Truyện ngắn Nguyễn Thế Hùng: Tiếng đêm

VHSG- Nhà tựa lưng vào đồi, trước mặt là ruộng lúa, mùa hè gió Lào thổi bỏng rát cả bờ tre, mùa đông gió từ sông thun thút thổi thốc vào phên nứa nghe âm âm u u. Những đêm lạnh, anh em chúng tôi thường lấy rơm khô quây thành một cái ổ giữa nhà rồi co ro ngồi vào đó, đàn chó con cũng rời ổ của chúng, rung rúc nhí nhách chơi cùng.

Cha cả năm mới về một lần, mẹ nuôi một đàn chó để giữ nhà lúc mẹ đi vắng và giữ mẹ lúc đêm tối mẹ ở nhà. Nhiều lần, lẫn với tiếng tắc kè búng vào đêm, tôi còn nghe tiếng chân thậm thịch, huýt sáo miệng và tiếng kèn lá tỉ ti như gọi mời. Những lúc ấy, mẹ trở mình ôn riết lấy chúng tôi, qua ánh trăng rọi xuống lỗ thủng mái nhà, tôi thấy mắt mẹ hình như ửng nước, hơi thở gấp gáp và rồi có tiếng thở dài. Ngoài kia tiếng kèn lá vẫn tỉ tê và đàn chó trung thành không một tiếng sủa, chúng chỉ phát ra những tiếng gầm gừ trấn thủ nơi đầu dốc. Nhà xa làng, anh em tôi ít bạn, chó và người than thẩn chơi chung.

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng

Những năm đói cả làng đều đói, nhà tôi không ngoại lệ, cha vẫn đi, chuyện cơm áo của cả nhà oằn vai áo mẹ. Có mùa đói giáp hạt, lũ lên ngập chân đồi, làng buồn như gái góa, anh em tôi đói mờ mắt, có người đến hỏi mua chó, mẹ kiên quyết không bán, nói để chúng nó giữ nhà, các con gắng đợi rồi ngày tháng sẽ qua. Mẹ vẫn thường vắng nhà và trở về khi đã nhọ mặt người, bao giờ cũng thế, đàn chó phát hiện ra mẹ đầu tiên, sau mới đến anh và cuối cùng là tôi. Tôi hỏi anh là sao trời tối, đường khuất mà anh vẫn biết là mẹ sắp về. Anh bảo anh nghe tiếng ho của mẹ, bây giờ tôi mới để ý, mẹ gầy và già đi nhiều quá, mái tóc bạc lỗ đỗ, rụng bót ngọn, mẹ vấn nhỏ chỉ bằng trái chanh sau gáy trông cứ tồi tội. Cũng mái tóc ấy, ngày tôi và anh còn nhỏ, thường chơi trồn tìm trong đó mỗi khi mẹ ngồi hong tóc bên thêm, vậy mà nay, ngực mẹ xép lẹp xuống oằn gánh rau dưa, gió đông về, rềnh rỉ trong tiếng thở rít là tiếng ho khan như đuối hơi. Chúng tôi thì lớn lên, lưng mẹ ngày một còng xuống. Lao lực lại không có thuốc men, mẹ sống chung với tiếng ho gió. Càng ngày cha lại càng ít về hơn, cho đến một chiều đông, mẹ con tôi nhận được một bức điện tín vỏn vẹn có mấy dòng của cha đánh về với nội dung: “Bán hết chó!”. Nhận được bức điện của cha, mẹ con tôi như người ngơ ngẩn. Buồn nhưng không thể không làm theo, dù cha ít về nhưng lời cha là ý Chúa. Chiều anh em tôi đi học về, không còn những người bạn quấn quýu bước chân, không còn những tiếng ư ừ chào mừng. Chúng tôi gặp mẹ ngồi ngơ ngẩn nơi hiên nhà đang đếm đi đếm lại những tờ tiền nhàu nhĩ. Anh em tôi không dám nhìn vào mắt mẹ mà lẵng lặng đi vào nhà cất cặp sách rồi mỗi đứa mỗi góc ngồi thu lu dáng ngồi tự vệ. Mẹ đến bên từng đứa động viên, mẹ nói: “Nếu chết già thì chó vẫn hoàn chó, thôi thì mình bán đi để người ta làm thịt, người ta hóa kiếp cho chúng, mẹ nghe nói chỉ có làm thịt thì chó mới được hóa kiếp, kiếp sau biết đâu chúng nó được làm người cho đỡ khổ. Nhà mình nghèo, nên chó cũng khổ, nhà mình nghèo nên cũng không có gì để trộm họ lấy, mẹ cũng không còn phải…giữ nữa đâu”. Nghe mẹ nói, tôi chợt nhớ là đã gần năm nay, tôi không còn nghe tiếng kèn lá tỉ tê ngoài ngõ nhà mình vào những đêm trăng và những lần về của cha cũng thưa hơn, hình như đã gần hai năm nay chúng tôi không được đón cha về từ chân dốc lên nhà. Tôi ngây thơ hỏi mẹ: “Nhưng bị làm thịt thì chắc là đau lắm mẹ nhỉ”. Mẹ lại dỗ dành tôi trong tiếng ho: “Chuyển kiếp mà con, có đau đớn thì mới được chuyển kiếp con ạ”. Nghe mẹ tôi nói thế, anh cả vùng vằng hỏi lại: “Chắc gì chuyển sang kiếp người đã được sướng hơn”. Nghe anh nói, mẹ không nói gì, tối đó cả nhà tôi bỏ cơm, mẹ tất tả nhắc nồi sắn tối qua mấu cho chó đi đổ thật xa, đánh sạch, treo lên.

Hôm sau thì cha về. Lần này cha không về một mình mà còn có thêm hai người nữa về cùng. Tôi thấy lạ, hai người về với cha nhưng chỉ có một chung tên là Thủ trưởng. Khi mới vào đến nhà, cha tôi đã nói: “Các con chào hai thủ trưởng đi”. Anh em chúng tôi cùng khoanh tay và đồng thanh: “Chúng cháu chào hai thủ trưởng ạ”. Một trong hai thủ trưởng đưa bàn tay mũm mĩm xoa đầu chúng tôi nói: “Giỏi, ở trên rừng trên núi mà lễ phép thế này là giỏi, hậu phương phải lễ phép, dễ bảo thì tiền tuyến mới an tâm mà công tác chứ nhỉ”. Nghe thủ trưởng khen đàn con, cha tôi vội nói: “Chúng nó được như ngày hôm nay là nhờ các thủ trưởng quan tâm đấy ạ, gia đình chúng em biết ơn hai thủ trưởng lắm ạ”. Nghe cha nói vậy chúng tôi biết vậy, cũng chả biết là nhờ gì và quan tâm gì, chỉ biết nếu mẹ chưa đi làm về thì chúng tôi không có gì để cho vào bụng. Chúng tôi sợ cha, thấy cha khép nép, sợ sệt hai thủ trưởng nên suy ra cả nhà tôi đều sợ hai thủ trưởng nên cứ len lét xa xa, nửa muốn ở nhà vì lâu mới có khách quý, nửa muốn tót đi đâu đó cho đỡ sợ, cuối cùng chúng tôi nhận được một cái nháy mắt của cha, anh em tôi liền tha thẩn lên đồi chơi, lúc sau nghe bước chân mẹ cùng tiếng ho khan tắt đồi sang làng bên, tôi biết mẹ lại phải đi như những lần cha về trước. Quả đúng như chúng tôi dự đoán, một lúc sau, tiếng ho lại đưa mẹ trở về nhà, cùng với tiếng kêu oang oác của cặp gà mái mơ. Một lúc sau, nhìn về mái nhà tranh, chúng tôi thấy một làn khói mỏng bay lên trên nền trời tai tái và rồi lan trong gió là mùi thịt gà, mùi cơm nếp thơm trong chiều tím tái. Anh em tôi ngồi co ro tránh gió sau ngôi mộ mới. Chiều dần buông nhưng chúng tôi không dám về nhà khi chưa có tiếng gọi của mẹ. Anh em đều dõi măt qua mái nhà tranh nhìn về ánh đèn thị trấn. Anh cả tôi nói: “Lớn lên anh phải đi một vòng trái đất cho biết đó biết đây”. Tôi nói: “Anh đi cho em theo với”. Anh bảo: “Còn tùy với lại để anh đi trước xem sao đã rồi sẽ đưa mày theo…”. Nghe anh nói vậy tôi không xin nữa nhưng vẫn ước mơ, có một ngày nào đó sẽ được ra thành phố, được đến thăm cơ quan nơi cha làm việc, được ngồi lên trên xe ô tô đi những nơi mà tôi đã được đọc trong sách. Nhưng dù đi đâu thì tôi vẫn muốn có mẹ tôi đi cùng. Nhớ đến mẹ tôi hỏi anh: “Thế anh có đưa mẹ đi cùng không?”. Anh nói : “Còn tùy”. “Phải có mẹ đi em mới đi cơ, thiếu mẹ thì chán lắm”. “Biết rồi, nhưng còn tùy…”.

Chúng tôi cứ ngồi bên ngôi mộ mới, nhìn về quầng sáng phố thị mà mơ đến ngày mai, nghĩ ra nhiều món sẽ được ăn ở thành phố cho quên cơn đói. Khuya, vẫn chưa nghe tiếng mẹ gọi về. Đói, anh em tôi ngủ thiếp đi bên ngôi mộ mới. Trong mơ tôi thấy trên đầu mình là một bát hương đang nghi ngút khói và trên mâm sơn son là một con gà luộc vàng ươm, mỏ nó ngậm một cánh hoa hồng, trông con gà thật sinh động và hai mắt chớp chớp như muốn nói: “Cậu nhỏ, đói lắm à, hãy chén tôi đi, tôi cũng muốn sớm được hóa khỏi kiếp gà”. Tôi khoái thú gạt bát hương đổ kềnh rồi vơ vội lấy con gà luộc chén ngon lành. Lần đầu tiên tôi được chén thịt gà thỏa thích đến thế, một mình chén cả một con gà, cả hai cái đùi to mà không phải chia cho anh trai phần hơn. Cứ thế tôi ăn, ăn đến no trương bụng và rồi đau. Cơn đau quặn lên như có ai lấy tay cầm mà xé ruột. Tôi ôm bụng lặn lộn trên đất vật vã tã tượi áo quần. Đúng là cái sướng và cái khổ chỉ cách nhau tích tắc như một cái phẩy tay. Tôi mới thấy khoan khoái chén thịt gà đó, khi sự khoái thú còn ở đầu chót lưỡi thì dưới bụng đã quặn lên một cơn đau trời hành. Và rồi tôi nghe tiếng mẹ kêu, tiếng kêu hốt hoảng càng lúc càng gần. Đúng là tiếng mẹ rồi, tôi từ từ mở mắt, bụng trướng lên như quả bóng và vẫn đau như có ai cào. Mẹ vội vã xốc tôi lên, vội vã dìu vào nhà. Mẹ đặt tôi nằm lăn lộn trên nền nhà cùng với những cái xương gà chưa kịp dọn. Mẹ với lấy cái đèn pin soi khắp nhà tìm ổ tò vò rồi nướng trên bếp cho đến khi chuyển sang màu đỏ gạch, mẹ gắp tổ tò vò ra, thả vào bát nước sôi để nguội nghe một tiếng xèo. Đợi nước nguội, mẹ gợn lóng lấy nước trong đưa cho tôi uống, một lúc sau thì bụng xẹp xuống, cơn đau lui dần. Mẹ bảo do tôi ngủ gần ngội mộ mới nên bị phạm hơi đất, gây chướng bụng. Hết đau, tôi sực nhớ thịt gà, xôi, cha và hai ông trùng tên thủ trưởng. Thịt gà và xôi đã hết, cha và hai thủ trưởng đã đi. Đó cũng là lần cuối cùng cha về với mẹ con tôi. Tôi tin như lời thủ trưởng nói, cha thấy chúng tôi ngoan nên an tâm công tác không về nữa. Tôi thương mẹ và nhiều khi ước mơ rằng giá chúng tôi hư hỏng đi một tí thì chắc cha sẽ về với mẹ, với chúng tôi. Nhưng muốn hư cũng không thể hư được, vì hình như là cả hai anh em tôi không nỡ hư khi thấy mẹ ngày càng còm cõi vì lo cho anh em tôi. Đúng là muốn làm người hư hỏng cũng đâu có dễ! Sau này mẹ nói, sở dĩ cha điện về bảo bán chó là vì hai thủ trưởng người thành phố không quen nuôi chó, để vậy khi về thấy chó họ sợ và nếu lỡ có con chó nào “mất nết” mà cắn phải họ thì trở thành đại họa, vậy nên bảo nhà bán đi.

***

Khi cha và hai thủ trường đã đi rồi thì con chó choai đốm lưỡi tìm đường về nhà. Mới có ba ngày mà trông nó tiều tụy đi trông thấy, mõm vẫn bị trói chặt, một chân bị gãy, nó khập khiễng lết tìm về nhà tôi. Ba mẹ con tôi nhìn thấy con đốm mà không cầm được nước mắt. Chó về hôm nay thì ngày mai người ta tìm đến nhà tôi để bắt lại chó. Mẹ năn nỉ và phải trả lại số tiền gấp đôi mới giữ được con đốm lại với chúng tôi. Từ đó anh em tôi lại có bạn chơi. Thường chiều vẫn ra đầu dốc đứng ngóng mẹ về, hết trò chơi, anh em tôi nghĩ đến chuyện lừa chó bằng tiếng reo vui: “A mẹ đã về”. Nghe tiếng reo của anh em tôi, con chó đốm vội vàng chạy xuống chân dốc, đuôi ngáy tít mừng rỡ, nhưng nó đợi một lúc không thấy mẹ đâu đành tiu nghỉu bỏ về. Khi nó mới lên đến đầu dốc, anh em tôi lại reo: “A mẹ về”. Chó lại vội vàng quay lại sùng sục chạy xuống dốc đón mẹ. Và vẫn như lần trước, nó lầm lũi trở về. Lần thứ ba chúng tôi reo, con đốm không bị mắc lừa nữa, nó chỉ dõng đôi lai lên nghe ngóng rồi đứng im. Lúc sau chúng tôi đã quên đi trò chơi đó thì con đốm lại vùng chạy xuống dốc, đuôi ngoáy tít, một lúc sau thì đúng là mẹ về thật. Nó bây giờ chỉ tin vào sự phát hiện của chính mình!

Năm đó làng lại đói, thức ăn tươi của mẹ con tôi và chú chó đốm là những con chuột béo nhẫy thường xoi những cái lỗ to bên những ngôi mộ mới.

Phát triển vượt bậc ở đâu không biết, chứ làng tôi càng ngày càng đói, tốt nghiệp cấp hai, anh tôi tính bỏ học, mẹ nói với hai anh em tôi trong tiếng ho: “Từ lâu mẹ đã có một nguyên tắc, là cả hai con, phải học hết cấp ba… đó là ít nhất, không được đứa nào bỏ học nửa chừng nếu các con còn thương mẹ”. Nghe lời mẹ, anh thi lên học cấp ba. Trường xa, anh thường phải dậy sớm cuốc bộ đến trường, cho đến một sớm mùa đông, khi anh mới mở cửa ra để đến trường, bỗng con chó đốm nảy chồm lên dùng hai chân xô anh ngã trở lại vào nhà. Nghe tiếng ngã của anh, mẹ và tôi vội vàng vùng dậy. Mẹ hốt hoảng nói: “Chắc con đốm nó bị dại rồi, thôi con bỏ học một bữa, đừng ra khỏi nhà, lỡ nó cắn thì khổ”. Sáng tỏ mặt người, ba mẹ con tôi cần ba cái gậy phòng thân, mở cửa bước ra sân, cả ba mẹ con tôi một lần nữa không cầm được nước mắt khi thấy ở góc sân, con đốm đã nằm chết cứng tự bao giờ, mõm nó vẫn ngoạm ngang thân con rắn hồ mang bành, còn miệng con rắn thì vẫn cắm ngập vào trên lưng con chó đốm, cả hai con vật đã chết nhưng vấn quấn lấy nhau. Con đốm đã cứu mạng anh tôi. Mẹ con tôi chôn nó tử tế sau đồi, trên mộ nó cũng có bát cơm, quả trứng và một ít hoa dại tôi hái ven sườn đồi.

***

Anh tôi kiếm được việc ở thành phố, tôi ở nhà với mẹ và chưa một lần ra thành phố thăm anh. Anh cũng ít về như cha trước đây, mẹ không trách nhưng tôi biết mẹ buồn, thành phố xa xôi đã lấy mất của mẹ hai người thương yêu nhất. Tết rồi anh đưa cả vợ con về quê ăn tết, choạng qua nhà một lúc, rồi anh đưa vợ và con lên khách sạn trên thị trấn ngủ, anh bảo vợ anh nhìn mồ mả ngay sau nhà, cô ấy sợ, vả lại nhà mình đến bây giờ cũng không có lấy nổi một cái giường tươm tất để mà nằm, muỗi quê thích thịt người thành phố. Tôi nói: “Muỗi thì không lo, em sẽ lấy cỏ un, với lại em ngủ không mắc mùng, muỗi sẽ dồn hết về em”. Anh nói: “Da mày hôi, dày như da trâu, muỗi nào mà đốt được”. Có anh về, mẹ lo cho cả nhà một cái tết tươm tất hơn, đêm giao thừa, bên mâm cỗ tết anh nói với tôi: “Mày rồi cũng phải kiếm cái việc gì mà làm chứ, cứ lông bông mãi, tiền cho bao nhiêu cũng hết, tiêu gì mà tiêu lắm thế”. Nghe anh nói, tôi không cãi lại, mẹ quay đi nhưng tôi biết mẹ buồn. Anh nói tôi lông bông cũng đúng, ở quê, làm đủ nghề mà vẫn túng thiếu, tôi cũng muốn chọn lấy một cái nghề cho chín nhưng khó đủ bề, vốn đâu. Thỉnh thoảng anh gửi về một vài triệu nói là to, nhưng hình như anh không biết giá thuốc tây bây giờ. Càng già, bệnh ho của mẹ càng nặng. Xóm cũ nhiều người quen, tháng nào cũng có đám. Chưa hết tết anh đi, tôi tiễn anh đến cuối con dốc, đặt tay lên vai tôi anh nói: “Chú ở nhà cố gắng chăm sóc mẹ, chú có công, anh có của, anh sẽ gửi tiền về, nhưng nhớ tiêu pha tằn tiện thôi nhé, kiếm việc mà làm, em phải biết thương mẹ chứ”. Tôi vâng dạ cho anh yên lòng vì tôi cũng đã xác định rằng, cứ coi như mẹ chỉ đẻ có một mình tôi, mẹ già trách nhiệm nuôi mẹ là của tôi, anh phụ giúp được chừng nào thì tốt chừng đó, tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, biết bao nhiêu cho đủ. Còn nếu anh không có thì cũng thôi, tôi và mẹ nào đâu dám đòi hỏi, cũng như ngày chúng tôi con nhỏ, mẹ nào có than vãn gì đâu.

Càng có tuổi, sức khỏe của mẹ càng sút, tiếng thở ngày trở trời như kéo bễ. Đầu đông, mẹ luôn tức ngực khó thở, tôi đưa mẹ xuống bệnh viện huyện khám, họ chuyển ngay mẹ ra tuyến Trung ương. Tôi điện thoại trước cho anh, anh bảo cứ đưa mẹ ra ngoài này, có anh lo. Tôi và mẹ vội vã bắt xe ra với anh. Ý thức được bệnh mình, mẹ đã đeo khẩu trang dày thế mà tiếng ho vẫn như tiếng đập mẹt. Hai mẹ con tôi dắt nhau đi dọc theo con đường thành phố, thấy bên kia là cơ quan anh, nhưng tìm mãi không thấy đường kẻ sọc để sang. Tôi tính băng ngang cho nhanh, mẹ bảo phải tìm đúng chỗ sang đường mới được sang con ạ, không nên đi ngang về tắt. Nghe lời mẹ, chúng tôi đi vòng cả cây số mới có đường sang. Gió lạnh, đường xa, cái rét như dồn vào mỗi mình mẹ, mẹ ho nhiều hơn. Lên thang gác cơ quan anh, sợ làm phiền những người khác, tôi nói với mẹ cố ghìm tiếng ho, nhưng không thể được, mẹ vẫn khúc khoắc ho. Đến trước cửa phòng anh, mẹ vẫn ho như tiếng quốc kêu đêm hè. Đắn đo đến mấy phút tôi mới dám đưa tay lên gõ cửa phòng anh, gõ đến gần chục tiếng mới nghe tiếng anh trịnh trọng vọng ra: “Ai đó? Xin mời vào!”. Mẹ và tôi nem nép vào phòng, anh hớn hở nói: “Ôi mẹ đã ra, thế mà con cứ tưởng là ai”. Nghe anh hỏi, mẹ không nói gì nhưng tôi thấy mắt mẹ buồn, còn tôi thì băn khoăn: chẳng lẽ anh đã mất đi khả năng nghe được những tiếng động từ rất xa!? Ngày trước mẹ ho nhỏ hơn, đồng vắng thế mà anh còn phát hiện ra, giờ đây mẹ đứng ngay tước cửa phòng….

Mẹ con tôi ngồi chưa nóng chỗ thì anh nói: “Bây giờ chú đưa mẹ ra bệnh viện khám trước, tí anh ra, sếp anh sắp đến”. Tôi tò mò hỏi lại: “Sao anh biết là sếp anh sắp đến?”. Chú quên là anh có biệt tài nghe tiếng động và phân biệt được tiếng động từ rất xa à? Tiếng xe ô tô của sếp anh sắp đến cơ quan”.

Tôi và mẹ vội vã chào anh rồi đi ra bệnh viện. Xuống đến cổng, y như rằng thấy một chiếc xe bóng lộn trườn vào cổng, trên xe là một ông đầu hói mắt híp. Hóa ra anh vẫn chưa mất đi khả năng nghe và phân biệt tiếng động từ xa, nó chỉ chuyển từ mẹ qua sếp anh mà thôi. Cũng không trách anh được, mẹ thì ở xa mà sếp lại quá gần.

***

Mẹ nằm viện, anh chị cuối giờ làm việc có choạng vào tí rồi lại đi, lần nào trước khi ra về anh cũng nói: “Chú cố gắng chăm mẹ, anh còn phải đi làm, chú có công, anh có của, tốn mấy cũng được, miễn sao anh em ta còn có mẹ”. Tôi nói: “Anh cứ yên tâm công tác, em lo được, trước khi đi em đã bán đi đôi bò cày”. Anh nói: “Chú bán bò rồi lấy gì mà cày”. Tôi nói: “Dạ không sao, miễn sao anh em ta còn mẹ”. Anh nói: “Chú nghĩ được như vậy là đã trưởng thành, anh yên tâm về chú, yên tâm công tác”. Cuối tuần đó, cơ quan vợ anh có chuyến đi du lịch, mời cả gia đình, anh chị và các cháu bay vào phương Nam nắng ấm. Anh đi hôm trước, hôm sau mẹ thấy trong người mệt hơn, mẹ hỏi tôi: “Anh con đâu, mấy ngày nay không thấy anh vào với mẹ?”. Tôi nói: “Anh đưa vợ con đi du lịch cùng cơ quan, chắc sắp về mẹ ạ. Mẹ yên tâm còn có con đây mà, anh ấy đi du lịch cũng là đi làm việc mẹ ạ”. Nghe tôi nói thế, mẹ lặng đi một lúc rồi nói: “Anh con bây giờ có cái xỏ vào, đã vội bỏ quên cái chui ra”. Lần đầu tiên tôi nghe mẹ nói một câu hờn trách anh trước mặt tôi. Ngày xưa cha bạc bẽo là thế, nhưng trước mặt chúng tôi, bao giờ mẹ cũng nói tốt và bảo về cho cha, mẹ dặn chúng tôi không được oán trách người đã sinh thành ra mình. Giờ đây mẹ trách anh, mẹ trách anh đã có vợ, có con, đêm đêm anh vui vầy với vợ hằng đêm mà quên đi mẹ, quên đi người anh đã vạch dụng chui ra.

Mẹ nằm đó, hơi thở mỏng như lá tre mùa hạn, bác sỹ bảo sợ không qua khỏi, gia đình chuẩn bị. Tôi liền gọi điện cho anh, gọi mấy lần vào máy di động không thấy anh trả lời, đành phải gọi đến cơ quan gặp phòng thường trực, khi nghe tôi nói muốn được gặp anh. Ông thường trực già nói: “Anh ấy bận làm đám ma cho mẹ, không gặp được”. Tôi nói: “Mẹ vợ anh ấy chết à?”. Ông thường trực nói: “Không phải mẹ vợ mà là mẹ đẻ anh ấy”. Tôi nói: “Mẹ đẻ anh ấy chỉ sắp chết thôi, chứ chưa chết”. Ông Thường trực nói: “Chết rồi, chết thật rồi, thông báo đã dán ở cơ quan, đã đưa lên báo, sáng nay đưa bà ra đồng”. Tôi nói: “Chưa! Tôi khẳng định là chưa vì mẹ anh ấy là mẹ tôi, mẹ tôi đang sắp chết trong bệnh viện chứ chưa chết”. Nghe tôi nói thế, ông thường trực già nói: “Thế à! Nhưng mẹ anh ấy là mẹ của cháu là đúng rồi, còn mẹ của sếp cũng là mẹ của anh ấy và là mẹ của cả cơ quan này. Mẹ sếp mất, coi như mẹ của nhân viên toàn cơ quan này mất, ai cũng phải buồn đau và lo tang ma chu đáo”. Nghe ông thường trực già trả lời, tôi đã hiểu. Việc bất khả kháng, anh phải đi, việc của mẹ tôi còn lo được. Không thể chờ lâu hơn, mẹ muốn về quê và tôi cũng không muốn mẹ mất nơi đất khách quê người. Tôi sẽ đưa mẹ về quê để còn mãi có mẹ ở bên, dù chỉ là một nấm cỏ xanh. Tôi vội vã làm thủ tục, thuê xe đưa mẹ về quê, về với ngôi nhà tranh nằm chon von trên đỉnh đồi, nơi đó có mộ phần của con chó đốm. Trên đường mẹ con tôi về quê, cây buồn trút lá thật nhiều. Lạ thế nào có phải mùa Thu mà cây lại rùng mình đổ lá nhiều đến như vậy. Suốt từ đó đến khi nhắm mắt, không một lần mẹ nhắc đến tên cha, tên anh. Khi sắp mất, mẹ lần cạp quần đưa cho tôi một chỉ vàng nói: “Con sắm lấy cái giường, cái chiếu cho tươm, để nếu anh có đưa các cháu về còn có chỗ nằm”. Nói rồi mẹ đi. Tôi bỏ chỉ vàng mẹ đưa và một nắm gạo vào trong miệng của mẹ. Gạo để linh hồn mẹ ăn trên đường đi sang thế giới bên kia, khỏi phải thành ma đói. Còn vàng để mẹ dùng khi đi đò, qua cầu sang bên kia thế giới. Tôi biết khi sống mẹ không ăn ở bạc ác nên linh hồn mẹ sẽ không phải qua cầu Nại Hà. Mẹ sẽ được đi qua cầu Kim Ngân.

NGUYỄN THẾ HÙNG

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *