VHSG- Mỗi ngày anh đều gọi điện về cho vợ. Những câu hỏi gần như được lặp lại, mà cả anh và vợ đều không thấy đó là lặp lại, nên cũng không nhất thiết phải làm mới. Anh cũng chỉ muốn biết hai mẹ con đang làm gì, đã ăn cơm chưa, nay ở trường con có ngoan không, ở đó có hay mưa không, sao nơi này mưa suốt, chắc là vùng cao nên vậy em nhỉ…
Rồi Hoài chậm rãi kể, có khi biết trước cả câu anh sẽ hỏi nên trả lời luôn. Qua lời vợ kể, anh hình dung từng biểu cảm khuôn mặt đáng yêu của con gái. Chỉ một lần duy nhất Hoài than mệt quá, nào công việc cả ngày, tối về cơm nước, tắm rửa cho con xong là muốn kiệt sức, chỉ chờ hết việc để ngả lưng…

Hôm ấy, sau cuộc gọi cho Hoài, anh lóe lên ý nghĩ đưa bé Mi lên ở với mình. Chỉ là mầm non thôi, học đâu chẳng được. Nhà anh lại ngay sát trường mầm non mới mở. Có bé Mi, anh sẽ cực hơn nhưng có cha, có con vẫn vui, mà quan trọng là vợ anh ở nhà không phải quá sức. Hoài đồng ý liền. Cô đang quá tải trong công việc ở những tháng cuối năm, nếu anh chăm sóc bé Mi, cô sẽ dành toàn bộ thời gian cho công việc, sẽ tốt hơn rất nhiều. Cô và anh cũng đã thống nhất rồi, đây chỉ là tạm thời, sau khi anh gây dựng 5 ha cây ăn trái ở vùng cao nguyên này, cùng việc xây căn nhà đàng hoàng cho có chỗ trú nắng mưa, anh sẽ đón mẹ con cô lên cùng. Thoắt cái đã hơn ba năm từ ngày anh lên đây, vẫn chưa đâu vào đâu để gia đình có thể sum họp một nơi. Bé Mi tròn ba tuổi, một tay Hoài chăm sóc, anh chỉ về khi giãn việc, thường là vào cuối tháng.
Anh đón bé Mi trong tiết trời cao nguyên se lạnh. Cô công chúa bé bỏng như cá gặp nước, vừa gặp bố, vừa có mảnh vườn rộng rãi để chạy nhảy, đùa vui.
* * *
Từ ngày có Mi bên cạnh, những cuộc gọi của anh với vợ thưa thớt hơn. Một phần vì anh bận, phần khác anh nghĩ Hoài cũng nhiều việc. Có hôm anh gọi tối muộn, cô còn đang loay hoay nhờ Dũng, cậu bạn thân phục hồi giúp dữ liệu mà cô lỡ tay làm mất trong máy tính.
Ngày qua ngày, chỉ khi có chuyện cần thiết thì hai vợ chồng mới gọi cho nhau. Hôm nay anh xuống cây con ở mảnh vườn gần nhà; hôm khác anh chụp tấm hình cây cho trái đầu tiên gửi Hoài. Hoài cũng hỏi vài câu rồi bị cuốn vào công việc. Cô càng yên tâm với thông tin bé Mi đã thích nghi rất nhanh với trường mới. Con cũng bắt đầu có bạn bè, những ngày cuối tuần được cùng ba vào rẫy, đi câu, còn được dì Tư – người giúp việc của bố, chiên chả cá cho ăn rất ngon…
Cuối tháng, anh cùng bé Mi đón chuyến xe về lại thành phố. Cao nguyên mù sương quyến luyến bước chân người. Thành phố đón anh bằng tiết trời oi bức. Chắc do ở vùng mát mẻ quen, anh như bị sốc nhiệt. Cả hai cha con nằm li bì. Đến khi anh tỉnh giấc, Hoài đã rời khỏi nhà, bữa ăn sáng đã được cô dọn sẵn cho hai cha con. Anh nhớ ra vài thứ lặt vặt cần phải dùng đến máy tính. Tranh thủ lúc bé Mi chưa dậy, anh mở máy tính của Hoài để giải quyết công việc. Trong khung chat của máy tính còn chưa tắt hẳn, anh đã đọc được những điều không nên đọc. Anh sốc. Chẳng phải anh đã từng thấy trên phim ảnh những trường hợp tương tự, nhưng chưa bao giờ nghĩ nó xảy ra với anh: Hoài quay lại với người cũ. Tất cả quá bất ngờ và vượt quá sức chịu đựng ở một người đàn ông. Anh nhớ ngay tới thời gian vừa qua, khi Hoài chỉ có một mình trong căn nhà vắng…
Anh gọi Hoài về để làm rõ mọi chuyện. Hôm ấy, giàn mướp trước nhà đã trổ những bông hoa cái, bướm về từng đàn rập rờn.
Trong lúc chờ Hoài về, anh đã cầu mong sẽ có một sự hiểu lầm nào đó, hoặc không là hiểu lầm thì sẽ có sự ăn năn nào đó, chí ít cũng là sợ sệt giống như tính cách vốn hiền lành của người vợ hơn 5 năm anh đã sống cùng. Nhưng mọi thứ không diễn ra như anh suy đoán. Hoài ngồi trước mặt anh. Sắc mặt không vui không buồn, bình thản thú nhận tất cả. Trên tay Hoài còn cầm sẵn tờ đơn ly hôn.
Anh đã từng nghĩ, bất cứ vấn đề nào cũng có thể giải quyết. Khi Hoài nói không muốn sống ở thành phố ngột ngạt này, anh đã chọn mảnh đất cao nguyên thênh thang quanh năm mát mẻ đúng với ý Hoài. Chỉ cần anh cố gắng từng ngày, mọi khó khăn đều dần vượt qua, ngày hái quả ngọt cũng cận kề, vậy mà anh lại gặp một tình huống bế tắc không thể tháo gỡ này.
Hoài nói những ngày qua, gặp lại người cũ, cô ấy mới cảm thấy được sống với chính mình. Giọng của Hoài không phải giọng thú tội của một người cần tha thứ, mà là giọng của sẻ chia, tâm sự, như hai người bạn thân chẳng phải giấu nhau chuyện gì. Ánh mắt cô ấy long lanh và khuôn mặt rực lên nét tươi mới của người tìm được tình yêu.
Anh phải ngưng buổi nói chuyện lại. Anh cần suy nghĩ. Chính xác hơn, anh thấy mình khó thở. Anh cần hít thở sâu. Điều đó giúp anh bình tĩnh hơn.
– Rồi nào, anh đã sai với em điều gì ư? Anh thề, anh không làm bất cứ điều gì có lỗi với em suốt những năm tháng xa nhà vừa qua… Anh đã làm việc thật chăm chỉ mỗi ngày, em biết đấy, anh không quen làm nông, nhưng giờ anh đã biết tất cả quy trình để một cây con trưởng thành, ra hoa, kết trái, anh đều làm được, vì em, vì chúng ta! Vậy nên, mọi thứ đều có thể gỡ rối từng chút một, rồi chúng ta sẽ giải quyết được mọi vấn đề thôi, chỉ cần em nói ra.
Hoài lắc đầu:
– Anh là người chăm chỉ và có tài, lại yêu thương em chân thành. Quan trọng hơn cả, anh đã mang đến cho em cô công chúa đáng yêu, em chẳng cần gì hơn như vậy. Em đã nghĩ mình thật hạnh phúc cho đến khi gặp lại anh ấy. Anh cũng biết anh ấy mà, mối tình đầu của em trước khi gặp anh. Hồi đó tụi em nhỏ dại nên không giữ được nhau…
– Rồi sao, em sẽ về sống cùng anh ấy à?
Hoài lại lắc đầu:
– Không, anh ấy đã có gia đình riêng. Em chỉ yêu anh ấy và hạnh phúc với cảm giác này!
Anh thấy cổ họng mình như nghẹn lại:
– Nhưng em cần một người chồng ở bên cạnh chứ?
– Em không biết, em chỉ cảm thấy đang rất hạnh phúc kể từ khi gặp lại anh ấy.
– Vậy anh ấy có biết điều đó không?
– Chắc là không, vì tụi em chỉ gặp nhau đúng hai lần. Sau khi em biết anh ấy có mái ấm riêng, em cũng không có ý định gặp lại nữa.
– Nhưng sao em vẫn quyết định ly hôn vì anh ấy?
– Em ly hôn không vì anh ấy, em đã nói là em không gặp lại anh ấy nữa mà!
Cả hai im lặng.
– Em đã nói quyết định của mình cho ai biết chưa?
– Có, em kể với Dũng.
– Cậu ấy nói sao?
– Cậu ấy nói em thật điên rồ, nhưng dù em quyết định thế nào, cậu ấy cũng luôn đứng về phía em…
Anh ngưng một lát rồi ngập ngừng:
– Hay là em đi khám tâm lý đi?
– Sao anh nói giống Dũng vậy. Cậu ấy không chỉ nói mà đòi chở em đi khám bệnh, còn đưa cho em một xấp tài liệu liên quan tâm lý, cậu ấy sợ em lại như thời sinh viên, đòi chết. Tức cười anh nhỉ? Chắc Dũng cũng nghĩ giống anh, em không bình thường.
– Vậy còn bé Mi thì sao?
– Lại là một câu hỏi giống nhau. Dũng nói em cần có bé Mi bên cạnh. Em cũng nói là anh sẽ nhường cho em chăm sóc bé Mi, anh hiểu em không thể sống thiếu con mà…
Anh tiếp tục ngưng cuộc nói chuyện khi thấy đầu mình như muốn nổ tung.
– Nào, em nói tiếp xem, rồi sau khi ly hôn, em sẽ sống ra sao và muốn ở đâu?
– Tạm thời em đến ở nhà Dũng!
– Anh muốn nói chuyện với Dũng được không?
– Được chứ, em cũng có hẹn cậu ấy đến nhà mình vào tối mai, tiện nhờ cậu ấy sửa ít bóng đèn, sao mà nó chập chờn suốt.
Anh nhìn lên dàn đèn được thay mới từ lúc nào, cả trần nhà cũng không còn tróc sơn như trước. Giờ anh mới nhận ra, cả căn nhà đều lạ trong tầm mắt mình. Ngoài hiên, dây phơi đồ được thay bằng khung sắt chắc chắn. Một cửa sổ từ phòng ngủ xuất hiện từ bao giờ, chỉ cần vén rèm là nhìn ra khu vườn có giàn mướp và những khóm hoa xinh xinh…
Giọng Hoài trong trẻo:
– Hay là em gọi Dũng đến hôm nay luôn nhỉ? Để hai đứa nhỏ gặp lại nhau, thằng bé nhà đó cũng nhắc bé Mi nhà mình suốt. Con nít bây giờ cũng cần bạn bè sớm hơn xưa thì phải. Dũng mà thấy giàn mướp trổ nhiều hoa là vui phải biết, là của cậu ấy trồng đấy!
– Anh vẫn nghĩ rằng có điều gì đó mà anh chưa biết hết. Nên chúng ta có thể cho nhau thêm thời gian được không em? Một tháng hay ba tháng? Em thấy sao?
– Em nghĩ một tuần là quá đủ!
* * *
Anh đã không làm được gì trong suốt một tuần. Anh đã mong nó trôi thật nhanh, nhưng rồi lại sợ nếu nhanh quá, sẽ không đủ để Hoài đưa ra một câu trả lời khác. Anh lục tung tất cả hoàn cảnh, trường hợp tương tự đã gặp, hòng tìm cách tháo gỡ vấn đề, anh đã gọi cho gia đình vợ, bạn bè để mong có chút ánh sáng le lói, nhưng tất cả đều vô vọng. Một bài toán không tìm ra lời giải.
Hôm ấy, chẵn một tuần, Hoài ngồi đối diện anh, vẫn vẻ mặt bình thản của tuần trước.
– Em nghĩ một tuần hay một năm thì vẫn không thể thay đổi quyết định ban đầu của em. Chúng ta ly hôn đi.
– Anh đã rất đau lòng những ngày qua, một khi quay đi, anh sẽ không còn là anh của em hôm nay nữa…
– Em hiểu tính anh mà!
– Em hiểu tính anh, anh yêu thương em, chúng ta cần một mái nhà đầm ấm, vậy thì tại sao nhất định phải chia tay?
– Cả thắc mắc đó từ anh cũng không khiến em phải lưu tâm nữa. Đó chính là lý do, anh ạ!
Hôm ấy, mầu nắng chiều nhạt hẳn, hình như là mầu nắng mỗi độ cuối năm.
LA THỊ ÁNH HƯỜNG
Không một lời xin lỗi từ cả hai phía
Tại sao lại như vậy? Có lẽ cả hai người nghĩ đó không phải là sai lầm? Nhất là nhân vật nữ vì thế cô ca không thề xin lỗi. Tôi nghĩ kết cục như vậy thì đương nhiên rồi, chỉ áy náy rằng với một người phụ nữ như vậy thì bé Mi có lớn lên “ngon lành” hay không?
Phụ nữ hiện đại là gì? Là chả cần xin lỗi khi mình sai lầm hay sao? Cái sai lầm ở đây không phải là ngoại tình, không phải là yếu đuối ngã vào vòng xoáy của dục tính mà là sai lầm của cả hai khi lấy nhau, làm tình với nhau trong 5 năm tính ra cả nghìn lần và có bé Mi ấy. Người đàn ông sẽ như thế nào sau khi có gia đình? Người phụ nữ sẽ ra sau sau khi có gia đình và sau khi có con? Chúng ta không nên ngụy biện rằng vì kinh tế nên phải làm việc nhiều, vì vô lý mà điện không sửa, cửa không thay …vv mà ở đây là phong cách sống! Phong cách nghĩ, và phong cách hành xử với nhau, với cả trách nhiệm trước những sai lầm.
Trong truyện ngắn này, người đàn ông chỉ có sai lầm là lấy cô vợ là nhân vật nữ. Còn người phụ nữ là lấy người đàn ông. Và sau đó là đẻ con (bé Mi), tại vì cô ấy không yêu chồng mà lại sinh con thì có phải là sai lầm hay không? Cô ấy không yêu chồng mà làm tình hàng nghìn lần với chồng có phải là sai lầm không? Nếu tôi là tòa án thì sẽ giao bé Mi cho người đàn ông. Vì bé Mi là sai lầm của người phụ nữ vì thế tình yêu con của cô ta sẽ không sâu bằng và giống như người mẹ thông thường. Truyện ngắn không khai thác thêm về vấn đề này mà chỉ dừng lại ở nhát cắt chia ly. Sai lầm thứ ba của người phụ nữ là “hồ đồ” tôi nháy nháy từ hồ đồ này, việc ngoại tình là việc vi phạm pháp luật. Một người đi làm như vậy mà vi phạm pháp luật, làm hại cho người chồng, cho con mà không xin lỗi tới một lời. Không bị lụy của nhân vật nữ thể hiện ra tính cách của cô ta. Phong cách sống, phong cách nghĩ, phong cách hành xử – bốc đồng và thiển cận.
Chúng ta không nói là hiện đại bởi hiện đại thì khác. Không nhắc tới Dũng là ai? Không kiểm chứng lời thú nhận của nhân vật nữ là đúng có quan hệ lại với người trước hay chỉ là cái cớ chủ động của cô ta? Nhà văn không nói ra điều đó, để người đọc và người đọc sẽ nghĩ đó là tính nữ trong nhân vật. Tức có tính toán và có tính cách xảo quyệt, lừa dối. Nhân vật nữ rất có thể đã quen cái tính cách này, có thế chả có sự chung chạ với người khác, chỉ vì cô ta muốn xử lý dứt điểm cái sai lầm của mình là làm tình nghìn lần với người không yêu, có con với người không yêu nên cô ta nghĩ ra cách thức này. Thật là tàn nhẫn. Cuộc đời người đàn ông thật thà thường bị rơi vào bi kịch như thế này?
Bé Mi không là lời giải cho truyện ngắn, nhưng chắc chắn không đủ sức để kết nối bố mẹ bé lại. Người mẹ có phong cách sống như thế chỉ ra rằng phụ nữ rất khó hiểu và để hiểu được họ thì có khi có chín con với nhau rồi vẫn chưa là vợ chồng. Nhưng thực ra rất đơn giản. Nó xuất phát từ cơ địa người phụ nữ. Trong một tháng họ thay đổi tính tình, và nếu như người phụ nữ không được giáo dục tốt, không có nhận thức tốt thì tính cách của họ thường không cố định, không suy nghĩ cho đại cục và lâu dài. Đây chính là cách nhìn phân biệt đối xử trong con mặt của tôi. Tôi vẫn chưa công bằng, chưa bình đẳng giới được. Truyện ngắn này âu cũng vẽ lên một viễn cảnh với người đọc nghĩ về sự “đỏng đảnh” của người phụ nữ, sự “chênh vênh” của quyết định người phụ nữ mà rất khó xoay chuyển họ. Họ không bao giờ cho họ có vấn đề- đây là tính bảo thủ của phụ nữ. Họ luôn cho rằng họ có quyền năng – đây cũng là vấn đề tự cao của phụ nữ. Họ mất đi chức năng làm vợ, coi nhẹ trách nhiệm làm vợ và làm mẹ nhưng không nhận ra – đây là vấn đề nhẹ dạ, thiếu kiến thức của người phụ nữ nhưng không bao giờ công nhận việc này.
Có lẽ truyện ngắn là gợi mở, và có lẽ việc này tôi nghĩ hai người nên im lặng, tôn trọng và thời gian 3 tháng không là gì, 1 năm cũng được chứ một ngày hay một tuần như truyện ngắn tức là chỉ ra cái phong cách người phụ nữ này: sự chịu đựng đã đến tới hạn, quyết định không cần biết hậu quả là gì nữa? Phải lắc đầu ngao ngán, và phải đặt vào bộ não mình suy nghĩ xấu nào đó cho phái nữ, vì thế mà tôi trở về quan điểm không công bằng, bình đẳng giới sau khi đọc truyện ngắn này, không biết các bạn đọc khác có cùng ý như tôi không?
Tôi nghĩ truyện ngắn này tiệm cận tới bài báo tin tức, hay xu hướng hiện nay của truyện ngắn là như vậy?
Hoa Phong.