa? Đây, chính ở đây tao đã chứng kiến hàng ghe dài cả cây số na theo những cái cột được lập thế dựng đứng bằng dây chằng. Hô dô ta một cái, ầm ầm lữ đoàn ghe xé nước lao đến nơi có dòng nước lớn ròng mạnh nhất để thả xuống. Bữa chú tám Cò làm thợ cả, đếm từ một tới ba là cọng dây chằng bự tổ bố đồng loạt bị cắt phăng. Mày tưởng tượng được không: Hơn ba chục cây cọc nặng hàng ngàn ký lô một loạt lao thẳng xuống đáy biển, một cảnh tượng kỳ vĩ khiến cho tao tự hào về nghề.

Kia kìa, ở giữa những cái cột là miệng đáy, chính từng ngư dân Mỏ Ó mình đã khéo léo tay đan. Cứ canh nơi nước chảy hứng đuôi đục cho ngay, cá tôm đi theo con nước mà về.

Thằng Bần kể nửa hiệp thì ngừng, biểu đến giờ đi thăm đáy, “phạch chạo”2 trễ là cá tôm ngợp chết hết. Nhìn nó như người nhện, thoăn thoát đi trên chiếc cầu tre giữa biển gọi là rượng đáy, lão luyện bước từ miệng này qua miệng khác để giật nọc cài.

Mãi chừng lâu thằng Bần mới quay lại. “Kéo đáy nước ngược là cái cân thử sức trai tráng chính xác nhất, tao thề”. Nó cười hồ hởi, mồ hôi rũ kín mặt.

“Bạn ghe về hết rồi, tao vừa giặt xong ba chục miệng. Đợi những nước mình đem thả tiếp. Giờ nấu cơm ăn nghen, tao đãi mày món tôm tít không ở đâu bự cho bằng”.

Thằng Bần loay hoay nhóm lửa, nó mừng vui lóng ngóng thể nào mà cái bật lửa rơi tỏm xuống sông nước mênh mông. Mặt nó râu rầu: “Phọc rồi, tối nay hai thằng nhịn đói”.

Đêm, sóng ngoài chòi có lúc chồm lên đến cửa. Ở đây, chỉ cân sẩy chân là mạng gửi cho hà bá. Vậy mà cả đêm thằng Bần vào ra năm bảy chập, đu dây, thu đáy, thả đáy; Thuần rùng mình khi nghĩ đến những ngày tháng khác, khi thằng Bần chơ vơ chọi biển một mình.

“Cái nghề cực quá, sao mày không ở nhà đạp mong hả Bần?”

Thằng Bần cười hề hề. “Khổ nhưng mà khá lắm. Ráng đeo thì chạy thận cho ông già tao đến cuối đời khỏe ru”.

Câu nói thằng Bần rơi tỏm vào đêm. Không phải lạ chỗ nhưng cớ gì Thuần không làm sao ngủ được. Thằng Bần bất kể, nó cột cái can nhựa vào chân bạn, dặn: Mày chịu nhột chút, phòng khi rớt nước giữa đêm cũng có phao về.

Mới hừng sáng, thằng Bần đã phán: “Chắc không tới ba ngày nữa tao cũng vô bờ”.

“Sao vậy? Không phải mỗi một con nước mày neo cả chục bữa hả?”

“Ông trời thuận thì vậy, chứ mày nhìn kìa, vẫy tê tê chạy hướng mặt trời lặn, dấu hiệu của bão đó. Biển động mạnh lắm”.

“Vậy mấy chục miệng đáy hàng khơi này sao còn?”

“Hư thì sửa chứ còn sao trăng gì nữa anh cán bộ”.

Đêm thứ nhì. Thằng Bần tự hào kể mùa nam năm trước nó trúng đậm, sửa sang được mấy cái đại khái của căn nhà. Chắc là năm sau nó cưới vợ. Nàng ở trong hội khiếm thị của thị trấn được người ta giới thiệu. Tao thấy cũng được, chứ mình vậy, còn ước mong gì hơn hả mày. Thằng Bần đan tay làm gối, nói chuyện gì cũng vui. Nó kể mùa chướng thất thu, nhưng bù qua đấp lại hai mùa, cộng chung vẫn còn sống được. Nó với vợ cưới xong, sẽ đẻ hai đứa con là chắc, đủ nuôi thôi, đặt tên là thằng No con Đủ cho tụi nó có tương lai xán lạn mà ngóc mặt lên nhìn đời. Nếu tụi nó ham, nó sẽ ráng nuôi con học biết cái chữ. Sau này mà có vốn, nó sẽ làm một hàng đáy làm chủ thử coi ra làm sao.

Thuần nghe bạn kể, lòng cũng vui. Anh nghĩ xa xôi về một ngày mai sau này, anh sẽ ra khơi, túc trực tuần tra canh gác hết mình để bảo vệ giấc mơ thằng bạn và bao đời ngư dân đổi áo cơm bằng tính mạng. Nằm nghe thằng Bần rì rầm mãi, ấy vậy mà anh lại ngủ ngon. Mặc cho hồi chiều thằng Bần nói nhởn nhơ: Nước chảy xiết lạ, đục đáy đầy rong rêu, chắc muộn nhứt là đêm nay đất liền ra đón bạn chòi về.

Nửa đêm, thằng Bần kéo tay Thuần bật dậy. “Mau, tư thế sẵn sàng”.

Liền sau câu nói của thằng Bần, Thuần nghe tiếng gió rít u u. Ngoài khơi đặc quánh một màu đen, không còn ngọn đèn nào của tàu cá chớp tắt. “Người ta đã về bờ từ chiều”.

Thằng Bần nhẩm tính trong đầu tới lui gì đó rồi biểu: “Độ hai chục phút nữa tàu lớn ra đây. Không lo. Phải rạng sáng mai mới có gió cuồng”.

Tấm bạt che ngoài chòi vẫn đón gió vỗ phành phành. Thuần hoàn toàn bị động nên răm rắp tuân thủ hiệu lệnh chỉ huy. Trăm hay chứ đâu bằng tay quen. Thằng Bần đã hiểu nghề và thời tiết như cách hiểu dành cho người bạn tâm giao, nên xem chừng nó đã trở nên “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Mười phút trôi qua và tiếng tàu xa vẫn còn bặt bóng. Thằng Bần vểnh tai nghe sóng rồi nhanh như cắt ném chiếc áo phao cho Thuần mặc vào. “Tao đếm một tới ba, tao với mày nhảy xuống kia, hiểu không?”. Dù không hiểu nhưng Thuần vẫn làm theo. Khi chân vừa tiếp nước cũng là lúc anh nghe tiếng đồ vật rơi vãi lỏm chỏm. Lúc quay đầu nhìn lại, cùng với ánh đèn báo hiệu hàng đáy, Thuần không còn thấy bóng dáng căn chòi. Thằng Bần tay nắm cọc cừ, còn tiếc rẻ rít hơi thuốc cuối cùng, giọng tỉnh bơ: “Lốc xoáy. Năm khi mười họa một lần. Mình nhảy sớm cơ hội sống nhiều hơn là bị quăng từ trển xuống. Dưới áp lực của nước, chết là cái chắc”.

Đã được rèn luyện tinh thần thép nhưng quả tình Thuần không giấu được trạng thái bủn rủn giữa lằn ranh sinh tử trong gang tấc. Giữa sống chết mười mươi mà thằng Bần tỉnh táo như bạn của thần chết, gọi nhởn nhơ thì thái quá, rõ là cực kỳ bình tĩnh: Cỡ nó mà làm trinh sát thì bộ ngành ắt có thêm một vị anh hùng. Nó biểu noi theo tinh thần dân Mỏ Ó: Giặc chỉa súng vào ngực, tim vẫn đập thảnh thơi như sông sâu nước chảy lặng, vậy tụi nó mới ngán mình.

Chỉ có một vụ thằng Bần tính sai là không chụp theo con dao găm hồi nhảy xuống nước. Giờ sờ tay cảm nhận dòng nước đang chảy xiết nó mới hoảng hồn. “Mày có nắm được cái cọc nào không hả Thuần?”. Thuần ú ớ không xong vì dòng nước mênh mông như vũ bão đang cuốn xoáy anh vào miệng đáy. “Đêm nay mày bội thu tao rồi Bần à!”. Thằng Bần bắt chéo hai chân đu cọc như làm xiết, tay bới tìm lưới đáy. Thuần không biết nó làm gì trong nước cả buổi mà sau cùng nó lôi được đầu anh ra khỏi đục vừa kịp lúc tàu chủ đáy ra đón người. Hồi an toàn lên ghe, Thuần hỏi nó: Chứ mày có sao không? Thằng Bần phun cả một họng đỏ lòm cả răng cả máu xuống biển, đáp tỉnh bơ: Gãy mẹ hai cây răng nanh mày ạ.

*

Bé Thùy nước mắt giàn giụa: “Chú Bần đó là ân nhân cứu mạng của ông Thuần thượng tá, không phải một mà là hai lần. Người như thế sao có thể là kẻ ác hả ông ơi. Con không chịu đâu”.

Ông tư Tê giật cần câu và lại một lần hỏng bét, con cá sẩy quẩy đuôi cười rồi bỏ đi. Chiều nay hẳn định sẵn ông không được con cá nào mang về cho bà tư chế biến. Đành ăn nước mắm bần chan cơm vậy. Chắc là cũng ngon. Ông có phần tỵ với đứa nhỏ ngồi kia: Vì nó có thể khóc. Kẻ thọ ân người khác lại chẳng nhỏ được một giọt nước mắt nào.

“Đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra con ạ!”

“Nhất định là do hoàn cảnh. Con không tin một con người lạc quan, hiếu thuận lại còn trượng nghĩa hào hiệp thế mà đi buôn chất cấm hại người”.

“Quả vậy…” Ông tư Tê nói thầm. Chẳng có cái gì là tự nhiên. Nhưng luật pháp đâu dung thứ hay bưng bít cho kẻ xấu chỉ vì trước kia hắn là người tốt.

“Nhưng nhớ lại chuyện cũ thì sao, ông thượng tá Thuần có giúp gì được cho bạn không hả ông?”

“Ông ấy đến thăm bạn con ạ. Cũng vào buổi chiều…”

*

… Cánh cửa phòng mở, Thuần một tay cầm bình trà, tay kia bưng dĩa cá thòi lòi nướng rơm cùng chén muối ớt, thong thả đi vào. Đã trút xuống vẻ uy nghi đường bệ của bộ cảnh phục và chiếc mũ kêpi, Thuần ăn bận giản dị với áo sơ mi ngắn tay sọc dọc trắng xanh với quần âu ghi xám đậm. Cách đây ít giờ, trần ai lắm người được đặc phái mới tìm được nhà lão ngư về hưu bảy Đóa giờ đã tạ thế, giao thơ. Trong thơ biên đúng hai dòng rưỡi, đại khái thằng Bần nhắn đợt ra khơi này còn lâu nữa mới cập bờ, người vẫn khỏe, cả nhà đừng lo gì. Kèm với hai dòng rưỡi chữ phải gọi đứa nhỏ hàng xóm qua đọc mới suông là xấp bạc giấy xanh mới tinh âu như vừa lấy ra từ nhà băng còn nóng hổi đã vội vàng được đem liền đến đây cho kịp. Người đưa thư biểu: Ảnh dặn đây là phí khám mắt cho cô con gái, một ít còn lại dành chi tiêu trong nhà.

Thằng Bần đứng trân trối nhìn bạn, có biết đâu sẽ gặp nhau trong hoàn cảnh vầy. Bờ môi mấp máy, run run: “Thưa, giờ phải gọi nhau bằng gì cho phải?”.

Thuần đặt chướng ngại vật xuống bàn, chạy tới ôm bạn: “Gọi tao như cũ, Thuần choắt, tao vẫn là thằng Thuần choắt thôi mà!”

“Đâu được. Giờ tình thế đã khác lắm. Tao đứng trước mày là tội phạm, không xứng một cái bá vai”.

Thằng Bần gục mặt giấu những nếp nhăn xô lại, nhiều khổ đau. Thuần ngồi xổm xuống cạnh, vỗ vai bạn: “Chiều nay kẻ đến thăm mày là Thuần choắt, không phải thượng tá là tổ trưởng tổ chuyên án Lâm Thuần”.

Thằng Bần đưa tay quệt nước mắt, có vậy, được thôi, vui vẻ mà làm bạn nhau lần cuối cùng. Cả hai ngồi vào bàn. Thuần rót trà mời. “Mày uống đi. Cá này mang từ Mỏ Ó lên, tự tay tao nướng đó”.

“Mày về Mỏ Ó à?”

“Phải về. Đáng lẽ tao phải về sớm hơn. Thì có lẽ…”

“Đừng tự trách”.

“… Sau đêm tao với mày thoát chết, hàng đáy của chú tám Cò banh chành. Tội bạn ghe, bạn hàng, bạn chòi thất nghiệp, ai cũng có gia đình, vợ con cần gạo cần cơm, chú tám đáo hạn ngân hàng để vay tiền thêm nữa. Chú bị người ta gạt đi hỏi tụi tín dụng đen. Một lời cả trăm, trả hoài năm này qua năm khác hổng dứt. Tao theo ghe xa bờ, được mớ nào thì giúp cho chú mớ đó. Một thời chủ đáy với nhân công nhưng mang tiếng “bạn” – bạn chòi. Chữ này coi vậy mà nặng lắm nghen mậy, nặng cái tình cái nghĩa, bạn gặp nạn mày đứng nhìn sao yên. Lần hồi nhiều năm, đến tận khi chú tám mất gia đình mới dứt được nợ. Tao có dư dả gì đâu, còn lo chạy thận cho âu, chăm sức cho me4, rồi vợ con, thêm thuốc men chữa mắt con Đủ mà giông bão kéo tới hoài. Đi trên đầu sóng ngọn gió mà thất bát, chưa kể bị chèn ép. Đợt đó ghe tao đụng độ dân nào vùng trên, lạ hoắc. Họ biểu đã “gửi gắm” ở trên, “mấy ảnh” phân vùng cả rồi. Tụi nó cầm súng, ghe nào chồi tới lãnh phận là bắn ngay. Tụi tao không tin, vì tao kể tao có thằng bạn là mày. Tao tin mày. Người như mày không đời nào đi nhận của ôi làm cái chuyện nhục nhã vậy được. Tụi tao đi tới và bọn nó nổ súng. Tàu chìm. Kẻ mất xác, đứa bị thương. Chuyện nọ chồng lấn chuyện kia. Mày biết đó, tao vô thế cùng đường…”

Thằng Bần cười khục khặc để lộ hàm răng ám khói, vàng khè. Thuần biết hết, hiểu hết, tổ đã điều tra ngọn ngành đến từng kẽ tóc chân tơ. Bất giác, anh hỏi:

“Mày vẫn chưa trồng răng lại à?”

Thằng Bần cười lớn. Non nước này mà thằng bạn chí cốt còn hỏi giỡn được thì tâm nó rõ chưa hề lung lay. Nó cũng phải trả lời làm sao cho hay. Vậy là nó đáp: “Bấy răng còn không đủ cơm gạo mà nhai, trồng thêm nữa làm gì”.

Hai thằng bạn cùng cười xòa. Cái cười hồn nhiên như quên hết chuyện hôm qua, hôm nay, và ngày mai. Chỉ có giây phút này, tình bạn từ thuở hồn nhiên đã qua mấy chục năm vẫn còn nguyên vẹn.

Đúng giờ khắc, Thuần đứng dậy. Anh lẳng lặng ôm bạn, có thể là lần cuối. Trước khi Thuần quay đi, Thằng Bần chắc đã suy nghĩ nhiều lắm mới bật ra thành lời.

“Tao cần mày một chuyện này…”

“Đừng vì hoàn cảnh của ai mà tạo ra bất kỳ đặc ân nào. Đó coi như là mày còn giữ cho tao chút lòng tự trọng”.

Thuần ra ngoài. Anh với tay lấy chiếc mũ Kêpi của người trưởng trại đội lên đầu, bước đi dứt khoác, tuyệt không còn quay đầu nhìn lại.

HỒ THỊ LINH XUÂN

________

(1) Âu: Cha, bố trong cách gọi của người Khmer

(2) Phạch chạo: Đổ đục, đổ cá từ lưới ra để thu hoạch

(3) Nọc cài: Cái rút cài miệng đáy lại để kéo lưới lên thu hoạch

(4) Me: Mẹ trong cách gọi của người Khmer

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *