Truyện ngắn Nguyễn Thị Mai Phương: Bờ đê hoa gạo

VHSG- Chiều nay, anh đứng từ xa đã thấy một người phụ nữ buông tóc đứng dưới gốc cây, đưa tay hứng lấy bông gạo vừa rời cành. Một phụ nữ đẹp. Anh nhủ thế khi nhìn từ phía sau. Thằng bé chừng 5 tuổi chơi gần đó chạy lại kéo tay mẹ: “Mẹ ơi, ra xem này, cái cây này nó nhắm mắt mẹ ạ”. “Vậy à, đâu mẹ xem nào. Cây xấu hổ đấy con ạ”. “Sao lại xấu hổ hả mẹ? Vì không ngoan à?”. “Ừ, không ngoan nên người ta gọi là cây là xấu hổ, con phải ngoan nhé, nhớ chưa”. “Vâng”- Cậu bé trả lời rồi thích thú cầm cái que gạt túi bụi vào đám cây xấu hổ ven đê, “Vâng”. Người mẹ bế bổng thằng bé lên, hôn vào má nó, rồi không hề biết có người đang nhìn mình, cô nắm tay thằng bé chạy quanh gốc gạo. Tóc cô gái tung bồng trên cao. Anh Nghĩa như ngây dại mất một lúc, rồi mới ngồi xuống một mô đất trầm tư. Nhìn cảnh mẹ con người phụ nữ hạnh phúc, vui vẻ, anh lại nhói lòng về vết thương trong tim mình.

Ngày ấy, nhà Nghĩa nghèo lắm. Cả nhà 5 người ở trong căn nhà ba gian lợp rạ tuyên toàng, tài sản chỉ có quần áo và xoong nồi. Quý nhất là cái hòm cáng bằng gỗ chứa thóc. Nhưng sau vụ lúa chỉ chừng hơn tháng là cái hòm cáng ấy đã rỗng không. Bố mẹ đi làm đồng vất vả quanh năm không đủ nuôi ba anh em Nghĩa. Hàng ngày Nghĩa đi học về lại lội ao vớt bèo về băm nấu cám cho lợn rồi mò cua bắt ốc. Chợ xã hồi ấy chẳng bán được cua cá, nên Nghĩa mang về muối ăn dần. Có lúc muối cũng hết, nhưng chẳng nghĩ ra phơi nắng, Nghĩa ngâm ở chậu sành sình sĩnh thối cả ra, rồi đổ cho mấy con vịt. Học hết lớp 9, Nghĩa đi phụ vữa cho mấy anh thợ xây trong làng, nay đây mai đó. Lâu lâu Nghĩa mang tiền về cho mẹ nuôi em. Bỏ học nhưng Nghĩa tiếc, lúc đứng phụ vữa, mặt mũi đen sạm bê bết mồ hôi, người hôi hám Nghĩa lại khao khát đến trường. Nhìn đám học sinh đạp xe vù qua mà Nghĩa suýt bật khóc. May cho Nghĩa là ông cai xây đã tình nguyện cho Nghĩa đi học bổ túc cấp ba buổi tối ở trung tâm giáo dục gần công trình. Đóng góp không đáng kể, ông cai cho. Mãi sau này Nghĩa mới biết ông chủ ấy vốn từng là bạn thanh mai trúc mã với mẹ mình. Sau một năm, công trình mấy chục tầng nhà xong thì Nghĩa cũng được nhận tấm bằng cấp ba hệ bổ túc. Nghĩa vào bộ đội, đóng quân ở miền núi. Mẹ giục giã ra quân thì lấy vợ, chứ mẹ một già yếu, các em lớn hết nhiều cái phải lo. Cảnh nhà chẳng khá hơn là bao, duy mái rạ được thay bằng tấm lợp proximang.

Nhà văn Nguyễn Thị Mai Phương

Nghĩa vào bộ đội, đi nhiều nơi, trưởng thành hơn, về lại quê, nhìn cảnh nhà càng mong mình phải làm gì cho bố mẹ đỡ khổ. Nhưng Nghĩa không thể trái lời mẹ. Xuất ngũ, Nghĩa được mai mối cưới một cô gái trong làng. Biết nhau từ bé, nhìn Tú cũng xinh xắn nên Nghĩa ưng ngay. Tình cảm cũng nhen nhóm dần lên khi nhiều lần Nghĩa đưa Tú đi chơi, có hôm ngồi cả buổi chiều nói chuyện với nhau bên gốc gạo. Hỏi có chê nhà Nghĩa nghèo không, Tú chỉ cười lắc đầu rồi chạy vòng quanh gốc gạo. Nghĩa đuổi vã mồ hôi mới túm được cô. Hai người hôn nhau bên thảm cỏ tràn ngập những bông gạo chói ngời, rực đỏ, rồi nằm bên nhau nhìn mây trôi, mơ về mái nhà hạnh phúc. Sau đấy là đám cưới. Những khốn khó bủa vây, Nghĩa nhận thầu cái đầm lớn của làng hì hục đào đất, be bờ, có hôm khuya mới về nhà. Vợ Nghĩa quanh quẩn ruộng vườn, nuôi lợn gà phụ mẹ chồng. Bố Nghĩa bỗng nhiên sau trận đau đầu mắt bị lòa không nhìn rõ, dò dẫm dắt bò ven bãi cỏ rìa làng. Gánh nặng kinh tế đổ lên đầu Nghĩa, tiền làm ao phải vay ngân hàng, của nả trong nhà không có gì, lại thêm vợ trẻ cằn nhằn hối tiếc lấy phải chồng nghèo, Nghĩa đâm buồn. Đêm đêm, nhìn lũ đom đóm dạt vào rặng tre Nghĩa cứ nghĩ, nếu mình không tìm cách vươn lên thì đời mình cũng bị đời xô ngã, dạt vào xó tối nào đó. Nghĩa lên đường tìm gặp những người bạn lính vài hôm rồi trở về. Vợ sinh con gái, dỗi chồng bế con về nhà mẹ đẻ. Nghĩa dồn món tiền bạn bè giúp đỡ mua cá giống, hom cây về gây dựng khu vườn ao, đêm muộn mới lại về nhà vợ thăm con. Nghĩa không nghĩ vào ngày con tròn 2 tuổi, vườn cây của Nghĩa đã xanh, cá bắt đầu được thu thì đời giáng cho Nghĩa một đòn chí chết. Vợ Nghĩa bỏ nhà đi theo gã đàn ông bán hàng ngoài chợ xã. Gã đó người đâu không rõ, mỗi phiên chợ lại chở một ô tô mang đủ thứ đồ dùng như chăn màn, thau chậu, nồi xoong… bán ở chợ. Chẳng rõ tỉ tê mua hàng tán tỉnh rồi phải lòng nhau khi nào, vợ Nghĩa bỏ lại đứa con cho ông già lòa mắt trông rồi phới theo gã bán hàng. Nghĩa ôm con mà uất nghẹn. Nhà vợ cũng từ chối không chăm nuôi cháu. Mẹ Nghĩa suy sụp rồi mất. Nghĩa gầy sọp, cõng đứa con gái trên lưng đi quanh ao. Nước mắt bố cùng nước mắt con chảy dài. Nhưng ít người kiên cường như Nghĩa, anh đã lấy lại nhịp sống đời thường sau đấy ít lâu. Bà cô góa chồng trong họ ra ở trông con cho Nghĩa, anh trả công cho cô chút ít. Nghe người làng kể, vợ anh có lần về chợ, gặp con mình đi cùng ông nội, đứa bé nhận ra mẹ khóc đòi theo nhưng mẹ nó lờ đi, không bế ẵm, không mua quà, dứt áo đi mất dạng, anh chỉ im lặng. Mỗi mùa hoa gạo, anh thẫn thờ ngắm hoa rơi mà nhớ những vui buồn đời mình. Giờ anh đã là người có của ăn của để trong làng. Nhìn anh độc thân với cơ ngơi như vậy, nhiều cô gái thèm muốn. Nhưng dường như lòng anh đã khép.

– Em chào anh – Phải anh là anh Nghĩa không? – cô gái dắt cậu bé đứng trước mặt anh từ khi nào. Anh sực tỉnh, dứt khỏi dòng hồi tưởng.

– Vâng, chào chị, chị là…? – Nghĩa lúng túng khi nhìn thấy vẻ đẹp đến sửng sốt của cô gái.

– Em là cô giáo Châu, dạy ở trường tiểu học, em vừa mua nhà ở xóm anh được tuần nay, trước em ở trong trường. Đừng gọi em là chị, em ít tuổi hơn anh mà.

– Vậy à, mua nhà ai nhỉ? Sao biết tôi lớn tuổi hơn?

– Thì mọi người trong xã đều biết anh mà, em mua nhà cụ Tỉnh. Em muốn nhờ anh cho học sinh lớp em đến vườn ao của anh để trải nghiệm thực tế một buổi, được không ạ?

– Được, cô giáo đã nhờ thì tôi sẵn lòng.

Thì ra đây là cô giáo Châu. Lần trước đi họp phụ huynh cho con gái học lớp 1, anh nghe mọi người nói cô mới về trường. Cô Châu trẻ, đẹp, nghe đâu làm mẹ đơn thân, có con từ hồi sinh viên thì phải. Biết bao điều tiếng, đủ chuyện đơm đặt xung quanh cô giáo, nghĩ mà tội. Nghĩa vừa trò chuyện vừa ngắm thằng bé, hình như nó giống bố, không có nét gì của mẹ.

Sau buổi học sinh đi thực tế trang trại của Nghĩa, cô Châu  và anh trở thành bạn. Nghĩa dẫn con gái đến nhà cô Châu chơi. Nhà không có đàn ông nên nhiều thứ không được sắp xếp hợp lý. Nghĩa giao con cho Châu, hì hụi đóng lại giá sách, kệ để đồ và sửa cánh cửa bếp cho cô giáo. Chuyện trò qua lại, Nghĩa thầm quý mến cô Châu. Nhưng anh chưa khi nào hỏi về đời sống riêng của cô.

Bẵng đi nửa tháng, Nghĩa bận thu hoạch cá, anh cũng thấy cồn cào nhớ Châu, có lẽ nào trái tim anh lại bắt đầu yêu? Anh đã nhủ lòng không nghĩ đến điều đó. “Anh ơi đến giúp em, thằng cún sốt quá”, Châu nhắn tin như vậy lúc chiều tối. Nghĩa thay vội quần áo bùn đất rồi phi xe đến. Châu ngồi bên giường chườm khăn cho con.

– Cho cháu đi viện em ạ, ở nhà lo lắm.

– Vâng, anh giúp em với, chẳng biết gọi ai tầm này, các cô ở trường đi tham quan chưa về.

– Em có gọi cho bố cháu không? – Nghĩa buột hỏi.

Châu im lặng không trả lời. Cô nắm lấy bàn tay Nghĩa áp lên má mình, khẽ mỉm cười. Đêm ấy, Nghĩa ở lại bệnh viện trông cậu bé ốm cho Châu ngủ. Hôm ra viện, Nghĩa đón mẹ con Châu về đến gốc gạo thì đỗ lại. Châu nhặt những bông gạo cuối mùa đặt vào tay Nghĩa rồi nói: “Cũng mùa hoa gạo năm đó, trời cho em bông gạo này đây” – cô chỉ tay vào cậu con trai. Nghĩa ngơ ngác. Châu kéo anh ngồi xuống, rồi khẽ khàng nói: “Đây là bí mật của em. Em đã nuôi nó bằng nước mắt, may mà bố mẹ em cũng hiểu ra, không bắt em cho nó đi. Từ lâu nó là con em, em cũng nghĩ mình đẻ ra nó cơ”…

Chiều ấy, cô sinh viên sư phạm năm thứ ba về quê thăm mẹ. Đến nghĩa địa bên cánh đồng đầu làng, Châu nhìn thấy khóm hoa dại nở vàng rực rất đẹp. Tò mò, Châu đi bộ men theo con mương nhỏ đến bụi hoa ngắm nghía. Định bụng chỉ nhìn qua rồi về ngay. Nhưng bỗng Châu nghe thấy, không rõ tiếng khóc của trẻ con hay tiếng mèo kêu. Nhìn quanh, có đống quần áo cũ gần đó động đậy. Châu nhào sang, bới ra. Châu kêu rú lên, sợ hãi: “Có ai không? Cứu với”… Nhưng không có bóng người. Châu đưa tay bới đống quần áo cũ, một thằng bé con chắc chỉ vài ngày tuổi giãy giụa vì bị cái khố thít chặt cứng, mặt nó đã tím tái, trên mép nó lũ kiến bu đen. Tim Châu nghẹt lại, sợ hãi, run rẩy, xót thương. Châu không biết sẽ làm thế nào, bế ra trạm xá ư, vài cây số nữa, bế về ư? Ai nuôi? Chắc gì đứa bé sống. Châu vừa khóc, vừa hớt hải cởi đám giẻ chằng buộc quanh thằng bé, đưa tay vuốt đám kiến. Bỗng Châu khựng lại, nức nở hơn khi bàn tay bé xíu của thằng bé túm lấy ngón tay cái của Châu. Châu nhìn thấy mắt nó mở ra như cầu cứu. Áp tay lên ngực thằng bé, thấy nó còn hơi ấm, Châu bọc nó trong cái áo, ôm vào lòng, chạy một mạch như ma đuổi về nhà. Châu chỉ nghĩ cứu nó sống đã, tính sau, mẹ Châu đã từng bảo “cứu một mạng người phúc đẳng hà sa” còn gì. Đến cổng, Châu khóc gào lên: “Bố mẹ ơi, cứu con”. Cả nhà ào ra, ngơ ngác, xúm xít. Trước mặt mọi người là cô sinh viên tóc tai bù xù, người bê bết đất, dép guốc đâu không có, tay ôm một đứa bé bọc trong đám quần áo nhàu nhĩ. Mọi người ngẩn ra một lúc. “Gì thế này? Mày làm gì thế con? – bố Châu thốt lên kinh ngạc. Châu òa khóc, đặt thằng bé xuống giường rồi ôm lấy mẹ kể lại. Mẹ Châu đi lau rửa, pha sữa cho thằng bé ăn, quấn cho nó một cái khăn mới. Từ tối đến nửa đêm, dân làng kéo đến chật nhà. Cũng có người xin về nuôi, nhưng mẹ Châu bảo để đến mai ban ngày rồi tính. Đại diện chính quyền, đoàn thể cũng có mặt ở đó, báo sự việc lên công an xã. Cả đêm, Châu không ngủ, cứ chạy ra chạy vào theo lời mẹ chăm thằng bé. Nhìn má nó đã hồng lên, cái miệng chóp chép, có lúc đã khẽ cười. Mẹ Châu ngồi đăm chiêu: “Sao có người ác thế, không nuôi được thì cho nhà khác nuôi,  nỡ vứt nó đi như thế”. Bà nội Châu thì bảo: “số nó được làm người, có duyên với con Châu, đang không thì đi về nhà chứ ra nghĩa địa làm gì”. Mà Châu cũng thấy lạ, vốn sợ ma, sao tự dưng về đến đó lại thích búi hoa mầu vàng đấy quá, không thể không vào xem. Hôm sau thì có đủ mọi thành phần thôn xã đến nhà Châu. Nếu ai nhận nuôi, xã sẽ làm thủ tục pháp lý. Vừa lúc chị Nụ góa chồng không con cuối làng xin về nuôi thì Châu bỗng đứng vụt lên nói: “Không, để con nuôi thằng bé này”. Cả nhà ngạc nhiên, mẹ Châu cũng không nghĩ đến tình huống ấy. Châu đột nhiên cảm thấy, mình có trách nhiệm che chở cho nó, không thể để ai đón đi mất. Cả đêm chăm sóc nó, Châu cảm nhận được phần nào đó tình mẹ con. Những thương cảm cứ nhội lên buốt nhói sau ngực áo Châu. Bà và bố mẹ cũng đành đồng ý, cùng nhau xúm lại nuôi thằng nhóc. Nhưng cũng sau hôm ấy, ngàn vạn tin đồn điều tiếng kiểu như “con Châu tưởng ngoan mà chửa hoang”, “thằng bé đấy con của con bé Châu chứ ai, cứ tưởng thế nào…”… xuất hiện khắp làng ngoài xã. Châu ban đầu cũng sốc, cũng buồn, nhưng rồi kệ, bỏ qua hết thảy. Thầy cô và các bạn ở trường rồi cũng biết, ai có sữa hay quần áo lại gửi cho. Châu đi gia sư, rồi nhận giao hàng thêm ngoài giờ học lấy tiền mang về cho mẹ nuôi thằng bé. Bà và mẹ Châu suốt ngày quanh quẩn, chẳng làm được gì từ ngày có trẻ con. Đến lúc thằng Quý cất tiếng gọi “bà ơi” thì cả nhà vui phát khóc. Vậy là nó là đứa trẻ bình thường. Châu ra trường đi miền núi 2 năm rồi về xã bên dạy học. Những chuyện thêu dệt ngày xưa cũng đã tan đi như khói. Nhưng Châu chưa chịu lấy chồng. Bố mẹ giục giã thế nào Châu cũng chỉ cười. Đi đâu, Châu cũng tha lôi thằng bé đi, mẹ con quấn quýt không rời….

Lời kể của Châu như đến từ một nơi rất xa. Những sợi tóc của Châu chạm vào má Nghĩa. Anh kéo Châu ngả vào vai mình, hai mắt anh ướt đẫm. Có một niềm hạnh phúc vỡ òa trong lòng anh. Thằng bé chạy lại ngồi giữa hai người. Châu hôn lên bông hoa gạo rồi đưa tay chạm bông hoa vào môi anh. Nghe quanh gốc gạo, tiếng gió như reo lên. Nghĩa và Châu dường như thấy mình bay lên thảm hoa mầu đỏ chói. Tiếng con gái gọi “Bố ơi” dưới chân đê. Nghĩa và Châu bỏ quên hoa gạo, ôm bọn trẻ vào lòng.

Lâu lắm rồi Nghĩa mới nhìn thấy vạt hoa xuyến chi trải dài con đê về làng đẹp đến thế. Tiếng cười của bốn người tan ra trên bờ đê hoa gạo.

NGUYỄN THỊ MAI PHƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *