Truyện ngắn Phan Hồng Cẩm: Nếu phải lựa chọn?

Đông gọi điện réo Hạ đi cà phê.

6h30 sáng, Quán Gió giờ này vẫn khá yên tĩnh vì khách ở đây không có thói quen đến sớm. Gió nằm ở ngay ngã tư trục đường phía sau của Thị Trấn – con đường của những cây bằng lăng nở tím ngát cả một khung trời. Chủ quán cà phê này là người lãng mạn và rất tỉ mẩn nên việc xuất hiện một không gian xinh xắn, yên tĩnh, vừa vặn là điều dễ hiểu. Với thiết kế chính bằng tre, khuôn viên được bao phủ bởi một loài tre nhỏ hơn bình thường (gọi là Hóp) thân thẳng, thon, lá xanh, trồng ngay ngắn và tỉa đều tăm tắp theo độ cao của quán. Những chiếc bàn được chủ nhân xếp sát hàng rào xanh để lại không gian rộng giữa quán làm tiểu cảnh với đá, cỏ và những ống phun nước nhỏ đủ để người nghe nhận ra đó là tiếng nước chảy. Trên mỗi bàn đều có một chiếc lọ hoa xinh xắn cũng làm từ tre, khắc chữ “Gió”, bên trong chủ yếu cắm hoa violet vì nàng thơ của chủ quán rất mê loài hoa này. Người ta thắc mắc tại sao không đặt tên quán là “Tre xanh” hay “Tre” mà lại là Gió thì được chủ quán trả lời rằng: Tôi muốn mọi người đến đây, trong không gian thuần túy thiên nhiên này được hít thở bầu không khí trong lành như tận hưởng ngọn gió trời nên đặt tên như vậy. Có lẽ vì vậy, khách đến Gió không chỉ để thưởng thức đồ uống mà còn để tìm đến cảm giác bình an, lắng đọng hiếm hoi giữa nhịp sống xô bồ.

Nhà văn Phan Hồng Cẩm

Bản nhạc không lời nhẹ nhàng, li cà phê đen thơm nức, nhỏ từng giọt chậm, chậm rồi bỗng nhiên ứ lại dường như muốn thử thách lòng kiên nhẫn của con người. Những cuộc hẹn trước, mỗi lần đu đưa kéo nhau vào đây, hai nàng chỉ uống sinh tố hoa quả và cắn hạt dưa suốt mấy tiếng đồng hồ để bảo vệ làn da và gìn giữ thanh xuân. Gió nức tiếng với sinh tố Kiwi – món mà cả hai nàng đều rất nghiền … Không hiểu sao, hôm nay cả hai nàng đều đồng thanh gọi cà phê đen, đặc và ít sữa.

Khuấy đi khuấy lại chiếc thìa nhỏ canh cách trong ly cà phê, giơ lên rồi dằn xuống… Một lát sau, cái dây túi xách lại bị xoắn vào xoắn ra liên tục, Hạ làm Đông cảm thấy lo lắng vì chuỗi hành động mang dấu hiệu bất thường ấy.

– Gì vậy nàng? Hôm nay uống nhầm thuốc à?

– Tao… tao… phá lệ rồi mày ạ!

– Là sao? Lệ gì? Xưa nay mày có lệ gì đâu mà phải phá?

– Tao đã …

– Đã gì??? Nói “toạc móng heo” ra đi! Cứ ờm ờ… như thể còn “trẻ trâu” lắm không bằng!

– Mày có nghĩ… là tao… cũng ngoại tình… không?

– Đùa đấy hả? Điên! Mày chơi trò chả nem thật ư? Tao không tin con người như mày lại có thể hành động điên rồ như vậy được. Mày điên thật rồi!

Phản ứng quyết liệt của Đông không làm Hạ ngạc nhiên. Bởi từ trước tới nay, Hạ sống như thế nào thì Đông là người hiểu rõ nhất. Từ việc quyết định góp vốn xây nhà sống chung với bố mẹ chồng, chuyện chồng có người thứ ba, thứ tư…, nghi án chồng có con riêng, chuyện bị chồng đánh khi nàng muốn phân định trắng đen rõ ràng chuyện vợ và chuyện bồ, chuyện vợ và chuyện mẹ… Chuyện hôn nhân nhà Hạ như mớ bòng bong rối rít, tìm cách nào cũng không gỡ ra được, càng cố gỡ thì hình như lại càng rối hơn. Mặc dù Hạ đã rất cố gắng giữ mình, rồi làm mới mình để giữ chồng… nhưng nàng vẫn không thể nào giải đáp được câu hỏi rằng những người phụ nữ ngoài kia có sức hấp dẫn đến cỡ nào mà khiến nàng làm thế nào cũng không thể kéo chồng trở về nguyên trạng… Nàng đã từng hi vọng: Tình yêu, sự thủy chung của một người vợ hết lòng sẽ khiến chồng biết dừng lại khi đã mỏi mệt ở quán bụi của nhân gian như bao gã đàn ông trăng hoa nhưng vẫn biết tìm lối quay về. Ừ! Thì anh ta vẫn về nhà, lương tháng vẫn đầy đủ, mỗi người có một chiếc xe hơi riêng – điều mà thiên hạ luôn trầm trồ và mơ ước. Thi thoảng cả gia đình cùng nhau đi du lịch đây đó, nàng sắm cho mỗi thành viên một chiếc áo đồng phục Family rồi post ảnh lên mạng… Thiên hạ thấy ảnh vợ chồng nàng đứng ôm eo, đắm đuối nhìn nhau thì rào rạt vào bấm “like”, rồi “còm men” rạo rực bằng những ngôn từ có hình thù khác nhau. Nàng vẫn lờ mờ hiểu rằng, sự thật ngoài kia người ta đang nghĩ gì về cuộc sống của mình. Hình như họ vẫn nhìn rõ nàng đang cố diễn tròn vai trong vở kịch “Hạnh phúc” ở sân khấu cuộc đời. Mặc kệ! nàng vẫn cố giữ nụ cười rạng rỡ và nếp sống tươm tất để che lấp những đắng cay, đau khổ tột độ; hay cũng có thể nàng đang cố gồng lên thật mạnh mẽ để chống lại những cái nhìn gai góc đang xỉa xói gia đình nàng. Và cũng có khi việc tạo ra vỏ bọc mạnh mẽ ấy cũng là một phương thức nàng tạo ra lớp rào cản che chắn những kẻ cơ hội ngấp nghé muốn phá hoại những thứ mà vợ chồng nàng đang có… Sự chịu đựng kiên cường đến mức nhiều lần đã khiến tự tử vì quá ngột thở, vì không biết tựa vào ai giữa bão giông cuộc đời…

Đã từ lâu, Hạ chỉ bấu víu vào chút niềm tin lớn nhất ở nụ cười hồn nhiên của của chị em Tít, Bin. Nàng luôn nỗ lực hoàn thành vai trò của một người con dâu đạo hiếu, một người vợ đảm ngoan, một công chức mẫn cán… Nghĩa là…trong mắt mọi người, nàng khá hoàn hảo. Thậm chí, có không ít đàn ông vẫn tìm những lí do này nọ để được chia sẻ với nỗi bất hạnh của nàng. Nàng thường nhận được tin nhắn kiểu như: Hôm nay, anh nhìn thấy giọt nước mắt trên khuôn mặt của em!; Em sống có hạnh phúc không? Nếu không ngại, hãy cho anh một cuộc hẹn; Có người lấy đi của em một khoảng trời nhưng anh sẽ mang lại cho em một bầu trời… Bởi thế, mọi người đều nhận thấy, lí do khiến cho cuộc hôn nhân của gia đình nàng ở trong tình trạng “gãy” là vì gã đàn ông trăng hoa, thô bạo và “ăn tạp” kia. Gã ta thật sự tầm thường trong ánh nhìn của những người tử tế. Cười cười nói nói nhưng phía sau những cái bắt tay xã giao người ta thật sự muốn lên án hành động của gã. Vậy mà, với nàng, vẫn le lói niềm hi vọng mơ hồ về một ngày gã ta rã rời sau những cuộc chơi ven đường tìm về với gia đình. Nàng vẫn sẽ ở đó, sẵn sàng mở rộng vòng tay… và thứ tha. Bởi nàng yêu gã! Và hơn nữa, nàng tuyệt nhiên không muốn các con của mình rơi vào nghịch cảnh và phải sống trong con mắt lệch và sự gọt tỉa của người đời. Thà rằng, một mình nàng tự chèo chống với những trận bão liên tục ghé qua ngôi nhà nhỏ của mình nhưng nhất định không từ bỏ hôn nhân. Nàng luôn giữ cho mình nếp nghĩ của người Á Đông cổ điển nên phải tự ép mình buộc phải chịu đựng những thiệt thòi, buộc mình phải sống vị tha. Trong mọi cuộc hôn nhân, duy trì hạnh phúc không phải một người oằn mình rồi gồng lên thật mạnh là có thể gánh được phần cho người còn lại. Nàng đã gắng gượng hết sức nhưng gã đàn ông kia hầu đã miễn dịch hoàn toàn với khái niệm chung tình từ rất lâu rồi. Tuy vậy, suy tính hơn thiệt cho con thì Hạ vẫn thấy, cứ để “Gãy” như vậy, dẫu sao vẫn tốt hơn là khiến cho nó “Đứt” hẳn. Đó là những lí do khiến Hạ luôn sống quằn quại trong một vỏ bọc hôn nhân tưởng như bình lặng.

Đông cũng giống Hạ, xinh đẹp, giỏi giang nhưng chỉ có một bé con 15 tuổi đẹp rạng rỡ như các loài hoa. Lí do chồng Đông ngoại tình hình như có vẻ dễ lí giải hơn… Sau những tổn thương, đau đớn đã gây ra cho Đông, anh ta, gia đình anh ta vẫn tìm cách ngụy biện rằng: Việc anh ta có một đứa con riêng ở bên ngoài dẫu là điều sai trái nhưng dầu sao vẫn nên được rộng lượng. Anh ta không muốn mất gia đình, nếu buộc phải chọn thì anh ta chọn gia đình có sự hiện hữu của Đông. Khi một người đàn ông ra ăn phở bên ngoài nhưng cuối cùng đã tự nguyện trở về với sự hối lỗi rồi tìm cách bù đắp về tinh thần, vật chất và thái độ quyết tâm giải quyết rạch ròi mọi việc, Đông vì thế đã cay đắng chấp nhận rộng lượng tha thứ. Người ngoài cuộc không thể tin nổi việc Đông có thể đứng dậy, mạnh mẽ bước đi sau những cơn chấn động dữ dội của trái tim đã bị xát muối, vỡ vụn và bật máu… Nhưng Đông thì hiểu rất rõ lí do vì sao nàng đã chấp nhận với sự lựa chọn của mình. Từ trong sâu thẳm, Đông vẫn yêu chồng, yêu đến da diết, yêu trong thù hận. Người đàn ông đó là mối tình đầu của nàng, đã cùng nàng đi qua những tháng ngày rực rỡ nhất của tuổi thanh xuân. Kể cả hiện tại, nếu như màn kịch ngoại tình của anh ta không bị lật tẩy thì Đông vẫn luôn kiêu hãnh với mọi người về những cuộc hẹn của hai người trước đám đông, những cái ôm ngọt ngào khi họ đi trên đường phố, về những tin nhắn, những cuộc điện thoại, những món quà giá trị và thái độ sống yêu chiều vợ con… Chỉ đến khi vỡ trận, Đông mới hiểu ra rằng lâu nay, những mặn nồng mà nàng đang thưởng thức mỗi ngày là những thứ đường mật giả tạo, chồng nàng đã khéo léo dùng để che lấp những tội lỗi mà anh ta đang giăng mắc ra ở bên ngoài kia. Đông không thể sinh thêm con mà gia đình nhà chồng thì vẫn chưa có người nối dõi. Dù tư tưởng xã hội có tân tiến đến cỡ nào thì thẳm sâu trong tâm can các cụ, trong lòng những gã đàn ông bảo thủ việc có một đứa con trai là điều cần đặt ra thành một mục tiêu quan trọng của cuộc đời họ. Với Đông, đó cũng là nỗi canh cánh trong lòng khi nàng chưa trọn đạo làm dâu theo motip cổ điển lẫn hiện đại ở vùng tỉnh lẻ này. Thi thoảng, nàng vẫn đủ nhạy cảm để hình dung ra một kịch bản nào đó mà nàng nhất định sẽ là người chịu thiệt thòi, phải làm người ra đi… khi tình yêu của chồng không còn đủ lớn… Bởi vậy, khi bi kịch đến như dự cảm dù phũ phàng tan nát cõi lòng nhưng nàng vẫn tỉnh táo nén chịu một mình. Cắn răng đến bật cả máu môi nhưng Đông không hé nửa lời với ai, bao nhiêu nước mắt, uất hận, đớn đau…nàng không muốn cho cha mẹ, anh em, con cái phải chịu đựng…Người ngoài… dù có tâm sự cũng chỉ xoa dịu được cơn đau khi yếu lòng, sau đó những cơn bão lòng sẽ tiếp tục nghiền nát trái tim nàng… Nghĩ được như vậy nên nàng đã tự đứng dậy sau khi cân nhắc về cái Được Mất nếu buộc phải li hôn. Đức hạnh và tình yêu dành cho gia đình đã khiến nàng chấp nhận tất cả sự thiệt thòi. Đông nói rõ quan điểm với chồng khiến anh ta vô cùng nhục nhã thừa nhận hết mọi tội lỗi và quỳ khóc trước mặt nàng, hứa sẽ dành cả phần đời còn lại để bù đắp cho những tổn thương mà anh ta đã gây ra cho Đông và các con. Anh ta hứa sẽ tự thu xếp ổn thỏa mối quan hệ bên ngoài nhưng cầu xin Đông cho phép không ngoảnh mặt làm ngơ trước sự tồn tại của đứa trẻ vô tội kia. Còn người  người phụ nữ kia anh ta hứa chỉ dừng lại trong phạm vi là mẹ của đứa trẻ mà thôi. Trong đau đớn tột cùng của một người đàn bà rất mực yêu chồng nhưng bị chồng trắng trợn phụ bạc, Đông vẫn tìm ra những lí do để từ chối một cuộc li hôn mà dư luận cho rằng không thể không diễn ra. Được gì và mất gì khi trái tim nàng vẫn không thôi yêu anh ta? Nếu li hôn, nghĩa là con gái của Đông sẽ có một lí lịch không bình yên, sẽ chỉ còn một nửa bố, một nửa căn nhà, một nửa ông bà và mất hết những bình yên của tuổi thần tiên. Đông không cho phép mình được tước đi quyền được hạnh phúc của đứa con rứt ruột sinh ra và có thể dành cả tính mạng để bảo vệ nó.

Trong suy nghĩ của một số người, hành động của Đông thật là điên rồ. Họ cho rằng: chẳng có một người phụ nữ nào chấp nhận chuyện đó một cách bình thản như không có chuyện gì theo cách mà Đông đang thể hiện. Nếu là họ, khi rơi vào thảm cảnh như Đông hoặc là họ sẽ héo mòn ủ rũ tuyệt vọng hoặc là họ sẽ tuyên bố xé nát cái tờ giấy đăng kí kết hôn kia để bắt đầu một cuộc sống mới. Chỉ có Đông mới lí giải được vì sao nàng làm vậy! Vì nàng vẫn cảm nhận được một phần tình yêu trong con người bội bạc kia. Anh ta có thể không chung thủy nhưng không có nghĩa là anh ta không yêu nàng, thương nàng, chính nàng cảm nhận được rất rõ điều ấy. Và nàng tin rằng trái tim mình cảm nhận không sai. Vậy nên, nàng đã cho mình một giải pháp để chấp nhận thỏa hiệp với chính mình. Đàn bà dù mạnh mẽ, xinh đẹp đến đâu thì rốt cuộc vẫn rất cần một người đàn ông bên cạnh khi trái gió trở trời. Vẫn cần một người để nàng thấy mình không cần phải gồng lên chứng minh với cuộc đời rằng: Tôi có thể giữ trọn cả hai vai cùng một lúc. Và nếu như li hôn với chồng, nghĩa là nàng đang tự hiến tặng hạnh gia đình của mình cho một người đàn bà bất hạnh khác. Nàng thấy mình không đủ cao thượng để hi sinh cho người đàn bà xa lạ ấy một gã đàn ông mà nàng đã yêu tha thiết từ những ngày thanh xuân rạo rực nhất cho đến tận bây giờ. Và nàng cũng cho rằng, giả sử khi ta bất hạnh, ta cô đơn và ta cần một bờ vai của đàn ông thì việc ta mượn một ai đó cũng có nghĩa là ta đang phá hạnh phúc của một người phụ nữ khác. Và những gì ta có được từ những cuộc yêu đương chắp vá, đánh cắp, vụng trộm của người khác đều sẽ không có hậu. Thôi thì, cứ coi như chấp nhận hi sinh cái này để được những cái lớn lao hơn.

Mẹ chồng của Đông khi biết Đông chấp nhận ứng xử như vậy đã thể hiện sự biết ơn và cảm phục cô con dâu đức hạnh bằng thái độ hết sức chân thành. Chính Đông cảm nhận được điều đó, Đông vẫn tin vào trực giác của mình… Sau những cuộc tự giải phẫu tâm lí, trái tim Đông tạm thời chấp nhận nhịp đập bình yên, khoảng trời bình yên của nàng là cảm giác an toàn của hai con và những sự bù đắp của chồng. Nàng đã làm một phép thử: Giả sử khi nàng đang rất căm thù anh ta mà anh ta lại đột ngột chết đi thì nàng có tiếc thương và đau đớn không? Rồi nàng thấy nàng đang ở trong trạng thái đau đớn của một người mất đi người mình vô cùng yêu thương. Vậy là, tận cùng của nỗi bất hạnh nàng vẫn không thể từ bỏ được người đàn ông ấy. Dù không trọn vẹn nhưng Đông vẫn cố bình thản sống…

Câu chuyện về sự phá lệ của Hạ khiến Đông thực sự rất sốc. Đông hiểu nỗi bất hạnh đang dày xéo Hạ hàng ngày, hiểu được sự tuyệt vọng mà người bạn thân nhất của nàng đang trải qua. Nhưng Đông không muốn sống trong tình trạng rối như bòng bong của Hạ. Theo Đông, nếu đã thứ tha, chấp nhận thiệt thòi để có hậu cho con thì dẫu sao người đàn ông vẫn có động lực để sửa sai. Nếu đã không chấp nhận nhau, theo Đông cần lựa chọn giải pháp rời đi khỏi cuộc hôn nhân cay đắng ấy. Thà đau một lần còn hơn phải đau cả một đời. Đông cho rằng: đàn bà rộng lượng hoặc đàn bà li hôn cũng mang nỗi khổ giống nhau và hãy đứng dậy mạnh mẽ hơn từ trong đau khổ của mình. Sống ngẩng cao đầu thì ngại ngần gì những âm thanh nhỏ to của thiên hạ hiếu kì, miễn sao bản thân cảm  thấy nhẹ lòng hơn là được. Sự lựa chọn của Đông dẫu vẫn không kết thúc được những đau đớn của nàng nhưng dù sao nàng cũng đã chế ngự được với cảm xúc của bản thân, an bài với cái gọi là “nhân vô thập toàn”.

– Tao không đồng ý mày ngoại tình với… thằng ấy! Để làm gì hả Hạ? Để bản thân được bù đắp những trống trải? Để trả thù? Hay để tìm một cái dây leo vững chắc hơn cho con đường công danh? – Đông gay gắt nhìn thẳng vào mặt Hạ.

Hạ khóc! Khuôn mặt đẫm lệ u buồn có phần hốt hoảng của kẻ mất phương hướng của Hạ khiến Đông thêm xót xa. Hạ đã nghĩ rằng, để bớt đi cảm giác mệt mỏi, bế tắc, cô đơn, tuyệt vọng… thì nàng đồng ý đến với anh ta. Với Hạ, đó là tình yêu thương thật lòng bởi anh ta cũng đang ở trong một trạng thái cạn kiệt, mệt mỏi của một cuộc hôn nhân không còn tình yêu. Hạ vốn dĩ không phải là người dễ dãi trong tình cảm nên khi ở bên anh ấy, Hạ cảm thấy đời mình vơi bớt khổ đau, bất hạnh. Hạ tin rằng đó là tiếng nói chân thật và tỉnh táo từ con tim đã tan nát của mình. Nhưng nghĩ đến hai đứa con, Hạ lại thấy mình là kẻ tội đồ. Giả sử, chúng nó biết mẹ cũng giống bố thì chúng nó còn biết tin vào ai? Hạ còn nhớ rất rõ phản ứng gay gắt của bé Miu khi phát hiện ra cái tin nhắn léng phéng với bồ nhí của bố nó mấy năm về trước.

Không chịu được nữa thì hãy li hôn quách đi cho nhẹ lòng Hạ ơi! Thà như thế con mày sẽ không oán trách… – Đông dứt khoát khuyên Hạ.

Hạ nấc lên nghẹn ngào, khuôn mặt của người đàn bà đã từng có một thời hạnh phúc bỗng nhiên nay nhàu nát trong khổ đau, bất hạnh. Bao nhiêu tổn thương đã chồng chất trong tim, vậy mà chẳng hiểu vì sao, nàng không thể tìm được cho mình một lối thoát.

– Tao không đủ mạnh mẽ để ly hôn và cũng không đủ kiên cường để tha thứ cam chịu được như mày rồi Đông ơi!

– Vậy mày có nghĩ anh ta sẽ bỏ vợ, bỏ con để lấy mày không? Hay với anh ta, mày cũng chỉ là một thứ gia vị trong chuỗi thực đơn của những kẻ đa tình bạc bẽo đang cô đơn đấy thôi Hạ ạ!

– Cà phê đắng quá chị ơi! Cho em thêm chút sữa… Hạ gọi chị phục vụ.

– Vẫn đắng quá!

Ly cà phê chan hòa trong nước mắt. Có lẽ cho bao nhiêu sữa đi nữa thì ly cà phê vẫn không thể ngọt thêm như nỗi đau đớn, đắng cay, bất hạnh đã chan hòa trong ly nước cuộc đời của hai người bạn tri kỉ ấy. Phải chăng, câu chuyện bi kịch cuộc đời của hai người đàn bà ấy đã khiến cho ly cà phê trong quán Gió nghẹn đắng những nỗi niềm trắc ẩn.

Quán Gió hôm nay bỗng nhiên ngột ngạt, khô không khốc… Ngoài trời, mưa nghẹn ngào rơi!

PHAN HỒNG CẨM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *