Truyện ngắn Hồ Xuân Đà: Chị tôi

VHSG- 1. Tôi đã có quyết định cho cuộc đời của mình, có con đường để đi, tôi tiếp tục học, và thi vào một trường chuyên về anh ngữ học, chấm dứt đời công nhân, khi đã để dành được một số tiền ít nhiều đủ để tôi thuê trọ trong một năm. Như một định hướng đúng đắn, tôi ổn định với việc học nhanh hơn tôi tưởng, tôi đi làm thêm ngoài giờ ngay sau đó một thời gian.

Còn chị Lan vẫn ở lại nơi ấy, nơi ăm ắp kỷ niệm, nơi có những nỗi lo âu, suy tính, những nỗi niềm không biết ngỏ cùng ai. Câu chuyện buốt lòng, về nỗi khát khao có một căn nhà của chị. Giống như bi kịch của một người đàn bà yếu đuối, đang bơi lội trong dòng chảy xô bồ của cuộc đời mà người ta thường định nghĩa sống là để vui, để hưởng những dư vị đan xen của hạnh phúc, buồn ít vui nhiều. Mà tôi không bao giờ có thể tưởng tượng, nếu phải sống một cuộc đời như chị, tôi thà không tồn tại thì hơn.

Tôi thật sự xúc động và như cùng theo những cung bậc thăng trầm của cuộc sống với chị, qua hành trình đi tìm một ngôi nhà, đủ che mưa nắng cho mẹ con chị. Bi kịch ấy như một đoạn phim quay chậm, hiện về dần lên trước mắt tôi…

Nhà văn Hồ Xuân Đà

2. Ông Út ở khu phố 2, nợ nần chồng chất, không biết vì cờ bạc, hay tha hóa vì mê gái đẹp, bà Mười – mẹ của ông Út thì già yếu, bà biết con mình dù không tài nhưng lại lắm tật, thế mà vẫn được bà vẫn thương yêu, chở che qua rất nhiều lần bão nổi tơi bời. Ở đời người mẹ nào mà không thương con. “Con dại cái mang”. Nhà có một thửa đất nông nghiệp, gần khu dân cư, ở ngoại thành của một thành phố đông dân nhất nước đang lên cơn sốt. Công nhân, người làm nghề tự do, những người mới lập gia đình mơ ước lớn nhất của họ là có nơi an cư lạc nghiệp. Điều đó không riêng gì bất cứ ai, giữa thời buổi đất đai tính bằng mét vuông, đi cùng tiền tỷ, thì việc sở hữu một ngôi nhà chính chủ, đúng là một khát khao cháy bỏng. Có những người tối giản từng mức chi tiêu, đến bần tiện, ki cóp từng đồng bạc lẻ, mục tiêu của họ là mua nhà, kết thúc kiếp ở trọ, quên đi những ngày để dành một khoản riêng cho tiền thuê nhà, tiền điện nước được tính với khung giá riêng. Người ăn không hết, kẻ lần không ra, là câu cửa miệng mỗi khi họ ngồi nhìn đối diện, qua cửa sổ phòng nhau, vài người ngồi cửa chính than ngắn thở dài, có người ngồi thở nhẹ khói thuốc lá với niềm tin vào mục tiêu của bản thân đang dần đến đích.

Ngay cả những người có nhà có cửa, cũng mong cơ hội có thêm miếng đất để xây vài chục phòng trọ, kiếm thêm thu nhập, để thỏa mãn giấc mơ làm giàu. Giá đất tăng lên vùn vụt, người người kinh doanh đất, người người chạy giấy phép xây nhà. Làm cái nghề cò đất cò nhà, tiền vào túi một lúc to một cục, nặng cái bị làm cho bao người thích thú.

3. Ông Nga là một điển hình, miệng cười cởi mở, nói những lời chỉ khiến người ta tin sái cổ. Tình yêu thương đồng loại có thừa trong ông vậy. Ai có nhu cầu, hay dự tính mua đất làm nhà, là ông lân la lân lê vào giúp ngay. Người ta tin lòng tốt của ông, không mảy may suy nghĩ, khi xung quanh họ dần dần ít lắm người quan tâm nhau.

Ông Út, vay tiền nóng ông Nga, vay luôn cả anh chị em ông Nga, “bạc một trăm”, (tức là một triệu lãi một trăm ngàn). Đó là vay tháng, còn vay tuần là “bạc hai trăm”. Đôi vợ chồng ông Nga từ miền Trung vào, khí thế làm giàu, khí thế cất nhà vài tấm hừng hực trong trái tim khát tiền. Ông Út dân Sài Gòn chính hiệu, cắt đất của bà Mười để bán, để trừ nợ như cắt bánh chưng, xẻ năm, xẻ bảy, miễn ai đủ tiền cho ông Út trả nợ, hoặc cấn nợ, đủ để bao một đêm ở quán cà phê đèn mờ là ông ký hết. Giấy tay thôi, vài người làm chứng mà họ mua không e dè, như mua quần áo tới kỳ đang giảm giá cuối năm.

Dịp này, anh chị em ông Nga mua được vài thửa đất giá hời, thửa lớn để dành xây nhà, nhỏ thì rao bán. Sắp phất lên như diều gặp gió. Ông Út bán hết đất thì đi đâu đó chẳng ai biết, anh chị em ông Út nhìn mảnh đất mà buồn não ruột, cắt da. Bà chị Hai, chị Ba ức lắm, muốn lấy lại nhưng chưa được. Vì vốn liếng còn dính vào mấy thửa đất đang bị quy hoạch. Bà Hai nói :

– Các người cứ xây đi. Rồi sẽ thấy.

Ông Nga có tới 80 m vuông đất, tính theo thời giá hiện tại, ông ăn chắc trong tay gần đến hai tỷ đồng, vợ đi làm ở một xưởng giày da, miệng tung hứng đẩy đưa như nhồi bong cơ tim mọi người, khiến ai cũng thương yêu tin tưởng, lên được chức tổ trưởng. Theo thời gian- Bà Nga được mọi người tín nhiệm, được làm chủ hụi lớn trong xưởng, kiêm cò đất. Thành đại gia trong mấy chốc, vàng bạc đeo đỏ người, bộ vòng tay thôi là đã ba cây vàng, chưa kể dây chuyền, nhẫn đá. Cái thời cuộc người ta thích nhìn bên ngoài, đánh giá bằng vật chất, nên bấy nhiêu đó thôi, lòng tin vào gia thế, uy tín của vợ chồng bà đơợc tăng theo cấp số nhân.

Một buổi tối, vợ chồng Ông Nga tỉ tê tâm sự:

– Mai bà có đi đâu không?

– Có, mai tui đi dự phong trào nấu ăn nhân ngày gia đình, công đoàn bị buộc phải tổ chức cho công nhân, tui là tổ trưởng nên phải có mặt.

– Bà nhớ nói với cô Lan có xây nhà thì xây nhanh, cho tui lo đô thị, tui nói với thằng Kiệt vài tiếng, bỏ phong bì cho nó, rồi mình xây. Nói cô ấy nhanh lên, không người ta chuyển công tác, ông khác về tui không lo được đâu.

– Biết rồi, mà ông tính cho cô Lan vừa phải thôi, chứ hoàn cảnh cô ấy khổ, một mình nuôi hai đứa con, cô ấy vừa ly hôn, nhưng không có nhà ở. Cô ấy vay ngân hàng để mua miếng đất con bé Hồng – em ông, vì cô ấy tin con Hồng, làm việc cùng nhóm tổ may, mới dám mua giấy tay, tui ăn mấy triệu tiền cò, mà cảm thấy sao sao.

– Bà như vậy, chẳng làm được gì đâu. Người ta xây ầm ầm, xây xong cho cô ấy êm xuôi, nhân cơ hội tôi sẽ xây luôn nhà mình.

– Tui cũng mong vậy, có cái nhà cho bằng chị bằng em ông ạ. Hôm sau sáng thứ bảy, chị Lan được nghỉ, cô mang xuống một tờ giấy hợp đồng và số tiền năm mươi triệu, hai bên ký kết, trong hợp đồng xây dựng có ghi ông Nga là người chịu trách nhiệm lo giấy phép xây dựng.

Hợp đồng được ký, có vài người làm chứng trong buổi sáng trời mưa gió, nước ngập trong khu vực xây nhà, không có lối thoát. Chị Lan chở hai đứa con về nhà chồng, cầu mong mọi chuyện xuôi chèo mát mái, có nhà riêng chị sẽ tập trung làm việc, tăng ca, và nuôi hai đứa con nên người. Chị thấy lòng tràn đầy hy vọng, khi nghĩ đến ước mơ sắp được thực hiện.

4. Một buổi chiều, hình như công việc xây nhà đã khởi công ba ngày, vừa xong phần móng, chị Lan định chiều đi dạy về ghé qua xem, đưa tiền thêm cho ông Nga. Chị nhận được điện thoại của ông Nga, giọng nói đầy sự hốt hoảng:

– Cô Lan ơi, ra đây gấp, có việc rồi!

Chị Lan xin phép cấp trên chạy ra. Ông Nga mặt mày tái mét, mà cố tỏ ra đang  bình tĩnh:

– Cô ơi, đô thị ở phường vào lập biên bản rồi. Cô chạy qua phường xin đi.

– Em có biết gì đâu. Anh hứa lo hết cho em mà.

– Cô không sợ. Tôi biết ở đây là vậy.

– Thôi em không dám.

– Giờ cô qua làm việc với đô thị phường. Ông Hùng đang lập biên bản trong đó.

Chị Lan đanh phải một mình qua phường, với trạng thái vô cùng bất an. Chị khúm núm sợ sệt ký vào tờ biên bản vi phạm trật tự đô thị, xây nhà không phép, buộc phải tháo dỡ ngay lập tức. Chị cầm bút ký vào biên bản, mà hai hàng nước mắt rưng rưng, chị cảm nhận xung quanh mình mọi thứ đều đổ vỡ, tiền đất đã giao đủ, mua với một mảnh giấy tay, không một cơ quan chứng thực, dù thửa đất chỉ 45 met vuông, xây căn nhà cấp bốn, đủ để mẹ con chị tá túc. Chị tin tưởng vào lời nói ông bà Nga, tin tưởng vào cô bạn thân Hồng, tin vào lời nói của những người bạn quen thân, không ai nỡ đưa chị đi vào ngõ cụt. Cán bộ, phòng đô thị phường, ông Hùng vừa về công tác, giọng nói thể hiện sự thanh liêm, chính trực:

– Chị à! Sao chị lại ngây thơ như vậy, chị xây nhà trái phép, thửa đất chị mua, theo em biết là đang lùm xùm đấy! Chị sẽ mất trắng, nếu chị xây lên, đô thị quận sẽ xuống tháo dỡ, em đang làm hồ sơ để tiến hành thực hiện những căn nhà xây trái phép, không phép.

– Chị có biết đâu, chị không đủ tiền để mua đất có giấy tờ như người ta, nên vợ chồng ông bà Nga chỉ miếng đất này cho chị mua, chị thấy cũng là chỗ chị em thân thiết cùng làm việc, nên chị mua ngay, vì chị thấy đủ với khả năng vay mượn của mình. Khi xem giấy mua bán sang tay, khi được bàn giao, chị mới biết, vợ chồng ông bà Nga- cô Hồng lãi vụ mua bán này là tiền trăm.

– Thì họ mua bán họ phải kiếm lãi, mà sao trước khi mua chị không tham khảo đô thị phường. Em sẽ hướng dẫn cho chị tình trạng đất, quy định xây nhà.

– Chị nghe ông bà Nga nói sẽ lo được đô thị. Cả hai vợ chồng đều nói chị an tâm vì đã xây được nhiều căn rồi.

– Vậy là chị không biết mình đã gặp một ông Nga, chuyên đi cò mồi và xây dựng trái phép.

Chị Lan nghe điện thoại của ông Nga, chị bước ra hành lang, đưa điện thoại sát vào tai, để nghe cho rõ:

– Cô bỏ tiền vào phong bì, sẽ êm thôi, người ta làm như vậy không đấy!

– Vậy hả anh? Để em làm.

Chị Lan chạy vù ra cốp xe, xếp gọn một xấp tiền, lấm la lấm lét, người chị run lên hồi hộp. Chị đi vào phòng làm việc của ông Hùng, đợi mọi người ra hết ngoài, chị đưa tờ giấy cho ông và nói:

– Em làm ơn giúp chị, cho chị xây đi, chứ tiền bạc chị đổ vào đó hết rồi.

– Chị mang về đi, đừng nghe ai xúi giục, chị càng xây thì càng mất tiền. Chị về mà xin hoàn trả đất cho cô Hồng và lấy tiền lại, lấy luôn cả tiền ông Nga, bảo ổng trả hết cho chị. Vì ông này hại biết bao nhiêu người rồi.

– Vậy sao em, chị về xin lấy lại tiền, họ có trả không em?

– Còn tùy chị ơi. Mà chị em cùng xưởng với nhau, em nghĩ không đến nỗi. Chị cứ về làm thử.

Chị Lan, trở về và chở theo hai đứa con vừa tan trường, chị đi vào nhà ông bà Nga, nước mắt như chuẩn bị tuông ra. Chị ngồi phịch xuống trước hành lang nhà ông Nga, hai đứa con thì liên tục đòi về.

– Sao rồi, người ta có nhận tiền không? Cái bọn này kiếm ăn, không ăn được thì phá. Tôi rành quá. Suốt ngày bọn nó canh me tôi.

– Anh nghĩ lại, anh không lo được thì nói không được, một hai hứa hẹn lo được. Em mới tin tưởng anh, em giao tiền, giao hết tài sản để sớm có căn nhà. Sao anh lại để em phải dính tới pháp luật.

– Cô nói hay, người nào nói cô vi phạm, cô nói thẳng vào mặt họ. Ở đây ai không ăn. Không đút lót làm gì tôi xây cho người ta được mấy chục căn?

– Em biết anh tài, vậy anh ra phường tranh luận với họ, chứ em không biết gì, em không có lý do để thanh minh biện luận với họ. Em không biết, bây giờ xây không được, anh liệu mà tính.

– Tính gì là sao? Tôi lo đô thị quận, quận ngó lơ cho tui xây, tui có ngờ đâu, ông Hùng mới về. Giờ không cho phép, chịu thôi.

– Anh phải có trách nhiệm chứ!

– Cô quá ngây thơ, cô ra nói ngoài phường, chứ tui xây không được là tại người ta.

– Anh nói sao không thấu tình đạt lý chút nào!

– Cô bước ra khỏi nhà tui.

Ông Nga la lớn,hai đứa con chị Lan khiếp sợ, chúng giục mẹ về. Bà Nga đi theo ông Nga, bảo ổng vô nhà, miệng nói vọng ra:

– Nếu mày có nhà, mày đâu có trách móc ai. Giờ vỡ lở, mày làm cho to chuyện, mày có ngon thì kiếm cho đủ tiền tỷ mà mua nhà cho ngon cho lành. Nghèo mà bày đặt thanh cao! Cứ sống kiểu mày, rồi sẽ sống với nhà trong mơ!

Chị Lan nhìn thẳng vào mắt bà Nga, cô tìm câu nói cho phù hợp để diễn tả ý của mình.

– Chị đừng nói vậy. Em làm nhà để ở nhé. Chị nhẫn tâm lắm!

– Sao mày lại nói vậy!

– Chị nhớ đi, những ngày trước khi xây nhà chị đã đon đả, mời chào. Chị quên hết những lời chị đã đảm bảo với em.

5. Một năm sau, mảnh đất chị Lan, cái móng xây dang dỡ còn đó. Chị đã mệt mỏi qua những lần làm đơn xin cứu xét để xây dựng, hế. Một cán bộ trẻ trong phường luôn để ý đến trường hợp của chị, nhưng đành chịu thua, vì vướng tranh chấp.

Chị muốn lấy lại tiền mua đất, nhưng chị biết đó là điều khó khăn, dễ gì vợ chồng Hồng trả lại, nói ra lại ì xèo cự cãi. Còn tiền hợp đồng xây dựng với ông Nga. Chị biết có nói cũng chắc gì lấy được, một cây xà cừ tính thành ba. Một bao xi măng tính thành năm, giá cả muốn tang giảm bao nhiêu tùy thích, công cán muốn tính bao nhiêu thì tính. Chị giờ chỉ biết im lặng, cố quên chuyện này đi để tập trung vào việc làm và trả nợ nâng hàng. Chị cần phải khỏe để nuôi con. Chị khống muốn vì chuyện này mà phải bỏ quên tất cả. Chị cứ tin, cứ hy vọng, biết đâu nhà mình sẽ xây được, chị đang lừa dối chính mình.

Một buổi chiều, nắng hè oi bức, bổng nhiên chị nhận điện thoại của bà Hai:

– Chị biết em mua miếng đất của vợ chồng Linh-Hồng, để xây nhà ở, nhưng đô thị phương không cho phép. Chị mời em lát đi làm về ghé nhà chị, sẽ có mặt hai vợ chồng nó luôn, để giải quyết vấn đề.

– Dạ. Xong việc em sẽ đến ngay.

-Ok, chị chờ em.

Ngồi trên bộ sa lông của nhà bà Mười, có mặt bà Hai, bà Ba, và vợ chồng Linh-Hồng. Bà Hai trình bày:

– Thằng Út em chị nó tự ý cắt đất bán linh tinh. Anh chị em trong nhà không ai đồng ý. Bây giờ cả nhà họp lại. Ai mua nó bao nhiêu thì chị lấy đất lại, và bồi hoàn tiền lãi cho tất cả mọi người. Chị dàn xếp cho êm xuôi, vì không muốn thiệt thòi cho ai. Nên bây giờ vợ chồng Hồng, đã bán thưa đất 45m vuông cho cô Lan bao nhiêu, chị sẽ thay vợ chồng em trả lại tiền cho cô Lan.

Chị Lan xúc động nói:

– Em chỉ muốn lấy lại số tiền em bỏ ra. Em đã mất nhiều. Về sức khỏe, tinh thần chứ không hẳn riêng gì tiền. Còn tiền lãi ngân hàng mấy năm trời em phải trả nữa

– Giờ Hồng tính sao? Chỗ làng xóm với nhau nên chị mới tính như vậy.

– Vợ chồng em xài hết rồi. Lấy đâu ra tiền mà trả, chị trả được cho cô ấy thì em xong việc chứ sao, khỏi rắc rối, nghe khóc lóc, than phiền, mệt chết đi được.

– Em nói hay thật!

Cuộc nói chuyện dừng lại, bà Hai bảo cô Lan:

– Thôi cô về đi, có gì tôi sẽ liên lạc sau với cô.

6. Chị Lan, về nhà, cả đêm chị không chợp mắt, đồng tiền sao mà cay nghiệt quá, làm ra nó đâu phải dễ, tiết kiệm để có số tiền đó, với chị quá lớn. Chị xót của, tiếc công, tiếc cho những giọt nước mắt mình rơi không đúng nơi. Chị cứ nằm gác tay lên trán mà nghĩ. Ở đời cứ nghĩ ai cũng vì mình, là tự sát. Người ta coi chị như một sinh vật để thí nghiệm. Chỉ cần chị xây được nhà, thì vợ chồng ông Nga sẽ xây theo. Điều người ta sợ, họ lại bảo mình làm, họ đưa chị ra dò đường. Chị gục đầu vào gối, nhìn lên ảnh của Đức Mẹ, cầu nguyện::

– Mẹ ơi, hãy cứu con!

Rồi chị ngủ thiếp đi, sáng hôm sau thức giấc chị nhận được điện thoại của bà Hai:

– Cô Lan ơi, tôi đã nghe hàng xóm xung quanh nói về cô. Tôi cũng biết vợ chồng cô Hồng, không trả tiền cho cô đâu, nên ngày mai cô ghé nhà tôi và đem theo giấy tay mua bán đất nhé!

– Dạ. Em cảm ơn chị. Mong chị hiểu cho em.

Chị vô cùng mừng rỡ, vội vã đến nhà bà Hai với lòng tràn đầy hy vọng.

– Cô uống nước đi. bà Hai nói tiếp:

– Nói thật cô, bà Mười , mẹ tôi yếu lắm rồi. Nên mẹ tôi muốn tôi dàn xếp vụ này cho êm. Bà thương thằng Út lắm. Lợi dụng lúc mẹ tôi yếu. Nó bán đất đủ dạng đủ kiểu, toàn là cấn nợ, cho vay nặng lãi.

– Em không biết chị ơi, Hồng vợ của anh Linh, giới thiệu em mua, em không biết đất đang bị tranh chấp. Vì họ ký giấy đảm bảo với em, đất không tranh chấp.

– Em thật cả tin. Giấy tay pháp luật nào giải quyết cho em. Nếu em thưa kiện cũng mệt mỏi lắm em ơi.

– Nhưng đó cũng là hành vi lừa đảo mà chị.

– Nhưng muốn thưa kiện em cũng mất thời gian và tiền bạc, vả lại chị biết vợ chồng nó không trả cho em đâu. Em còn nhớ lời nó nói hôm qua, khi chị bảo nó trả tiền cho em không?

– Nhớ chứ chị. Sao người ta có thể nói vô lương tâm như vậyđược!

– Đời là vậy đó em. Kinh nghiệm máu xương của chị .

– Vậy hả chị. Em thật non dại, bao nhiêu tiền tiết kiệm giờ chôn dưới đống đất đá, nằm im đó.

– Đó là bài học cho em, em phải biết cách mua đất mua nhà , không thể nghe lời ai. Chỉ có giấy tờ, và ra pháp luật thôi em ơi.

– Dạ, em sẽ nhớ mãi bài học này.

– Nói thật với em, trong khu đất đó gia đình chị bồi hoàn bằng nửa số tiền, so với giá thị trường rồi. Nhưng thấy hoàn cảnh em, chị không cầm lòng, nên sẽ bỏ tiền túi ra. Bù đủ cho em lại số tiền mà em đã mua của vợ chồng cô Hồng.

– Dạ, em cảm ơn chị. Biết là tiền là tiền của mình, mà sao lấy lại được, em xúc động quá, giống như em vừa tìm lại được của  đánh rơi.

– Chứ còn gì nữa. Chị mà không đứng ra trả. Vợ chồng cô Hồng, còn lâu mới trả cho em.

Mấy hôm sau, vợ chồng ông bà Nga, nghe tin bà Hai lấy lại đất, như sét đánh ngang tai. Thất vọng, mất bình tỉnh, ông luôn quát mắng bà Nga mỗi ngày.

7. Ông Nga cả tuần nay luôn trong trạng thái căng thẳng như dây đàn sắp đứt. Làm sao chịu nổi khi 80 m vuông đất, có giá thị trường gần hai tỷ đồng. Giờ bà Hai trả lại tiền đất mua và bồi hoàn chỉ được 450 triệu. Hóa ra ông mua của ông Út chỉ 300 triệu. Trong khi đó trừ nợ cộng lãi hết gần một nửa số tiền mua. Đất nông nghiệp chuyển đổi mục dích sử dụng, bởi bà Hai đã làm thủ tục. Chứ có ngờ đâu, tiền nhìn đó mà bay hơi trong chớp mắt.

Bà Hai đã nói rõ với ông:

– Ông không lấy thì cứ đi thưa kiện thằng Út. Gia đình tôi cho phép ông thưa.

Vợ chồng ông bà Nga, sau năm lần bảy lượt, không chấp nhận cách xử lý của bà Hai. Nhưng cả khu đất đó, ai cũng đã nhận tiền. Nên ông Nga ngậm ngùi lấy số tiền đó về, thêm vài chục triệu tiền ông Út vay nóng. Bà Hai trả tiền xong còn dặn:

– Ông đừng cho thằng Út vay nữa nhé! Bà Mười hết đất rồi, không còn đất để cấn trừ nợ nữa đâu!

– Bà nói gì, thằng Út tự vào mượn chứ tôi không năn nỉ nhé!

Ông bà Nga ôm cục tiền đi đến ngân hàng cất ngay.

Gặp chị Lan trong xưởng bà Nga nói:

– Em ráng đợi anh Nga bình tĩnh lại. Vụ đất cát ảnh còn ức lắm, nên chưa tính tiền trả cho em được.

– Chị gắng nói giúp em. Vì biết tính ảnh nóng, nên chị dàn xếp giúp.

Đợi vài tháng, không thấy bà Nga trả lời. Chị Lan nhắn tin, gọi điện hỏi, thì bà Nga bảo đợi.

Biết rằng tiền vào túi người ta rồi, làm sao mà lấy. Chị biết mình phải mất số tiền đã mua vật tư kia. Trừ các khoản chi phí, chị cũng còn được một ít.

Rồi một hôm, chị Lan đi cùng bà Nga trong ca8ntin xưởng. Chị cố gắng hỏi:

– Chị nói anh Nga tính và trả tiền cho em chưa?

– Tao không biết. Mày tìm anh Nga mà nói.

– Sao chị nói vậy! Mấy hôm trước còn năn nỉ em đợi. Giờ lại nói thế!

– Số điện thoại của mày, tao xoá rồi. Tôi không muốn dây dưa chuyện này với mày nữa. Chấp nhận xây nhà kiểu chui là chấp nhận với rủi ro. Đừng trách móc ai!

– Chị này hay! Tiền còn thiếu của người ta, mà nói không muốn dây dưa nữa là sao?

Giữa nơi đông người, chị Lan không thể chịu được thái độ ngang ngược của bà Nga như vậy, nên chị nổi nóng:

– Em nói cho chị nghe nhé! Đừng thấy em đơn chiếc mà hiếp đáp. Em không hiền đâu! Chị nhớ lấy điều đó.

8. Một năm sau, chị Lan biết không thể đi một mình vào đối diện với muôn vàng bất trắc. Nên chị dẫn theo người em gái.

Khi đã dến nhà, chị nói từ tốn, nhẹ nhàng và thành khẩn:

– Anh Nga à, chuyện xây nhà anh đã biết rồi, coi như năm hạn tháng xui của em. Em chịu mất số vật tư, chi phí làm móng, còn bao nhiêu tiền cho em xin lại.
– Rồi. Giờ tôi nói luôn. Hợp đồng ghi thanh toán theo từng giai đoạn, giai đoạn làm móng là số tiền đó. Tôi đã làm xong cái móng tức là xong.

– Anh đừng nói vô lý. Anh nói sai rồi!

– Không, tôi không sai. Tôi làm theo hợp đồng.

– Vậy ý anh là không trả tiền lại cho em.

– Đúng vậy. Tiền đó đã xây xong.

– Vậy được rồi.

Chị  cầm điện thoại, định gọi cho ai đó. Nhưng rồi bỏ dở giữa chừng cuộc gọi.

Cô em gái lên tiếng:

– Ở đời sống có nhân có quả, vợ chồng anh chị nên suy nghĩ, trả tiền lại cho chị của em. Chứ có rất nhiều người thợ xây chuyên nghiệp họ đã tính giá cho cái móng anh làm chưa tới một nửa số tiền đó, họ còn nói lẻ ra, anh phải chịu trách nhiệm việc này, anh thầu xây cho người ta, đảm bảo lo đô thị được, giờ anh làm không được thì anh phải chịu trách nhiệm chính. Chưa kể, anh có thể là người vi phạm pháp luật khi dụ dỗ người khác làm điều nhà nước cấm. Thấy chị tôi trong lúc cùng khổ, anh chị lấy đó là cơ hội kiếm tiền cho mình à!

– Cô làm gì dạy khôn tôi. Tiền đã nằm dưới đất hết rồi.

Chị Lan không đủ bình tỉnh để nghe những lời chói tai như vậy:

– Anh chị đừng có thái độ ngang ngược vậy, giấy tờ, hình ảnh chụp, ghi âm vẫn còn đây.

– Tôi thách cô đi thưa đó. Đi đi tui hầu. đàn bà gì mà hung dữ.

– Tôi không hung dữ, tôi đang nói chuyện để bảo vệ quyền lợi của tôi. Bảo vệ đồng tiền mồ hôi nước mắt của tôi. Tôi cấm anh xúc phạm đến tôi.

– Cô bước ra khỏi nhà tôi!

Ông Nga đứng lên, chỉ vào mặt chị Lan như muốn gây lớn chuyện. Cô em gái sợ quá chạy ra ngoài. Chị Lan vẫn ngồi đó, chị đã chịu đựng quá nhiều. Mắt chị đỏ hoe, cô trấn tĩnh, ôm đứa con gái vào lòng, chị khóc nức nở. Ông Nga như muốn nhảy bổ vào chị. Nhưng bà Nga ngăn lại, bà và hai người chị em của ông Nga, lôi ông vào phòng khóa cửa lại.

Chị Lan được cô em gái chở về, hàng xóm thuyết phục cô lên xe về đi, từ từ giải quyết, vì huyết áp chị tăng lên, mặt đỏ, mắt mờ dần. Chị đi về, tay ôm con. Chị biết căn nhà tự bản thân làm ra còn xa lắm.Chị thấy mình buồn, con trai chị như hiểu ra mẹ của nó đang rất buồn, nên giục mẹ đi ngủ sớm và luôn tiện nó kéo chăn đắp cho em gái nó. Chị Lan nhắm mắt và thiếp di trong giấc ngủ nặng nề với từng cơn ác mộng.

9. Ngoài kia, trời đang mưa, tiếng  mưa sụt sùi than thở. Chị Lan mở mạng vào facebook, đọc những lời động viên của những người bạn ở xa, những người đã từng rất quen thân, những người bạn từ thời thơ ấu, chị thật sự xúc động, vì cảm nhận được cũng còn nhiều người ở thế giới này cảm thông với chị đang rất buồn. người ta cứ bảo mạng xã hột thật ra làm mất thời gian của con người, hoặc cái gì đó hư hư ảo ảo, chỉ có ai trong hoàn cảnh đau thương, không biết chia sẻ cùng ai ở ngoài đời, không thể nói ra cùng ai. Thì sự chia sẻ trên facebook lại như là một liều thuốc an thần, giúp người ta có thể vượt qua nỗi đau sợ hãi. Và điều này chỉ thật sự hữu hiệu khi người dùng xem nó như là một ngôi nhà tâm hồn của mình. Một nơi, người ta ý thức hành động, ý thức những gì họ viết ra. Chị bấm vào cảm xúc trái tim cho từng lời động viên, như muốn nói lời biết ơn những người yêu thương, trân quý, hiểu mình và khóc cùng mình. Nhưng đây chỉ là thế giới ảo, không phải thật. Có khi một lời viết ra để động viên nhau kịp thời trên facebook, khiến trái tim người ta bớt đau đến vậy.

10. Nước mắt của một người đàn bà chìm dần trong sự bế tắc trước cuộc đời. Trước khát khao về một căn nhà, phải dừng lại, chị chìm dần trong những vụn vỡ đan xen, và buộc phải dừng lại ước mơ, chị lại sống với thế giới ảo, thế giới chị chỉ biết cười một mình, khô cứng với chiếc điện thoại “smatphone”. Thỉnh thoảng những “status” buồn nao lòng người.

Tôi rảnh rỗi vẫn vào trang của chị, theo dõi trạng thái của chị mỗi ngày, những ngày tháng cùng ngồi tỉ mỉ đường kim mũi chỉ, chạy đua với sản phẩm, kể cho nhau nghe chuyện vui, chuyện buồn, để rồi những vụn vỡ ấy trong những ngày tháng ấy, trở thành ký ức xa xót mãi trong tôi. “Thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo, ô hay trời không nín gió cho ngày chị sinh. Ngày chị sinh trời cho làm thơ. Cho nét buồn vui bốn mùa trăn trở. Cho làm câu hát để người lý lơi. Ngày chị sinh trời cho làm thơ, vấn vương với sợi tơ trời. Tình riêng bỏ chợ. Tình người đa đoan…”(*). Mỗi khi nghe giai điệu bài hát, tôi lại nhớ chị, da diết, thương không biết nói sao vừa, cũng có thể tôi đang thương chính tôi, bởi tôi vẫn chưa biết, mai kia tôi lấy chồng cuộc đời tôi sẽ ra sao…

Tháng 7. 2019

HỒ XUÂN ĐÀ

Chú thích:

 (*) là lời của bài hát “Chị tôi” của nhạc sĩ Trọng Đài, phổ thơ của Đoàn Thị Tảo

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *