Truyện ngắn Trần Thu Hằng: Hóa thân

VHSG- Hơn hai chục con người đang chờ đợi. Đèn chiếu sáng, thiêu đốt những ánh mắt xa lạ. Hạnh cũng đang chờ đợi, mặc dù cô không biết mình chờ đợi điều gì. Giây phút im lặng kéo dài. Cả người ngồi trên ghế đẩu cao, đôi mắt sắc đầy vẻ ác độc cũng im lặng. Ông ta như một vị quan toà thời trung cổ đang chuẩn bị cho một cuộc tra khảo kẻ phản đạo. Từ giây phút gặp gỡ đầu tiên đến giờ, vẻ mặt lạnh lùng của ông không hề thay đổi.

Có tiếng động nhỏ cuối phòng. Công tắc điện vừa bấm nhanh. Gió từ bên ngoài thổi vào ào ào làm tung những tấm rèm màu xanh nước biển. Tiếng máy quạt nổi lên át hết những ý nghĩ đang chạy trong đầu. Cô ngước lên. Một gương mặt xa lạ, như ngọn lửa rần rật cháy tiến đến gần cô, gần hơn nữa hơn nữa… Như một bức tượng Hy lạp hiện ra, vẽ trên cơ thể một dục vọng có thật trong căn phòng này. Tiếng máy quạt rít lên. Tấm khăn choàng trên người cô rơi xuống đất.

Nhà văn Trần Thu Hằng

– Chuẩn bị, máy!

Có tiếng hô khô khốc trên đầu cô. Gã đàn ông đặt tay lên vai cô, kéo cô sát vào thân hình to lớn của anh ta. Hạnh muốn khụyu chân xuống, nhưng anh ta giữ cô lại, trên gương mặt đẹp và xa lạ ấy thoáng một nụ cười. Cô không phân biệt được nụ cười ấy với những nụ cười cô gặp ngoài đời. Nhịp tim cô hỗn loạn. Làm sao, làm sao bây giờ?

– Cắt! Này cô làm sao thế?

Cô lập cập choàng chiếc khăn lên.

– Không, em không đóng vai này nữa – Cô nói, giàn giụa nước mắt, cố lùi lại. Nhưng đâu cũng có người.

– Không sao, không sao, cô cảm thấy thế thôi, cô bé ạ. Vứt tấm khăn đi, cô sẽ làm được tất cả…

– Nhưng, nhưng… – Cô yếu ớt ghì lại tấm khăn. Nhưng có một bàn tay nhanh chóng tháo bỏ nó. Máy lại xè xè làm gai hết cột sống, gió thổi tung đầu tóc cô. Người đàn ông kia mạnh dạn và sành sỏi ôm lấy cô, ngay khi tâm trạng cô chưa được chuẩn bị, rồi vuốt ve cô gái từ phía sau lưng và bế bổng cô lên…

– Cắt! Tuyệt vời! – Lời đạo diễn nghe như tiếng thở dài. Rồi ông tụt xuống đất, đến gần tổ quay phim, gỡ giấy xoàn xoạt, chỉ trỏ, trầm ngâm… để mặc hai diễn viên ngơ ngác rời nhau ra. Phòng quay ồn lên. Mọi người cười nói, cao giọng khen ngợi đoạn diễn vừa rồi. Không ít kẻ nhìn về phía Hạnh.

– Thôi được! – Cuối cùng tiếng nói đạo diễn vang lên bên tai cô. – Hôm nay làm việc như vậy là đủ rồi, cô bé nhé!

– Dạ…

Mọi người chuẩn bị ra về. Riêng Hạnh, cô không biết phải làm gì, vì đạo diễn bước theo cô, nét mặt chẳng hề đổi. Ông hỏi: “Cô không sao chứ?” rồi nói: “Cô sẽ đóng rất tốt”, rồi lại hỏi: “Cô làm nghề gì?”. Hạnh chỉ biết dạ. Cô đứng trước phòng thay áo, nơi hành lang mờ mờ tối. Đạo diễn gật đầu: “Thôi, chào cô! Ngày mai chúng ta gặp lại…”

– Đạo diễn, nhưng mà… – Cô bỗng gọi giật giọng.

Ông quay mặt lại.

– Ngày mai lại đóng… cảnh như thế này…?

– Phải.

– Vai diễn của em là như thế sao?

– Phải.- Ông đáp, rồi nói thêm: – Không cần lời nói, không cần gương mặt của cô đâu. Cô đừng lo.

– Nhưng chị Thiên Kim, chị ấy…

– Cô muốn nói đến vai nữ chính ấy à? Đây là một vai hay chưa từng có trong phim của tôi, nói về vẻ đẹp hoàn bị của người phụ nữ. Cô hiểu đấy, đẹp từ trong ra ngoài (Ông so vai để nhấn mạnh thêm). Nhưng Thiên Kim từ chối đóng “nuy”. Đây cũng là lần đầu tiên cô ấy từ chối tôi. Thôi, tạm biệt!

Đạo diễn Quốc Chính nói, rồi lẹ làng đi về cuối hành lang. Hạnh nghe cánh cửa sập lại. Khi cô bước ra, vai nam chính đóng chung với cô đang đợi ở cổng.

– Em tên gì?

Hạnh vẫn nín lặng trước giọng nói ngọt ngào ấy. Trong đôi mắt của anh ta, cô nhìn thấy mình là một hình ảnh mới lạ, một miếng mồi ngon. Đạo diễn nghiêm khắc ghê gớm, trong phòng quay ông không bao giờ cho phép xen những câu hỏi đó. Ông và những người phụ việc không hề quan tâm đến mối quan hệ nguy hiểm anh ta muốn tạo ra. Những cảnh diễn trước bộ máy khổng lồ kia vắt cạn sức lực và tinh thần cô gái. Nhưng cô cảm thấy thật sự không đáng sợ bằng việc mỗi chiều, anh ta chờ cô ở cổng phim trường và hỏi: “Em tên gì? Làm sao mà em đẹp thế?”

Hạnh một mực im lặng. Cô nhìn đường phố đông vui tràn ngập nguời qua lại. Những gương mặt xa lạ. Cô sắp trôi vào nơi ấy, không ai biết cô là ai.

– Chẳng lẽ em không có tên hay sao?

– Vâng, tôi không có tên.

Nói rồi, cô vội vã đeo túi lên vai, bước đi thật nhanh. Cô không thể nói gì với người đàn ông này… Thậm chí cả đạo diễn cũng không hề biết tên cô. Ông ta cũng gặp cô trong một buổi chiều như thế này, khi cô đi bộ từ trường về phòng trọ. Ông đuổi theo cô, lễ độ xin lỗi cô và mời cô vào công việc.

– Chỉ có cô mới có thể giúp tôi, một công việc hết sức hệ trọng.

– Em có thể giúp được gì cho ông? Em không có gì hết.

– Tôi là đạo diễn. Tôi làm nghệ thuật. Trong công việc này, không có ai có thể thay thế được vẻ đẹp của cô.

Ông giải thích cho Hạnh ông đã tìm kiếm hàng tháng trời mà không tìm được ai có những nét đẹp trời cho như ở cô. Ngay cả nữ diễn viên chính đã đóng xong bộ phim lớn củaông, cũng không thể có được điều ông đang tìm. Trong khi nói, ông không hề mỉm cười. Trán nhăn lại, đôi mắt hằn lên những vết cắt sâu. Nhận tấm danh thiếp của ông, cô nói:

– Em nhận lời. Nhưng với một điều kiện: Không ai được biết về danh tính của em. Em cũng không làm bất cứ điều gì khác với kịch bản của ông…

Dĩ nhiên là Quốc Chính chấp nhận. Tất cả các nhân viên đều được khuyến cáo, chỉ thực hiện đúng phận sự của mình trước mặt cô. Chỉ cần mười lăm hai mươi ngày, các cảnh phim sẽ hoàn thành. Cô sẽ có tiền trang trải những món nợ nần, và làm được điều cô muốn.

***

– Em làm gì mà anh không thể gặp?

Tiếng hỏi cắt ngang dòng suy nghĩ. Hạnh nhận ra mình đã về đến nhà. Ngay ở cầu thang của chung cư. Trung đứng chờ với vẻ nóng nảy.

– Em bận học.

Hai người lên tầng thứ nhất:

– Em không có mặt ở trường, cũng không có mặt ở thư viện…

– Em không học ở đó.

– Thế em đi đâu?

Tầng thứ hai:

– Em có bận gì thì nói. Chẳng lẽ anh không giúp đỡ được gì cho em sao?

– Không có gì đâu, anh Trung.

Tầng thứ ba:

– Em không tin anh sao? Mọi việc anh nói là anh sẽ làm. Có lúc anh làm em khó chịu nhưng thực tình là anh không muốn như vậy. Anh không thể làm khác được.

– Có chuyện gì thế? Em có nói gì anh đâu!

Tầng thứ tư:

– Nhưng em phải nói cho anh biết, em đang làm gì. Anh rất lo cho em. Một tuần qua anh đi tìm em mà không gặp, em có biết không? Anh còn làm thơ cho em nữa…

– Em biết rồi.

– “Em kiều diễm kiêu sa như bướm trắng

Ta xác xơ như cỏ dại bên đường

Ta đợi chờ em giữa nỗi yêu thương…”

Tầng thứ năm:

– Thôi im đi. Em làm gì, em đi với ai? Em biến mất như thế đó hả? Em biết là buổi tối tôi phải đi học rồi trực ở cơ quan mà…

– Em xin lỗi anh, nhưng em không nói được. Anh hãy tin em, em không làm gì xấu cả.

– Không làm gì xấu sao?

Tầng thứ sáu:

– Không làm gì xấu, nhưng tại sao em không nói được với tôi? Em khinh tôi quá phải không? Em đã người khác rồi phải không?

– Không.

– Sao thư tôi viết cô không thèm trả lời, cũng không thèm nhắn lại với bà bánh mì một tiếng? Tôi như thằng ăn mày đứng ở trước cầu thang, thật đáng xấu hổ. Cô phải nhớ là chỉ có một mình tôi mới có thể leo mười một tầng lầu lên thăm cô thôi… Chứ chẳng thằng nào ngu dại…

Tầng thứ tám:

– Anh thôi đi, em đã bảo là em không làm gì cả…

– Được rồi, được rồi. Bây giờ thì cô có thể nói với tôi như thế. Cô vui lắm phải không? Tôi không ngờ…

Dừng lại ở tầng thứ chín:

– anh không được phép xúc phạm em. Em biết việc em làm, biết lời em nói.

– Thôi được, cô đâu còn là Hạnh như ngày xưa nữa. Cô học thói băm vằm vào mặt người khác từ bao giờ vậy? Tôi đã hiểu, chào cô…

Trung quay ngoắt lại, đi như chạy sầm sầm xuống cầu thang. Còn hai tầng lầu nữa.

Hạnh bước vào phòng, bật đèn lên. Tấm gương trên tủ lồ lộ một hình dáng nhỏ bé, mệt mỏi và đau khổ. Cô là gì, cô từ đâu đến đây? “Cái chết khoả thân của người phụ nữ là đỉnh cao của số phận con người. Cô hiểu không? Không thể diễn tả thô thiển được. Một thân hình xấu, một tư thế xấu sẽ làm hỏng hết tất cả, tất cả những gì Thiên Kim… và cô đã làm. Nào, cô hãy bước lên, bứơc lên cao nữa. Nào, hãy tự tin…”

Lời nói đạo diễn văng vẳng bên tai. Cửa đã đóng chặt. Gió thổi ù ù bên tai. Cả thành phố đêm đắm chìm bên dưới. Hạnh tự diễn trước tấm gương soi. Cô lặng lẽ nhìn vào chính mình, và mường tượng thấy cả thế giới đang ở phía sau.

Cả Trung cũng thế… Cô thoáng mỉm cười, nụ cười nhợt nhạt tặng cho mình.

Có tiếng gõ cửa.

Hạnh cuống quýt chạy vào buồng tắm. Cô mặc vội chiếc váy rồi ra mở cửa, giỏ xách vẫn khư khư trong tay. Phụng và Loan đang thở hồng hộc, vừa cười vừa nói. Trông thấy cô cả hai reo lên:

– Ơ, mày làm sao thế Hạnh? Anh Trung có lên tìm mày không? Mày biết không, hôm nay người yêu tao…

***

Mưa. Người đóng cặp với cô lao chiếc mô tô đi, để lại một nụ cười khiêu khích. Hạnh cúi đầu bước đi, mặc cho mưa quất xuống. Đêm đã xuống, từ lúc cô chưa rời xưởng phim, từ lúc cô nằm ngửa trên màn cỏ ướt và trước hồ nước nhân tạo, diễn cái chết của một người phụ nữ có lẽ rất tuyệt vời. Hè phố vắng, mưa nhòe đi những ánh đèn màu, loang đi dưới chân cô. Toàn thân lạnh buốt và ướt đẫm. Hình như cô khóc.

– Này em, hãy ngẩng đầu lên! Có ai đó vuốt mái tóc ướt rũ rượi của cô. Cô ngẩng lên. Đó là đạo diễn Quốc Chính. Ông cũng ướt.

– Ông đi đâu đấy?

– Tôi đi tìm em. Tôi không thể ngồi yên trong xưởng phim, dù chỉ một giây…

– Ông cần gì?

– Tôi muốn biết tên em…

Ông dìu cô về phía một chiếc taxi. Ngồi bên cạnh cô, đôi mắt nồng ấm, thoáng mỏi mệt và đau xót làm dịu đi nỗi buồn trong lòng cô. Trong phòng ngủ cô đơn của ông, ông đã sưởi ấm cho cô bằng vòng tay yêu thương và êm ái. Ông nói: Những gì cô đã làm trên sàn diễn là phi thường, nhưng lúc này mới là kỳ diệu nhất, vì cô hoàn toàn trinh trắng…

– Tên của em là Hạnh…

– Em sẽ là vợ anh nhé!

– Em … không…

– Hãy là của anh. Anh sẽ làm được những điều tuyệt vời nhất từ em…

– Còn chị Thiên Kim…

– Cô ấy từ bỏ anh, từ lâu rồi…

Chỉ trong vòng hai tháng, bộ phim “Người Nữ” của đạo diễn Quốc CHính đoạt huy chương vàng liên hoan phim châu Á. Nữ diễn viên Thiên Kim trở thành nữ diễn viên xuất sắc nhất. Nhưng cô ta đã không có mặt trong liên hoan, cũng không xuất hiện trong cuộc họp báo. Không có một tin tức nào về cô cả. Quốc Chính một mình đứng trên lễ đài, mỉm cười rất tươi và giơ cao biểu tượng vinh quang.

Hạnh đi như chạy vào quảng trường để chúc mừng ông. Người tiếp tân giữ cô lại:

– Cô là ai?

Câu hỏi làm cô chạnh lòng. Cô đã bỏ đi. Những ngày chìm đắm trong thành công ngoài sức tưởng tượng ấy, đạo diễn Quốc Chính đã không chờ cô như lời hẹn.

– Chiều nay anh bay sang Pháp. Anh bận lắm, không thể gặp em được…

Quốc Chính nói qua điện thoại như thế, trong lúc đó, cái tên Thiên Kim tiếp tục tràn ngập trên các áp phích đường đường phố và những bài báo khen ngợi. Hạnh bước xuống đường. Vẫn dòng người đông đúc và xa lạ, đi qua cô như không mảy may biết gì.

Thiên Kim không còn là vầng hào quang chói lọi mà mọi người mong đợi. Người phụ nữ đẹp, gầy gò và cô đơn trên chiếc giường bệnh. Vẻ mặt cô ta sầu muộn giữa mớ tóc xác xơ và đôi mắt mở to như giận dữ nhìn Hạnh.

– Vì sao cô đến đây thăm tôi? Tôi không biết cô.

– Tôi là người đóng thế cho chị.

– Phim “Người nữ” phải không? Cô bao nhiêu tuổi?

– Hai mươi.

– Cô trẻ quá. Lại đẹp nữa. Ông Chính đâu rồi?

– Ông ấy đã sang Pháp…

Thiên Kim mỉm cười. Gương mặt se sắt, trắng bệch ra.

– Cô bé ạ, tôi sẽ chết.

– Vì sao chị lại nghĩ đến cái chết? Chị đang có tất cả mà.

Thiên Kim lắc đầu:

– Tôi đã mắc bệnh ung thư. Tôi nằm đây chờ em đến. Chỉ với em, tôi mới có thể nói về điều này, em sẽ hiểu vì sao… Đây, em xem đi…

Thiên Kim vén áo lên. Thân trên của cô phủ bằng bông trắng xoá. Cô ta đưa tay muốn giật chúng ra nhưng Hạnh kêu “Không!” rồi lao đi như điên dại khỏi bệnh viện.

Thời gian trôi qua… Có một lần, Hạnh ngồi bên cạnh một người đàn ông trong rạp chiếu phim để xem bộ phim “Người nữ”. Cô nhận ra chính mình đang sống, đang thở, đang hạnh phúc khổ đau trong hình hài không có tiếng nói, không có bộ mặt của mình. Xung quanh có những người rơi lệ. Cô quay sang, đặt bàn tay vào bàn tay người đàn ông của mình và nói:

– Anh! Em rất muốn nói với anh một điều. Nhưng hãy hiểu là: Em yêu anh!

TRẦN THU HẰNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *