VHSG- Trên chuyến xe buýt, khi đang ngang qua sông Hồng, tôi nhận được tin nhắn của Dương.
Đã lâu rồi tôi và Dương không liên lạc. Nghe nói Dương đã tìm được một công việc tốt, đã kết hôn. Nói chung, cuộc đời Dương ổn. Tôi không lưu số điện thoại của Dương, nhưng dãy số ấy có lẽ chẳng bao giờ tôi quên hay nhầm được.
Tháng ba, hoa sưa rụng trắng hè phố. Hoa nở tít trên cao, và người ta chỉ nhận ra mùa hoa sưa về khi chúng đã rụng một sớm mai. Cuộc đời hoa sưa rất ngắn ngủi, hầu như người ta chưa kịp nhận ra nó nở, thì nó đã tàn. Năm hai mươi tuổi, đôi lần tôi cùng mấy đứa bạn học đại học rủ nhau đi ngắm hoa sưa, rồi không thành. Một hôm Dương mang cho tôi một cành hoa sưa trắng muốt. Tôi ngạc nhiên. Làm thế nào mà cậu có được nó vậy? Dương cười, bảo ngay sát cửa sổ phòng trọ của Dương có một cây sưa trổ hoa.
Rồi giữa chúng tôi chớm nở một mối tình.

Tôi chuyển đến sống cùng Dương trong căn phòng có những cành cây sưa chạm vào cửa sổ ấy. Chủ nhà là một đôi vợ chồng già. Tôi chưa bao giờ thấy họ cùng nhau xuất hiện một lúc trong ngôi nhà. Luôn có một người đi vắng. Người luôn đi vắng là bà chủ. Đôi lần tôi thấy ông chủ, đã già lắm rồi, trong bộ đồ ngủ bằng lụa, tay phải cầm một cây can, tay kia để trong túi áo, và thoáng qua tôi một nụ cười. Ngôi nhà được giao phó cho một quản gia trung tuổi, không hiền không dữ. Căn phòng Dương trọ trên tầng 4, có cầu thang riêng bên ngoài, do chính bà ta thu xếp cho thuê.
Nhưng dù ở trọ, tôi và Dương cũng không có được chìa khóa cổng để chủ động mỗi khi về muộn, hay đột xuất. Vậy là, có những đêm mùa hạ, chẳng biết bà quản gia cố ý hay vô tình mà chúng tôi không liên lạc được, tôi và Dương đã ngồi cả đêm dưới gốc sưa, tôi ngả đầu lên vai Dương và ngủ.
Cây sưa có thể đã nhiều tuổi rồi. Nó xum xuê xòa bóng, thân cây nhẵn, nhưng đoạn ngang đầu người lớn có một vết thương xù xì từ xa thẳm.
Lưỡi dao nào đã chém lên thân cây ấy? Có vẻ vết thương không giống một vết chém. Nó là những lưỡi dao, vào một ngày xa xôi nào đó, một đôi tình nhân nào đó đã khắc lên đó một lời thề. Một lời thề…
Trong một đêm bị bà quản gia bỏ rơi, tôi tựa đầu vào vai Dương ngủ. Giữa giấc mơ chập chờn, tôi có cảm giác như một đôi mắt đang nhìn mình chòng chọc. Và ông cụ chủ nhà, mái tóc bạc trắng, một tay cầm can, một tay thu trong túi áo ngủ bằng lụa in hình cây át cơ đỏ chói. Ông đã đứng nhìn hai đứa tôi ngủ như thế rất lâu rồi.
Ông hay ngồi trên lan can tầng hai để uống trà mỗi sáng. Ông bảo sáng nào ông cũng nhìn thấy tôi và Dương ríu rít cùng nhau đi học trên chiếc xe phượng hoàng. Rồi ông lại bảo chính bà đã yêu cầu người quản gia để Dương thuê, khi họ viết một mẩu thông báo nhỏ dán ở cổng. Và tuyệt vời hơn là sau đó chàng trai đã đưa về một cô gái (là tôi). Bà nói sự xuất hiện của một đôi trai gái trẻ trung sẽ đem lại sinh khí cho ngôi nhà.
Nhưng bà là ai, trông bà như thế nào? Chưa bao giờ chúng tôi gặp bà.
Phòng khách của ông bà chủ yếu bài trí đồ vật cổ xưa, đặc biệt có rất nhiều bình lọ. Những chiếc lọ tuyệt đẹp, đa dạng kiểu dáng, kích cỡ, màu sắc. Có chiếc thô nháp xấu xí như vừa được lôi lên từ quá khứ thẳm sâu, có chiếc lại long lanh và mỏng mảnh như vừa bước ra từ cổ tích. Có điều, những chiếc bình lọ ấy, chiếc nào cũng được đặt trên một giá đỡ trông như thể rất chông chênh. Tôi luôn có cảm giác phải nín thở khi bước vào căn phòng của ông bà, tưởng như chỉ một tiếng động nhẹ của gió cũng làm những giá đỡ chao nghiêng, và những chiếc lọ rơi xuống sàn, tan làm ngàn mảnh nhỏ. Tôi ngỡ ông là một nhà sưu tầm gốm sứ, nhưng không phải. Ông bảo bà mới là chủ nhân của bầy bình lọ ấy và chúng cũng chẳng phải đồ quý hiếm gì ghê gớm đâu.
Cũng trong căn phòng có nhiều bình lọ, tôi nhìn thấy bà.
Bà là một thiếu nữ đẹp, vẻ đẹp cổ điển của những tiểu thư Hà thành những năm 30 của thế kỉ chiến tranh và loạn lạc. Ông nói ông bà từng là diễn viên của một đoàn cải lương. Tuổi thanh xuân, họ đã cống hiến hết mình cho sân khấu, và những ngày tháng ấy mãi mãi lưu lại trong những bức ảnh đen trắng lồng trong khung kính treo trên tường.
“Có phải bà ấy đã chết rồi không Dương”?
Tôi không kìm lòng được, đã hỏi Dương như vậy. Tôi có cảm giác như ông đang sống trong một thế giới rất ảo, rất huyền bí, rất ma mị, hoặc là, chính ông cũng không có thật, ông chỉ là một bóng ma còn luyến lưu cõi trần thế. Nhưng ông ở đó, mỉm cười, và khi đẩy những chén trà pha buổi tối về phía tôi và Dương, tôi nhìn rõ bàn tay ông khẽ run rẩy. Tôi ngửi thấy mồn một mùi hương thanh khiết của loại chè hảo hạng…
Dương cười, bảo tôi chỉ nghĩ vớ vẩn. Có thể bà đang sống cùng gia đình người con nào đó. Có thể khi bà về thăm nhà thì chúng tôi đi vắng.
Từ khi bắt gặp hai đứa chúng tôi ngủ dưới gốc sưa, ông hay mời chúng tôi vào phòng nói chuyện với ông vào buổi tối, hoặc những sáng chủ nhật đẹp trời. Ba ông cháu vừa uống trà vừa ngắm cây sưa xôn xao lá. Ông bảo cây sưa này rất nhiều tuổi rồi. Có thể nó tương đương tuổi của ông. Ngay cả khi ngôi nhà đã được xây mới, thì nó vẫn còn đó, như một chứng nhân của quá khứ. Tuổi thanh xuân, ông cùng một thiếu nữ thề hẹn dưới gốc sưa ấy. Không phải là bà ư? Không. Không phải bà. Ai cũng muốn cả đời chỉ yêu một người, nhưng các bạn trẻ à, các bạn biết đấy. Tình yêu luôn có một nỗi đau…
Tôi quen dần với căn phòng, với những chiếc bình lọ chông chênh, những bức ảnh tuyệt đẹp từ quá khứ, và mùi hương thanh khiết của loại chè hảo hạng. Tôi luôn nhìn ông và nghĩ đến cây sưa bên cửa sổ với những vết sẹo sần sùi. Chẳng ai ngạc nhiên vì một dòng chữ, một trái tim hay bất cứ biểu tượng gì được khắc sâu vào một thân cây, nhưng tôi lại luôn nghĩ, luôn ngạc nhiên. Một hôm, tôi hỏi ông: Cháu thấy có vết sẹo lạ trên thân cây…
Ông trả lời tôi bằng một nụ cười bí hiểm. Khi ấy, đôi mắt ông chợt ánh lên một tia sáng, tia sáng không vụt tắt nhanh, mà lưu lại rất lâu cùng nụ cười. Cô gái trẻ – ông nói – Cháu biết câu chuyện đó mà.
Nhiều năm rồi, tôi muốn gặp lại ông, bà, và cả Dương nữa để kể lại câu chuyện mà tôi đã biết, ai cũng đã biết. Nhưng vì nhiều lẽ, tôi không một lần trở lại. Ấy là câu chuyện về một cái cây được trồng trên hè phố.
Một buổi sáng đẹp trời, con người mang đến dưới chân cây một chiếc ghế đá. Con người thích làm như vậy, họ thích đặt các ghế đá dưới các gốc cây, để khách bộ hành nghỉ chân tâm tình, hoặc hoài niệm xa xôi, hoặc ngủ, hoặc không làm gì cả.
Rồi cây được nghe nhiều câu chuyện, có thể có những câu chuyện khiến cây khóc, về tình yêu. Phải. Tình yêu. Con người có một thứ tình yêu, thứ mà khiến họ hạnh phúc và đau khổ.
Hằng ngày, có rất nhiều người đến ngồi trên ghế đá, những cụ già, những đứa trẻ, và những cặp tình nhân.
Cây vô cùng hạnh phúc. Cây thích nhất là khi những cặp tình nhân đến tâm tình. Họ nói rất nhiều chuyện đẹp đẽ về tương lai, về sự nhớ nhung, lòng chung thủy và thề hẹn. Cây luôn tự hỏi: Không biết khi yêu người ta cảm thấy như thế nào, tại sao lại hạnh phúc đến thế, nó không giống như sự hoài cổ của những người già, sự vô tư của những đứa trẻ.
Tình yêu là một sự hoài nghi.
Đôi trai gái ấy đến ghế đá dưới gốc cây vào buổi chiều. Họ thề hẹn sẽ yêu nhau suốt đời. Chàng trai lấy một con dao nhọn và khắc vào thân cây tên hai người và lời thề sẽ bên nhau mãi mãi.
Khi mũi dao đâm vào thân cây để rạch kí tự đầu tiên, cái cây cảm thấy vô cùng đau đớn. Nó tự hỏi: lẽ nào một lời thề lại khiến mình đớn đau thế này. Đau đớn có phải là cảm giác của tình yêu?
Ngày tháng trôi qua, vết thương lành dần, hai cái tên lồng vào nhau và lời thề còn đó. Cây phủ lên vết thương một lớp da dày, để bảo vệ lời thề.
Nhưng khi vết thương ở thân cây lành, nó không còn thấy đôi tình nhân trở lại. Nó buồn và luôn nghĩ về họ.
Một ngày kia, một trong hai người đã đến, chàng trai ngồi đưới gốc cây, trầm tư sầu khổ. Rồi chàng ra đi, không bao giờ trở lại.
Nhiều năm trôi qua, một hôm có người phụ nữ tìm đến gốc cây. Ghế đá đã thay bởi nhiều ghế đá khác. Người phụ nữ chạm những ngón tay khô gầy lên những vết thương trên thân cây, dấu vết của dòng chữ thề hẹn năm nào, và khóc.
Cây hiểu rằng họ đã không bao giờ ở bên nhau, như họ đã thề hẹn.
Nhiều năm sau, con đường mở rộng, người ta chặt cây đi. Không ai nhận ra dòng chữ hẹn thề được khắc trên thân cây năm nào. Cây đã xóa nó đi trong khi chữa vết thương trên cơ thể mình.
Khi lưỡi cưa chạm vào thân cây, cây đau đớn. Nó nhớ lại khoảnh khắc lưỡi dao chạm vào thân nó ngày nào. Nó nhớ lại cảm giác của tình yêu và sự đớn đau của một lời thề.
Vậy ra, đằng sau lời thề là cảm giác đớn đau và vết thương có lành những mãi để lại dấu vết…
Tôi gặp bà, cuối cùng tôi đã gặp bà. Ngôi nhà ấy của một đôi vợ chồng già, nhưng chưa bao giờ tôi gặp họ xuất hiện cùng lúc, luôn có một người đi vắng. Lần này, ông đi vắng.
Ngồi trên tràng kỉ là một người phụ nữ nhiều tuổi, mái tóc dẫu nhuộm đen lánh, son phấn đậm, thì dấu vết tuổi thanh xuân đã mất vẫn không sao che giấu được. Bà mặc một chiếc áo dài như thiếu nữ Hà Nội những năm 30. Bàn tay trái với những ngón tay dài và khô, móng nhuộm đỏ đang kẹp một điếu thuốc lá cháy dở, khói thuốc mơ màng lãng đãng bay trong tia nắng chiều lọt vào phòng khách qua cửa sổ. Còn bàn tay phải, vẫn những ngón khô dài và móng nhuộm đỏ ấy, đang nhẹ nhàng vuốt ve mái tóc và khuôn mặt thanh xuân của Dương. Dương đang nằm gối đầu lên đùi bà, mi mắt khép lại, tựa như đắm chìm rất sâu vào một giấc ngủ hạnh phúc.
…Tôi đổi xe buýt để đến một địa chỉ không định trước. Và dưới vòm cổng của ngôi nhà ngày xưa từng ở trọ, tôi tha thiết nhớ tuổi hai mươi say đắm dại khờ. Tôi không biết đôi vợ chồng nghệ sĩ ấy còn sống, hay họ đã chết từ lâu, từ trước khi tôi và Dương đến trọ. Tôi cũng không giải thích được tại sao tôi và Dương lại chia tay. Chúng tôi lặng lẽ buông tay nhau, không một lần ngoảnh lại.
Và cây sưa ngày ấy đã bị chặt đi rồi. Người ta không trồng cây nào khác để thay thế nó.
Tôi mở điện thoại, đọc lại tin nhắn của Dương. Có lẽ Dương muốn nói nhiều điều, hoặc không gì cả. Đó là một tin trống.
PHẠM THANH THÚY