Truyện ngắn Tạ Ngọc Điệp: Chuyện ở phố huyện

Khi tôi viết truyện ngắn này thì tôi đã rời thị trấn được bốn năm, tám tháng, hai mốt ngày.

 Tôi rảnh mà, chẳng có gì để làm bèn đếm ngày cho hết

Tôi mê thị trấn Bung…

Học xong đại học cứ tưởng cầm cái bằng giỏi thì sẽ là nhân tài, sẽ là nguyên khí quốc gia rồi đây. Ai ngờ đất chật người đông, cơ quan nào cũng đủ cả số lẫn tài, người giỏi đâu mà lắm thế không biết. Thế là thôi, chỗ dăm trăm chỗ xa xa thì họ nói vài chục triệu. U tôi gắt. “Về làm công nhân. Tivi nói hàng chục nhà máy của ép đê I (FDI) mở ra, tha hồ việc. Tiền lãi u vay của ngân hàng chính sách đã trả xong đâu. Con tốt nghiệp phải lo nốt phần ấy, hình như tất thảy là ba sáu triệu”. Làm tăng ca đủ ba sáu triệu với ba trăm ngày không mặt trời, đứng máy rã rời chân. Kinh tế thị trường thặng dư với tư sản mại bản trong môn kinh tế chính trị tuyệt nhiên không thể áp dụng gì nữa ở nhà máy này. Chỉ tập trung vào dập cúc áo vậy mà tôi cũng trả hết nợ vay kiếm chữ ở quãng thanh xuân. Thật là một thanh xuân đáng nhớ.

Thằng Huy học cùng lớp đại học khoe, “Tây Nguyên đất rộng người thưa, người Dân tộc thiểu số đông nhưng họ bỏ học sớm, cán bộ chẳng ai thèm làm vì đất rẫy bao la. Xin việc nói dễ là dễ. Mày bằng ưu mà, vào đây, tao nhờ ông chú trong họ xin cho một suất. Tụi mình rồi sẽ là chủ tịch xã, trưởng phòng văn hóa thông tin huyện cả lũ mà coi”. Thằng Huy nó tấu hài hay lắm mà chém gió cũng giỏi. Thời đại học, ba đứa hoa khôi các khóa sau đều theo nó lẽo đẽo về phòng trọ. Có đứa lấy chồng rồi còn thương nó, có đứa được đại gia đưa rước rồi vẫn cho nó mượn tiền. Nó bẻm mép. Ngọt lịm, mà tụi con gái cứ nghe lời ngọt là ngơ ngác, quên hết cả lời dặn ngàn vàng của thầy bu. Nó chỉ cười, lần nào chia tay nó cũng nói với chúng tôi, “lỗi tại tao”, bốn năm cuộc tình của thời sinh viên mà tôi biết thì phần lớn là lỗi do nó, nó nói vậy. Hân, Thúy, Vy, đứa nào cũng tốt. Ngoài chân dài, mặt đẹp, trang điểm thì tụi nó còn học giỏi, có điểm gì mà chê, chỉ là đều yêu Huy, mê chàng lãng tử học lớp cử nhân tài năng rớt xuống đại trà, vừa hát hay lại đàn giỏi lại còn học các món trà kinh, đối ẩm.

Nhà văn trẻ Tạ Ngọc Điệp ở Gia Lai

Nó vào làm cơ quan thuế của tỉnh. Nó nói, cơ quan nào mà chả cần đàn hát văn nghệ, cơ quan cũng phải có người giải trí chứ. Hàng năm cứ thi sáng tác với văn nghệ, nó chắc chắn có giải rồi từ đó làm bằng khen, chiến sĩ thi đua rồi lại đề bạt. Nói chuyện lòng vòng về nó mà quên nói về tôi. Nó gửi tôi lên huyện biên giới đầy nắng lập nghiệp. Tôi nộp hồ sơ về phòng văn hóa và sau bận xét biên chế thì tôi đạt, dù hộ khẩu chưa đủ thời gian nhưng những năm tháng mài đít quần trên giảng đường với điểm tám trong bảng điểm bằng tốt nghiệp đã cứu tôi. Gọi điện cho mẹ khi nhận tháng lương đầu tiên với số tiền triệu hai. Tôi phải nói mau, thật mau để trả điện thoại cho Huy. Nó có con điện thoại “chiếc lá nhỏ” xịn đét, dân thuế mới có chứ công chức hạng xàng như tôi thì chịu.

Tôi yêu Loan, cô gái nhỏ nhắn, giọng nói lảnh lót như chim vành khuyên, Loan sinh ra không để làm phát thanh viên. Ông chú làm trưởng đài huyện, tuyển Loan về để làm bật tắt đài mỗi sớm, buổi nữa ông cho cháu gái đi giao báo. Chú trong họ nuôi nấng Loan. Họ tốn cơm cho đứa cháu gái mới lớn nhưng bù lại một buổi Loan ra rẫy với người làm công. Loan nấu cơm quét nhà rửa bát, dẫu sao cũng sướng hơn ở quê mang ủng tận bẹn, mùa rét thò tay xuống bùn, vục mặt xuống mà cấy hai vụ. Mùa nhàn hơn trồng màu ven sông. Đám con gái lớn lên không lấy chồng đẻ con thì cũng vào công nhân. Tết đầu tiên về quê Loan mượn ông chú năm trăm nghìn về xe, ông cho thêm hai trăm nữa là bảy, chỉ rón rén mua hộp mứt với gói trà cho bố, còn vào xe, tôi hẹn sang quê thăm Loan nhưng tiền xe sắp hết. Tôi nói dối bận.

Loan cũng thương tôi. Tôi cũng được chú Loan tin tưởng cho mượn chiếc xe máy để đi làm rẫy. Những ngày cuối tuần tôi chở Loan đi trên con xe cà tàng nổ bịch bịch. Loan tưởng tượng rằng “sau này mình lấy nhau, mình sẽ có rẫy, vợ chồng con cái cùng phụ nhau. Mô hình vườn ao chuồng tự cung tự cấp. Mình sẽ đẻ hai đứa con giống anh”. Loan thủ thỉ khi ngả đầu vào ngực tôi vừa xoa xoa mấy sợi lông mọc ở ngực. Người Loan còn mùi mồ hôi vướng với mùi xà phòng Camay tắm vội khi trời lạnh ở nhà rẫy sương xuống nhỏ tong toong. Vùng biên giới nắng chan chát và gió ran rát. Ngày nắng, những vùng giáp biên càng nắng hơn. Bấy giờ chưa có đường tuần tra biên giới, dù đã có cột mốc cắm nhưng dân hai bên vẫn đi qua lại với nhau rất dễ dàng, người Jrai ở đây nói, người Jrai nước bạn vẫn hiểu bình thường, họ qua lại trao đổi với nhau, họ đều thật thà, đen và nghèo như nhau.

Trên chiếc giường sắt ở nhà rẫy ấy chúng tôi đã có những buổi hẹn hò đáng nhớ. Phía nhô cao nhất của ngực Loan nhu nhú đỏ như hai quả cà phê ươm ươm chín. Không chỉ chất cafein trong trái cà phê mới là chất kích thích. Mùi hoa cà phê  ở vùng hoang vắng quyện với mùi da thịt con gái thật thơm tho.

Loan lấy Phong. Chú Phong làm chủ tịch huyện. Phong làm kế toán của phòng tài chính. Chú Phong cho Loan đi học lớp kế toán rồi Loan về làm kế toán phòng tôi. Nhất thủ trưởng, nhì kế toán. Kế toán lại là cháu dâu của chủ tịch. Muốn đề xuất chủ trương xin xỏ, chả nhẽ trong bữa giỗ, bữa cơm họ không thống nhất được với nhau. Phòng tôi vì thế được sếp ưu ái dữ lắm. Mặt khác chú Phong mê em Ly Ly cơ quan tôi như điếu đổ. Ông nhìn Ly với ánh mắt si tình. Ly lắc mông khi mặc váy ôm sát. Ly phải hơn hẳn mụ vợ ông làm phòng giáo dục, vừa khó tính lại vừa cậy quyền, mặt bà hiện rõ chữ “ghét” để thiên hạ nhìn vô là thấy mắc dịch, khó ưa. Tôi còn ngủ với Loan thêm hai ba bận nữa, nhưng cơ bản là tôi cũng không còn thấy vui nữa và cũng hết yêu.

Phố huyện đến mùa cà phê nở hoa cũng là mùa khô xao xác. Cây cà phê sau khi hái thì lá tàn rũ đi, nó ươm hoa những nụ chúm chím trắng mơn mởn. Nó được ăn nước khi người ta dí những vòi tưới to như bắp chân vào gốc. Đất đỏ háo nước đã trơ trọi bụi mù 4 tháng nay rồi. Nước tưới đợt đầu nó hút như thuồng luồng trú dưới gốc. Đất sủi bọt lên rồi bồn nước rút mất tăm chỉ còn vài chiếc lá bám dính vào bồn. Cả huyện tưới. Rồi cả sườn đồi cho đến thung lũng bung hoa. Hoa thơm lừng, mê dại. Những đàn ong mật kéo nhau về rù rì rù rì. Hoa kết quả, già đi mà đâu quan tâm đến giá cả, sản lượng.

Cán bộ ở đây mỗi người đều có một hai hecta cà phê lận lưng. Mua, khai hoang, xin làm cho nông trường. Mỗi người một kiểu nhưng tựu trung lại là cải thiện. Lương cán bộ công chức thì tiêu qua ngày. Phân bón ký ở đại lý, cuối năm hái cà thì trả. Công chức lương không đủ sống như té ra cũng cao. Vì có người sáng tám giờ đến cơ quan vì từ sáng đến tầm đó ra vườn cắt cành hoặc tranh thủ tưới vài chục gốc. Người thì về từ bốn giờ chiều để tranh thủ tỉa cành bón phân cho kịp vụ tưới. Vườn của nông dân chuyên nghiệp hay công chức chịu khó thì cũng giống nhau cả. Được mùa, được giá là nhà lầu xe máy mọc lên ầm ầm.

Loan không chịu lấy tôi cũng phải vì mãi bốn năm lông bông hết ăn nhậu lại lang thang cùng bạn bè, bạn bè nể, nhưng đất rẫy thì không. Được đồng nào xào đồng đó.

Vài vụ vỡ nợ cà phê. Vài phen vận đổi sao dời. Bạn bè cứ đùm đề vợ con còn tôi đã đầu ba mà vẫn trên răng dưới dép. Tiền tiết kiệm, rẫy nương đều không, chỉ lận lưng hai mối tình. Tôi yêu cả hai. Mỗi em đẹp một nét riêng. Em thì phồn thực đẫy đà, em thì cá tính hoang dại. Nhưng chúng chọn lấy và tái tạo giống nòi cho đứa khác. Bốn năm sau gặp lại chúng nói,chúng yêu tôi thật lòng, chỉ là cái cách của tôi làm cho chúng thiếu an toàn, chúng cần bờ vai vững chắc hơn. Tôi vỗ vỗ vào vai mình. Vai tôi chắc mà, xương chưa hề gãy. Trong tiệc liên hoan tất niên cuối năm, vờ đi qua chúng, tôi bóp mông. Chúng lắc lại. Tôi mà đẩy đưa chắc chúng lại đi với tôi lần nữa. Nhưng thôi. Tôi chán đến cả đàn bà.

Có lần tôi nghe họ nói về em Loan của tôi, nhà có hẳn ba cái, tám hecta cà phê, chồng làm chức tước thế mà ra chợ cầm bó rau đặt lên nhấc xuống trả từ năm nghìn xuống bốn nghìn rưỡi mới chịu. Tôi nghe thế nhưng nghĩ, đàn bà ai chả thế, ai chả tính toán se sua…Tôi chẳng để tâm. Tôi chán để cả phụ nữ.

Phố huyện mấy năm được giá cà phê nhà cao trông thấy, những căn nhà màu trắng ở giữa bạt ngàn cà phê mới đẹp làm sao. Những nông dân triệu phú, những nhà giàu điển hình tiên tiến, những cuộc di cư tự do từ xứ khác về. Họ trồng, phun thuốc, kích thích cho cà phê ra trái nhanh hơn nhưng cũng từ đó cà phê mất giá dữ. Xuất không ai mua. Họ còn độn cả trái xanh trái chín, ép cà phê chín sớm, bỏ chất bảo quản. Hàng chục công tai nơ bị xuất trả về. Cà phê mới là xao xác cà phê, lúc này nó đúng là chất gây mất ngủ thứ thiệt, nhiều nhà không uống mà mắt cứ trơ trơ. Nhiều nhà lại bỏ qua trồng tiêu. Tiêu được giá. Trồng được dăm năm. Dây tiêu đắt như tôm tươi, triệu phú xuất hiện thì tiêu lạ đất, bệnh lạ chết hàng loạt. Người dân bối rối, nhà khoa học đau đầu hội thảo. Nhưng người ta không chịu học, không chịu tin. Ông Sơn nhà ở cách đó sáu mươi cây số. Trồng tiêu, chẳng chăm bón gì, không làm cỏ luôn thế mà tiêu ông cứ chín từng lùm như đống rơm, chuôi tiêu dài cả gang tay đỏ mọng. Ông nói, “cây cối đất đai quyện vào nhau, nó tự nhiên mà sống, con người đừng thô bạo quá, cứ lặng im mà nghe đất thở, cây nói, rồi cây sẽ cho quả đền đáp công lao trông chờ của người”…

Người nông dân gắn với đất. Cán bộ hội nông dân có đủ bằng, đủ cấp nhưng họ cứ lo thi tiếng hát nhà nông với lại kết nạp hội viên hay làm đối tác vay vốn tổ trưởng vay vốn của ngân hàng. Còn sống chết nông dân, đất đai cấu tượng ra sao họ ít để ý. Mà thử nghĩ mà xem. Như tôi, học văn hóa ra, mà cuối cùng trở thành một đứa sống càng ngày càng thấp văn hóa đi. Nghĩ chán quá, tôi nộp đơn thôi việc.

Cán bộ cứ lớp lớp trùng trùng, ngày càng đông nhưng đời sống người dân cũng không khá hơn mấy. Nông dân phố huyện vẫn nghèo, cả huyện chỉ có độ mười người giàu từ cho vay, tích trữ vốn. Vui thì nó thu mua, buồn nó tuyên bố phá sản. Phố lại nhao nhác tan tác như tổ chim vỡ. Mọi mối liên kết nó cứ rời rạc. Ai giàu ai nghèo cũng không ai trăn trở. Tôi nhiều khi nghĩ chỉ làm kiếm lương ăn qua ngày nhưng cũng chán, tôi thấy mình thấp đi nhiều lắm…

Thằng Huy gọi cho tôi, nó giờ là trưởng phòng tổ chức của cục thuế tỉnh, to lắm, nó đĩnh đạc dạy chính trị với nghị quyết. Nó động viên tôi rồi dúi cho tôi triệu bạc. Nó khen những bài viết gần đây về nông dân của tôi trên facebook có hồn. Nó thì theo nghiệp chính trị chẳng còn viết lách gì nữa. Khoa tán gái ngày xưa hết phát huy được vì nó phải giữ mình cho sự nghiệp thăng tiến. Nó nói, “hay mày về tập viết truyện thơ, đăng ký kết nạp vào hội văn nghệ có mấy cụ về hưu hay sinh hoạt biết đâu có cơ hội nổi tiếng”. Tôi cười phì. “Người ta làm gì cũng phải có đam mê, lý tưởng, còn tao cứ hú họa lang bạt, như một thằng điên không kém không hơn, viết liệu có ai đọc, mà đọc rồi lỡ dại sinh hư đổ đốn như tao ư”. Hai thằng tôi khùng khục cười…

Nó nói tôi, “thực tiễn sinh động, mày phản ánh đi, cứ chọn cho một bút danh cho kiêu như Giang Hồ, Giang Phong, Tiếu Ngạo gì đó cho nó vang, rồi mài quần viết. Mà tội gì nghỉ việc, cứ đút chân gầm bàn, tu luyện, đến ngày thích viết thì viết, lương nhà nước trả chứ ai trả mà có quyền để ý”.

Nghe ông trưởng phòng tổ chức nói xong thì tôi về nghỉ thật.

Kể ra tôi cũng là kẻ dễ bị kích động, khi ấy có đứa nào rủ đi hội anti phản động gì đó có khi tôi cũng lung lay.

Tôi về chơi cùng bu một tháng thì báo hết phép. Phép do tôi tự phịa ra. Tôi đến một huyện biên giới khác, xa hơn, xin nhận khoán mấy chục hecta rừng, làm căn chòi nho nhỏ nghe giun dế kêu rỉ rả. Nhìn tấm ảnh trên mạng xã hội lan truyền mà tôi đau xót. Vùng ngã ba biên giới, nơi cha ông mình đã kiên cường ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc, chỗ ngã ba có tiếng gà gáy ba nước nghe ấy nó phân chia ra bằng độ che phủ của rừng. Ở phía chòi tôi, trên googlemap có lẽ không thấy được căn chòi ấy nhưng rõ ràng nó đang là vùng trống hoắc trống hươ. Cây chết vì chất độc hóa học, chết vì hạn hán, chết vì con người ta khai thác ồ ạt… Ngó rừng mà tôi đau, và tôi quyết tâm trồng rừng ở vùng đất ấy.

Kinh nghiệm mấy đợt đi phụ làm rẫy cà phê cho chú Loan cũng giúp tôi phần nào. Tôi sống gần làng của người dân tộc thiểu số. Tôi học được ở họ sự thuần hậu chân chính. Họ thích nói thích, yêu nói yêu, họ chở tôi ra trạm xá khi sốt, họ dựng tôi bên bếp nhà sàn, đổ lên người tôi thứ nước nóng ran và cay xé lưỡi khi làm lễ cúng cho tôi khỏi Yang bắt. Tôi đã sống bên họ được bốn năm, tiếng đồng bào học bập bõm để có thể xin cơm, xin lửa. Tôi còn thương thầm một em mới học nội trú xong đang nuôi giấc mơ học sư phạm để làm cô giáo. Tôi thấy mắt em trong veo và nụ cười tươi như nắng bazan tháng ba trong vắt.

Tôi chưa lần nào nắm tay em, tôi chưa nói yêu em nhưng gặp em, tôi cứ rạo rực, tôi không thể làm tổn thương người con gái thuần khiết ấy.

Hôm trước, em chìa cho tôi tờ văn nghệ của tỉnh, cuốn mỏng tang có đủ thơ, ca, ký, truyện, nhạc. Em nói, em cũng hay đọc vì nhà trường đặt mua cho thư viện năm cuốn, mỗi tháng một số. Em muốn làm cô giáo dạy văn vì thấy nhiều cô giáo dạy văn cũng viết văn như kể về sự đời. Em nói, cô giáo em viết văn, văn học hướng người ta sống hướng thiện, nhân văn, đề cao giá trị con người, em nghĩ tôi nên đọc, anh từng học văn hóa, có khi viết được.

Tôi đang lo, phần người trong tôi đã lặn từ đâu dưới hình hài của động vật hai chân có vú. Tôi đọc nhiều hơn rồi viết. Tôi thấy tờ báo tỉnh ghi tên em Loan bị kỷ luật vì có góp vốn làm đường cho công ty gì đó để rút ruột, Phong về hưu thì ở hẳn với vợ lẽ và thằng con trai nối dõi. Tôi thấy huyện đã hoàn thành chỉ tiêu nông thôn mới, mấy đám bạn tụ tập cùng tôi ngày xưa giờ cũng có chức tước đủ cả ban bệ. Huyện đã có năm nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu GDP đã tăng trưởng vượt bậc. Tôi tự dưng cũng lại thấy nhớ thị trấn Bung…

Tôi viết rời rạc lắm, truyện đầu tiên tôi viết là chuyện kể về cuộc đời tôi. Tôi cứ thế là viết rồi sửa lỗi chính tả trong năm đêm. Nếu được đăng tôi sẽ mua năm mươi cuốn tạp chí về phát cho bà con trong làng, ai biết chữ là tôi tặng, nhưng tôi đang lo, tạp chí của tỉnh in bao cấp thì liệu họ có dám in thừa năm mươi cuốn không. Tôi đang loay hoay nghĩ tên gì đó thiệt kêu để đặt tên cho bút danh mà người làng đọc không thể nhận ra tôi là nhân vật chính thì H’Men gõ cửa. Tôi tắt phụt máy tính mà chưa hề lưu một chữ nào của câu chuyện ở phố huyện mà tôi vừa thảo.

Tôi nhìn em, nếu được, truyện tiếp theo tôi sẽ viết miêu tả em đẹp như thế nào trong mắt tôi một cô gái trong vắt thuần hậu ở vùng biên viễn…

21.2.2021

TẠ NGỌC ĐIỆP

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *