1. Sân cầu lông đã bắt đầu đông dần, kẻ qua người lại làm cho không khí có vẻ nóng lên. Đầu sân bên kia, Nam giơ vợt ra hiệu, một người bạn cũ, tôi nhoẻn miệng cười. Tôi vào phông cầu với Nam. Những đường đánh cao, thẳng ra xa luôn làm tôi mệt nhoài người vì mất sức.
Tôi người nhỏ bé, gầy gò. Nam bảo đùa nếu tôi không đi dạy chắc chẳng ngành nào dám nhận vì chẳng ai muốn làm ăn thua lỗ. Nam thường bảo tôi chẳng làm được gì. Xách mỗi thùng nước từ tầng trệt lên lầu cũng ngồi chờ Nam về, mua chi chiếc xe máy lớn gấp hai mình để sáng nào cũng lôi hắn dậy để nhờ dắt ra dùm. Ngồi đây mà kể ra hàng loạt việc tôi nhờ Nam làm trong mấy năm chắc không ai có đủ kiên nhẫn, vì nhiều quá, đầy ăm ắp. Nam cũng nói thôi, kể làm chi em ơi rồi lại lẳng lặng làm cái gì đó trong khi nghe tôi nói.Nam hay hay, nhiều khi đáng yêu như một đứa con nít. Bạn bè bảo Nam thích tôi, cũng phải mà. Vì Nam thích nghe tôi nói nhiều, tôi cằn nhằn chứ tôi chẳng khi nào nghĩ Nam thích mình theo kiểu nam nữ gì đó, không có chuyện đó. Người ta bảo Nam lừa tôi ngọt xớt, nó thích mày mới muốn nghe mày cằn nhằn, cốt là được nghe tiếng nói của mày, chứ ai đời lại thích như thế. Có đó. Chuyện của mười mấy năm trước khi ba Nam thường say xỉn thâu đêm suốt sáng, về nhà rơi vãi nước hoa phụ nữ, mẹ cằn nhằn, mòn mỏi rồi mẹ cũng đi. Ba khóc van xin mẹ đừng đày ải ba bằng hình ảnh của người đàn ông nào đó còn lởn vởn trong tâm trí mẹ chưa vứt ra được. Khốn. Rồi cũng chẳng vứt ra được dù đã cố gắng mười mấy năm, cuối cùng mẹ đi. Từ đó ba đoạn tuyệt với phụ nữ. Nam cũng đóng sập cửa phòng. Tôi bắt đầu khó chịu về tên con trai suốt ngày lủi thủi ở thư viện, bờ sông và nhà trọ. Tôi lôi hàng tá thứ không đáng có của con trai ra để cằn nhằn. Ban đầu hắn há hốc mồm, sau hắn ngồi nghe và bảo với tôi “Mình có gì không phải…. “bà” cứ nói”. Thế là tôi nói thật, riết rồi hai đứa tôi thành bạn. Hắn là Nam. Tôi chưa biết nhiều về hắn nhưng cảm giác cho tôi biết hắn là người thành thật, nhất trên đời này. Tôi cũng có được cảm giác mình được tin tưởng. Ngày xưa, ba nói với mẹ hắn như thế và mặc nhiên xem lời mẹ hắn cằn nhằn là một thứ hạnh phúc, đến lạ đời. Chỉ có điều, mẹ lầm tưởng ba đã trở về vị trí đẹp của tình bạn thưở xưa nên mẹ đau khổ, mẹ cũng dừng lại rồi cam tâm làm kẻ ra đi để ba làm người ở lại, ba cũng đau khổ và chẳng để cho người phụ nữ nào bước vào nhà khi Nam mới 7, 8 tuổi. Nhà từ đó vắng bóng phụ nữ. Ba việc của ba, hắn việc của hắn, hai cái bóng cứ sống dật dờ như chẳng can hệ gì đến nhau. Đến một ngày tôi mới thấy rõ hình hài cúa hắn, hắn cũng là người ra phết, hắn biết khóc khi nghe người ta không hài lòng về hắn, hắn bảo tôi nói chuyện y rang như… mẹ hắn. Thế tôi mới hiểu vì sao Nam khóc.

2. Anh trưởng phòng thể thao thị xã đến để bắt đầu giải cầu lông giao hữu. Nếu không có giải này chắc gì tôi và Nam gặp nhau, hai đứa tôi cùng tỉnh nhưng một đứa đầu sông một đứa cuối sông. Đó là lí luận của tôi. Nam cười, giọng chua chát qua điện thoại nhưng chẳng một lời trách cứ tôi. Điều đó càng làm tôi nhớ như in câu chuyện Nam kể về gia đình mình, càng làm tôi không thể quên được vết thương chưa lành của quá khứ…
Tôi làm bạn với Nam đã là một ngoại lệ và bước vào nhà Nam với hi vọng thay đổi một điều gì đó lại là điều tôi chưa từng dự tính.Lối sống của tôi và Nam hoàn toàn khác nhưng vì một chút hiếu kì và một chút sự lay động cảm tính khiến tôi đồng cảm với câu chuyện gia đình hắn. Tôi theo đạo Phật, tôi tôn thờ vì những triết lí của Ngài, “đời là bể khổ”, giống như cuộc sống của tôi, nhưng ngài cũng bảo vẫn có cách hóa giải bể khổ ấy, con người nên xích lại một tí và mở rộng tấm lòng. Tôi tạm tin như thế nên không ngần ngại bước vào nhà Nam, căn nhà lạnh lùng và rặc mùi quá khứ. Hà cớ gì con người ta gặm nhấm mãi sai lầm để rồi cho rằng mình là thứ bỏ đi chứ?Hà cớ gì phải sống mãi trong những nỗi đau của quá khứ? Huống hồ gì, trong câu chuyện xưa ấy tôi lờ mờ hiểu được cả bác trai và bác gái chẳng ai có lỗi khi họ đều là những người khát khao thấy được hình ảnh mình trong mắt người đối diện. Nhưng giờ đã qua cả rồi, gia đình không thể chắp nối lại, kẻ ở lại bỗng hóa thành kẻ thừa thải, đâu cần phải hành hạ bản thân mình như vậy chứ Nam? Tôi vào nhà Nam, lục tung mọi thứ lên, bỏ hết những thứ không cần thiết. Nam cuống cuồng cả lên, như một kẻ lóa mắt khi bất ngờ bị lôi ra từ vỏ ốc. Nam sợ phải đảo lộn mọi thứ. Tôi mặc. Mọi thứ như đã là của tôi. Tôi bước vào thế giới của Nam như thế đó. Bác ba- ba của Nam cũng mặc nhiên xem tôi như cô con gái út tinh nghịch. Bác đã bắt đầu kể về những câu chuyện vui ở cơ quan trong những bữa cơm. Nam hay cười nói, tôi phát hiện Nam rất hài hước. Nam bảo tất cả đã khác kể từ khi nơi này có tôi. Nắng sớm cũng lần đầu tiên rọi những tia ấm áp vào ngôi nhà lạnh lùng này.Tôi đã bắt gặp trong mắt của bác ba và cả Nam nữa dấu hiệu của sự sống có hình có dạng chứ không dật dờ vô định như trước đây nữa, nhất là ánh mắt Nam nhìn tôi…
3. Chúng tôi thi đấu theo lịch bốc thăm. Nhìn quanh toàn là người quen cả, người trong ngành. Một vài người bạn đến bắt chuyện, có người tôi nhớ, có người không. Nhưng tôi cũng chẳng màng làm gì và cũng chẳng xem đó là lỗi của mình. Tôi muốn tiếp tục sống theo kiểu ấy, cũng chẳng biết khi nào sẽ chấm dứt. Nam đang thi đấu, đường đánh vẫn nhẹ nhàng, uyển chuyển, y hệt như bác ba ngày trước. Bác ba thích môn thể thao này, thấy Nam vui từ khi có tôi, bác bảo chiều chiều đến sân cầu lông ở cơ quan để bác chỉ cho cách chơi. Rồi từ đó mà tôi biết đến cầu lông, nhưng chủ yếu là chơi cho vui thôi, tôi sợ nhất là những đường đánh cao, thẳng ra xa, nó thường làm tôi mệt nhoài người vì mất sức. Nam đã dùng cách ấy để chào tôi, thay cho lời nhắc nhớ, tôi sao quên được chứ…Một vài người ngồi gần đấy quan sát, đôi lúc tức lên, bảo sao Nam không đánh thắng dứt điểm cho rồi, có cơ hội ghi điểm trực tiếp lại cứ nhường cho đối phương theo sát hoài. Tôi cười, hiểu Nam quá còn gì, bỗng nghe lòng lo sợ. Có lẽ thời gian đã tước dần đi chất bốc đồng để giờ Nam có đủ bình tĩnh để đối phương theo cận mình. Tôi sợ phải đối diện với thái độ bình tĩnh của Nam khi tôi bắt đầu có những lí do…
Nam bảo tôi đang chạy trốn Nam. Kể từ ngày mẹ ra đi, đó là buổi sinh nhật có đầy đủ cả, bạn của ba, không còn là những người bạn nhậu, bạn của Nam, cũng không còn là những người bạn hờ hững… ba bảo đông lắm, nhưng Nam nó chỉ chờ có con đến để cắt bánh với nó, mừng ngày nó tìm được linh hồn. Tôi hiểu ý bác muốn nói gì. Nhưng tôi không dám đến, không dám chạm tay vào hạnh phúc, đó là một thứ phù phiếm. Tôi trở về như trước khi biết Nam, phóng túng, liều lĩnh, tôi càng phải như thế, vì ngày trước…
Tôi và hai đứa em ở với mẹ mấy năm nay, ba tôi xin chuyển công tác xa, mãi mãi. Chỉ những ngày quan trọng ông mới về, lắp vào thành một gia đình cũng hoàn hảo như người ta. Nhưng mẹ con tôi đều biết miếng ghép ấy thừa thải đến thế nào. Người biết người không nhưng ở cái thị xã đang chuyển mình này cứ sống lạnh lùng vào thì chẳng ai quan tâm chuyện riêng của ai nữa. Nhưng mẹ tôi là công chức, phải giữ thể diện ở cơ quan. Vì vậy, nên xem việc ba tôi đi công tác xa là hi sinh hạnh phúc riêng vì nghĩa vụ chung. Mẹ tôi chán nản, lúc đầu bỏ bê công việc nhưng sau cũng quen dần, cả uống thuốc trợ tim để nó bớt đau, để quen với sự thật: ba đang chạy theo một phụ nữ khác. Hồi đó ba tôi và người ấy thương nhau nhưng vì gia đình người ấy có gốc làm nghệ sĩ nên nội tôi không ưng, bảo “xướng ca vô loại”, nội hỏi một chỗ khác, đường hoàng hơn, đó là gia đình mẹ tôi. Ở với nhau 3 mặt con rồi ba cũng đi. Mẹ cười chua xót, mảnh giấy kết hôn bỗng trở thành giấy vụn khi nó không đồng nghĩa với sự ràng buộc. Lúc đó, ở cái tuổi mười chín, tôi phần nào hiểu được nỗi đau đớn của người phụ nữ bị ruồng bỏ, nhất là khi mẹ tôi đang ở bục cao của sự nghiệp và tuổi trẻ của bà lại chưa nếm qua sự thất bại nào. Người ta nói tôi giống in như mẹ, từ cách đi vào cuộc sống đến cách đứng trên bục cao.. Tôi thừa nhận tất, chỉ có điều, tôi hứa với lòng sẽ lấy lại những gì mẹ mất. Mẹ bị ba phụ bạc thì kể từ tôi, không người đàn ông nào làm cho phụ nữ đau khổ nữa. Tôi sống lạnh lùng, liều lĩnh và có phần trơ tráo. Cũng giống như cách mà ba giẫm nát lòng mẹ, tôi bắt đầu với một ai đó cũng bằng sự chân thành, nhiệt tình rồi sau đó lẳng lặng ra đi và cho người ta một lí do đẹp. Tôi hài lòng như thế, mãi như thế và chẳng biết là đã bao lâu nữa, tôi chẳng biết mình đã tự quay cuộc sống của mình đến đâu. Mãi đến khi tôi gặp một người con trai sống lặng lặng lẽ lẽ, những khi tôi đến thư viện cùng Quang, đến bờ sông hóng gió cùng Huy hay những lúc mệt nhoài người trở về nhà trọ sau những cuộc vui. Tôi có một ý nghĩ tàn nhẫn, dù chẳng biết hắn là ai nhưng thấy thinh thích khi nhìn bộ dạng thiểu não của hắn, tôi dễ mường tượng đến những kẻ tôi rảnh tay bỏ rơi. Nhìn vào hắn tôi dễ có cảm giác thỏa cơn giận và nó giống như một thần dược xoa dịu đi những cơn đau tim của mẹ. Tôi cảm thấy mình được đong đầy cả rồi, mẹ cũng thế, cũng chẳng cần miếng ghép nào thì mẹ con tôi vẫn sống bình thường. Nhưng khi tất cả đã qua và khi cả mẹ, tôi có một độ lùi thời gian cần thiết, bỗng thấy chua xót quá. Mẹ hay thui thủi giấu tôi mà khóc ở góc phòng tối om, còn tôi chẳng khá hơn: cô đơn khi cần một bờ vai để gục vào, để khóc rưng rức. Gã con trai ấy sao mà giống tôi quá, lang thang vất vưởng bên vỉa hè cuộc đời làm những cô hồn lang thang. Tôi chợt nhớ đến ba và người phụ nữ kia, có phải họ đến với nhau để hóa giải kiếp cô hồn của mình? Một suy nghĩ thoáng qua đầu, nó có thể khiến tôi phản bội lại mẹ, rằng họ là những người dũng cảm, dám bước qua dư luận để tìm thấy mình, họ đáng ngưỡng mộ lắm. Họ dám sống một cuộc sống cả tôi và mẹ đều mơ ước. vậy thì sao tôi không một lần như ba? Sao không một lần bước qua ảo ảnh buồn của quá khứ để sống cho những điều có thực của hiện tại? Cuộc sống này có lẽ sẽ khác đi nhiều nếu như lòng người ta rộng ra một tí. Nghĩ như thế. Tôi để tâm đến hắn, ừ nhỉ, hắn giống tôi thật, đều là những kẻ chưa tìm được điểm tựa. Lòng tôi chợt sống dậy khi thấy hắn khóc, những giọt nước mắt nóng hôi hổi, thành thật biết bao nhiêu. Tôi hân hoan trồng vào những khoảng trống trước sân nhà hắn mấy khóm hồng vàng, bảo hắn nên vun xén gốc cho tơi xốp vào. Hy vọng màu vàng sẽ làm cho cả tôi, bác ba và Nam lấy lại sự tươi sáng. Vì vậy tôi nũng nịu đòi Nam mua mấy chậu hoa ấy về….
Mẹ biết tôi có bạn mới, vừa nhìn xa xôi vừa long lanh hạnh phúc. Mẹ xoa đầu tôi, nói tôi đã tìm được miếng ghép ưng ý rồi. Mẹ bảo hôm nào đưa Nam về nhà để mẹ xem thế nào. Tôi thừa nhận cuộc sống mình có Nam. Dường như tình yêu chân chính luôn làm người ta sống đẹp hơn. Tôi không lui tới những nơi trước đây, cả những mối quan hệ mập mờ, tôi bỏ tất. Tôi háo hức chờ đón một cuộc sống mới lung linh sắc vàng của những đóa hồng…
Bác ba bảo tôi cắt lấy một vài đóa để trang trí bàn tiệc ngày sinh nhật Nam. Ông đem ra, treo lên tường một vài bức tranh lấm tấm bụi, cả bức ảnh ngày cưới của hai người, bác bảo đã đến lúc căn nhà này bình tĩnh đón nhận tất cả. Hiện ra trước mắt tôi là người phụ nữ có đôi mắt to xoáy vào lòng người, đôi chân mày đen cong vút như cuốn lấy hồn người không cho người ta kịp phản kháng, cả những lọn tóc dài xoắn xít. Tất cả toát lên nét quyến rũ hơn là huyền bí. Tôi bần thần người, nỗi đau âm ỉ ngày xưa ùn ùn trỗi dậy, chính người phụ nữ ấy chứ không phải là ai khác, người có đôi mắt sâu não nhưng tàn nhẫn ấy đã đan tâm giẫm nát gia đình tôi, đó là người phụ nữ mà tôi một lần nhìn thấy qua bức ảnh trong ví của ba…
Tôi lánh mặt Nam với bề bộn lí do còn Nam thì lẳng lặng, chẳng một lời trách cứ. Sự rộng lượng của Nam càng khiến tôi vùi cuộc sống của mình trong suy nghĩ, lối sống chật hẹp. Tôi cô đơn và ích kỉ trong gần hai năm sau tốt nghiệp. Tôi đày mình trong suy nghĩ ai là người có lỗi trong chuyện ngày xưa? Là người đàn ông không dám đứng lên giành lấy hạnh phúc khi còn trẻ để rồi lại ích kỉ chạy theo hạnh phúc cá nhân khi đã có ba mặt con? Là người phụ nữ đan tâm cùng lúc hủy hoại hai mái ấm? Hay là mẹ tôi, vì sự háo thắng lẫn khôn ngoan đã cho mình một lí do đẹp, theo sự sắp xếp của gia đình để giành về phía mình người yêu của cô bạn thân? Tôi chẳng biết gì cả ngoài loay hoay giữa họ, lại làm kiếp cô hồn lang thang. Sao ngày xưa cả ba, mẹ tôi và người phụ nữ ấy không mạnh mẽ nhận lấy những thứ vốn thuộc về mình, sao tất cả lại xảy ra quá muộn khi mà giữa họ đã có tôi và Nam? Nhưng chẳng ai biết điều này cả. Mẹ cứ sống lặng lẽ, nuôi niềm hạnh phúc viên mãn ở cơ quan, ánh mắt ráo hoảnh khi về giữa căn nhà. Bác ba hay ngủ lại ở cơ quan hay nhà của một người bạn nào đó. Nam lạnh lùng giấu nỗi thất vọng dưới quầng mắt hốc hác. Còn tôi thì nhoài mình đi tìm lí do cho những sai lầm đã qua…
4. Tối, chẳng rõ hôm nào, Nam gọi đến, sóng điện chập chờn bởi bên ngoài đang mưa giông. Nam nói muốn đi học. Sở đang có kế hạch tạo điều kiện cho một số giáo viên đi học sau đại học. Nam muốn đi. Tôi nghe rõ mồn một. Trời ơi. Giống như một kẻ bị đánh cắp thứ sở hữu của mình. Tôi mở tung cửa, bên ngoài trời vẫn mưa, mưa xối xả, mưa trút nước, sau lưng tôi là tiếng mẹ kêu như thét. Tôi phóng xe đi.
Tôi đến nhà Nam, run lẩy bẩy vì đường quá dài, cũng như đoạn đường mà tôi và Nam đã qua, ướt sũng kỉ niệm gió bão. Qua làn nước long lanh, tôi nhận ra ánh mắt sững sờ nhưng ngập tràn sự sống của Nam, đẹp lạ lùng. Trong ánh mắt ấy, dường như tôi thấy cả mình, hoang mang, hốt hoảng đi tìm của đánh mất. Nam bảo không mất gì cả, vẫn còn cả ở đây. Tôi nhìn theo hướng tay Nam chỉ, ngoài kia mấy khóm hồng vẫn lung linh một sắc hồng rực rỡ sau giông bão và trong kia hai cốc cafê vẫn còn nguyên hơi ấm nồng. Nam bảo thôi, mình vào nhâm nhi, coi như café thay bánh kem sinh nhật, mừng ngày cả tôi và anh tìm được linh hồn mình.
NGUYỄN THANH THẢO